Home / Bài Viết / Đừng chỉ dạy đọc sách mà hãy nuôi dưỡng một người đọc suốt đời

Đừng chỉ dạy đọc sách mà hãy nuôi dưỡng một người đọc suốt đời

Khi trường học ngày càng trở thành những lò luyện thi, các môn tiếng Việt hoặc văn học không còn là những con đường khám phá, cảm thụ vẻ đẹp ngôn từ và khơi nguồn sáng tạo cho trẻ.  Thay vào đó chỉ còn là việc học thuộc lòng những bài văn mẫu dập khuôn sáo mòn, khiến đầu óc trẻ trở nên xơ cứng đến tê liệt vì sợ hãi và áp lực phải làm vừa lòng cô giáo và đạt điểm cao.  Mặt khác, những quy định của chương trình buộc giáo viên phải bám sát sách giáo khoa, áp lực của việc đánh giá chất lượng dạy và học thông qua điểm số và tỉ lệ thi đạt/lên lớp đã khiến giáo viên, cho dù nhận thức rõ cần phải thay đổi, cũng không còn thời gian và tâm sức để tìm cách đưa những tư liệu mới và khác vào giảng dạy nhằm đáp ứng nhu cầu cảm thụ của học sinh.  Thư viện nhà trường, nếu có, hầu hết vẫn chỉ là hình thức, chưa kể đến việc học sinh có hay không nhu cầu và thói quen sử dụng thư viện từ những năm phổ thông.

Bắt đầu từ trong gia đình

Có lẽ chỉ có gia đình — và có thể một vài nơi hãn hữu ngoài nhà trường — là hy vọng còn lại để gây dựng niềm yêu thích đọc sách chân thành cho trẻ.  Hãy nhìn xung quanh trong ngôi nhà của bạn: nhà bạn có sách không, những loại sách gì, để ở đâu, cất giữ như thế nào.  Sách chiếm một vị trí như thế nào trong nhà bạn, giữa biết bao đồ vật — TV màn hình phẳng, dàn âm thanh kỹ thuật số, (một vài chiếc) máy tính cá nhân, rất nhiều trang thiết bị phụ tùng khác, rồi tranh ảnh hoa nến đèn gương, và đồ chơi của trẻ.  Bạn đối xử với sách như thế nào, cho dù là loại sách gì, bạn nâng niu quý trọng chúng đến đâu, hay đọc xong bỏ đó, không gìn giữ chăm sóc, cho mượn không cần đòi lại, ai đến lấy đi cũng được.

Nên bắt đầu gây dựng niềm yêu sách cho trẻ từ khi nào?  Từ khi trẻ chưa biết đọc, thậm chí chưa biết nói, và ngay cả trong những lúc bạn không giao tiếp trực tiếp với trẻ.  Từ rất nhỏ, con của bạn có nhìn thấy bạn đọc sách không, hay chúng chỉ nhìn thấy bạn ngồi máy tính, xem ti-vi, nói điện thoại?  Mỗi lần bạn đọc một thứ gì ở dạng in ấn trước mắt trẻ, liệu đó có phải là một quyển sách hay không, hay chỉ là một tờ báo, một cuốn tạp chí trời trang hoặc nhà xe, hoặc chỉ là một tờ quảng cáo?

Nhiều cha mẹ thường chỉ nghĩ rằng, thường xuyên mua sách, tích cực kể chuyện, đọc truyện cho trẻ là nuôi dưỡng niềm ham thích đọc cho trẻ.  Nhưng có lẽ nên bắt đầu bằng chính mình.  Cho dù bạn phải chờ cho con ngủ mới cầm lên một cuốn sách, có lúc bạn phải tìm cách ‘trốn con’ hoặc thu xếp với vợ/chồng mình để có thời gian cho một quyển sách bạn rất muốn đọc, hãy để con bạn nhìn thấy, cảm nhận và lớn lên trong niềm yêu sách của chính bạn.  Vợ chồng bạn trò chuyện với nhau, hoặc với bạn bè, về một quyển sách vừa đọc; sách là một trong những món quà gia đình bạn thường được nhận hoặc đem tặng bạn bè; bạn hân hoan phấn khích khi nghe người khác nói đến sách.  Với con bạn, những lần tới hiệu sách có được đón chờ háo hức như được đi công viên, siêu thị, nhà hàng hay không?  Con bạn có quý những quyển sách được tặng như các món quà đồ chơi khác hay không?  Sách và những gì đọc được trong sách có được nói đến trong câu chuyện của bạn với con hay không?  Sách là niềm vui trong cuộc sống của từng người trong gia đình và cả gia đình — thông điệp đó, với trẻ, cũng mạnh không kém, thậm chí còn có tác dụng sâu sắc hơn nhiều, so với những quy định về giờ đọc sách hàng ngày hoặc số sách cần đọc trong mùa hè này.  Thay vì biến đọc sách trở thành một nhiệm vụ nữa trong rất nhiều nhiệm vụ hàng ngày của trẻ, gây áp lực cho trẻ thông qua những cách khen thưởng hoặc trừng phạt liên quan đến sách (nếu đọc được ngần này quyển thì được thưởng cái này, nếu không đọc sách hôm nay sẽ bị phạt thế kia), hãy làm sao để trẻ thèm đọc sách như thèm được chơi, thậm chí thèm đọc hơn cả chơi.  Cách thuyết phục nhất có lẽ là cho trẻ thấy niềm ham mê sách của chính bạn và những người trong gia đình hoặc xung quanh bạn.

Những quyền của người đọc

Người lớn – phụ huynh, giáo viên, và những ai quan tâm đến việc đọc của trẻ – thường có những hình dung khá cụ thể về sách và đọc sách.  Phải là loại sách này hay sách khác, thậm chí cuốn nọ hay cuốn kia, danh sách này hay danh mục khác mới là cần đọc nên đọc đáng đọc, mới là có giá trị kinh điển, nhân văn.  Cần liên tưởng thế này, phải cảm nhận thế kia, mới là đọc đúng cách.  Thậm chí việc đọc nhiều khi còn gắn với những hoạt động kéo theo như diễn thuyết, kể chuyện, đóng kịch, bàn luận, hoặc viết bản thu hoạch (tóm tắt và cảm tưởng) về một cuốn sách đã đọc.  Những hoạt động đó, nếu diễn ra với liều lượng vừa phải đúng mức và phù hợp với từng trẻ, có thể khiến trẻ thêm phấn khích ham mê và giúp phát triển nhiều kỹ năng ngôn từ cũng như giao tiếp xã hội rất quan trọng.  Nhưng có không ít trẻ cảm thấy miễn cưỡng và thậm chí còn xa rời, dần dần dẫn tới chán ghét đọc hơn nếu phải làm những gì không thực sự tương hợp với sở thích, xu hướng của mình.  Đọc, trước hết, là một hoạt động cá nhân.

Nhà văn người Pháp Daniel Pennac đã đề xuất 10 quyền của người đọc (1992).(*)

  1. Quyền không đọc
  2. Quyền đọc bỏ cách trang
  3. Quyền không đọc hết đến cùng
  4. Quyền đọc lại
  5. Quyền đọc mọi thứ
  6. Quyền thoát ly vào thế giới trong sách
  7. Quyền đọc ở mọi nơi
  8. Quyền đọc lướt
  9. Quyền đọc thành tiếng
  10. Quyền không phải bảo vệ cho sở thích của mình

Những quyền này không chỉ dành cho trẻ em.  Để phù hợp với ngôn ngữ trẻ em, một số quyền đã được diễn đạt lại.  Chẳng hạn, quyền ‘thoát ly’ vào thế giới trong sách được diễn tả như quyền được mộng mơ, thả mình vào những trang sách, coi những gì trong sách là thật.  Quyền thứ 10 có thể được diễn đạt là quyền được im lặng, không phải giải thích về lựa chọn sách của mình.  Họa sĩ Quentin Blake đã vẽ tranh hoạt hình để minh họa cho 10 quyền này (2006), và thêm ở dưới cùng dòng chữ: “10 quyền, 1 lời nhắc nhở: đừng chế giễu người chưa đọc vì nếu không họ sẽ chẳng bao giờ đọc”.(**) Nhiều trường học, thư viện, câu lạc bộ đọc sách ở các nước đã treo tờ tranh này trên tường.

Ở Việt Nam, những quyền này, và tư duy về quyền, có thể còn gây tranh cãi.  Hơn nữa, trong thực trạng sách xuất bản cho thiếu nhi hiện nay, chắc hẳn một số người sẽ đồng ý với đề xuất cho rằng “mọi thứ” ở điều 5 cần được hiểu là “tất cả những gì lành mạnh.”  Bạn có thể bàn luận về các quyền này giữa người lớn với nhau và tùy từng tình huống, với ngay chính trẻ.  Nhưng trước khi bàn luận, có lẽ, điều quan trọng là nhận thức được quyền của chính mình như một người đọc.  Cho dù bạn lựa chọn theo cách nào —  định hướng nhẹ nhàng hay kiểm duyệt gắt gao những gì trẻ đọc, khuyến khích trẻ tự do chọn lựa hay trực tiếp khiến lái việc đọc của trẻ — nghĩ đến bản thân mình như một người đọc có lẽ sẽ nhắc nhở bạn, một lần nữa: Đọc, trước hết, là một hoạt động trí tuệ và hưởng thụ cá nhân, và chỉ có đọc tự do, đọc vì chính mình và cho chính mình, mới là con đường thực sự khai phóng để hướng tới một người đọc suốt đời.

31/05/2011

Viết cho Đọc sách cùng con

(*) Pennac, Daniel. 1992.  Better than life.  York, ME: Stenhouse

Một buổi sinh hoạt đọc sách của CLB Đọc sách cùng con

TS Trương Huyền Chi

About admin2

Scroll To Top