Một tập truyện ngắn mang hơi thở miền Tây sông nước với con 3 Ka, với lễ cúng trăng cùng những chiếc đèn gió lung linh huyền ảo khắp bầu trời. Tất cả những điều đẹp đẽ đó xuất hiện cùng bé Hai, đôi bạn thân Sơn và Puôl… Chắc chắn khi sở hữu cuốn sách này, bạn sẽ đắm chìm vào những câu chuyện dù dân dã nhưng lại rất lôi cuốn.
Đèn gió bay lên (Diệp Hồng Phương, NXB Trẻ, 2019)
Tám câu chuyện sẽ đưa bạn vào cuộc sống của người miền Tây, của văn hóa dân tộc Việt Nam và lịch sử của nước ta. Những trang văn trong “Đèn gió bay lên” còn kể về trò chơi tuổi thơ rất đơn sơ, bình dị mà đầy niềm vui, hạnh phúc của con trẻ Nam Bộ: chơi ba khía, móc đất sét nặn hình, tắm rạch, tắm sông, đua xe bù rầy, thả diều giấy… Nhưng cũng có những mẩu truyện lại khiến người đọc phải suy tư, ví dụ như câu chuyện về thằng cháu ngoại trong “Chuyện cổ tích của ông ngoại”: Ông ngoại kể cho thằng cháu nghe về quá khứ đau thương, bị đè nén áp bức của các cụ thân sinh ra ông ngoại, về chuyện ông đi kháng chiến bị thương, được một cô y tá tận tình chăm sóc, ông đã cưới cô y tá, sinh được một người con gái – chính là má của thằng cháu ngoại. Rồi câu chuyện cứ thế tiếp tục. Tưởng như sẽ có một cái kết vui vẻ khi thằng cháu nói: “Chưa hết chuyện được. Còn chuyện cổ tích tía với má con thì sao? Bữa nay ông ngoại không kể, mai mốt phải kể cho con nghe”. Nhưng khi đọc dòng suy nghĩ của người ông, ta mới thấy được nỗi buồn, sự nhân văn trong câu chuyện.
Ngô Đức Hải (15 tuổi, CTV viết cho CLB Đọc sách cùng con)