Home / Tư vấn - Chia sẻ / Cùng con luyện nói

Cùng con luyện nói

Phương Anh năm nay 5 tuổi, chuẩn bị đi học lớp Một, nhưng em nói ngọng kinh khủng, không thể nào hiểu được. Bố mẹ em đều là trí thức, song quá bận rộn với công việc. Một ngày kia nhìn lại, thấy con mình diễn đạt kém, giọng thì ngọng líu ngọng lo, thậm chí còn nói lắp nữa, anh chị rất lo lắng và tìm đến bác sĩ. Bác sĩ bảo trường hợp như cháu Phương Anh không phải là hiếm. Nguyên nhân do đâu? Bác sĩ đưa ra những giả thuyết sau:

–  Khi còn nhỏ, bố mẹ ít chú ý trò chuyện với em.

– Khi còn nhỏ, bố mẹ và gia đình quá chiều, hay nói nựng như “Xời ơi, xương ơi là xương” “Ô chế à, chế chì chúng mình đi ngụ nhé!” khiến bé không nghe được âm chuẩn.

– Bé có vấn đề về thính giác.

– Bé có vấn đề về tâm lý như bố mẹ chia tay nhau, bố mẹ hay cãi nhau.

– Người gần gũi chăm sóc bé nói ngọng.

Bất luận là nguyên nhân nào, hậu quả cũng rất nghiêm trọng, thậm chí có thể ảnh hưởng đến quá trình học tập và hòa mình với cộng đồng sau này của các bé. Vậy làm thế nào để bé con của bạn sớm nói được và nói sõi, không gặp những vấn đề như đã tả ở phần trên?

Trước hết, ta phải hiểu thế nào là nói sõi?

Trước 5 tuổi, bé được quyền có vài âm nói chưa thạo, chưa chuẩn như dấu ngã nói thành dấu sắc; những âm có phụ âm “ng”, “c” ở âm tiết cuối từ có thể không đọc được rõ…Nhưng những âm “l” – “n” nếu bé nhầm lẫn thì chớ coi thường, cần được chỉnh sửa. Mỗi bé bắt đầu biết nói vào những thời điểm khác nhau. Có những bé nói rất sớm, 10 tháng đã nói được nhiều từ đơn âm. Nhưng cũng có những bé chỉ u ơ, nói những gì người lớn không hiểu để đến khi 2 tuổi bất chợt nói được những câu rất dài. Quan trọng là chất lượng lời nói của bé – khi 5 tuổi, ngôn từ của bé phải đủ phong phú để kể một câu chuyện dài, đọc được một bài thơ, diễn tả được ý tứ của mình. Đến 5 tuổi bé phải biết diễn đạt bằng tiếng mẹ đẻ một cách trơn tru, liền mạch. Muốn vậy, các bố mẹ cần lưu ý:

  1. Bắt đầu trò chuyện với con càng sớm càng tốt. Ngày nay trên thế giới người ta rất hay nhắc đến vấn đề “giáo dưỡng thai”, tức là tiếp cận, trò chuyện với em bé từ khi còn trong bụng mẹ. Khi bé ra đời, bố mẹ, nhất là mẹ hãy luôn dịu dàng tâm sự với bé. Âm điệu quen thuộc và âu yếm của giọng nói người mẹ sẽ tạo cho bé một tâm lý bình ổn, sẵn sàng đón nhận những âm thanh khác của thế giới.
  1. Nói chuyện với bé, không nên vội vàng. Với trẻ em lứa tuổi từ nhỏ đến khi chuẩn bị đi học lớp 1, mọi người trong gia đình hãy dùng giọng điệu ôn tồn, điềm tĩnh và chậm rãi để kể chuyện, hỏi chuyện bé. Từ 0 đến 3 tuổi, bé cần được nghe những người lớn xung quanh nói rõ ràng, rành mạch, câu chữ không quá dài và nhấn nhá truyền cảm. Điều này khiến bé hiểu ý người lớn nhanh hơn dù có những từ bé chưa biết và bé học những từ ấy dễ dàng hơn. Khi hỏi chuyện một bé 2- 3 tuổi, người lớn đừng sốt ruột. Hãy kiên nhẫn lắng nghe bé diễn đạt ý của mình, đừng vội xen vào: “Cháu phải nói thế này mới đúng! Ấy, ai lại nói thế! Nói gì thế, chịu, bác chả hiểu! Mẹ nó đâu, dịch cho bác cái!” Tất cả những phản ứng như thế từ người lớn sẽ khiến bé mất tự tin vào mình, bé lại càng nói lắp hoặc khó tìm từ để diễn tả hơn.
  1. Khi bé chưa biết nói, bố mẹ vẫn cứ trò chuyện với bé bằng cách mô tả những hành động của chính mình và của bé. Ví dụ: “Ồ, bé tè dầm rồi đây này. Mẹ sẽ lấy bỉm khác mẹ thay cho con. Bỉm này khô, bỉm này thì ướt” Hoặc khi nắn vuốt chân tay cho bé khỏi mỏi, mẹ nói: “Cái chân này, cái tay này, cái mũi này, cái má này…” .
  1. Ngôn ngữ tăng dần sự phức tạp. Sau một thời gian mẹ nói: “Cái chân này, cái tay này…” mẹ có thể nói nhiều từ hơn lên: “Cái chân của Cún này, cái tay của Cún này” hoặc “Cái chân xinh xinh này, mẹ yêu cái chân xinh xinh của Cún. Cái tay xinh xinh này, mẹ yêu cái tay xinh xinh của Cún”. Cứ như vậy cho đến khi bé lớn dần, ngôn từ của mẹ cũng thay đổi cho phong phú hơn nhưng thay đổi thêm thắt một cách có hệ thống, bé sẽ tiếp thu nhanh hơn.
  1. Đừng quên vai trò của thơ ca, văn vần. Khi bé 1, 2 tuổi, bạn hãy sưu tầm nhiều bài thơ nhỏ (ví dụ: “Cốc cốc cốc – Ai gọi đó – Tôi là thỏ….”) hoặc những bài văn vần mình tự nghĩ ra… Điều này rất hữu ích cho việc học nói đúng của trẻ, nhất là các thanh trong tiếng Việt. Bạn để ý xem, bé mới hơn 1 tháng tuổi bắt đầu hóng hớt, phát ra những âm thanh của bé – ngôn ngữ riêng của bé “a a, gừ gừ, cha cha, bập bập…” Hãy nói cùng với bé thứ tiếng đặc biệt ấy, phát triển thành vần, kiểu như: “ A u  a u – Mình cùng đi ngủ” “Gừ gừ gừ – cháo đã nhừ”.
  1. Nhiệt thành tỏ tình cảm âm yếm cùng bé bằng ngôn ngữ. Bạn đừng tiếc lời yêu thương. Tình yêu của bố mẹ luôn là chiếc nôi êm dịu đối với bé mà. “Mẹ yêu con” – đó là câu nói bé thích nghe nhất, tinh thần trở nên hưng phấn và mọi bài học mới đều trở nên lý thú đối với bé.
  1. Nhắc nhở những người hay tiếp xúc với bé nói năng chuẩn mực, tránh những từ không hay, từ lóng, không nựng bé bằng cách nói sai theo bé khiến bé mất phương hướng không biết thế nào là chuẩn.
  1. Chú ý đến logic trong ngôn ngữ. Logic trong diễn đạt ngôn ngữ của bé bắt đầu từ logic trong tư duy. Điều này chúng tôi đã đề cập một lần trong số báo chủ đề “Thần đồng”. Bạn hãy tập cách nói với bé một cách có logic, ví dụ như, giải thích cho bé tại sao phải bật đèn, đừng nói đơn giản: “Bật đèn lên cho rõ”, hãy nói: “Bật đèn lên thì sáng, chúng mình sẽ nhìn thấy rõ. Nếu không bật đèn thì tối, chúng mình sẽ không nhìn thấy rõ mọi vật”.
  1. Từ vựng: hãy làm phong phú vốn từ của bé bằng cách dùng nhiều từ đồng nghĩa, trái nghĩa, từ gợi tả, gợi cảm trong câu chuyện của mình. “Cô Tấm thì chăm chỉ, cô Cám thì lười nhác. Cô Tấm thì xinh đẹp, cô Cám thì xấu xí” Hoặc: “Cơm ngon quá. Cơm ngon ơi là ngon. Cơm ngon tuyệt. Cơm ngon cực kỳ…”.
  1. Hãy chăm đọc sách cho bé nghe. Qua cách đọc sách, kể chuyện cho bé qua những hình vẽ trong sách, bạn có thể dạy con một khối lượng lớn từ vựng trong giao tiếp và giúp bé cấu tứ mạch lạc những suy nghĩ của mình.

Và điều cuối cùng quan trọng nhất: đó là sự gần gũi thật sự của cha mẹ đối với bé. Nếu bạn phó thác hoàn toàn việc chăm sóc, trò chuyện cùng bé cho ông bà hoặc người giúp việc, đôi khi bạn sẽ khó hiểu bé. Bạn hãy luôn là người hiểu bé nhất, hiểu bé cần gì ngay từ khi bé bắt đầu nói những từ đầu tiên. Trẻ thường rất bực bội và cáu kỉnh khi bố mẹ không hiểu mình. Việc này ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của bé.

Đó là trường hợp của gia đình bé Bi: Mẹ bé rất lo lắng vì hiện tượng lạ – khi bé 15, 16 tháng, bé nói rất nhiều, nói liến thoắng cả những từ có nghĩa lẫn vô nghĩa. Nhưng đến khi bé được 23 tháng, bé lại gần như im lặng, thi thoảng lắm mới nói, kể cả những từ trước đây bé vẫn từng sử dụng. Mẹ lo, không biết có phải bệnh lý hay không… Khi tìm hiểu rõ hơn, chúng tôi mới biết là vừa có sự thay đổi lớn trong gia đình. Một người giúp việc hay chuyện về quê, thay vào đó là một cô khác rất ít nói, ngại cả… cười. Chưa kể các vấn đề về “shock” tâm lý khi có thay đổi người chăm sóc gần gũi bé, thì việc người giúp việc không cởi mở cũng đã khiến bé có … thái độ khác với thế giới này rồi! Bố mẹ bé lại bận mà ít trò chuyện với bé nữa thì việc bé chậm nói là chuyện không mấy khó hiểu!

Bé giận vì không ai chịu hiểu ngôn ngữ của bé! Ảnh: Mẹ Dế

Tuy nhiên, bạn cũng đừng vội buồn khi một ngày nào đó, bạn phát hiện ra con mình nói lắp, nói ngọng hoặc nói theo kiểu thổ ngữ của các vùng miền (do người giúp việc nói ngọng). Tiếp thu ngôn ngữ là cả một quá trình, giống như sự học vậy. Vì thế, nó có thể được sửa đổi và cải thiện cho hoàn chỉnh hơn. Tôi xin nêu vài phương pháp như sau:

– Mẹ là chuẩn. Người mẹ hãy làm chuẩn cho con. Trong phần lớn các trường hợp,  trẻ luôn tin mẹ là chuẩn. Vì thế, dù bé có nghe thấy người lớn khác như ông bà, cô giúp việc, chị hàng xóm… nói sai, bạn vẫn dễ dàng sửa sai cho bé. Bạn hãy cho bé ngồi ngang tầm với bạn để bé có thể nhìn miệng bạn khi phát âm: “Con muốn uống nước à?” (nếu bé hay nói là uống lước). Điều này được kiểm chứng qua thực tế. Tôi có người bạn cũng đã sửa được cho con bằng cách ấy, và sau này, kể cả khi cô giúp việc vẫn vô tư nói ngọng thì bé không bao giờ bị lây nhiễm bệnh nói ngọng ấy vì bé chỉ nói theo mẹ, mẹ là nhất!

– Hãy cho bé đi kiểm tra thính giác. Có thể chỉ đơn giản là tai bé … vướng nhiều ráy tai quá, cản trở việc nghe người khác phát âm.

– Đừng sửa sai cho bé một cách thô bạo: “Con lại nói sai rồi! Nói theo mẹ đi!” Bạn hãy nghe bé nói hết đã. Sau đó nhắc lại câu hoặc từ bé nói bằng cách đúng để cho bé tự nghe và tự hiểu là mình nói thế chưa đúng, phải nói như mẹ mới đúng. Tức là tránh phê phán, không cần thiết phải nhăm nhăm tìm âm sai để sửa.

– Hãy tạo cho bé môi trường sinh hoạt ấm cúng, có bạn bè thân thiết, vui vẻ, có những người thân yêu thương bé. Điều này cần thiết cho những trẻ hay nói lắp. Đôi khi một cú sốc về tâm lý nào đó cũng khiến trẻ nói lắp. Bù đắp tình cảm cho trẻ, hiện tượng này sẽ dần mất đi.

– Đừng quá căng thẳng, quá coi trọng việc trẻ nói ngọng, nói sai. Tránh quát mắng, chì chiết, cười nhạo và chê bai bé. Thái độ càng bình tĩnh, càng kiên trì của bạn sẽ làm việc sửa lời ăn tiếng nói cho trẻ được thành công hơn.

 

Kẹo 1 tuổi, và đã nói rất nhiều, cho dù nhiều từ bé nói khiến mẹ phải… tra từ điển. Ảnh: Mẹ Quế.

Trong trường hợp như  Phương Anh tôi kể ở trên, các bạn có tin không, khi em đi học lớp 1, mới chỉ hết học kỳ 1 thôi, không ai còn nhận ra cô bé nói ngọng, nói lắp, thậm chí muốn diễn đạt ý mình phải nhảy cả lên để nói… nữa. Kỳ công ấy là của cô giáo và môi trường học tập của em. Em tìm thấy niềm vui trong việc chơi đùa với bạn bè và vô cùng tin yêu cô giáo. Hóa ra, trước đó, em chưa hề được đi học nhà trẻ hay mẫu giáo. Cha mẹ lại quá bận, toàn gửi em cho cô giúp việc chăm làm nhưng nóng tính, hay quát nạt em. Như vậy, đây là bài học cảnh báo cho các phụ huynh quá bận rộn việc cơ quan, xem nhẹ việc gần gũi, dạy dỗ con. Những gì bố mẹ nói với con khi con còn bé thơ là gốc rễ của hành trang con bước vào đời.

TSGD Nguyễn Thụy Anh (10/2010)

About admin2

Scroll To Top