Trong cuộc sống hàng ngày của con, bạn không thể biết được hết những người con tiếp xúc. Việc con tiếp xúc với một người chưa hề quen biết luôn thường trực. Vậy bạn có thể làm gì?
Con bạn biết và cần biết những gì?
Tuỳ thuộc vào tuổi của con mà bạn cung cấp những thông tin về người lạ cho trẻ. Ví dụ với trẻ ở độ tuổi mầm non, trẻ không biết thế nào là một người lạ, không thể nói ai là người an toàn hay không. Bạn có thể bắt đầu dạy trẻ những điều an toàn cơ bản này, nhưng con lại chưa sẵn sàng trao đổi với bạn về người lạ.
Ở độ tuổi lên 4, nhiều trẻ nghe về người lạ và có thể bắt đầu học các quy tắc an toàn. Tuy nhiên, chúng vẫn còn quá bé để “vuột” qua khỏi sự kiểm soát của bạn ở nơi công cộng vì chúng chưa có khả năng phán xét tốt.
Trẻ ở độ tuổi tiểu học cũng có thể đã nghe người lạ mặt là nguy hiểm, nhưng chúng vẫn có thể tin rằng một người lớn tươi cười với chúng cũng là một người an toàn.
Trẻ từ 5 đến 8 tuổi cũng thường được “thả rông” ở nơi công cộng hơn so với trẻ mầm non, ví dụ như đi bộ đến trường, tập đá bóng, đạp xe với bạn. Chúng cũng có thể truy cập mạng Internet hoặc thỉnh thoảng ở nhà một mình trong khoảng thời gian ngắn. Đó là lý do tại sao chúng cần được hướng dẫn rõ ràng về việc tiếp xúc với người lạ. Những nguyên tắc đơn giản, dễ hiểu mà con có thể theo để ít gặp rủi ro hơn.
Khi bạn nói với trẻ về người lạ, bạn cũng nên đề cập đến việc trên đài báo có nhiều câu chuyện về việc người lạ tấn công trẻ em, nhưng tỷ lệ đó tương đối hiếm. Đừng quá bi kịch hoá mọi thứ.
Nói với trẻ thế nào về người lạ?
Bắt đầu với nguyên tắc an toàn thân thể. Khi bắt đầu trò chuyện với con về người lạ mặt, hãy thảo luận về các nguyên tắc an toàn chung với trẻ 2 – 3 tuổi. Khi trẻ cùng bạn ra ngoài, yêu cầu trẻ đi sát bạn. Ở độ tuổi này, không có gì là quá sớm để trẻ biết được là không phải tất cả mọi người đều được động chạm vào thân thể con.
Thảo luận về khái niệm người lạ. Trẻ ở độ tuổi lên 4 sẽ phù hợp để thảo luận về vấn đề này. Bạn có thể hỏi con: “Con có biết thế nào là một người lạ không?”.
Nếu trẻ không chắc chắn, hãy nói với con rằng người lạ mặt là tất cả những người mà con không biết. Để tránh việc làm con sợ hãi không cần thiết, bạn hãy nhấn mạnh rằng người lạ không nhất thiết phải là một người tốt hay một người xấu, chỉ cần là một người mà con không biết.
Cũng hãy phân biệt cho con sự khác nhau giữa người con không biết hoàn toàn với người con biết một chút và người thực sự an toàn.
Chỉ ra cho trẻ những người trưởng thành mà trẻ có thể tin tưởng. Ngoài ông bà bố mẹ, bạn hãy liệt kê cho trẻ một số người khi trẻ cần sự giúp đỡ – bố mẹ của bạn thân mà bạn biết rất rõ, thày cô giáo. Khi ra ngoài, bạn cũng có thể cho trẻ biết nhân viên an ninh, cảnh sát, công an, nhân viên cửa hàng cũng có thể là những người mà trẻ có thể nhờ giúp khi bé cần thông qua trang phục của những người đó.
Liệt kê những điều ĐƯỢC và KHÔNG ĐƯỢC làm. Xác định một số nguyên tắc với người lạ mặt. Bạn có thể biến thành một trò chơi với em bé của bạn. Đặt ra tình huống: Hai mẹ con bị lạc nhau khi đi siêu thị, hãy chỉ cho con biết đi đến quầy thu ngân, nói với nhân viên thu ngân rằng con bị lạc bố mẹ, cho họ biết tên của con và không rời đi khu vực khác cho đến khi hai mẹ con gặp nhau. Nếu một người lạ động vào người con, con hãy nhanh chóng đi đến bên cạnh người thân mà con đang đi cùng.
Bạn cũng cho trẻ biết rằng con có thể nói “xin chào” với một người lạ mặt, nhưng con không có “nghĩa vụ” phải trò chuyện với bất kỳ người lạ mặt nào và thậm chí là con không nên nếu như bạn đang không ở gần con. Một câu nói “hoàn hảo” trong trường hợp này là: “Cháu không được phép nói chuyện với người lạ”. Và cũng nhấn mạnh với con rằng không được phép đi bất cứ đâu với người lạ mặt.
Đưa ra những điều ĐƯỢC và KHÔNG ĐƯỢC làm khi sử dụng Internet. Đặt máy tính con dùng ở khu vực chung, vì vậy bạn có thể giám sát những gì con đang làm. Trẻ ở độ tuổi này không nên vào các diễn đàn chat. Bạn cũng nhớ dặn trẻ không nên cung cấp thông tin cá nhân, trả lời câu hỏi hay điền vào bảng hỏi trực tuyến.
Để trẻ ở nhà một mình. Dạy trẻ nếu có ai đó gõ cửa, không mở cửa và nói “Mẹ/bố cháu không thể đến mở cửa cho cô/chú/bác vào lúc này”. Nếu người đó có một gói đồ trên tay, hãy dặn trẻ mời họ để gói đồ trước cửa hoặc quay lại vào lúc khác.
Nếu nhà bạn dùng điện thoại cố định, hãy quyết định khi nào bạn muốn con trả lời điện thoại. Trẻ 5 tuổi thì có thể không, nhưng trẻ 8 tuổi thì có thể trả lời điện thoại người lạ. Nếu bạn gọi về nhà khi đang ở ngoài, hãy lưu lại số điện thoại của bạn vào danh bạ, con sẽ biết là bạn đang gọi.
Chơi trò đóng vai để dạy trẻ, không phải để hù doạ. Các câu hỏi “nếu như” là một cơ hội để thực hành – nhưng hãy chắc chắn là phải thật tích cực, tránh làm trẻ sợ hãi. Trò chơi đóng vai là chìa khoá để dạy trẻ giải quyết khi gặp tình huống nguy hiểm. Khi ở công viên mà một người lạ mặt chạm vào người con, hãy chạy đến với người thân đang ở gần con nhất. Hoặc khi không có người thân ở xung quanh, con hãy dừng ngay việc con đang làm, đứng cách xa tối thiểu một cánh tay với người đó. Bạn vừa nói và vừa làm mẫu cho con. Nếu người đó ngồi trong ô tô, mở cửa sổ và hỏi con, hãy dặn con đứng lùi lại vài bước. Nếu người đó bước hẳn xuống ô tô, cũng dặn trẻ hãy lùi lại vài bước, hoặc sẽ gọi một người lớn đến giúp người đó.
Tránh những câu nói gây sợ hãi. Nếu bạn nói với con “Một người lạ mặt có thể đưa con đi xa khỏi bố/mẹ!”, hoặc “Mẹ/bố sẽ không bao giờ gặp lại con nữa!” sẽ làm con sợ hãi không cần thiết. Trao đổi với con không phải là để nói về những gì bạn sợ, mà để làm con mạnh mẽ lên.
Hãy kiên nhẫn giải thích cho trẻ và tuân thủ những điều ĐƯỢC và KHÔNG ĐƯỢC làm. Nếu trẻ hỏi tại sao con không thể đi đâu với người lạ, hãy trả lời con “Bởi vì mẹ muốn biết con đang đi đâu, biết rằng con đang theo đúng các nguyên tắc mà mẹ con mình đã thống nhất”.
Nhắc đi nhắc lại. Không cần thiết phải làm quá lên, nhưng hãy nhắc lại thông điệp này với con vào mỗi dịp phù hợp như mùa lễ hội, khi đi nghỉ, trước một chuyến du lịch, trước khi đến nơi công cộng – bất cứ đâu mà con có thể gặp rất nhiều người lạ.
Trả lời các câu hỏi về người lạ mặt.
“Mẹ của bạn A con có phải là người lạ không?”. Bố mẹ cần xác định rõ ràng cho trẻ ai là người thân thiết trong gia đình, đặc biệt với trẻ mầm non. Bạn có thể chỉ cho trẻ biết bố mẹ bạn nào là người tin tưởng được.
Với trẻ mầm non, bạn nên trả lời câu hỏi theo từng tình huống: “Mẹ bạn A không phải là người lạ, cô ấy là bạn của gia đình ta”, “Phải, cô ấy là một người lạ”.
“Con sẽ làm gì nếu một người lạ mặt cho con kẹo?”. Trẻ có thể đã nghe rất nhiều câu chuyện xung quanh việc này. Dạy trẻ cách nói “Không, cảm ơn” với người đó và dặn trẻ khi gặp tình huống đó hãy đi ngay đến chỗ người thân đang đứng gần con nhất.
“Con sẽ làm gì nếu một người lạ cố đụng chạm vào người con?”. Trẻ có thể cũng đã từng nghe chuyện người lạ động vào người trẻ con. Khẳng định với trẻ rằng con sẽ an toàn và nhớ nguyên tắc “Nếu ai đó tiếp cận con, hãy đứng cách xa người đó, chạy xung quanh, chạy vào nhà hoặc trường để tìm một người lớn mà con quen biết”.
Nói với trẻ rằng trong trường hợp có người lạ cố tình tiếp cận thì con có thể hét to lên “Hãy giúp cháu! Đó không phải là bố/mẹ cháu”.
Bạn có thể làm những gì khác?
Cùng đọc các sách hướng dẫn an toàn. Nếu bạn có bất kỳ cuốn sách hướng dẫn an toàn nào, hãy đọc cùng trẻ, chỉ cho con các bộ phận cơ thể và an toàn cá nhân.
Dạy con nhớ các thông tin cơ bản. Bắt đầu bằng việc dạy trẻ tên đầy đủ của con, tên đầy đủ của bố mẹ, địa chỉ nhà và số điện thoại của bạn. Thỉnh thoảng có thể đố để nhắc con nhớ lại. Khi trẻ đủ lớn để đạp xe hoặc đi dạo ở khu vực sinh sống mà không có bạn, hãy thảo luận với trẻ về những khu vực mà trẻ không được vào, những chỗ an toàn mà trẻ có thể tìm kiếm sự giúp đỡ.
Hiếu Nguyễn dịch
Tác giả: Ziba Kashef
Nguồn: http://www.babycenter.com