Home / Tư vấn - Chia sẻ / Định hướng nghề nghiệp bắt đầu từ việc khám phá bản thân

Định hướng nghề nghiệp bắt đầu từ việc khám phá bản thân

Em xin chào TS. Nguyễn Thụy Anh. Em xin tự giới thiệu em tên là Nguyễn Thị Nguyệt, học sinh lớp 10A8 – THPT Bình Xuyên. Trong suốt thời gian học vừa qua, em đang gặp một khó khăn không thể giải quyết được. Nhân cơ hội này, qua chuyên mục “góc tư vấn tuổi hồng” em mong TS. Nguyễn Thụy Anh có thể giúp em tìm ra được cách giải quyết cho khó khăn của em. Hiện nay, em đã là học sinh lớp 10 nhưng trong quá trình học em vẫn chưa thể nhận biệt được mình học tốt môn nào, mình yêu thích môn nào để có thể định hướng con đường tương lai của mình. Trong khi đó em thấy các bạn trong lớp của mình thì các bạn đã có thể xác định được niềm đam mê của mình dựa vào sức học của các bạn. Bây giờ, em rất lo lắng cho tình hình học tập và sự nhận biết của mình. Qua chuyên mục này, em rất mong cô Thụy Anh có thể gợi ý cho em cách làm thế nào để kiểm tra năng lực chính xác của mình, làm thế nào để em biết được mình thực sự có niềm đam mê với môn học nào và học tốt môn học nào nhất để vạch đường tương laic ho mình. Em xin chân thành cảm ơn cô! Mong cô có thể gợi ý cho em một phương pháp để em có thể giải quyết thắc mắc này.

Nguyễn Thị Nguyệt

Lớp 10A8 – THPT Bình Xuyên – Bình Xuyên – Vĩnh Phúc

Trả lời:

Thân gửi em Nguyệt,

Những câu hỏi: Mình là ai trong cuộc đời này?; Mình có khả năng gì?; Chỗ đứng của mình thật sự ở đâu?… – luôn là những băn khoăn cần thiết và quan trọng đối với những người trẻ, và thậm chí cả những người không còn trẻ nữa, giật mình quay nhìn lại chặng đường mình đã đi qua. Nó có hai ý nghĩa. Một là hiểu được mình để tìm được một công việc phù hợp sẽ gắn bó cả cuộc đời. Hai là, chính từ công việc yêu thích và mình làm giỏi nhất mà có sự TỰ ĐÁNH GIÁ GIÁ TRỊ BẢN THÂN đúng đắn, giúp cho ta có sự cân bằng trong cuộc sống.

Nhiều người trả lời được những câu hỏi trên từ rất sớm. Nhiều người đến tận khi… về hưu mới bắt đầu hoạt động trong một lĩnh vực mới và khám phá được khả năng đích thực của mình.

dinh-huong-nghe-nghiep

Ảnh: sưu tầm

Lớp 10, em lo lắng muốn tìm đáp án cho những câu hỏi ấy, thật không thừa. Tuy nhiên, việc phát hiện mình giỏi môn học nào hay yêu thích môn nào thật ra không khó và chỉ là một phần nhỏ của “công đoạn” khám phá khả năng tiềm ẩn của bản thân. Việc này có thể làm bằng các cách:

1. Hỏi ý kiến thày cô giáo bộ môn, nhờ vào sự đánh giá chuyên môn của họ;

2. Dựa trên điểm số – cách này không phải lúc nào cũng chính xác;

3. Dựa vào cảm giác của mình: em hãy nhớ lại xem, khi đang học môn đó trên lớp, bỗng hết tiết – em có thở phào không? Em có phải chịu đựng và học nó một cách miễn cưỡng không? Em có bao giờ hăm hở đi tìm tài liệu đọc thêm về một vấn đề nào đó? Em làm bài tập môn này với cảm giác hài lòng hay là một cực hình? Em có bao giờ thấy tự hào trong lòng khi thấy mình nắm được một vấn đề hóc búa, mình có cách giải quyết vấn đề tốt hơn người khác?

4. Tham gia các nhóm sinh hoạt ngoại khoá; các cuộc thi; mở rộng phạm vi hoạt động của mình, tìm cho mình một cộng đồng riêng – ví dụ: nhóm vẽ phong cảnh, nhóm chép tranh, nhóm kịch, nhóm sáng tác, nhóm đánh cờ, nhóm nhảy, nhóm hát… – từ đó lắng nghe cảm giác mà cô đã nói ở phần 3.

5. Có thể hỏi ý kiến bạn bè xung quanh, xem họ đánh giá và… thán phục mình ở điểm nào, môn học nào?

6. Ghi ra một tờ giấy: tên những người mình ngưỡng mộ; mình từng mơ ước gì; những hình ảnh tưởng tượng của mình về tương lai; mình từng muốn giống ai trong những người xung quanh mình?…

7. Tìm cơ hội gặp gỡ trò chuyện với những nhân vật nổi tiếng ở lĩnh vực nào đó như nhà toán học, nhà vật lý, nhà văn, hoạ sĩ, nhạc sĩ… Không ngại đăng ký tham gia các workshops, các buổi giao lưu, các buổi nói chuyện có các diễn giả là những nhân vật mình quan tâm, có thể đặt câu hỏi cho họ để từ đó xác định mối quan tâm thật sự của mình.

Nguyệt thân mến,

Chúng ta có trên dưới 10 môn học trong trường phổ thông. Chúng đem lại cho ta những kiến thức nền cơ bản và quá trình học dạy ta cách tư duy, kỹ năng làm việc, ra quyết định, quản lý thời gian … và nhiều kỹ năng mềm khác. Có nghĩa là, việc học giỏi một môn nào đó trên thực tế chưa phải là đáp án cho câu hỏi lựa chọn nghề nghiệp hay tìm ra giá trị đích thực của bản thân. Cô biết có bạn trẻ cứ mỗi năm lại thích một môn học và… thay đổi quyết định chọn khối thi “liên xoành xoạch”!!!

Vì thế, ngoài việc đánh giá xem mình thích môn học nào, em có thể tìm hiểu rộng hơn về THIÊN HƯỚNG của bản thân ở những mục sau:

1. Thiên hướng nghiên cứu:

– Thích ĐỌC: có khả năng nhớ tốt các chi tiết sau khi đọc, giữ được tập trung lâu khi đọc hoặc nghe người khác đọc, có vốn từ và cách diễn đạt tốt, biết cách đọc diễn cảm, nhấn nhá từ khoá quan trọng trong khi đọc;

– Với TOÁN HỌC: từ bé dễ dàng nắm được những khái niệm về các con số, thời gian, thích đếm và tính tiền tốt, dễ dàng tính nhẩm, thích thú khi được đố và giải toán;

– Với KIẾN THỨC VỀ TỰ NHIÊN: thích tìm hiểu và hỏi kỹ về các hiện tượng tự nhiên, hay quan tâm đến nguồn gốc và chức năng của các sự vật, thích thử nghiệm, háo hức với các thí nghiệm khoa học, luôn có những nhận xét mang tính phân loại các sự vật hiện tượng…

dinh huong nghe nghiep (1)

Ảnh minh họa: sưu tầm

2. Thiên hướng tư duy sáng tạo: luôn tò mò tìm hiểu và đắm chìm trong một hoạt động nào đó không dứt ra nổi; trong các việc không muốn dập khuôn, thích làm theo kiểu của mình, dễ tự ái nếu ai đó bắt mình làm theo cách của họ; tỏ ra nhiều sáng kiến, ý tưởng mới lạ trong các trò chơi; tự mình sáng tạo ra trò chơi để rủ các bạn cùng chơi; nhìn bất kỳ đồ vật nào cũng có thể nảy ra ý tưởng sử dụng nó vào một mục đích nào đó…

3. Thiên hướng giao tiếp xã hội và lãnh đạo: luôn dễ dàng thích nghi với môi trường mới, tập thể mới; trong khi chơi trò chơi, luôn được bầu làm thủ lĩnh; trong đám đông không tỏ ra mất bình tĩnh và tự tin; không sợ nói chuyện với… người lớn; hay được bạn bè tâm sự và hỏi ý kiến…

4. Thiên hướng nghệ thuật:

– Với HÌNH ẢNH, MÀU SẮC – quan tâm đến tranh vẽ, hình ảnh, từ bé khi vẽ, bức tranh đã có nhiều màu sắc thú vị; thích vẽ thích nặn đất trong một thời gian dài không chán; luôn tỏ ra khéo tay khi làm một việc gì đó hoặc sắp xếp đồ vật;

– Với ÂM NHẠC: tỏ ra nhạy cảm với tâm trạng cảm xúc khi nghe nhạc buồn vui; nhớ và nhận biết giai điệu rất nhanh; thích hát theo những ca khúc quen; dễ dàng lặp lại những đoạn âm thanh lạ…

5. Thiên hướng vận động: thích chạy nhảy, bơi lội, bò trườn; ném và bắt bóng (đồ vật) tốt; giữ cân bằng cơ thể rất tốt khi chơi các trò chơi đi trên hàng thẳng; sức bật tốt;  thích tham gia các cuộc thi vận động ngay từ nhỏ…

Đấy là một số các “thiên hướng” để ta có thể chọn hoạt động nghề nghiệp phù hợp với mình. Muốn phát hiện sớm những thiên hướng ấy, mình phải nhờ vào… sự quan sát của người thân. Bố mẹ em sẽ cho em những nhận xét quan trọng vì bố mẹ là người đồng hành và quan sát mình từ nhỏ, trong một thời gian dài. Sau nữa, cảm giác về khả năng của bản thân dần hình thành rõ thông qua… trò chơi. Kể cả bây giờ, khi đã lớn, đừng ngại tham gia các hoạt động chung, những trò chơi phù hợp lứa tuổi, những cuộc thi giữa các nhóm hoặc cá nhân. Trong các hoạt động như thế, em sẽ thể hiện mình rõ nhất và đồng thời cảm giác-cảm xúc cũng bộc lộ rõ nhất. Em sẽ nhanh chóng khẳng định được mình thích gì và giỏi môn (việc) gì. Không phải ngẫu nhiên mà người ta thường “săn” các tài năng từ những cuộc thi!

Ở tuổi em bây giờ, còn có thể tìm hiểu và tham gia các dự án xã hội nhỏ như dự án đọc sách cho các em bé hơn; dự án thiện nguyện; dự án trồng cây; dự án làm thùng rác và kêu gọi vứt rác đúng chỗ; dự án viết bài giới thiệu sách… Trong các hoạt động, mình cũng có cơ hội khám phá bản thân và những kiến thức mình được học trên lớp có điều kiện được sử dụng đến.

Nói tóm lại, Nguyệt đừng quá lo lắng. Phía trước còn nhiều hoạt động em có thể tham gia, nhiều trò chơi, cuộc thi giúp em khám phá khả năng tiềm ẩn của mình. Hãy lạc quan, lắng nghe cảm xúc của chính mình để hiểu mình. Chỉ cần có chút thích thú, chút quan tâm đến môn học nào, hoạt động nào, hãy ngay lập tức tiếp tục phát triển nó bằng việc sống hết mình với sự thích thú đó, tìm người bạn cùng sở thích đồng hành với mình, không ngại chia sẻ những băn khoăn và khó khăn của mình với bố mẹ, thày cô hoặc một người lớn nào đó mà em tin tưởng!

Cô tin, em sẽ sớm tìm ra hướng đi cho mình trong năm tới!

Chúc em thành công! Cô đợi tin vui của em nhé!

Thân mến, 

Cô Thuỵ Anh. (Theo báo Văn học và tuổi trẻ số tháng 12/2016)

About CoTrang

Scroll To Top