(VOV5)- Cuộc sống thuở hồng hoang của dân tộc đã hiển hiện ra trước mặt người đọc như để trả lời những câu hỏi trẻ thơ: “Ai đẻ ra ông bà ta?”, “Ngày xưa… xưa ơi là xưa ấy, cụ tổ ta sống thế nào?”
Nhà văn Tô Hoài viết bộ ba tiểu thuyết Đảo hoang, Nhà Chử, Chuyện nỏ thần vào khoảng 40 năm sau khi viết Dế mèn phiêu lưu ký. Vào những năm đầu thập kỷ 80 ấy, những cuốn sách này được coi như một thể nghiệm mới của nhà văn.
Thêm 15 năm nữa qua đi, bộ ba tác phẩm huyền thoại lịch sử được đưa vào Tủ sách vàng của NXB Kim Đồng năm 1997. Đến hôm nay đã là 30 năm các tác phẩm của Nhà văn Tô Hoài lại tiếp tục đồng hành với thế hệ thiếu nhi thế kỷ 21.
Người viết bài này đã có dịp đi vào xứ Nghệ, đến thắp hương tại đền thờ An Dương Vương, nơi tương truyền là chỗ kết thúc Chuyện nỏ thần. Cảm xúc linh thiêng từ vùng đất Diễn Châu và tiếng gió, tiếng sóng biển mặn mòi như từ thuở hồng hoang dào dạt thổi về đánh thức trong tôi niềm thôi thúc giở trang sách của nhà văn Tô Hoài đọc đi đọc lại.
Có một điều lạ rằng trong sách của nhà văn Tô Hoài có những đoạn trích sách cổ với lời văn rất cổ thế mà lại vẫn hòa vào với mạch văn của Tô Hoài vừa sôi nổi vừa man mác. Người đọc như thấy hiển hiện trước mặt những vị khổng lồ: Cố Ông Trọng, Cao Lỗ, Vua Thục, Đô Nồi… Cố Ông Trọng là một người thực mà không phải thực, ông là một người muôn tuổi, là tiên ông, là người thuộc Thế giới kỳ diệu của tuổi thơ. Nhà văn tả: “Đô Lỗ bước vào, trông lên thấy một cụ già quắc thước. Tóc râu và lông mày bạc trắng. Cố cao lớn, khác hẳn mọi người, đến độ trông như không phải người thật. Cố cởi trần, da mồi đỏ hắt, hai hàm răng đen rức, vẫn chưa rụng chiếc nào, con mắt Cố sáng ngời hầu như ai nhìn, gặp ánh mắt Cố, tự nhiên phải vòng tay, ý tứ vào khuôn phép.”
Hình ảnh Cố Ông Trọng uy nghi vũ dũng như vậy, nhưng rồi lại có đoạn thật thơ trẻ. Nhà văn tả cách chơi của một người to lớn kỳ vĩ cũng khác thường, bạn của Cố Ông Trọng là một con vật to lớn, con Voi, ông chơi đuổi bắt với Voi. Cách miêu tả như thế đã khiến cho một nhân vật lịch sử uy nghi trở nên gần gụi với trẻ nhỏ như đang cùng chơi với bầy trẻ ở bãi cỏ bờ đê.
Sự gần gũi dân dã trong cách viết truyện huyền thoại lịch sử của nhà văn Tô Hoài thấm thía ở trong cả câu văn. Những câu văn là những lời ăn tiếng nói thuần khiết tiếng Việt, nhưng một vị hương quê dạt dào dâng lên mắt, lan tỏa vào tâm can trí não. Đây là cảnh hai cậu con trai Vực và Đống của Đô Nồi sau khi vượt qua sông tìm đến gặp cha vừa nói chuyện vừa ra hiệu: “… Vực tinh nghịch làm hiệu quào quào hai tay, còn Đống chắp tay trước bụng, cúi đầu: – Chúng con bơi.”
Còn đây là ý nghĩ người cha: “Đô Nồi nghĩ mừng về hai đứa con mới năm nào còn bé loắt choắt, giờ đã thành những quân không vừa. Thằng anh, thằng em như nhau, chạy như ngựa, bơi như con rái cá rồi…”
Cuộc sống thuở hồng hoang của dân tộc đã hiển hiện ra trước mặt người đọc như để trả lời những câu hỏi trẻ thơ: “Ai đẻ ra ông bà ta?”, “Ngày xưa… xưa ơi là xưa ấy, cụ tổ ta sống thế nào?”
Đây những trang văn nói lại với trẻ em cuộc sống vật lộn với bão giông, lụt lội, giặc giã, những trang văn trải ra trước mắt ta một vùng rừng rú núi non hoang dại, dòng sông Hồng mênh mông cuồn cuộn chảy dữ dội giữa đôi bờ đất phù sa còn đầy vết chân những con kình ngư, thuồng luồng, ba ba… Cuộc sống của người Việt cổ không chỉ có đêm trường tăm tối trong hang đá, cảnh lễ hội dân gian đã được nhà văn miêu tả rất chân chất nguyên sơ: “Dọc sông sáng rực đuốc đóm. Chỗ hát xoan, hát thương, hát nhớ, chỗ đấu voi, đấu vật, rộn rã tới khuya…”
Trí tưởng tượng của nhà văn đã tạo nên một cảnh tượng hào hùng trong những trang văn miêu tả “Lễ rửa nỏ” gắn liền với truyền thuyết nỏ thần, với Cao Lỗ, với thành Cổ Loa.
Có một nhân vật trong “Chuyện nỏ thần” hoàn toàn là sáng tạo của nhà văn Tô Hoài đó là nhân vật cô bé Tàm. Bé Tàm sống sót sau một trận càn lớn của quân Tần, bé chạy trốn vào rừng sống với vượn, lớn lên tưởng như là vượn trắng. Thế mà cô Tàm vẫn là người, lại đẹp như tiên nên phải vào cung vua.
Những trang tả Tàm sống với bầy vượn rõ ràng là những trang viết bằng trí tưởng tượng, nhưng cách nghĩ, lối viết của nhà văn Tô Hoài vẫn là cách viết tôn vinh chất NHÂN VĂN, đó là sức sống mãnh liệt của con người. Tàm sống với vượn, nhưng hồi ức của cuộc sống văn minh vẫn sống dai dẳng với Tàm. Mẹ Tàm mất khi Tàm còn bé quá, không kịp dạy, kịp truyền cho Tàm điều gì. Tàm chỉ còn ký ức: “…không có gạo làm cơm, làm bánh giày, bánh lắng, không có mật mía làm bánh mật, không có thóc rang làm bỏng, ngồi nhớ lại, Tàm cũng chưa nhớ ra được mọi cách, chưa biết tên các loại bánh mẹ làm. Mẹ ơi! Ngày trước, chỉ mới được trông mẹ nặn bánh, nấu bánh. Biết làm thế nào?…” Tàm cứ nhớ như thế, để không quên đi, để không thành con thú: Ăn sống nuốt tươi, sống trần sống trụi. Tàm biết lấy lá dứa ngậm xuống suối phơi rồi kết lại thành áo, Tàm biết đánh đá lấy lửa, Tàm làm được bánh từ loại bánh dễ làm nhất. Rồi Tàm nhận ra cây lúa, biết lấy thóc làm ra hạt cơm…
Sự sáng tạo của nhà văn Tô Hoài trong tác phẩm Chuyện nỏ thần không chỉ dừng ở việc tạo dựng ra một dàn nhân vật sống động dân dã bên cạnh hình tượng các nhân vật đã có tên trong huyền sử. Chuyện nỏ thần của nhà văn Tô Hoài còn độc đáo ở chỗ không kết thúc câu chuyện ở chân núi Mộ Dạ ven bờ biển Đông. Mà còn hai trăm năm sau… Chương cuối cùng của tác phẩm hiển hiện cảnh hào hùng của cõi Mê Linh: Trưng Trắc, Trưng Nhị cưỡi voi phất cờ… Vua Thục hiện về… Tác giả đã trình bày một thực tế lịch sử: “Có Mỵ Châu, lại có Trưng Trắc, có thường tình lại có nghĩa lớn” ( Lời nhà văn Tô Hoài).
Lịch sử Việt Nam có tuổi tính bằng hàng nghìn. Các thành tựu của văn học thiếu nhi Việt Nam đã bắt đầu tiến đến khoảng cách một thế kỷ. Để bạn đọc hôm nay tiếp cận được với những trang sách của các thế hệ cha ông để lại, tôi thiết nghĩ rằng cần thiết lắm thay việc vào cuộc với tâm huyết và sáng tạo của các nhà nghiên cứu và các nhà giáo dục.
Nhà văn Lê Phương Liên (Theo http://vovworld.vn/)
Chính vì thế mà các bạn nhỏ đã rất yêu quý và gọi nhà văn bằng một tên rất thân thương: Bà Thủy Thần