Trong bốn ngày từ 16 – 19/07/2018, tại trung tâm giáo dục cộng đồng thành phố Hà Giang đã diễn ra “Hội thảo tập huấn giáo viên – Những chiến lược dạy học hiệu quả trong giáo dục STEM tích hợp”. Đây là sự kiện mở đầu trong chuỗi hoạt động của dự án “Chuỗi chuyển động STEM – STEM ON THE MOVE” do Đại sứ quán Mỹ tài trợ và triển khai với UBND TP Hà Giang.
Gần sáu mươi giáo viên đang giảng dạy tại cấp tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố Hà Giang đã tham gia tập huấn dưới sự giảng dạy trực tiếp của thầy Nguyễn Thành Hải (Viện nghiên cứu giáo dục STEM, Đại học Missouri, Mỹ). Cô giáo Cò Trắng và cô Lý Linh đã đại diện CLB Đọc sách cùng con đã tham gia khóa tập huấn.
Cô giáo Cò Trắng và cô giáo Linh Lý cùng thầy Nguyễn Thành Hải
Trong chương trình, các nội dung chính đã được triển khai đến từng giáo viên: tổng quan về giáo dục STEM, khái niệm STEAM, thử thách chế tạo các mô hình với những vật liệu có sẵn… Trong đó, đặc biệt là phương pháp dạy học dựa vào truy vấn, khám phá đã được thầy Thành Hải chia sẻ với các giáo viên. Tuy nhiên, việc xây dựng bài giảng dù vận dụng phương pháp nào thì điều quan trọng nhất chính là các thầy cô giáo, những người khơi nguồn cảm hứng cho học sinh. Họ là người đã có kỹ năng, hiểu rõ điều kiện cơ sở vật chất, trình độ của học sinh để triển khai bài học.
Các thầy cô giáo tham gia thử thách của buổi học
Vào ngày thứ hai của chương trình, các thầy cô giáo đã đi thực tế ngay tại địa phương để tìm những chất liệu cho bài học. STEM không chỉ liên quan đến máy móc hay robot như mọi người vẫn thường nghĩ mà sau buổi trải nghiệm, các thầy cô đã đưa ra rất nhiều ý tưởng khác nhau để ứng dụng cũng như vận dụng kiến thức để tính toán, giải quyết các vấn đề về nông nghiệp, sức khỏe, môi trường hay du lịch sinh thái…
Chuyến thực địa đầy hứng khởi
Cũng trong khuôn khổ hoạt động, TSGD Nguyễn Thụy Anh, chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con nhận lời mời từ TS Nguyễn Thành Hải đã đến chia sẻ về vai trò của đọc sách cũng như cách khai thác thông tin trong giáo dục STEM. Từ kinh nghiệm của CLB Đọc sách cùng con, các thầy cô đã hiểu thêm về những yếu tố cần và đủ để duy trì, vận hành các CLB nói chung cũng như cách khắc phục những khó khăn, hạn chế gặp phải..
TSGD Nguyễn Thụy Anh tại khóa tập huấn
Hy vọng sau khóa tập huấn, với những phương pháp, kỹ năng do các giảng viên chia sẻ, các thầy cô giáo sẽ áp dụng trong công việc giảng dạy ở những học kỳ tiếp theo.
Các thành viên tham gia khóa tập huấn
Bài viết và ảnh: Linh Ly, Cò Trắng