Thân tặng các thầy giáo và những người bạn của tôi tại trường đào tạo Hartenstein (Cộng hoà dân chủ Đức ), nơi tôi đã được học tập vào những ngày thu-đông 1982.
Ngôi trường ấy vốn là một lâu đài cổ kính nằm giữa một khu rừng thông, bóng thông phủ kín những quả đồi mênh mông điệp trùng kéo dài tưởng như vô tận. Ngôi trường cách không xa một dòng suối nhỏ, nước trong vắt và chảy xiết lạnh ngắt. Thỉnh thoảng tôi đã được trông thấy những con thiên nga trắng nuốt, vươn những cái cổ dài yểu điệu , cúi xuống tìm gì đó đưới lòng suối có vài hòn cuội nhỏ. Thế rồi bất chợt nó vỗ cánh làm bắt tung những giọt nước và bay bổng lên trời xanh…
Buổi chiều gió lạnh ấy sương mù như vây kín lấy khu truờng, tưởng như mây sà xuống thấp và nữ hoàng đêm tối tung tà áo đen bao phủ lấy cả khu rừng sâu và dòng suối nhỏ…
Tôi thấy mình đang đi vào một câu chuyện xa xưa…
Tôi đi , đi mãi đến một thế kỷ khác ở một thành phố xa lạ mà tôi mới biết lần đầu…
…Một buổi chiều cuối năm ở thành Ma gơ buốc. Sương trắng mờ phủ dòng sông Enbơ, sương như nhưng làn khói toả ra quanh những cành cây đã trụi lá. Vinhem lật cổ áo khoác lên và đi sát vào bên anh Gia cốp. Gió lạnh buốt quấn lấy từng bước chân của hai anh em.
– Sắp đến ngày lễ thánh Ni cô lau rồi nhỉ…- Gia cốp nói trầm ngâm, cặp mắt anh nhìn ra phía xa, như nhớ đến một điều gì đó đã lâu rồi…
Vinh em nhìn anh và tươi cười:- Anh nhớ ngày chúng mình còn bé mong quà bên cây thông có phải không?- Vin hem khe khẽ hát bài hát thủa ấu thơ: “Ôi cây thông xanh, cây thông xanh…”Anh tủm tỉm cười nghĩ đến món quà nhỏ vừa mua được, anh sẽ khiến ông anh Gia cốp có một chút bất ngờ… “Ôi cây thông xanh…” Lòng anh lại ngân nga bài hát du dương như có tiếng sáo dìu dặt đệm vào nhẹ nhàng phảng phất như gió thổi từ đời này sang đời khác vẫn được hát lên vào những ngày cuối năm.
Phía xa xa, xuyên qua màn sương, đèn nến sáng trưng một vùng đất, đó là nơi họp chợ. Hai anh em rảo bước vào xem. Có một đám đông vang tiếng phong cầm, tiếng sáo réo rắt. Một gánh múa rối rong…
Người người xúm lại xem. Những người lính Phổ mệt nhọc, quần áo đầy bụi ngồi trên những cỗ xe kéo pháo đen kịt cùng ngước mắt về phía có tiếng đàn hát…Tiếng cười của đám đông càng lôi cuốn hai anh em Vinhem và Giacốp.Bỗng Vinh em cảm thấy như có hương nước hoa lạ đâu đây. Anh quay lại và trông thấy có hai ông bà người ngoại quốc đang đứng gần đó. Người đàn bà đẹp mặc một chiếc áo choàng lông thú đắt tiền, bàn tay nhỏ nhắn đeo găng duyên dáng đưa về phía đám đông. Bà ta hỏi người đàn ông bằng tiếng Pháp:
– Cái gì đấy?Người đàn ông cao gày, đội mũ phớt, cổ áo trắng nuốt nổi bật chiếc nơ đen. Ông ta khẽ nhún vai tỏ ý không hiểu gì. Người đàn bà bật lên một tiếng cười ròn:- Ních-đoi* , a há!- Bàn tay nhỏ nhắn khẽ phảy chiếc khăn nhỏ ngào ngạt mùi nước hoa Pari- Ních –đoi (không biết tiếng Đức)…
Người đàn ông tủm tỉm cười, từ tốn rút chiếc tẩu ngậm trên miệng ra, nói một câu tiếng Pháp rất cầu kỳ , mà đại ý có thể hiểu rằng : Không làm sao chịu được cái thứ tiếng Đức.Vinhem tái mặt khi nghe câu nói đó. Cổ họng anh như nghẹn lại. Anh hiểu tiếng Pháp. Vinh em giật tay Giacốp: -Anh có nghe thấy họ nói họ cười không?
– Có nghe – Gia cốp vẫn lặng lẽ, cặp mắt trầm ngâm.
Vinh em lắc đầu, nói giọng xúc động: -Em …em không chịu được. Thế giới sẽ nghèo nàn buồn tẻ đi vô cùng nếu người ta chỉ còn nói một thứ tiếng…
Dù tiếng nói đó là tiếng Pháp, ngôn ngữ của Ra-xin, Cooc-nây, Vôn-te…Ông Xéc-van-téc đã từng nói: “…Các thi hào xưa đều viết bằng thứ tiếng hoà lẫn trong sữa mẹ chứ không dùng tiếng ngoại quốc để diễn tả những ý tưởng cao đẹp của mình…”- Vin-hem!- Gia cốp quát lên như để em chú ý đến một việc gì đó. Tiếng ồn ào của đám đông vang rền.
Mấy bà bán pho mát ngả vào vai mấy ông thợ mộc để cười ha hả. Các chú bé chăn ngựa cho những đoàn xe thồ hàng nhảy lên hoan hô. Những con rối xinh xắn đang hát một bài dân ca cổ…
…Có tiếng vó ngựa vang rền bụi bốc mù mịt. Đoàn quân Napoléon Bonaparte đang kéo đến, tiếng roi quất vun vút vào không khí như càng ngày càng lại gần. Mọi người chạy tán loạn. Hai ông bà người Pháp ban nãy đã lên xe ngựa đi khuất.
Bố con người diễn trò múa rối còn trơ lại trên nền đường. Người đàn ông gày gò ôm những con rối bù xù trước ngực, đang cố tợp vội những ngụm nước đựng trong cái cốc to xù. Ông uống ừng ực như cố xua đi cái cảm giác khô cổ rát họng. Đứa bé gái có cái mũi nhọn, mớ tóc vàng để loà xoà trước trán , giật tay bố:
– Bố ơi, con đói!Bụi phả vào mặt họ, vó ngựa của đoàn quân Napoléon Bonaparte đi chinh chiến khắp châu Âu đã dẫm bừa lên những mảnh vải bạt sân khấu múa rối còn để lăn lóc trên đường. Người đàn ông chủ gánh hát rong hoảng loạn đầu óc , đứng trơ ra như người mất trí…- Kìa ! Chết bây giờ!Có tiếng thét và bàn tay hai người đàn ông nào đó kéo hai bố con người hát rong giật lại bên đường. Những con ngựa to lớn, kéo cỗ pháo lăn ầm ầm qua khu chợ tan tác. Trong bụi , trong sương, trong gió mù mịt, tiếng khóc của em bé gái nấc lên rưng rức…
– Xin ông và em hãy cầm lấy!- Có tiếng trầm trầm của người đàn ông cao gày có mớ tóc mầu sáng ánh lên trong đêm tối.Em bé run run đỡ lấy một vật có mùi thơm ngọt ngào đang toả ra. Đó là một thỏi chocolate hình ông già Noel…Bố con người diễn trò nhìn theo họ đi khuất, ngơ ngẩn trong gió lạnh đến tê tái…
Tiếng nhạc bài hát “Cây thông xanh” đang cất lên du dương từ một toà nhà nguy nga, rực rỡ đèn nến phía xa xa…
Em bé cầm thỏi chocolate đưa lên mũi và cảm thấy một làn hương rất ấm áp ngọt ngào thơm…
Em không biết rằng hai người vừa cho em quà năm mới chính là hai anh em Jakob Grim và Wilhelm Grim, hai người đã để lại cho trẻ em toàn thế giới những món quà đời đời đó là “Truyện cổ Grim”…
Tôi đã mơ một giấc mơ kỳ lạ gặp gỡ hai anh em Grim như thế và sáng hôm sau tỉnh giấc tôi bước vào rừng thu…
Rừng thu
Tôi thong thả dạo bước trên con đường đầy lá thông rơi. Rừng cây xào xạc như một dàn nhạc dây dạo khúc mở đầu.
Không khí lạnh giá trong rừng không làm cho người ta giá buốt, mà lại làm cho người dễ chịu, nhẹ lâng lâng. Có tiếng chim hót. Ồ không biết những con chim này có hót bằng tiếng Đức không nhỉ? Tôi lắng nghe và hiểu như một khúc tình ca. Một chiếc lá phong vàng thắm rơi xuống tay tôi, hoá ra thiên nhiên ở đâu cũng thân mật và thông cảm với mình, dù mình là ai chăng nữa.
Có tiếng vó ngựa lốc cốc, một con ngựa trắng như tuyết, to lớn hơn tất cả những con ngựa tôi đã trông thấy ở Việt Nam lừng lững phóng đến. Trên chiếc xe ngựa chỉ có một ông già đang ngồi hút thuốc. Khói từ chiếc tẩu của ông bay lên mảnh dẻ như một dòng chữ mơ hồ viết ẩn hiện giữa lá rừng. Xe ngựa đi qua, tôi bàng hoàng nhận ra mình đang tiến sâu vào trong rừng lúc nào không biết, và có thể có một câu chuyện cổ tích đang chờ đợi…
Chợt có tiếng trẻ khóc. Tôi tiến lại gần một bụi cây, ở đấy có một cái xe nôi và một đứa bé mũm mĩm được quấn chăn cẩn thận đang khua tay, khua chân rối rít. Không thể cầm lòng, tôi tiến lại gần và à âu với bé. Tất nhiên, tôi dỗ trẻ con bằng tiếng mẹ đẻ của tôi, tiếng Việt giọng Hà Nội ! Đứa trẻ Đức bỗng chú ý đến ánh mắt tôi, nó nín khóc và nhoẻn miệng cười. Tôi lấy một tờ giấy mỏng trong túi ra và gấp thành một con chim vẫy vẫy cánh. Đứa trẻ thích thú lắm, cười lên khanh khách.
Có tiếng chân gấp gáp trên lá khô, một lớp lá thông dầy xao động. Chị nó về! Một cô bé tóc vàng, cặp mắt màu tro từ trong rừng chạy lại. Em nhìn tôi và nhìn đứa trẻ trong nôi, tay em cầm một túi hạt dẻ.Tôi lùi lại, ánh mắt cô bé có một vẻ khó hiểu…Tôi lùi thêm hai bước nữa và đứng dựa lưng vào cây thông. Vốn tiếng Đức của tôi qúa ít ỏi và dùng bất cứ câu gì lúc này đều vô duyên và có khi gây hiểu lầm…
Bỗng đứa trẻ trong nôi đưa tay hướng về phía tôi. Tôi đưa con chim giấy lại gần chiếc nôi và vẫy vẫy cánh, đứa trẻ lại cười.Cô bé chị cũng cười. Em nói : “Cám ơn”, ánh mắt nhìn tôi thân mật.
Tôi đưa con chim giấy lại cho em:
– Bít- tơ,soen! (Xin mời em cầm).Cô bé vui vẻ nhận lấy món đồ chơi nhỏ, và nói rằng:- Người Việt Nam thật khéo tay.
Thế rồi em xếp những cái lá phong vàng thành một hình tròn trên mặt đất.Tôi chỉ tay vào một bông hoa dại, cô bé lắc đầu. Tôi lại chỉ tay lên ánh mặt trời đang lơ lửng trên cánh rừng thông. Cô bé gật đầu.
– Mặt trời!Tôi reo lên bằng tiếng Anh và xếp thêm một đám mây lá vàng. Rồi vạch lá thông thành biển cả, tôi xếp một con thuyền vượt sóng ra khơi.
Phút giây ấy em và tôi nhìn nhau xúc động. Cả hai tưởng như cùng đi trên con thuyền giữa biển cả bao la dưới ánh mặt trời rực rỡ, một đám mây thần kỳ đang dẫn chúng tôi đi,còn cậu bé đang nằm trong nôi kia thì cưỡi một con chim thần bay trên đầu tất cả.
Rừng thu xao xuyến hơi lạnh và gió như ngừng thổi, không dám động đến bức tranh đẹp của chúng tôi.Bỗng có tiếng động cơ xe máy. Một chiếc môtô chở một đôi trai gái đi chơi rừng phóng vụt qua.
Trong chớp mắt, bức tranh bay theo gió cuốn theo làn khói môtô.
Cô bé và tôi dường như cùng một lúc giơ tay lên trời ý nói:
– Thế là hết!Rồi ,cô bé cười, tiếng cười tưởng như vô lý mà tôi lại cảm thấy là phải.Lát sau cô bé chớp chớp cặp mặt ướt rồi đặt tay lên đầu, đặt tay vào ngực mình, và chỉ vào bức tranh đã mất, lát rồi từ từ nắm chặt tay lại.
À, nghĩa là em nhớ mãi bức tranh mơ mộng của chúng ta. Em nhớ mãi có một ngày ở rừng thu, có một người đàn bà Việt Nam đã chơi với em những trò con trẻ.Tạm biệt em, tôi nhắc đến một người Đức cả thế giới biết.
– Grim! Tôi thích Grim!
– Soen! Soen!- Em nói và vẫy tay từ giã bằng một tấm khăn trắng nhỏ như một cánh bướm xa dần.
Nhiều năm đã qua, tôi đã xa nước Đức hàng vạn dặm, nhưng đôi khi một làn sương nhẹ nhàng của mùa thu khô lạnh bay đến bên tôi, đủ làm tôi nhớ đến bồi hồi một ngày thu ở rừng nước Đức, tôi đã gặp một em gái nhỏ bên một con thuyền cổ tích.
Tháng 7-1991
Nhà văn Lê Phương Liên