Home / Bài Viết / Cùng con đến với thiên nhiên…

Cùng con đến với thiên nhiên…

Một thời gian dài theo dõi một bạn nhỏ bị stress vì đi học đã cho tôi một số nhận định thú vị về mỗi liên hệ quan trọng giữa trẻ con và thiên nhiên. Cậu bé khoảng 7 tuổi, rất sợ học, nghe đến “học”, “bài tập” là hoảng loạn, ghét phải cùng làm một việc gì đó với cả nhóm học sinh, dễ lăn ra kêu khóc hoặc hét lên khi đang ngồi học. Thế nhưng, cứ mỗi lần việc học được diễn ra ở môi trường ngoài trời, thiên nhiên, có cây cỏ hoa lá, hành vi của cậu tỏ ra kiềm chế hơn hẳn và ít có cảm xúc tiêu cực như khi ngồi trong 4 bức tường. Rõ ràng, thiên nhiên cho đứa trẻ cảm giác an thần, êm ả, bớt căng thẳng, thậm chí đã giúp cậu bé giải tỏa năng lượng, khiến nó tập trung dễ hơn, kiểm soát được cảm xúc hơn.

Đó là lý do vì sao tôi cho rằng, không phải đợi đến những kỳ nghỉ, bố mẹ hãy nghĩ đến thiên nhiên và các hoạt động ngoài thiên nhiên cùng các thiên thần nhỏ của mình. Đến với thiên nhiên 2 tuần 1 lần, 1 tháng 1 lần, 3 tháng 1 lần… – là lựa chọn của gia đình bạn. Dù ít dù nhiều tùy theo điều kiện sắp xếp thời gian thì việc tiếp xúc với thiên nhiên luôn để lại dấu ấn tích cực đối với cuộc sống của cả gia đình và mỗi thành viên của nó.

Đối với một đứa trẻ, thiên nhiên có vai trò gì?

+ Thiên nhiên – đó là không gian thú vị, đặc biệt: Một góc công viên xanh, một khu rừng ở xa, một khoảnh đất ven hồ, một bãi cỏ rộng ven đô, một bãi sông, một trang trại nhiều cây trái, một góc suối nước chảy róc rách, một con đường núi ngập mây, một khu vườn có hoa có rau có cỏ có những con vật xinh xinh, một cánh đồng lúa, một khoảng sân rộng của viện bảo tàng, một bãi biển đầy nắng, thậm chí chỉ là một con đường làng nhiều rơm rạ rất đơn sơ. Không tiện nghi, có nắng, gió, mưa, không bị giới hạn bởi những bức tường – đó là không gian cần thiết cho trẻ nhỏ thành phố, là một nhu cầu cho sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ. Trên thực tế, hiện nay, ngay cả trẻ con nông thôn cũng chưa chắc được tiếp xúc nhiều với thiên nhiên trong vòng xoáy của quá trình “đô thị hóa”.Trẻ con cũng như những thân cây, cần có không gian để hấp thụ ánh sáng, những gì tinh túy nhất của đất trời mà lớn lên.

+ Thiên nhiên là bác sĩ: Một khoảng không gian rộng lớn đủ cho tầm mắt nhìn xa, màu xanh của cây cối làm dịu mắt – thiên nhiên giúp cho con bạn điều chỉnh thị giác. Cây cối, bầu trời với màu sắc êm dịu của chúng, hoa lá với sắc màu vui vẻ của chúng, những âm thanh của chim chóc, của gió, của côn trùng, của lá xào xạc… – tất cả là thiên nhiên và tất cả đều có ảnh hưởng tích cực đến tâm lý của con người. Vì thế, thiên nhiên là bác sĩ Ai-bô-lít của bạn và con bạn, đặc biệt là khi chúng ta có những áp lực lớn trong cuộc sống: áp lực từ guồng máy học hành, làm việc; áp lực từ mối quan hệ giữa người và người, áp lực từ mạng lưới sóng từ chằng chịt trong không gian. Không phải ngẫu nhiên mà trong việc xử lý quy hoạch không gian sống hiện đại, các chuyên gia cho rằng, không gian cây xanh ở các khu dân cư phải chiếm quá 50% diện tích.

Tháng 11/2012 báo chí đưa tin về kết quả thí nghiệm của các nhà khoa học trường đại học Essex (Anh quốc) trên 1252 tình nguyện viên: họ khẳng định rằng, chỉ cần vài phút ra ngoài thiên nhiên, con người có thể tăng cảm giác tự tin, đánh giá bản thân tốt hơn và tâm trạng ổn định, hưng phấn cũng tăng lên rất nhiều.

Thiên nhiên có những “bảo bối” quan trọng ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe của trẻ: ánh nắng mặt trời, không khí trong lành, các chất khoáng trong nước biển, không khí biển, trong bùn đất..v..v.

+ Thiên nhiên là người thày: Hiện nay trên thế giới càng ngày càng nhiều trường học thực hiện tổ chức học thực địa. Một số môn học được đưa ra bên ngoài nhà trường, trong các chuyến dã ngoại, ở vùng thiên nhiên xinh đẹp. Trẻ tập trung hơn và dễ bộc lộ mình hơn. Ngoài ra, trẻ có thể học được rất nhiều từ thiên nhiên: màu sắc, hình khối, âm thanh, những hoạt động của côn trùng, cảm nhận về nắng, gió, mây và những bài học nho nhỏ của lá cây, rễ cây, mưa… đều rất có ích cho lũ trẻ. Tôi còn nhớ, con trai tôi năm lên 7 được mẹ đưa đến rừng Cúc Phương. Nó đã rất hưng phấn, say sưa tìm, ngắm côn trùng, cây lá. Có lúc thấy cậu ta đứng rất lâu lắng nghe, bảo mẹ: Mẹ có nghe thấy tiếng đập cánh của mấy bạn này không? Nhìn kỹ thì đó là một đàn kiến mối. Chúng đi một đoạn lại dừng lại đập cánh. Phải lắng nghe kỹ mới nhận ra được. Và đấy là một quan sát thú vị, từ đó, cậu bé đặt ra rất nhiều câu hỏi khác. Những hiện tượng trong tực nhiên luôn kích thích sự tò mò tìm hiểu của trẻ.

Trẻ học được các kỹ năng gì cùng thiên nhiên?

1. Quan sát, đặt câu hỏi: thiên nhiên rộng lớn có đầy ắp những “giáo cụ trực quan” phong phú, thú vị để trẻ thực hiện những thao tác tư .Đây cũng là nơi nảy sinh nhiều câu hỏi bất ngờ, cần thiết cho quá trình tìm hiểu thế giới của trẻ.

2. Tưởng tượng, liên tưởng: Ra với thiên nhiên, trẻ được thư giãn, các giác quan hoạt động cao nhất: mắt nhìn, tay sờ các “hiện vật” mà không bị hạn chế, lắng nghe các âm thanh xung quanh, thu nhận các mùi hương từ nhiều nguồn (hoa, lá, đất, bùn, thậm chí mùi mưa, mùi của các con côn trùng phát ra…), đôi khi được cảm nhận thế giới qua vị giác (hoa quả, chút mật ở cuống hoa, vị nhặng nhặng của cỏ.v..v..). Những khung cảnh khác nhau trẻ được đến, được đắm mình vào thiên nhiên sẽ dần cho trẻ những cảm nhận thế giới thông qua một hệ thống cảm giác khó tách bạch, khiến trẻ nhạy cảm hơn với hình ảnh, mùi vị, âm thanh, đôi khi chỉ là thoảng qua. Từ cảm nhận được ghi nhận ấy, trẻ phát triển được trí tưởng tượng và sự liên tưởng về sau – tư duy hình tượng phát triển. Sau này, khi nhắc đến cây, hoa, lá, rừng, … và những từ khóa liên quan đến tự nhiên, trẻ có thể liên tưởng rất nhanh đến hình ảnh, màu sắc, hình khối, mùi vị… liên quan, là cơ sở để trí tưởng tượng hoạt động, vẽ được nhanh không gian, hình ảnh trong đầu khi đọc sách…

3. Tư duy logic: những gì diễn ra ngoài thiên nhiên cho trẻ những liên tưởng logic quan trọng. Ví dụ, những quan sát như: trời nắng nên cây cối cằn cỗi, khi trời mưa, cây cối được uống nước, lại vươn lên. Gió thổi mạnh, mây đen đang kéo đến, kiến mối kiến cánh xuất hiện nhiều, chuồn chuồn bay thấp vội vàng → chắc là trời sắp mưa giông.

4. Ghi nhớ: có thể luyện trí nhớ cùng với các sự vật, hiện tượng ngoài thiên nhiên. Ghi nhớ các loài cây cỏ, ghi nhớ hình dạng côn trùng, nhớ đường đi.v..v

5. Bài học về Mỹ học: Vẻ đẹp (màu sắc, hình khối, cách sắp đặt hình ảnh) của thiên nhiên trao cho trẻ bài học đầu tiên thấm thía vể mỹ học. Khái niệm về cái đẹp, sự hài hòa đến với trẻ bắt đầu từ “người nghệ sĩ” Thiên nhiên. Cảnh mặt trời mọc trên biển, cảnh hoàng hôn với ánh nắng rực lên cuối ngày đọng trên các ngọn cây ở một làng quê, cảnh mưa chiều trắng xóa, cảnh cầu vồng lấp lánh sau mưa, cảnh đàn gà con líu ríu chạy theo chân mẹ, cảnh cò trắng bay rợp một cánh đồng… – trẻ cần được chứng kiến những cảnh ấy. Chúng cho những bài học không lời.

6. Vận động: tất nhiên rồi, bài học vận động là bài học lớn nhất được nhận khi ở ngoài thiên nhiên. Các bạn nhỏ có thể dang tay vung chân, chạy thoải mái, hét hò thật to – những gì bạn không được khuyến khích lắm khi ở trường, ở nhà, ở nơi không gian chật hẹp đông người. Đôi khi bạn có thể học trèo cây, đi qua một cây cầu khỉ, khéo léo đi trên những con đường độc đạo gai góc..v.v. Vận động giúp giảm được stress, giải tỏa năng lượng thu động tích tụ, suy nghĩ tích cực hơn. Các trò chơi ngoài trời tiếp thêm năng lượng mới cho các hoạt động học tập.

7. Các bài học kỹ năng sống: ra ngoài thiên nhiên, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới cuộc đi chơi của bạn: côn trùng đốt, nắng quá, mưa, đói, bị lá ngứa cọ vào, lạc đường, cần nấu ăn, buộc một cái cọc..v.v.. – là cơ hội để học cách vượt qua.

Dựa vào những kỹ năng trên, có thể xây dựng nhiều bài tập, bài học, trò chơi cùng trẻ ngoài thiên nhiên.

+ Thiên nhiên là người bạn: các con vật trong rừng, các loài côn trùng… đều có thể trở thành người bạn trong suy nghĩ của trẻ. Những câu chuyện thú vị về một nhân vật nào đó trong rừng có thể sẽ khiến đứa trẻ quan tâm và tìm mọi cách gần gũi với nhân vật đó, dù là trong tưởng tượng. Đứa trẻ nào cũng cần có cảm giác ấm áp, thân thiện với thiên nhiên. Với thiên nhiên, đứa trẻ có được sự … “bằng vai phải lứa” và những chia sẻ không lời.

+ Thiên nhiên là người kết nối cảm xúc giữa người và người, giữa bố mẹ và con cái, giữa những người bạn: Không phải ngẫu nhiên mà những cuộc nói chuyện giữa thiên nhiên luôn cởi mở và ít có nguy cơ … nổi nóng trong tranh luận hơn là trong bốn bức tường. Các trò chơi gia đình, các hoạt động chung như nướng thịt, tìm đường đến một đích nào đó… luôn tăng cảm xúc đồng đội, sẵn sàng vì nhau, cùng nhau đoàn kết để đạt được mục đích nào đó. Một cuộc đi chơi ngoài thiên nhiên, chăm sóc nhau trong các tình huống hoạt động… cho sự gắn bó, quyến luyến nhiều hơn là một buổi cùng nhau ngồi xem tivi cho dù cùng xem một bộ phim hoạt hình cũng đã là một hoạt động gia đình thú vị.

+ Lên kế hoạch đến với thiên nhiên: Ngay cả khi chưa đến kỳ nghỉ nào cả, cũng thật tốt nếu cả gia đình có thể sắp xếp đến với một “thiên nhiên gần” vào một trong những ngày nghỉ cuối tuần. Lưu ý lên kế hoạch cụ thể về địa điểm sẽ đến, ngày, giờ, trò chơi, đồ ăn mang theo. Quá trình cân nhắc, tìm hiểu thông tin, lập kế hoạch thế này cũng đã là một hoạt động chung của gia đình, gắn kết các thành viên, tạo cảm hứng sống và mục đích hướng tới cho nửa tháng, một tháng hoặc một quý. Đừng bao giờ nói: “Bao giờ…” mà hãy nói: “Ngày mai…” hoặc “tuần thứ 3 của tháng 10”, “Chủ nhật tới….”.

MỘT SỐ TRÒ CHƠI CÙNG THIÊN NHIÊN, GIỮA THIÊN NHIÊN, CHỦ ĐỀ THIÊN NHIÊN

• Bài học về màu: Tìm các màu sắc từ lá cây, hoa, cỏ khô giao nhiệm vụ cho trẻ theo mẫu trò chơi “Kính chào Hoàng Đế!”. Ví dụ: “Hoàng đế cần… 3 xanh 2 đỏ”, trẻ cần đi lấy 3 chiếc lá cỏ màu xanh, 2 cánh hoa đỏ

• Cùng làm một bức tranh thú vị từ những gì thu hoạch được: lá, cỏ khô, hoa dại, sỏi nhỏ…

• Lắng nghe âm thanh của rừng và phân biệt (chẳng hạn, lắng nghe tiếng ve).

• Trò chơi tìm đường cùng la-bàn; câu chuyện la-bàn: sau khi kể câu chuyện phát minh ra là-bàn.

• Trò chơi phân biệt lá của cây gì. Phân biệt lá kim, lá đơn, lá kép…

• Trò chơi cùng quả bóng về chủ đề thiên nhiên, những gì các em nhìn thấy xung quanh lúc đó.• Trò chơi quan sát, nhắm mắt nêu sự vật xung quanh.

• Trò chơi quan sát gọi tên sự vật xung quanh.

• Trò chơi quan sát cây xấu hổ khi chạm tay vào nó

• Trò chơi vẽ hoa lá, phong cảnh xung quanh

• Trò chơi mô phỏng thiên nhiên và hiện tượng thiên nhiên (hoa, lá, mây, gió, mưa), mô phỏng các con vật.

• Kể chuyện và kết thúc câu chuyện, lấy nhân vật và bối cảnh là nơi mình đến.

• Trò chơi làm nhà cho chim ăn

• Trò chơi làm diều để thả ngoài trời

• Trò nhảy múa ngoài trời

• Trò đi cầu khỉ: bắc chiếc ván lên hai phiến đá to thật chắc chắn, phía trên chăng dây thừng. Trẻ đi trên ván, bám dây thừng, lần lượt “qua cầu”. Có thể thi từng đội đi nhanh, liền mạch, không bị ngã ra khỏi ván.

• Trò chơi kéo co và các trò dân gian khác như nhảy lò cò, bịt mắt bắt dê, cướp cờ…

• Trò chơi tưởng tượng: người lớn kể một câu chuyện về con nhím chẳng hạn, đề nghị các bạn nhỏ tưởng tượng về hình dáng, “trang phục”, hành động của con nhím… Người lớn đặt câu hỏi tương tác cho trẻ.

• Đọc thơ và vào vai các con vật.

• Trò chơi “Sống sót” – về các kỹ năng sống. Chẳng hạn trò “Trời mưa”, trò “Căng lều”, trò “Nấu ăn trong rừng”.v.v..

• Bày một bữa ăn lãng mạn trong rừng hoặc ngoài công viên, bãi cỏ.

• Trò chơi Những người khéo léo: đi trên một đường thẳng hoặc một đoạn đường mòn nhỏ.

• Dùng rơm để bện bù nhìn đuổi chim cho các cánh đồng

• Gấp thuyền giấy thả xuống nước (trò này người lớn phải kiểm soát thật kỹ, tránh nguy hiểm cho trẻ)

• Gấp chong chóng cắm trên cánh đồng cỏ đầy gió

• Gấp chim hạc treo lên cây…

Chúc các bố mẹ cùng các bé nghĩ ra được nhiều trò chơi thú vị nữa để chơi cùng thiên nhiên, nhận được thật nhiều cảm xúc tích cực từ thiên nhiên và từ việc “cùng nhau đến với thiên nhiên”. Đây cũng là cơ hội để bố mẹ và con có thêm thời gian ý nghĩa bên nhau, ghi nhớ từng khoảnh khắc hạnh phúc, làm nên kỷ niệm tuổi thơ.

 TSGD Nguyễn Thụy Anh (11/2013)

About DuongMy

Scroll To Top