Xin chào chuyên gia,
Vợ chồng tôi có một cháu trai năm nay học lớp 5. Cháu mạnh khỏe, học hành giỏi giang, nhanh nhẹn. Vì trước đây chúng tôi đều ở quê lên Hà Nội lập nghiệp nên khi có con, chúng tôi rất mực chăm lo cho cháu, không để cháu phải thiếu thốn gì so với bạn bè cùng trang lứa. Để cháu tập trung học hành, chúng tôi cũng không bắt buộc cháu phải làm việc gì khác. Nếu cháu thích có thể tự làm, không muốn thì chúng tôi cũng không ép buộc con. Chúng tôi luôn nghĩ, cố một tí để con dành thời gian học hành, thư giãn.
Tuy nhiên, đợt vừa rồi vợ tôi bị bệnh, phải nghỉ làm đến vài tháng ở nhà cho lại sức. Trong thời gian vợ tôi nghỉ làm, chúng tôi nhận ra phương pháp giáo dục con của mình đã sai lầm rồi. Mẹ bị ốm, cháu tỏ ra thương mẹ nhưng hoàn toàn không làm việc gì giúp mẹ cả. Tôi thay vợ buổi sáng đi chợ, chiều đón con, nấu nướng…Với tôi, việc đó không quá nặng nhọc chỉ có điều, suy nghĩ và hành động của cháu khiến chúng tôi buồn nhiều. Khi tôi nấu cơm thì cháu viện cớ lên phòng đọc sách và chơi điện tử.
Tôi phân công cháu những việc nhẹ nhàng như quét nhà, tưới cây, đổ rác… thì cháu vùng vằng, nằm phịch xuống salon, giọng hờn dỗi: “Con đi học về mệt ơi là mệt, nghỉ một tí cũng không yên. Mấy việc đó mọi khi có bao giờ con phải làm đâu”. Tôi nói con vào phòng đấm lưng, nói chuyện với mẹ thì chỉ được một lúc cháu lại chạy về phòng làm việc riêng.
Tôi có nói chuyện, góp ý với cháu thì cháu tỏ ý giận dỗi, ra điều bố mẹ không thương cháu khi cứ muốn sai cháu làm việc này việc kia, trong khi trẻ con phải được nuông chiều.
Cháu đã học lớp 5 mà vợ chồng chúng tôi vẫn chăm lo cho cháu từng li từng tí một vì cháu hoàn toàn không muốn tham gia vào bất kì công việc gì cả. Cuộc sống của cháu hoàn toàn ỉ lại vào bố mẹ.
Vợ chồng tôi muốn xin chuyên gia lời khuyên để dần dần giúp cháu hiểu ra cuộc sống là phải biết giúp đỡ và sẻ chia với người khác. Xin cám ơn chuyên gia.
Ý KIẾN CHUYÊN GIA
Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh
Anh Hữu Công thân mến, tôi hiểu nỗi buồn của vợ chồng anh khi con mình không biết chia sẻ với bố mẹ. Chúng ta không nói đến lỗi này thuộc về ai nữa, mà hãy cùng nhau nghĩ giải pháp để dần dần giúp cháu sống tích cực hơn. Ở đây, tôi nghĩ mọi khúc mắc có thể được cải thiện bằng hai từ: Chia sẻ.
Vậy, bố mẹ có thể và rất nên chia sẻ với trẻ những điều gì? Tôi xin đưa ra một vài gợi ý cho anh Công và các bậc cha mẹ có con nhỏ như sau:
– Một trong những nhóm quyền của trẻ em được ghi nhận trong công ước Quốc tế là quyền được tham gia. Cha mẹ hãy coi trẻ là một cá thể có ý thức, có khả năng tiếp nhận thông tin, thấu hiểu tình cảm và lo lắng của người lớn để bắt đầu sự chia sẻ từ khi con còn nhỏ.
Mọi khúc mắc có thể được giải quyết bằng hai chữ : Chia sẻ
– Chúng ta hãy tâm sự mọi trạng thái tình cảm và sức khỏe của mình với con. Ví dụ: “Hôm nay trời mưa to quá, bố đi mưa nên bị đau đầu, con ạ” rồi bạn đề nghị con xoa đầu cho mình cho đỡ đau. Hoặc: “Hôm nay bố đi công tác, mẹ buồn quá vì nhà chỉ có hai mẹ con. Con có nhớ bố không?” và bạn tạo điều kiện cho con thể hiện sự an ủi, đồng thời có thể nói: “Thật may là có con ở đây, không thì mẹ còn buồn nữa!”. Đương nhiên, chớ lạm dụng những lời than vãn. Hãy chia sẻ trong chừng mực “sức tiếp nhận” của trẻ chịu được những vấn đề của người lớn.
– Con của anh Hữu Công đã 5 tuổi rồi và từ nhỏ đã không phải làm việc nhà. Nhưng các bậc cha mẹ có con nhỏ từ khi con lên 2, 3 tuổi xin lưu ý, mỗi lần làm bếp, giặt đồ, phơi quần áo… bạn hãy luôn cho trẻ tham gia. Ở tuổi này, chúng rất háo hức bắt chước và muốn giúp đỡ người lớn. Nếu bạn vì sợ mất thời gian mà bỏ qua giai đoạn chia sẻ này thì thật đáng tiếc, bạn có thể không có cơ hội tốt như thế về sau! Cho trẻ cùng làm những công đoạn nhỏ và dễ trong việc nhà, chẳng hạn, mẹ lau sàn nhà, con thì lau ghế, lau bàn; con cho đồ vào máy giặt, còn mẹ đổ xà phòng, con bấm nút vận hành hộ mẹ…
– Với trẻ từ lớp 1 trở lên, bạn có thể tâm sự với con cả những khó khăn lớn hơn trong xã hội, như tình hình khủng hoảng, giá rau, giá gạo tăng lên. Tất nhiên, cũng kể với con cả những niềm vui nữa, chứ đừng chỉ có thông tin tiêu cực! Ví dụ, mẹ được tăng lương, hay bố có nhuận bút cuốn sách mới, cả nhà mình sẽ cùng đi mua một món đồ gia dụng nào đó.
– Thỉnh thoảng cho con cùng đi chợ, cùng đi mua đồ cho gia đình, hỏi ý kiến con: “Con thích ăn rau cải hay rau muống hôm nay?”. Hoặc: “Mẹ muốn mua một bộ cốc tách mới. Không hiểu màu trắng này có hợp với cái bàn nước nhà mình không?”…
– Hướng dẫn cho trẻ làm những việc đơn giản vừa sức. Ví dụ, trẻ 5-6 tuổi như con trai của anh Công có thể lau bàn ghế, rửa cốc chén, quét nhà, dọn giày dép, sắp đũa bát ra mâm cơm, tưới chậu cây cảnh, cho cá ăn… Hãy phân công những việc cụ thể của riêng con, không ai trong gia đình làm thay việc ấy. Trẻ sẽ thấy những việc đó là tự nhiên, và vui sướng được nhận trách nhiệm, thậm chí còn có thể bực mình nếu bạn làm giúp con. Vẫn là vận dụng hai chữ Chia sẻ thật khéo léo để con hiểu, mình cũng là người có trách nhiệm gánh vác gia đình, hoàn toàn không phải chân sai vặt của bố mẹ.
Hãy giúp trẻ nhận ra “trọng trách” được gánh vác việc nhà cùng bố mẹ
– Nếu nhà có người giúp việc, phải thống nhất với họ về phần việc nhỏ của bé, đề nghị họ không “can thiệp”. Đối xử với người giúp việc cũng thật trân trọng, để trẻ có cái nhìn đúng đắn về việc lao động chân tay và việc nhà.
– Không “sai vặt” trẻ quá nhiều, khiến trẻ mất hứng thú công việc. Nếu đã giao việc cụ thể cho trẻ, cứ bình tĩnh để trẻ tự giác làm. Nếu có nhắc, cũng nhắc thật khéo: “À, chiều khi nào con lau bàn ghế xong thì bố sẽ cắm hoa, bố vừa mới mua được bó hoa rất đẹp”… Hãy luôn tỏ ý tin tưởng rằng trẻ không bao giờ lơ là các công việc của mình.
– Trong trường hợp con bận học hoặc mệt mà chưa làm một việc gì đó thuộc về “trách nhiệm gia đình” của mình, bạn đừng vội phê bình, nhắc nhở hoặc im lặng làm hộ. Hãy tỏ ra thông cảm và hiểu lý do vì sao trẻ chưa thực hiện công việc, và an ủi, để mai con làm việc đó cũng được.
– Đừng quên những lời khen ngợi đúng lúc.
Khích lệ tinh thần trẻ bằng những lời động viên đúng lúc
– Mỗi tuổi mỗi lớn, khả năng chia sẻ công việc gia đình của trẻ càng tăng. Bạn có thể dần dần giao các việc lớn hơn, đòi hỏi trách nhiệm cao hơn, cho trẻ. Có thể bày cách cho con đặt nồi cơm trước khi mẹ về (với bé đã 8, 9 tuổi). Chú trọng dạy con ý thức giữ an toàn trong nhà (về điện đóm, chống cháy nổ, đề phòng kẻ gian… Hãy luôn đề cao tầm quan trọng của những việc mà bé có thể làm được cho gia đình.
– Hãy lập tức hỏi han và trợ giúp nếu thấy bé có khó khăn trong “công việc”. Ví dụ như khăn chưa đủ ẩm khi bé lau bàn ghế, chổi hơi cùn làm bé bực mình…
– Và cuối cùng, bạn hãy luôn là tấm gương cho con trong việc quan tâm đến việc nhà, đến những thành viên trong nhà.
Tóm lại, trẻ em có khả năng chia sẻ, thấu hiểu, đồng cảm … rất lớn, chỉ cần bố mẹ đánh giá cao khả năng ấy và biết cách khéo léo kích thích cho nó phát triển. Điều này không chỉ khiến mối liên quan giữa các thành viên trong gia đình ngày càng khăng khít hơn mà còn là một hành trang tinh thần cũng như kỹ năng xã hội cần thiết cho con khi con bước vào đời.
Chúc anh Công và các bậc cha mẹ chia sẻ việc nhà thành công với con!
Theo http://tamsugiadinh.vn/