Kiến đen và kiến đỏ cùng sống chung trên núi Nậm Ngập. Rừng đại ngàn trên núi Nậm Ngập cây cối xanh tốt, hương thơm mật ngọt bốn mùa. Đói thì có quả chín hạt cây béo ngậy, khát thì uống hạt sương, thích thì có mật hoa thơm ngon ngọt lịm. Nói chung họ nhà kiến chẳng phải lo thiếu thốn. Để cuộc sống được vui vẻ quanh năm, họ nhà kiến đề nghị Bớt làm trưởng ban ca hát lo việc hội trong họ nhà kiến. Bớt là một chàng kiến đen được nhà kiến quý mến bởi tài năng lại sống hào hoa. Bớt nghĩ ra một bài hát ca ngợi cuộc đời tươi đẹp nhà kiến trên núi Nậm Ngập, hát rằng:
Rừng Nậm Ngập tươi xanh gió ngàn vi vu. Đời chúng ta đẹp hơn giấc mơ. Đây mật hoa say đi người. Đây mật hoa say đi ta. Và giọt sương đêm nay long lanh như là mắt nàng.Ê… à… ê… cuộc đời tươi vui
Ê… à… ê… ta đi cùng nhau đêm nay đâu là cuối trời…
Giọng Bớt khi như gió đại ngàn, khi thì trong vắt như dòng suối chảy, khi thì rập rờn, rập rờn như đàn bướm bay bên vách núi, lúc thì đắm say như lắc hồn ta thoát ra bay lên để bập bềnh bập bềnh trôi theo làn mây nhuốm ánh trăng vàng…Cả họ nhà kiến lịm đi sau lời ca tuyệt diệu rồi bỗng nhiên tất cả đều đồng thanh trong tiếng hoan hô long trời lở đất.
“Hoan hô Bớt đen! Hoan hô Bớt đen!” “Bớt đen vĩ đại! Muôn năm! Muôn muôn năm!”, “Đại vương vĩ đại muôn năm!”. Ôi! Đúng là đại vương. Đúng Bớt phải là đại vương! Đại vương cha của chúng con, cha của kiến đỏ, cha của kiến đen, cha của muôn loài.
Lời tung hô lập tức có tác dụng làm Bớt nhảy phót lên một quả gắm khô. Bớt sung sướng quá, hồn Bớt trương phồng ngất ngưởng bay lên. Quả gắm cũng to dần, trương lên to như trái đất này. Bớt bắt đầu phán truyền: “Tình thương yêu vĩ đại, muôn năm!” “Ta yêu người – Người yêu ta”. “Kiến đỏ – kiến đen như hai râu trên đầu ta, như hai hàm trong miệng ta, như hai cánh trên lưng ta”, “Tất cả đều có hai, các con thân yêu của ta đã hiểu chưa!”. Cả họ hàng nhà kiến đều tung hô: “Hai muôn năm!”, “Hai đại vương muôn năm!”.
Hai đại vương muôn năm! – Ôi! Ai đâu biết được rằng lời buột miệng lúc vui trở thành tai hoạ của muôn đời. Họ đòi có thêm một đại vương kiến đỏ nữa để có hai đại vương. Và chàng kiến đỏ tên là Khao một kẻ chậm nghĩ bỗng dưng trở thành “Khao đại vương”… và khốn khổ thay Bớt đã nghĩ ra bài hát thì Khao cũng cố nghĩ ra bài hát. Bớt dạy muôn họ cách làm nhà và kiếm mồi thì Khao cũng dạy muôn họ cách làm nhà và kiếm mồi. Người theo Đại vương Khao thì sống chung, đào hang ở dưới đất, kẻ theo Đại vương Bớt thì làm nhà riêng cuốn trong lá rừng ở trên cây. Kiến đỏ ở dưới đất đào hang ở chung, ăn chung. Kiến đen thì được ăn ngay lúc kiếm mồi, chỉ đem về góp một phần để cùng nuôi đàn kiến con.
Ngày tháng qua đi, rồi đầu tiên là lời so bì hơn kém giữa hai họ nhà kiến, sau chuyển thành chê bai. Kiến đen đứng trên lá cây chê: “Nhà kiến đỏ thấp tè. Nhà gì mà lại phải chui xuống đất, kinh bỏ mẹ! Kiến đỏ thì tay chống nạnh vênh mặt lên nói: “Nhà chúng bay cuốn trong lá, mùa thu lá đứt bay vèo thì biết đời!”. Kiến đen tức lên móc máy: “Bọn kiến đỏ chúng mày đi thì lúc nào cũng xếp hàng ra vẻ ta đây hùng mạnh lắm, đỏ khé cả đường, nhưng thử hỏi ăn gì? Thằng lười cũng ăn, thằng chăm cũng ăn, chỉ sướng những thằng giỏi nịnh. Thằng làm thì ít, thằng nói thì nhiều thì có cả núi Nậm Ngập thức ăn rồi cũng hết”.
Tiếng bấc tiếng chì, lúc đầu thì như gai châm sau quá lời thì còn buốt hơn dao đâm vào ruột, rồi hai bên xông vào cắn xé phá nhà nhau.
Cuộc chiến bắt đầu, và đâu chỉ có một lần. Hận thù ngày càng sâu, lúc nào trong đầu chúng cũng chỉ nghĩ tới hai tiếng “tiêu diệt”. Hai bên đều luyện võ nghệ, tích thêm nọc độc, quân số bên này một nghìn thì bên kia cũng một nghìn, có lúc quân số hai bên đã cao đến 170 vạn. Chúng chả còn nghĩ đến làm ăn. Mải đánh nhau chả ai mang hạt đi gieo trồng. Nhiều năm ăn hết cả hạt giống. Cây rừng ngày càng hao dần; đói khổ chết trận, bệnh tật hoành hành khắp nơi. Hai bên không được chơi với nhau. Biết gì cũng phải bí mật. Có nói gì thì cũng phải trình hỏi đại vương. Khổ nhất là bọn kiến con, chúng không biết tại sao kiến đen lại không được chơi với kiến đỏ – trót quên thì bị lôi về đánh đập, trẻ con thèm chơi với nhau quá nhưng chỉ dám nhìn trộm nhau.Một lần bên kiến đỏ bắt được một kiến đen con lạc đường cho là kẻ đi thám thính. Kiến đen con bị trói vào gốc cây Mè noi và bị hành hạ. Lập tức bên kiến đen cũng rình bắt được một kiến đỏ con để hành hạ trả thù. Hai bà mẹ của chúng đều kêu xin thảm thiết rằng: “Chúng là trẻ con, chúng có tội tình gì? rằng “Con cắn cỏ lạy hai đại vương tha cho con trẻ”. Lời kêu cầu van vỉ của hai người mẹ kéo dài tất cả là năm tháng hai ngày mới được hai đại vương đồng ý đàm phán.
Hai kiến con bị bịt mắt đem đến trước mặt hai đại vương. Giữa là kiến vống làm việc hoà giải.
Giữa hai hàng quân, Bớt Đại vương nói:
– Kiến Đen yêu hoà bình, Kiến Đỏ hiếu chiến!
Khao Đại vương nói:
– Kiến Đỏ yêu hoà bình, Kiến Đen hiếu chiến!
Kiến Vống bảo:
– Hai bên đều yêu hoà bình, thì chỉ có hai Đại vương mới tìm ra cách sống hoà bình thôi!Cuối cùng thì theo lời phán truyền của hai Đại vương, người ta đưa hai con kiến con ra hai vạt rừng khác nhau, cho mỗi kiến con lấy một đoạn cỏ đem về, nếu chập hai đoạn lại mà bằng nhau thì sẽ có hoà bình.
Tại hai vạt rừng cả hai kiến con đều chỉ nghĩ về mẹ và mỗi bên đều lấy một đoạn cỏ sữa, nhưng tiếc thay khi chập lại thì lại không bằng nhau. Quân lính hai bên lập tức hét lên: “Chiến tranh, chiến tranh. Giết, giết!”.
Kiến Vống rung chuông nói:
– Thưa Nhị vị Đại vương, ông Giời không tạo ra hai vật gì giống nhau như một. Ông Giời có một loại bả làm say kẻ ngu đần. Kẻ ngu đần no đủ rồi thì muốn giàu có. Giàu có rồi lại muốn dạy bảo trăm họ để mình vĩ đại hơn người, và muốn lưu truyền tiếng tăm đến muôn đời. Do ngu đần mà bả này gây nên sự lố bịch. Chỉ có tình thương yêu mới sinh lòng tha thứ mà làm tan đi mọi bất hoà, chỉ có bằng ý nghĩ thương yêu thì hai đoạn cỏ sẽ bằng nhau. Các vị hãy nhìn vào hai kiến con đang lả đi vì khát sữa, và hai kiến mẹ héo mòn cạn khô nước mắt, trong đầu các vị hãy nghĩ tới mẹ mình, và nhìn vào hai kiến con, bây giờ chập lại hai đoạn cỏ lần nữa!
Theo lệnh của kiến Vống, hai kiến con khiêng cọng cỏ sữa dài uốn cong lại. Giọng kiến Vống trầm trầm khích lệ: “Hai con yêu dấu hãy nghĩ về tình bạn, về tình thương yêu từ dòng sữa mẹ mà cố lên”. Tất cả bên ngoài đều hô: “Cố lên, cố lên!”. Hai kiến con đều nghĩ tới mẹ. Sợi cỏ sữa mềm mại như cũng muốn cong lên giúp sức. Và ngay trước mặt mọi người, bốn đầu của hai đoạn cỏ đã gặp được nhau. Tất cả đều mừng rỡ reo lên: “Nậm Ngập hòa bình, có hoà bình rồi!” Và tất cả đều nói: “Đại Vương hãy nhìn trẻ con chơi với nhau sẽ thấy hoà bình”.
Bớt Đại vương và Khao Đại vương ngẩn mặt ra. Nhưng không hiểu vì sao đến tận bây giờ hai Đại vương vẫn không đưa ra được lời phán quyết nào. Có người bảo có lẽ Hai Đại vương còn hơi ngượng với trẻ con đấy thôi!
Yên Bái, tháng 4/1999
(* Nậm Ngập: Tên một ngọn núi ở Lục Yên – Yên Bái)
Nhà văn Vũ Quý