Home / Tư vấn - Chia sẻ / Dạy con “tự lập”

Dạy con “tự lập”

– Con bốn tuổi rồi, lớn rồi, đừng bám mẹ nữa! Phải tự lập chứ! Ra kia ngồi vẽ đi, đừng quấy mẹ!

– Giời ơi, bốn tuổi rồi mà bà vẫn cứ phải bón cho từng thìa như em bé thế này à? Bao giờ mới lớn được hả con?!

– Con bé nhà cô Thu ba tuổi đã tự mặc quần áo, ăn cơm thì tự xúc nhanh gọn, con mình 5 tuổi đánh răng vẫn mẹ đánh hộ, quần áo bà mặc cho, đi ngủ vẫn cứ mẹ với bà phải ôm ấp… Tại được chiều quá đâm ra ỉ lại!

Những lời than vãn như thế không hiếm gặp trong cuộc sống thường ngày. Các bậc phụ huynh bận bịu với công việc, thường bắt đầu mong muốn nhìn thấy sự tự lập ở con mình, nhất là khi trẻ bắt đầu lên 3 lên 4, khi bố mẹ sau một thời gian chăm bẵm trẻ từng tí một, đôi khi cảm thấy mệt mỏi. Thế nhưng, bản chất của sự tự lập ở trẻ là gì, trẻ độ tuổi nào cần biết tự làm những việc gì – thì không mấy ai thực sự phân tích cho rạch ròi được.

Nếu hiểu “tự lập” là sự không phụ thuộc vào người khác trong các hành động, ta có thể thấy ở từng lứa tuổi, con người đều phải học những kỹ năng nhất định để thể hiện sự tự lập đó. Các nhà tâm lý học đã xác định khái niệm chung về sự tự lập cho từng lứa tuổi như sau:

– Từ khi ra đời cho đến 1 tuổi: bé dần học được cách giao tiếp với những người lớn gần gũi mình, cách lôi cuốn sự chú ý của họ.

– Từ 1-3 tuổi: học cách hành động với các đồ vật (cầm, xúc, lăn, đẩy, kéo…)

– 3-7 tuổi: học cách chơi, cách tư duy có logic về cuộc sống xung quanh

– 7-14 tuổi: học tập

– 14-18 tuổi: học cách giao tiếp với bạn bè đồng lứa

– từ 18 tuổi trở lên: tự xác định được nghề nghiệp, công việc mình yêu thích, học cách tự giải quyết các vấn đề liên quan đến bản thân.

Thế nhưng, mỗi một con người là một cá thể hoàn toàn khác biệt, vì thế, mỗi người có cách thể hiện sự tự lập ấy hoàn toàn khác nhau.

Xin đưa ra một số điểm cần lưu ý như sau:

* Tự lập, tự chủ bắt nguồn từ việc chế ngự được cảm giác sợ hãi – đồng nghĩa với sự tự tin. Ví dụ, trẻ 7,8 tháng tuổi bắt đầu biết sợ người lạ. Bé khóc khi có khách đến nhà, từ chối không muốn giao tiếp với họ. Nhưng nếu biết cách làm cho bé hết sợ, bé sẽ yên tâm thể hiện những hành động “tự lập” của mình như cười với khách, làm trò, nói chuyện… Đối với trẻ lứa tuổi mẫu giáo, muốn chế ngự được cảm giác lo lắng, sợ hãi, bé cần có sự gắn bó mật thiết đối với ít nhất là một người lớn. Nếu bố mẹ hay cô dạy trẻ tạo được cho bé cảm giác tin tưởng, bé biết chắc mình được yêu thương thì những hành động của bé sẽ vững vàng hơn.

Một đứa trẻ không gần gũi, quyến luyến với một ai hết có thể tự làm được hoặc buộc phải tự làm nhiều việc nhưng không có được sự tự tin. Đó không phải là sự tự lập đúng nghĩa.

* Tự lập trong hành động đồng nghĩa với sự tự chủ trong tư duy: Điều quan trọng nhất đối với trẻ là biết cách suy nghĩ một cách logic. Ví dụ, khi bé cảm thấy nóng, bé nghĩ đến việc bỏ mũ, cởi bớt áo. Khi thấy tay bẩn, bé nghĩ đến việc đi rửa tay. Khi biết chuẩn bị được đi chơi, bé chạy ra chỗ để quần áo, tìm giày…

* Tự lập hoàn toàn trong một hành động là kết quả của một quá trình học, luyện tập một kỹ năng. Nghĩa là để bé biết cách tự làm một việc gì đó trọn vẹn mà không cần người lớn giúp, cần phải có một thời gian từ lúc bé quan sát mẹ làm việc đó hộ mình, rồi thử tự làm, sửa lại động tác cho đúng rồi việc lặp lại một thói quen dẫn đến hoàn thiện một “biểu hiện tự lập” của trẻ.

* Biểu hiện tự lập ở trẻ lứa tuổi mẫu giáo không phải lúc nào cũng như nhau. Hoàn cảnh, môi trường, thể trạng sức khỏe ảnh hưởng đến việc này. Ví dụ, thường ngày bé toàn tự mặc đồ, chơi xong cất đồ chơi rất ngoan. Nhưng khi nhà có khách, đông người, bé lại tỏ ra ỉ lại, mè nheo… Nếu khi ấy bố mẹ quát mắng, căng thẳng, kết quả còn tệ hơn nữa. Có bé khi ở lớp thì tự xúc ăn đàng hoàng, về đến nhà lại thích mẹ xúc cho, đôi khi chỉ là để ‘làm nũng” – thỏa mãn cảm giác được gần gũi mẹ, nhất là trong trường hợp cha mẹ quá bận bịu thì khi gặp mặt con, bé lại càng tỏ ra “nhũng nhiễu”, không tự lập!

 

Bé thế này mà Kiu đã biết tự tắm rồi đấy nhớ! Ảnh: Nem

Từ những lưu ý nói trên, xin đưa ra một số phương pháp rèn luyện tính tự lập ở trẻ độ tuổi mẫu giáo để các bạn tham khảo:

1. Tạo cho trẻ cảm giác được quan tâm đầy đủ về mặt tinh thần. Cân đối thời gian giao tiếp với trẻ hàng ngày, không vì bận bịu mà phó mặc con mình cho trường mẫu giáo hoặc người giữ trẻ. Việc tâm sự, hỏi han hoặc cùng chơi với con là rất quan trọng. Không chê bai trẻ, không dùng những từ như “hư”, “kém”, “xấu” đối với trẻ.

2. Hàng ngày trước khi đi ngủ, bố mẹ kể cho bé một câu chuyện về một nhân vật nhất định. Ví dụ, về bạn chuột Típ. Hôm nay kể chuyên chuột Típ đánh răng, ngày mai kể chuyện chuột Típ học cách mặc quần áo thế nào… Ở lứa tuổi này, trẻ rất thích bắt chước. Và nhân vật chuột Típ có thể là tấm gương cho trẻ trong đời thực.

3. Dạy trẻ tư duy: biết cái gì hay, cái gì dở, cái gì hợp lý, cái gì không. Ví dụ, bạn có thể dùng một con gấu bông làm nhân vật để dạy trẻ mặc quần áo. Gấu bông lẽ ra phải đeo tất vào chân thì lại đeo vào tay, hoặc mặc áo vào người thì lại đội lên đầu. Khi theo dõi cảnh đó, bé sẽ phát biểu ngay như thế là sai, phải như thế này mới đúng. Hoặc khi chuẩn bị ra đường, bạn có thể hỏi bé: “Hôm nay trời lạnh quá, mình có cần đội mũ len không nhỉ? Mình nên đi giày ấm hay là xăng-đan con nhỉ?” Và nhờ bé lấy những món đồ đó ra… Nghĩa là thay vì ‘ra lệnh” cho bé “tự” làm một việc: “Con mặc quần áo đi, con đi giày đi!” thì bạn nên hướng bé đến hành động đó một cách gián tiếp.

4. Bắt đầu từ 1,5 – 2 tuổi, bạn làm bất cứ việc gì trước mặt trẻ cũng nên phân tích, giảng giải cho con biết lý do và cách thức hành động. Ví dụ, bạn lấy khăn lau lau miệng cho trẻ sau khi ăn, bạn nói: “Ồ, thức ăn làm má và mồm của con bị bẩn rồi, mẹ vò khăn ướt lau cho con sạch sẽ nhé…. Lau hết những cái bẩn đi rồi này… Mẹ thơm con một cái nhé!”. Về sau, bạn có thể để khăn ở một nơi bé có thể với tới. Khi ăn xong, bạn hỏi: “Mẹ muốn thơm con quá mà má con bị bẩn, làm sao bây giờ?”. .. Việc giải thích được lý do của hành động quan trọng hơn kết quả của hành động ấy.

5. Trước khi đạt được việc tự lập hoàn toàn của trẻ trong một kỹ năng nào đó, cần cho trẻ trải qua quá trình “cùng hành động”. Cùng dọn đồ chơi, cùng đi giày (mẹ đi hộ con chiếc trái, con tự đi chiếc phải), cùng rửa tay (mẹ xoa xà phòng hộ con, con tự rửa bọt xà phòng đi)…v..v. Cho trẻ tham gia bất kỳ việc gì trẻ muốn. Ví dụ, khi mẹ phơi quần áo, mẹ nhờ bé đưa dần cho mẹ tất, quần áo của bé… để mẹ phơi lên dây. Mất thời gian một chút, nhưng sự kiên nhẫn của bạn sẽ là chìa khóa của thành công.

6. Tuyệt đối không phê phán trẻ, không dùng những từ “Không được! Vỡ bây giờ! Hỏng hết rồi! Hậu đậu thế!…” với trẻ khi trẻ đang học một kỹ năng nào đó.

7. Không phải lúc nào bạn cũng có đủ thời gian để đợi trẻ tự làm một việc. Trong những trường hợp bạn giúp trẻ làm việc gì mà trẻ đã từng tự làm được, bạn hãy giải thích lý do: “Hôm nay mình vội quá nên mẹ giúp con đi giày, còn con tự mặc áo, vì nếu không thì mình sẽ không kịp đến nhà bà, bà đợi lâu không thấy bà lại đi chơi đâu mất!”.

8. Khi trẻ khó chịu trong người, hơi mệt hoặc bỗng dưng hay cáu gắt vì một lý do nào đó… bạn không nên đòi hỏi bất kỳ sự “tự lập” nào lúc này. Hãy bình tĩnh, dịu dàng với trẻ.

9. Nhưng đôi khi cũng phải thể hiện sự kiên quyết. Đó là lúc bạn cảm thấy trẻ “đùa nhả”, nhất là đối với trẻ từ 3 tuổi trở lên, rất nhiều khi muốn “trêu chọc” hay “nắn gân” người lớn. Bé tung đồ chơi ra mà không chịu dọn lại, cố tình làm nước bắn vào quần áo khi rửa tay một mình… Bạn hãy bình tĩnh cho bé biết là bạn không hài lòng, và đi sang phòng khác, nhưng tuyên bố dứt khoát: “Con để đồ chơi như thế, lát nữa bố về bố sẽ rất buồn. Bây giờ mẹ đi rửa bát, con ở đây dọn đồ chơi vào hộp. Mẹ sẽ quay lại xem con làm đến đâu rồi”. Việc bỏ ra chỗ khác của bạn khiến trẻ chấm dứt được ý muốn đùa nhả hoặc thể hiện bướng bỉnh với người lớn.

10. Không bao giờ bắt ép trẻ làm một việc gì. Việc dạy cho trẻ một kỹ năng “tự hành động” luôn tiến hành khi trẻ có hứng. Đừng tiết kiệm lời khen.

Tóm lại, theo tôi, một em bé lứa tuổi mầm non được coi là tự lập khi bé tỏ ra vui vẻ, không sợ người lạ, biết cách nói lên suy nghĩ của mình, biết hành động hợp lý và logic trong từng hoàn cảnh… chứ không nhất thiết là cái gì cũng tự làm một mình mới là tự lập. Những bài tập để rèn luyện tính tự lập cho bé, mỗi bậc phụ huynh đều có thể nghĩ ra dựa trên tính cách và đặc điểm về tâm sinh lý của con mình. Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là sự gần gũi của bố mẹ đối với con, là việc “hiểu con” sâu sắc thay vì đòi hỏi ở con những điều mà mình kỳ vọng.

Không chỉ tự lo được cho bản thân, Vân Khanh còn chăm em rất giỏi nữa. Ảnh: mẹ Yến.
TSGD Nguyễn Thụy Anh

About admin2

Scroll To Top