Cuốn sách “Đôi lứa xứng đôi” trong bộ Việt Nam danh tác của Công ty Truyền thông và Văn hóa Nhã Nam phối hợp với NXB Hội Nhà văn xuất bản vào những tháng đầu năm 2015 là tuyển tập gồm 7 truyện ngắn của nhà văn Nam Cao. Cuốn sách không chỉ hấp dẫn tôi ở cái tên mà còn bởi từ hồi học phổ thông tôi đã biết thế nào là “yêu” với câu chuyện tình có duyên nhưng không có nợ giữa Chí Phèo và Thị Nở. Với tôi hình ảnh day dứt nhất nhưng cũng là đáng yêu, đáng trân trọng nhất là hình ảnh của “người lương thiện” – Chí Phèo: “Hình như có một thời hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê. Vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm sào ruộng.” (trích “Đôi lứa xứng đôi” trong tập truyện cùng tên, tr. 52). Hình ảnh thật giản dị biết bao nhưng để một kẻ giờ đây đã “Trông đặc như thằng sắng cá” làm được điều giản đơn của một “người lương thiện” quả thật bế tắc. Bế tắc bởi xã hội phong kiến nửa thực dân không cho anh ta sống làm người lương thiện; không cho anh ta cơ hội để “hoàn lương”, đến ngay cả hạnh phúc cá nhân được Thị Nở yêu thương và yêu thương lại người đàn bà ấy cũng không thể có được.
Chuyện tình Chí Phèo – Thị Nở không phải là hoàn cảnh của riêng họ mà cũng là bức tranh chung của xã hội ngày ấy, bởi chuyện của Tuyết và Hùng cũng chẳng khác là bao: “Cái nó chia rẽ chúng ta không phải là me em, mà là sự trái ngước giữa hai khối óc, đào tạo trong hai hoàn cảnh cách nhau xa. Chúng ta yêu nhau lắm, nhưng mà chúng ta không hiểu được nhau mà chúng ta không hợp tính nhau. Như thế, không thể nào sống chung với nhau sung sướng được.” (trích truyện ngắn Hai khối óc, tr. 82).
Xã hội làm cho người không về đúng bản chất con người, có muốn làm người lương thiện cũng không thể được, có muốn đối xử thật tốt với nhau cũng không xong nhưng “tình người” lại day dứt chẳng thể khác: “Không còn những cái vẫy đuôi mạnh dạn, những cái nhìn rất bạn bè, những cái hít chân vồ vập của một con chó vui và không ngờ vực. Du cảm thấy lòng nặng thay! Chàng lấy chân khẽ chạm vào con chó để tỏ tình thương. Con Mực vẫy đuôi mạnh hơn nhưng nhẹ nhẹ lánh ra: dáng điệu của một kẻ sợ cố cười với người mình sợ.” (trích truyện ngắn Cái chết của con Mực, tr. 123).
Lật giở đến trang sách cuối cùng của cuốn sách tôi như cảm nhận được sự đau đớn, bứt rứt, cái vòng tròn quanh quẩn như không thể thoát ra ôm trọn bao kiếp người. Nhưng bên cạnh đó cũng dần hiện lên tiếng nói mong ước hạnh phúc, tìm mọi cách vượt qua bế tắc và khát khao hướng đến cái thiện của con người.
Dương My