Tôi không phải là người gốc Hà Nội. Thời gian tôi sinh sống, học tập và làm việc nơi đây mới khoảng 10 năm có lẻ. Thời gian ấy không quá dài, nhưng cũng đủ lâu để tôi “nếm trải” Hà Nội, là Hanoian theo cách riêng của mình. Với việc sống xa nhà, xa bố mẹ, tôi có cơ hội “cắm rễ” ở nhiều khu vực của đất thủ đô, và phố cổ là một trong số ấy.
Từng sống ở Hàng Buồm khoảng 1 năm, thực lòng mà nói, với tôi, ấn tượng đẹp về phố cổ không nhiều. Cũng đúng thôi, trong một thời đại khác, bối cảnh khác mà cơ sở vật chất vẫn vậy thì sẽ khó mà “làm hoà” với nhau được.
“Hà Nội băm sáu phố phường” là những bài báo của Thạch Lam được tập hợp lại gồm 2 phần chính: các phố và các thức quà. Với phố, Hà Nội hiện lên rất chân thực buổi giao thời giữa Nho học và Tây học. Từ cái biển hàng, kiến trúc nhà cửa cho đến lối sống, phục trang. Với quà, Hà Nội hiện lên rất đặc sắc. Các món quà Hà Nội qua cách hành văn của tác giả có thể khiến bất cứ ai cũng phải xuýt xoa, phải gật gù, phải thèm thuồng, phải say đắm. Từ món phở huyền thoại, đến bún chả, bún ốc, bún thang, bánh cuốn, bánh tôm cho đến chè đậu xanh, chè đậu đen, bánh cốm, bánh khảo, kẹo lạc…v.v. Tôi đã được mọi người “cảnh báo” là đừng đọc tác phẩm này khi đang đói. Vì vậy mà tôi đã ăn thật no để sẵn sàng “lâm trận”. Nhưng cho dù có làm thế đi chăng nữa, dạ dày tôi vẫn réo và nước miếng tôi vẫn chực trào. Thật không thể tin nổi!
“Thức gì bà bán cũng ngon lành, giá cả phải chăng. Nhưng gánh phở của bà thì tuyệt: bát phở đầy đặn và tươm tất, do hai con gái bà làm, trông thực muốn ăn. Nước thì trong và lúc nào cũng nóng bỏng, khói lên nghi ngút. Rau thơm tươi, hồ tiêu bắc, giọt chanh cốm gắt, lại điểm thêm một chút cà cuống, thoảng nhẹ như một nghi ngờ.” (Hà Nội băm sáu phố phường, trang 46).
Cuộc sống không ngừng đổi thay. Một lớp người Hà Nội xót xa, thẫn thờ khi Hà Nội của mình cứ vùn vụt “lớn”, vùn vụt lạ, vùn vụt đông. Biết làm sao được! Để phát triển thì cũng phải đánh đổi. Vậy nhưng, đâu đó, đâu đó, những “mảnh” của Hà Nội xưa vẫn còn, người Hà Nội vẫn rỉ tai nhau về những quán ăn ngon để thưởng thức; những địa điểm đẹp để thả hồn; những góc riêng để tâm sự. Băm sáu phố phường đất kinh kỳ xưa tựa như một chiếc gương soi đẹp đẽ đã bị vỡ, nhưng không có lý do gì để không yêu từng mảnh vỡ ấy. Cứ tin là như thế đi!
Hiếu Nguyễn