Thực ra thì mình chả có tư cách gì để viết ra những dòng thế này, nhưng mà cũng chả ai cấm được mình, và dù sao thì môn Toán cũng là môn mà mình thích nhất trong số các môn khoa học cơ bản. Ngày xưa cũng có thời say mê với nó, nhưng cũng tự nhận ra là không có đủ tài và cũng không là có đủ dũng cảm để theo nghiệp toán (chí ít thì tớ cũng có đủ một chút thông minh để hiểu rằng tớ không đủ thông minh). Tuy nhiên lòng yêu mến môn Toán ngưỡng mộ những người làm Toán vẫn luôn không đổi đến giờ, có thể nói là tôn sùng những nhà toán học. Đối với mình, Toán học như một thứ tranh bằng bút chì than, vẽ trên giấy trắng, và mình thích cái sự đen trắng đó. Mộc mạc, không chút màu mè, Toán học là thứ nghệ thuật cuốn hút những khối óc vĩ đại nhất của nhân loại từ những nền văn minh sơ khai nhất cho đến ngày nay.
Ngày xưa học cấp Một mình có một câu chuyện khá buồn cười là hồi đấy hay có trò thi học sinh giỏi. Lớp 5 thì phải. Cô giáo bảo ngày mai cả lớp đi thi học sinh giỏi, ai thích chọn môn gì thì chọn!!! Mặc dù hồi đó chả có ý thức môn nào với môn nào cả nhưng hầu hết ai cũng đăng ký thi môn Toán. Tất nhiên là cả mình, không thì đã chả có chuyện mà kể. Hôm sau ngồi vào phòng thi, người trông thi là một cô giáo dạy Văn. Trong khi chờ phát đề, có lẽ do thấy số người thi Văn ít quá, nên cô bắt đầu diễn thuyết và lôi kéo, với chủ đề “các em ở phòng thi toán hãy chuyển sang thi Văn vì nó là một môn rất hay!!!”. Đúng là cô giáo Văn có khác, sau một hồi thì khá đông các em chuyển sang phòng thi Văn. Và tất nhiên là trong số đó có cả mình, nếu không thì đã chả có chuyện mà kể.
Hôm vừa rồi nhân dịp kết thúc thi những môn mà mình cho đã là những môn thi cuối cùng trong cuộc đời, ngồi lan man xem trên diendantoanhoc.net. Phải nói là trang này rất hay, ít nhất nó có thể giúp cho học sinh sinh viên thêm yêu thích Toán học. Nhưng có một điều đáng buồn khi lướt qua xem mục về Toán phổ thông là mình thấy cách dạy Toán ở phổ thông bây giờ vẫn chẳng có gì thay đổi. 10 năm, có lẽ cũng là 10 lần giáo dục Việt Nam “cải cách”, vậy mà 10 năm rồi vẫn thế. Lại tự hỏi không biết 10 năm nữa sẽ vẫn thế chăng?Điều muốn nói là cách dạy của Việt Nam làm cho đa phần học sinh không thích được những cái mà chúng đang học, và những người thích học thì phần lớn không định hướng được những thứ chúng học sẽ có ích như thế nào. Tất cả chỉ là những cái máy giải đề, giải một cách điên cuồng mà không ai hỏi là những gì chúng đang làm có quan trọng hay không. Cũng không ai tự hỏi mình là, những bài toán đó từ đâu mà có, và tại sao lại phải giải nó (hoặc có thể là cũng đã từng tự hỏi nhưng rồi không biết trả lời thế nào và về sau không hỏi nữa!).Cách đào tạo của Việt Nam sản sinh ra rất nhiều học sinh yêu toán theo kiểu chỉ biết làm một điều là, sau khi giải xong bài toán khó này thì họ sẽ đi kiếm bài toán khác khó hơn để giải. Điều đó khiến học sinh chỉ như những con dế suốt ngày đi dũi đất. Mình không muốn nói rằng việc đó không có chút ích lợi nào, nhưng nếu chỉ biết giải quyết vấn đề người khác đặt sẽ không thể tiến xa bằng người có thêm khả năng tự đặt và nhìn ra vấn đề. Hilbert từng được coi là bắc đẩu của Toán học đầu thế kỷ XX mặc dù rằng ông không hề trực tiếp giải được bài nào trong số 23 bài toán ông nêu ra năm 1900, mà bằng cách khiến các nhà Toán học phải đau đầu trong suốt một thế kỷ vừa qua.
Mình nhớ là ngày trước học sinh thích Toán luôn coi các bài bất đẳng thức là những bài “sành điệu” nhất (dù nó không phải là nội dung lớn trong chương trình chính quy, và cũng ít khi có trong thi tốt nghiệp cũng như thi đại học). Đơn giản vì nó thuộc loại khó nhất đối với kiến thức của học sinh phổ thông, và một học sinh muốn chứng minh được “đẳng cấp” của mình thì phải biết bất đẳng thức (và cũng vì nó hay có mặt trong các đề thi học sinh giỏi). Hàng loạt các tuyển tập bất đẳng thức, chuyên đề bất đẳng thức, bất đẳng thức nâng cao và các bất đẳng thức quái chiêu ra đời thách đố các học sinh. Sau này khi có một cái nhìn cao hơn, mình mới thấy một thực tế đau lòng là, những bất đẳng thức như thế có rất ít ứng dụng thực tế, nhất là những bất đẳng thức tam giác. Kết quả thì chẳng được áp dụng vào đâu, cách chứng minh cũng thường mỗi bài một kiểu không mẫu mực, tóm lại là sau khi làm xong ta chẳng thu lại được điều gì, vô bổ, có khi lại làm tầm nhìn của mình hẹp lại. Nhưng vẫn còn có một thực tế đau lòng nữa là, bây giờ sau 10 năm, học sinh của Việt Nam vẫn đi theo những vết xe đó. Có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có trào lưu “nhà nhà làm bất đẳng thức, người người sưu tầm bất đẳng thức ” như thế (?).
Câu hỏi đặt ra là: Đến bao giờ thì những người đạo diễn của giáo dục Việt Nam định hướng được cho học sinh cách học để đến với một thứ tình yêu khoa học đúng đắn và sáng tạo?
Cậu bé 0x này có còn học Toán theo kiểu của hai mươi năm trước?
Ảnh: bố Cường.
Điệp Luyến Hoa