Trong bối cảnh rất nhiều khóa học, huấn luyện, bồi dưỡng, trại hè cho trẻ nở rộ, trại hè EcoCamp do CLB Đọc sách cùng con phối hợp tổ chức đã có những điểm nhấn thú vị. Thời Nay có cuộc phỏng vấn Chủ nhiệm CLB, TS, nhà văn, dịch giả Thụy Anh – “thuyền trưởng” EcoCamp sau một mùa trại thành công tại Hải Phòng.
Phóng viên (PV): Trại hè EcoCamp do CLB đọc sách cùng con 2018 với hai đợt đã khép lại. Dường như đã không còn là khó khăn, vất vả như những mùa đầu, mà là niềm vui của sáng tạo?
TS Thụy Anh (TA): Xin cảm ơn nhà báo đã hiểu được lòng Ban tổ chức. Sau sáu năm làm việc, xây dựng nội dung, thiết kế hình thức cho trại EcoCamp, phát hiện và điều chỉnh rất nhiều vấn đề từ tổ chức đến công tác chia sẻ các vấn đề tâm lý của trẻ, chúng tôi trải qua rất nhiều mốc cảm xúc: lo lắng, căng thẳng, cố gắng làm khác đi, hay hơn… thì đến bây giờ đã đạt tới một “cảnh giới” khác. Đó là niềm vui! Niềm vui của mùa hè nhất định phải có EcoCamp! – Đó là suy nghĩ chung của tôi, các thầy, cô giáo và cộng tác viên của CLB Đọc sách cùng con. Niềm hân hoan này khó có điều gì làm cho lu mờ được vì nó xuất phát từ tình yêu con trẻ, sự mong mỏi hồn nhiên muốn gắn bó mãi với tuổi thơ, sự tự tin vào năng lực của mình và niềm hân hoan muốn có thêm thử thách, muốn đưa ra nhiều sáng kiến, muốn kề vai chung sức bên nhau trong một đội ngũ.
PV: Là trại hè với nhiều hoạt động nói chung, nhưng dường như “chất văn nghệ” là một điểm nhấn. Tác dụng riêng của “chất văn nghệ” đó, theo chị?
TA: Từ lâu, tôi vẫn cho rằng, các loại hình văn hóa – nghệ thuật luôn phải có mặt trong phông nền tri thức và cảm xúc của một con người. Trại hè là sân chơi mùa hè của trẻ, nơi các em được tham gia nhiều hoạt động tập thể nhưng lại với mục đích là nhận ra chính mình, thể hiện được mình, phát hiện ra những cảm xúc mới và đánh thức tiềm năng trong mỗi cá nhân. Vậy thì, “chất văn nghệ” sẽ là một trong những chìa khóa để các em mở vào nội tâm của mình đấy!
Khi thành lập CLB Đọc sách cùng con, kết nối người đọc nhí với các tác phẩm và nhà văn, tôi cũng không đặt ra mục đích cuối cùng là “xây dựng văn hóa đọc” như mọi người thường nói đâu mà là qua việc đọc, học kỹ năng đọc, giao lưu văn thơ nhạc họa, chúng tôi hướng đến việc mỗi đứa trẻ tự trau dồi tâm hồn mình, nhận lấy những rung động mới lạ trước vẻ đẹp văn chương, nghệ thuật nói chung và cuộc sống. “Chất văn nghệ” có thể đánh thức được “nhu cầu sống thật” của con người: muốn ngắm nhìn, quan sát, lắng nghe mình, chia sẻ và thể hiện mình, từ đó đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng mình đang sống.
Trại hè là cơ hội lớn cho trẻ được ở tập trung, được cùng bạn bè tham gia gặp gỡ, trò chuyện với người viết, người dịch, nhà phê bình, họa sĩ, nghệ sĩ các loại hình nghệ thuật khác nhau, được thử sức mình trong việc làm phim, diễn một vở kịch, vẽ một bộ phim hoạt hình, làm một bài thơ, thử sức trong một tác phẩm sắp đặt, hát thử trích đoạn chèo… Tất cả mới ở mức trò chơi, thử nghiệm, nhưng những ấn tượng tích cực để lại dư âm thật dài lâu.
Đương nhiên “chất văn nghệ” không phải là nét đặc trưng của EcoCamp vì chúng tôi không chủ trương lấy đó là mục đích. EcoCamp là trại hè muốn hướng tới một lối sống mà trẻ sẽ lựa chọn sau khi trải nghiệm. Tôi đặt tên trại là Eco vì ngay từ khi mới xây dựng, tôi đã đưa vào nội dung trại những bài học về việc sống hài hòa với thiên nhiên, với mọi người chung quanh và bản thân mình. Bây giờ, nội dung trại đã phong phú hơn nhiều, từ các xưởng khoa học, làm đồ thủ công, làm bánh, vẽ, làm phim… đến những hoạt động thể thao, giao lưu…, thì chúng tôi vẫn giữ nguyên tiêu chí cũ. Mỗi một điều nho nhỏ một người lớn ở EcoCamp nói ra với trẻ cũng đều có thông điệp chia sẻ và hướng dẫn. Sau mỗi trại, các bạn trẻ về nhà lại nói đến một khái niệm mà các bạn nhận được từ câu chuyện ở trại. Chẳng hạn, có phụ huynh kể, con tôi về cứ nhắc mãi cụm từ “suy nghĩ tích cực”. Có bạn lại nói về việc rửa tay cũng phải tiết kiệm nước. Có bạn lại chia sẻ, khi xem kịch xong, nên nán lại vỗ tay cổ vũ và bày tỏ biết ơn với nghệ sĩ chứ không vội đi làm việc khác ngay…
PV: Rất nhiều trại, chương trình, các khóa học kỹ năng… diễn ra trong mùa hè này. Từ cái nhìn chuyên môn lẫn thực hành, xin chị chia sẻ một vài suy nghĩ?
TA: Vô cùng vui mừng trước thực tế đó vì tôi nhớ, năm 2009, 2010, khi tôi mới về nước, mùa hè của trẻ con lúc ấy còn nghèo nàn với những khóa học thêm triền miên. Càng nhiều trại, khóa hoạt động được mở, trẻ càng có nhiều cơ hội tận hưởng những mùa hè đẹp của tuổi thơ. Tôi chỉ thấy đôi chút gợn khi quan sát, biết nhiều gia đình lại cho con đi trại liên miên cả mùa hè. Theo ý kiến riêng của tôi, mỗi trại hè đều mang lại rất nhiều cảm xúc. Kể cả là cảm xúc tích cực thì khi đi trại hè quá nhiều trong một mùa hè, con người cũng có thể mệt và rơi vào trạng thái bão hòa cảm xúc. Vì thế, trại hè đừng là nơi trông trẻ mùa hè. Hãy là nơi tạo cảm giác an tâm, gắn bó và lưu luyến cho trẻ, để chúng học được bài học về các giá trị, về tình bạn, tình đồng đội gắn bó. Một mùa hè một trại hè, và còn cần thời gian để trẻ sống với gia đình, sống với chính bản thân mình nữa.
PV: Cảm ơn chị! Chúc chị và CLB vui khỏe, thêm nhiều sáng tạo cho các hoạt động tới!
Hoàng Hoa thực hiện (Theo báo Thời nay)