Home / Bài Viết / Dạy con tiêu tiền

Dạy con tiêu tiền

Mình đã tránh cho con chạm vào tiền, thứ nhất vì tiền bẩn (theo nghĩa đen), thứ 2 vẫn là tiền bẩn (theo nghĩa bóng). Nhưng cơ mà tránh cũng chả được, trước sau gì con chả phải cầm tiền.

Thế là mình nghĩ cách dạy con xử lý tiền.

Dạy bé đi mua hàng

Mua rau, mua mì gói, mua đồ lặt vặt.

Ví dụ, đưa Shi ra hàng Văn phòng phẩm, Shi mua 1 cái cặp tóc nhỏ, 1 tập giấy kiểm tra, 1 cái bút chì… tất cả hết 12 ngàn 500. Đây mẹ cho 20 ngàn. Con thử tính xem bác bán hàng sẽ phải trả lại con bao nhiêu tiền. 20,12… số má này quá dễ với HS lớp 2 (hồi đó), nhưng vì thêm chữ “nghìn” nên con cứ ngẩn ra không biết tính thế nào. Đã thế bác bán hàng còn thích thú bồi thêm 1 câu dọa: Nếu cháu mà nói nhầm thì tự cháu chịu thiệt nhé, cháu nói ít hơn là bác chỉ trả lại ít thôi…

Dần dần thì cũng biết tính toán một chút. Nhưng mà lại giấu giếm xin ông ngoại 2 nghìn mua thịt hổ hay mì cay (khổ quá, bảo bao nhiêu lần là ăn mấy thứ đó rất độc, mà trẻ con đứa nào cũng ham mua. Có 2 nghìn một gói thịt hổ hoặc mì cay xuất xứ Tàu, to tổ chảng)

Sau phải nghiêm khắc chấn chỉnh ông về chuyện cho cháu tiền. Ông bảo: Nhưng các bạn nó cũng mua và cho nó, chả lẽ nó không mua mời lại các bạn???

Bé thì gì cũng đòi mua

Lúc bé thì cả 2 đứa chưa biết tiếc tiền. Gì lọt vào mắt cũng nì nèo đòi mẹ mua.

Thậm chí Bu có hôm còn về đề nghị mẹ mua bút máy cho 2 bạn sinh đôi ở trong lớp, vì “nhà bạn ấy nghèo hơn nhà mình”.

Mẹ phải giải thích rằng: Nhà mình cũng nghèo lắm. Mẹ còn không ăn diện bằng mẹ của 2 bạn sinh đôi con ạ.

Bubu 5 tuổi thì có Shi. Mẹ nhận ra rằng nuôi 2 đứa con là tốn kém thêm rất nhiều nên phải tiết kiệm hơn. Mẹ cắt khoản sữa chua phô mai của Pháp (Bu gọi là Petit) đi, vì rằng món ấy khoảng 9 nghìn 1 hộp, đắt gấp 6 lần sữa chua Vinamilk.

Bu hỏi sao lâu thế mẹ không mua Petit?  Mẹ bảo: thế này nhé, nhà chúng ta còn nghèo, lương mẹ thấp… Con hiểu không?

Bubu gật đầu tỏ vẻ hiểu: Con biết rồi, nhà mình nghèo, lương mẹ thấp… Thế nếu chúng con ngoan, thì mẹ sẽ làm việc năng- suất hơn (Bubu được cái là nhớ hết những từ phức tạp mà mẹ nói với nó), thì mẹ sẽ có nhiều tiền hơn và mẹ sẽ mua Petit đúng không?

Hì, thế mẹ chả bảo “Đúng rồi”, thì còn biết nói gì!

Shi đi siêu thị, đòi mua những cái bút chì cực đắt hoặc những món đồ chơi giá trên trời. Mẹ phải giải thích: cái đó giá 100 nghìn đồng, bằng tiền mẹ thuê bác đến làm suốt trong 2 ngày đấy con ạ (bác đến dọn dẹp và lau nhà, Shi dễ quan sát).

Tập tính toán, chi tiêu

Sau này, chúng nó được tiền mừng tuổi, thì mình cho chúng “kiểm kê”, rồi đưa vào phong bì riêng, gửi mẹ. Con có… bằng ấy tiền, muốn mua gì thì đề đạt, mẹ xem có “duyệt” được không mới cho đi mua.

Bubu cự nự: Tuy nhiên, chả lẽ con đi mua quà sinh nhật mẹ mà lại nói cho mẹ biết thì chán chết. Thế là chỉ có dịp ấy, đưa 50 nghìn trực tiếp và dẫn ra hàng đồ lưu niệm, mẹ đứng ngoài cho con vào mua.

Những thứ các con phải tự bỏ tiền mua là: Truyện, đồ chơi (búp bê, các loại rubic, khung ảnh…), đồ lưu niệm tặng sinh nhật; và khi mẹ bảo mẹ chưa có tiền thì có khi tự đóng 1 loại tiền gì đó ở trường.

Chúng thường chia số tiền đấy ra để dùng hết cả năm, nên năm vừa qua Bubu vừa vặn tiêu hết tiền còn Shi thì thừa được mấy trăm dồn vào năm nay.

Mặt trái của việc biết tiêu tiền là Bubu đòi công gội đầu cho Shi là… 5 nghìn.

Xử lý: Bị mẹ mắng cho 1 trận. Bu chống chế: Con đùa thôi.

Bài học 1: Nếu để người khác thấy mình có tiền thì họ có thể sinh lòng tham.

Mẹ đưa Bubu 4 trăm nghìn tiền học phí môn toán. Bubu để vào đằng sau quyển vở học thêm và sau đó nó bốc hơi luôn. Mẹ lại phải đưa 4 trăm khác để nộp.

Shi thì có 80 nghìn tiền đi tham quan, cô nàng để cẩn thận vào tập giấy kiểm tra, lúc đầu giờ mở ra để xem lại; sau đó đi ngủ trưa. Lúc dậy, lấy tiền đóng cho cô thì không thấy ở đó nữa.

Mình phải bảo các con là lỗi ở các con đấy. Khi cầm tiền thì tốt nhất đừng để cho ai thấy mình đang cầm tiền. Mẹ kể về chuyện em gái của bác T bạn mẹ, nếu còn sống thì bằng tuổi mẹ, nhưng cô ấy đã bị cướp 100 đô trên đường đi học. Vì cô ấy biết võ và chống lại bọn đầu gấu ăn cướp nên chúng đánh cô ấy nát nhừ ra, đưa vào bệnh viện thì mất.

  Bài học 2: trị giá 200 nghìn đồng và là chuyện có thể làm con buồn.

Đầu năm nay mẹ chưa kịp cất phong bì của các con thì xảy ra 1 chuyện. Hai đứa chung nhau mỗi đứa 1 trăm, đưa nhờ bạn Bubu mua truyện hộ. Đó là bộ truyện mà ở ngoài cửa hàng thì đã hết, không mua được. Cô bạn hứa là sẽ mua được với giá rẻ hơn một chút. Nhưng sau đó cô ấy lại bảo là không được giảm, mà hết đúng 2 trăm nghìn. Bubu bảo nếu thế thì đắt hơn cả giá bìa.

Nhưng vấn đề là mãi mà cô bạn ấy chưa trả bộ truyện, mà cứ khất lần bữa này qua bữa khác với nhiều lý do lắm. Bubu nói với mẹ, hỏi cách xử lý. Mẹ bảo: có thể cô bạn ấy kẹt chuyện gì đó. Thôi con đừng gây căng thẳng. Chỉ bảo bạn lúc nào đó trả lại con tiền hoặc truyện. Hãy coi đây là 1 bài học, để lần sau đừng có dễ dàng tin người khác như vậy. Óc quan sát/ phân tích để đâu? Cũng chưa nên nói cho bố mẹ bạn ấy, bởi nếu họ xử lý tiêu cực thì chả giải quyết được vấn đề gì.

Con thì tiếc tiền (càng lớn con càng hiểu được giá trị của tiền và tiêu tiền 1 cách thận trọng hơn hồi nhỏ), nhưng cũng thất vọng về cách ứng xử của bạn. Mình giải thích với con đó là chuyện không hiếm gặp, con cần biết để tránh. Cái giá phải trả cho bài học này như thế là không đắt đâu.

Số tiền các con có trong người

15 nghìn với Bubu- là số tiền theo nội quy của nhà trường cho phép học sinh giữ. Con cần hiểu đó là tiền gọi điện thoại khi ở trong tình huống cần thiết, hoặc uống nước nếu quá khát. Thi thoảng con không kịp ăn sáng ở nhà thì được cầm 10 nghìn mua bánh mì ở căng tin nhà trường, nhưng không được giữ tiền mà không ăn vì nhịn là đau dạ dày.

0 đồng với Shi, nhưng khi Shi đi tham quan thì được khoảng 10 nghìn để mua quà. Một lần Shi đi dã ngoại, Shi về mặt buồn thiu bảo: có khối thứ kỷ niệm con muốn mua về tặng mẹ và chị. Nhưng mà mẹ có cho con đồng nào đâu? 10 nghìn của lần đi Bát Tràng gần đây mua được mấy con giống bé xíu, 1 cái bị cói và cả 1 con tượng trắng để tô màu.

 Dạy con kiếm tiền? Bubu hay nghĩ cách kiếm tiền lắm. Mình hứa con lớn hơn sẽ có thể cho đi làm gia sư hoặc bồi bàn ở quán ăn Ý. Các cách mà con kể các bạn con hiện giờ đang làm, mình không ủng hộ.

About admin2

Scroll To Top