…
Tôi nhớ một kỷ niệm của ngày còn nhỏ, thực ra chỉ là một chuyện nhỏ tí.
Một lần chị tôi mang về một tờ Người công giáo Việt Nam số Tết. Tôi nhớ là năm 1987 thì phải. Tôi vẫn nhớ cảm giác về một tờ báo có những bài man mác buồn và là lạ, đặc biệt là có một truyện ngắn viết về một mối tình. Chàng và nàng gặp nhau ở Hà Nội thời những năm 1940-50 gì đấy. Hai người có quan hệ lãng mạn, nàng là dân đi đạo. Nhưng rồi nàng di cư vào Nam, để lại người kể chuyện nhớ nhung trong những đêm Giao thừa Hà Nội, khi tiếng chuông nhà thờ đổ dồn trong tiết trời lạnh giá. Tôi chẳng nhớ được chi tiết gì, chỉ nhớ cảm xúc cứ dội lại mỗi khi giao thừa hay Noel, trong trời Hà Nội mưa rét, tôi nhớ nhớ có một truyện ngắn mình đã đọc, bâng khuâng…
Nhưng điều tôi nhớ hơn ấy là đến năm học sau, tôi đem tờ báo ấy ra bọc vở. Ngày xưa việc bọc vở và dán nhãn vở là rất quan trọng. Tôi rất giỏi môn thủ công và mỹ thuật, tôi có hoa tay thật – có lẽ vì thế sau này tôi đi học vẽ, có làm đồ họa ít nhiều. Hồi ấy cô giáo chủ nhiệm lớp 3 của tôi nổi tiếng khó tính và ghê gớm bà la sát. Tên cô là Mão. Chẳng hiểu sao mà cả chị tôi cũng từng học cô ấy và đến bố mẹ tôi cũng có vẻ ngán cô, gọi cô là Mão Mèo. Mặt cô khắc khổ và nghiệt. Tôi có nhiều ác cảm nhưng không nói ra.
Cô ơi, hic! Ảnh: Mạnh Tuấn (Dân Trí)
Đến giờ tôi vẫn nhớ có lần tôi cắt chữ thủ công, cô xem mà không tin là tôi cắt. Cô bắt tôi khai là ai đã cắt hộ. Tôi không chịu nhận, cô bắt ở lại cắt chữ khác. Về nhà tôi mới ấm ức khóc. Bố mẹ tôi lồng lên, bảo để đến trường chứng minh cho cô thấy con trai mình khéo tay thế nào. Đại khái rồi thì cô cũng thấy là tôi làm được thật. Còn nhiều vụ khác, chẳng hạn tôi cũng không hiểu vì sao điểm trung bình năm học của lớp bao giờ cũng chỉ có 2 đứa con gái được 8,0 và tôi cố gắng bao nhiêu cũng chỉ xếp thứ 3-4 và chỉ 7,8. Tôi không hiểu những điểm 9, 10 mình đã đạt được nó đi đâu về đâu mà chẳng ảnh hưởng gì đến kết quả cuối cùng? Điều đáng sợ nữa là cô biến những đứa tổ trưởng, tổ phó, bàn trưởng… thành người giám sát các bạn khác, hoặc là giám sát nhau. Nói là giống mật thám thì hơi quá, nhưng cảm nhận của tôi là rất hãi. Bởi vì cô có lối tiếp nhận thông tin rất khủng bố. Cô bêu tên và gióng giả những đứa nào trót phạm lỗi, những cái lỗi có lẽ là vớ vẩn mà đứa trẻ nào hiếu động cũng mắc phải. Rồi cô sẽ phê vào sổ liên lạc mới khiếp. Cái sợ nữa mà tôi nhớ là đứa nào từng hư mà có được một chút gì khá khẩm là cô thánh thót như ghi công cải tạo… Đó chỉ là những chuyện rất li ti, nhưng tôi nghĩ nó đã hằn vào óc tôi nhiều năm trời, không hiểu có ảnh hưởng gì đến tính tình tôi sau này không nữa.
Quay lại chuyện bọc vở. Quyển vở bọc bằng tờ báo Người công giáo Việt Nam là vở bài tập. Có một lần nộp vở rồi, cả lớp ngồi dưới làm bài để cô chấm bên trên. Tôi để ý thấy lúc đang chấm, cô cầm một quyển lên đọc cái bìa. Ồ, quyển của mình. Cô đọc rồi nhìn nhãn vở. Cô hỏi tôi, giọng khá là ân cần: Em bọc vở bằng báo gì thế? Cô bảo có cái truyện hay, cho cô gỡ ra đọc rồi bọc lại nhé.Tôi nhớ ra, mặt ngoài quyển vở là đúng trang có truyện ngắn kia. Cà lớp nhìn tôi như thể ghen tị vì tôi có được ân huệ. Tôi cảm thấy cũng hơi sướng sướng trong bụng, hóa ra cô cũng phải lụy mình. Hay thực ra là hơi vui vui vì thấy cô tự nhiên có phút mềm yếu bởi một cái truyện ngắn mà mình cũng bâng khuâng.
Sau này khi đã lên cấp hai, tôi chỉ thỉnh thoảng gặp cô khi về trường. Cô cũng già đi, và lúc ấy tôi cũng không thấy mặt cô nghiệt lắm! Có điều tôi vẫn cứ buồn, nghĩ nếu cô đừng tỏ ra cứng nhắc hồi ấy thì việc đi học của bọn tôi sẽ vui biết bao? Chúng tôi cũng toàn đứa ngoan cả đấy chứ. Và cô nào có biết, có đứa học trò đã để bụng rất lâu thế không?Bây giờ, có hai thứ khiến tôi cứ nao nao mỗi kỳ Giáng sinh hay Giao thừa, ấy là truyện ngắn nọ mà cô giáo tôi đã gỡ từ bìa vở ra đọc, và mấy câu trong bài Gửi người em gái của Đoàn Chuẩn – Từ Linh mà tôi cứ nghĩ là có liên quan gì với nhau chăng:
Đêm tân xuân, Hồ Gươm như say mê.
Chuông reo ngân, Ngọc Sơn sao uy nghi
Ngàn phía đến lễ đền, chạnh lòng tôi nhớ tới người em
Mỗi đêm như thế đi ra đường, tôi ước trời đừng bao giờ sáng. Ngày hôm sau đã hết nao nao rồi.
“Hà Nội là Hà Nội” ngồn ngộn chất liệu của đời sống đương đại, đây đó có những câu chuyện giáo dục khiến ta giật mình, nhớ…
Nguyễn Trương Quý