Docsachcungcon.com: “Khi lỗi thuộc về những vì sao” (The Fault in Our Stars) là câu chuyện đã lấy đi nước mắt của hàng triệu độc giả trên thế giới, dù ở phiên bản sách hay trên màn ảnh rộng. Cuốn sách là sự gặp gỡ của một cô gái và một chàng trai đang mắc bệnh nặng, họ quen biết qua một câu lạc bộ dành cho những bệnh nhân ung thư và trở thành bạn của nhau.
Dưới đây là câu chuyện ấy qua góc nhìn của Bảo Anh và bạn đã đọc cuốn sách này bằng tiếng Anh
The Fault in Our Stars (John Green, Penguin Random House, 2013)
ĐI TÌM LỜI GIẢI VỀ Ý NGHĨA CỦA CUỘC SỐNG
(đọc “The Fault in Our Stars”, John Green, Penguin Random House, 2013)
Một cô gái 17 tuổi bị ung thư, chán nản trước tương lai vô định đã vô tình tìm thấy nửa còn lại của cuộc đời mình. Nhờ đó cô đã tìm được một chân lí sống tích cực giúp lấy lại niềm vui thích, đam mê đối với cuộc sống. Qua cách viết của John Green, “Khi lỗi thuộc về những vì sao” đã chạm đến nơi sâu thẳm trái tim của mỗi người đọc. Điều đó giúp lý giải vì sao ngay sau khi ra mắt cuốn sách đã lập tức trở thành best seller theo bình chọn của New York Times và Wall Street Journal. Các nhà làm phim cũng không bỏ lỡ cơ hội để chuyển thể tác phẩm này thành một tác phẩm điện ảnh đình đám.
Qủa không quá lời khi tôn vinh John Green – tác giả cuốn sách “Khi lỗi thuộc về những vì sao” là một nhà văn tài danh trong những sáng tác dành cho thanh thiếu niên. Với hai mươi lăm chương, cuốn sách dẫn dắt người đọc đi qua những cung bậc thật khác nhau của cảm xúc, để rồi níu chân họ đến tận dòng chữ cuối cùng.
“Tôi muốn chia sẻ với mọi người về nỗi sợ của mình – nỗi sợ bị lãng quên”- câu chuyện được bắt đầu một cách thật dung dị. Nỗi sợ ấy dường như luôn thường trực xuất hiện nếu chúng ta chập nhận buông tay trước số phận. Vậy làm thể nào để bạn được tồn tại?
Người đọc nín thở chờ đợi hành trình không mệt mỏi của hai nhân vật chính đều đang mang trong mình bệnh trọng, thời gian sống chỉ còn trong gang tấc. Sau mỗi trang sách người đọc được bắt gặp những bức tranh sống động và giầu màu sắc về cuộc sống của cô gái 17 tuổi vốn từng có những tháng ngày sống trong ảm đạm, buồn rầu và tiêu cực. Hóa ra để một người có thể trở nên vui tươi và tràn đấy thứ sức sống thì không chỉ đến từ thể xác mà quan trọng hơn cả là phải xuất phát từ tâm hồn. Chính nhờ vậy Hazel Grace Lancaster vốn đang bị bệnh ung thư tuyến giáp đã di căn tới phổi đang sống những ngày cuối cùng của cuộc đời đã học cách sống lạc quan hơn, cởi mở đón nhận những món quà cuộc sống ban tặng: vòng tay yêu thương của gia đình, sự ân cần giúp đỡ của bạn bè…
Bộ phim chuyển thể cũng nổi tiếng không kém phiên bản sách
Người đọc không thể bỏ qua một nhân vật khác của truyện – Augustus Waters – tình yêu của cuộc đời Hazel. Ở đây, hình ảnh cậu chàng Augustus điển trai được tác giả sử dụng khéo léo làm hình ảnh ẩn dụ cho nghị lực, ý chí sống. Cũng giống với Hazel, Augustus đang phải chật vật níu kéo cuộc sống với căn bệnh u xương ác tính của mình. Nhưng trái ngược hoàn toàn với Hazel, sự lạc quan và rộng mở đối với cuộc sống của anh khiến nhiều người không khỏi tự cảm thấy xấu hổ về bản thân mình – những người vốn may mắn vì được sinh ra với sức khỏe và điều kiện vượt trội hơn, ấy thế lại luôn phàn nàn về những vấn đề nhỏ nhặt nhất. Do đó người đọc, trong quá trình khám phá câu chuyện, khám phá về nhân vật bí ấn Augustus Waters cũng đồng thời khám phá thêm về chính bản thân mình. Câu hỏi: “Sống như thế nào mới xứng đáng?” được đặt ra như một sự tự vấn.
Đối với bệnh nhân ung thư – những người như Hazel hay Augustus, niềm vui cuối đời của họ là những khoảnh khắc đẹp nhất ở những năm ngắn ngủi nhất của cuộc đời. Là dành trọn vẹn thời gian dành cho gia đình, bạn bè, cho những điều mà mình trân quý. Là không bỏ lỡ cơ hội, là không từ chối trước những thay đổi của cuộc đời. Điều này được tác giả thể hiện xuyên suốt tác phẩm qua những chuyến đi chơi, những lần khám phá du ngoạn xa xôi của hai nhân vật Augustus và Hazel. Còn đối với chúng ta, thì điều gì mới là quan trọng? Thông qua tác phẩm, câu hỏi đã dần được giải đáp. Luôn tồn tại một cuộc đua không ngừng nghỉ giữa con người và thời gian, khi không chỉ người bệnh mà cả những cá nhân đơn côi nhất cũng cần phải nỗ lực cố gắng đánh bại thời gian, cố gắng tìm được lẽ sống của cuộc đời mình.
Đồng hàng cùng cuốn sách, người đọc được chia sẻ nhiều điểm tương đồng với không chỉ hai nhân vật chính là Hazel và Augustus, mà còn với các nhân vật khác trong truyện. Từ cặp vợ chồng luôn cố gắng chiến đấu không mệt mỏi để cứu giúp cô con gái 17 tuổi khỏi căn bệnh ung thư tuyến giáp, và để đưa cô ấy ra khỏi một vũng bùn sâu thẳm của sự tiêu cực, chán nản thiếu hi vọng. Đối với họ, điều quan trọng chính là được ở bên và hỗ trợ cô con gái mình thương yêu nhất trong khoảng thời gian cuối cùng khi họ còn được bên con. Đó còn là nhà văn Van Houten – người mà Hazel hết mực kính mến, người mà đã thất bại trong việc níu kéo sự sống của cô con gái Anna. Đối với ông, một kẻ nghiện rượu và điên rồ tưởng chừng đã mất đi lý trí sau sự mất mát không tưởng về tình thương ấy, xóa bỏ sự mặc cảm tội lỗi về cái chết của con gái mình và tiếp tục sống mới chính là điều quan trọng nhất.
Bảo Anh bên trang sách
Tác phẩm “Khi lỗi thuộc về những vì sao” của nhà văn John Green là một câu chuyện, một lời giãi bày đầy hài hước nhưng cũng chất chứa đầy chua cay, khắc khổ của một cô gái tưởng chừng đã ở cuối chặng đường của mình. Sự xuất hiện của Augustus – sự xuất hiện của những luồng ánh sáng hi vọng mới đã giúp Hazel, và có lẽ là cả người đọc chúng ta trưởng thành hơn trong cách suy nghĩ và lối sống của mình. Trải nghiệm khi đọc quyển sách này cũng tương đồng ít nhiều với những xúc cảm ta nhận thấy trên một chuyến tàu lượn: Hấp dẫn, thú vị, dù đáng sợ nhưng cũng đáng thử vô cùng. Để rồi khi khép cuốn sách lại, những câu hỏi lại thúc giục chúng ta trả lời: Mục đích mà chúng ta vẫn kiên trì theo đuổi sự sống mỏng manh của bản thân là gì? Điều gì khơi nguồn, thắp lên ngọn lửa tinh thần trong chúng ta cháy mãi?
Trả lời được những câu hỏi ấy cũng là lúc bạn tìm ra ý nghĩa cuộc sống của chính mình.
Bảo Anh (13 tuổi, thủy thủ EcoCamp)