Những khoảng cách
Tôi đã tham gia khá nhiều các cuộc tọa đàm với phụ huynh, những người làm cha làm mẹ, ở trong nước và ngoài nước. Và một trong những vấn đề mà họ quan tâm nhất là đến một lúc nào đó, các thế hệ thôi không còn hiểu được nhau.
Những đứa trẻ lớn lên, dường như bắt đầu khép dần cánh cửa tâm hồn mình trước các bậc phụ huynh. Những bí mật nho nhỏ của chúng không được chia sẻ cũng khiến người mẹ buồn lòng, ông bố sốt ruột, lo lắng. Thế giới riêng đẹp đẽ của chúng mãi mãi sẽ là bí ẩn, sẽ là căn phòng khóa trái nếu không có một cách “gõ cửa” hợp lý. Vậy mà không phải người làm cha làm mẹ nào cũng hiểu điều ấy. Họ đã quên mình như thế nào ở tuổi mười ba!
Đôi khi tôi nghĩ, những con người các thế hệ khác nhau: tôi, các cháu tôi, con tôi… cùng nhau sống dưới gầm trời này, như những viên sỏi cô đơn, vẫn chạm vào nhau mà không hiểu hết nhau nên nhiều khi các thông điệp vẫn liên tục được đưa ra không bám trụ lại được mà trơn chuội trôi đi. Những viên sỏi chạm được vào nhau mà giữa chúng có biết bao khoảng cách lớn nhỏ, nếu xếp không khéo sẽ xộc xệch, lùng bùng, khiến cho cái sự nhốt chúng chung vào một chỗ là một việc vô nghĩa.
Gần đây rộ lên làn sóng những người lớn phản đối niềm đam mê K-Pop của tuổi teen và cách hành xử thật “không giống ai” của chúng: những giọt nước mắt, cảm xúc thái quá, sự hỗn loạn, niềm say mê đến quên cả các luật lệ, thái độ nồng nhiệt tưởng chừng mất cả tự trọng… – tất cả chúng dành cho những thần tượng của mình: các ngôi sao âm nhạc Hàn Quốc. Thái độ này của bọn trẻ bị lên án gay gắt, lên án… hội đồng, thậm chí không nhẹ lời trước đám đông, và người lớn cũng nhận được những phản hồi. Đứa ngoan ngoãn thì làm thơ, viết báo đáp lời, cố gắng phân bua. Kẻ ngỗ ngược thì lên forum nói năng văng mạng, chửi bậy tùm lum…
Lời qua tiếng lại, nếu bình tĩnh theo dõi thì thấy, không chỉ trẻ con mà chính những người lớn cũng góp phần không nhỏ vào việc làm khe hở giữa những viên sỏi ngày càng rộng ra, đến độ các viên sỏi không thể ở chung một chỗ nữa, muốn lăn đi về các hướng.
Trên thực tế, những viên sỏi hoàn toàn có thể tồn tại chung với nhau trong một không gian, hơn thế, còn có thể cùng nhau làm một điều gì hay ho để cùng xây dựng nên một giá trị: chẳng hạn, cùng nhau xây dựng một ngôi đền! Tôi nhớ cách người ta xếp những viên sỏi thật khít: bằng cách sau khi xếp, lắc, họ chầm chậm đổ cát vào thấu thủy tinh đựng sỏi. Ta sẽ thấy cát lấp khít những khe hở, tạo thành một khối vững chắc – cát và sỏi.
Vậy giữa những con người-sỏi, thì cát là gì?
Cát là thái độ bình tĩnh và khả năng quan sát khách quan.
Cát là khả năng lắng nghe, tìm hiểu mà không vội vàng phán xét.
Cát là khả năng chấp nhận đa chiều và khác biệt. Chấp nhận thật sự chứ không trên lời nói.
Cát là thái độ đồng minh, đồng hành, trân trọng từng thành công và thấu hiểu từng lỗi sai.
Cát là sự chia sẻ không giả dối về những trải nghiệm của bản thân mình.
Cát còn là kỹ năng nhớ lại tuổi thơ, tự làm mình bé lại để đến gần hơn với những cảm xúc tuổi thơ – đầy mơ mộng, giản dị nhưng cũng ngốc nghếch, hoang mang, lo lắng, ngại ngần…
Tìm hiểu nhiều hơn, phê phán ít thôi!
Trở lại với câu chuyện K-Pop và các fans hâm mộ cuồng nhiệt, tôi trộm nghĩ, mỗi một thế hệ có cách xây dựng thần tượng của mình. Tuổi trẻ, sự ngây thơ, hời hợt, nông nổi luôn đi cùng nhau. Nhưng người trẻ cũng lớn dần lên qua những lần nông nổi.
Cùng năm tháng, đứa trẻ của chúng ta lớn dần cả về thể chất lẫn tư duy. Các giá trị tinh thần đối với chúng không phải là bất biến – chúng vận động để đến với những điều thực sự hợp và cần thiết cho chính cá thể ấy. Vậy thì, thay vì chê bai, lên án, hoặc thậm chí, hè nhau… “lật đổ thần tượng”, người lớn hãy lấy sự xét đoán bình tĩnh làm đầu. Hãy tìm hiểu xem vì sao trẻ thích cái này mà không thích cái kia, vì sao chúng có lựa chọn đó? Điều gì khiến chúng cảm thấy thoải mái, dễ chịu? Điều gì cản trở chúng đến với những giá trị tinh thần, thẩm mỹ, đạo đức mà người lớn vẫn coi trọng?
Nhà thơ người Nga M.Lermontov từng có câu: “Tượng thờ dù đổ vẫn thiêng/Miếu thờ dẫu vắng còn nguyên miếu thờ”. Làm đổ tượng thì dễ, nhưng làm đổ niềm tin không dễ chút nào. Sự cấm đoán, bôi nhọ, chê bai, so sánh vô hình trung sẽ tạo hiệu ứng ngược, khiến trẻ càng đi ngược lại niềm mong mỏi của bố mẹ.
Vậy, thay vì phản đối, hãy là đồng minh. Khi ấy, ta thực sự có những hạt cát êm ái chiếm lĩnh những khoảng cách xa xôi nhất. Bố mẹ chia sẻ những thất bại thời trẻ sẽ thú vị hơn nhiều với việc chỉ khẳng định những thành công. Bố mẹ thử nghe nhạc trẻ thích rồi hẵng đề nghị trẻ thử “gu” của mình. Bố mẹ thử tìm hiểu kiểu đọc mới của trẻ rồi mới có cơ sở để tìm cách khiến trẻ quan tâm đến những gì mình tâm đắc. Bố mẹ hỏi nhu cầu của trẻ rồi mới đến giao nhiệm vụ, thỏa thuận quy tắc, trách nhiệm.
Còn nhớ câu “vô chiêu thắng hữu chiêu” mà người ta hay nhắc đến trong binh pháp, nói thì thấy buồn cười, nhưng với quan hệ tương tác giữa cha mẹ và con cái, cái sự “vô chiêu” chính là sự thuận theo tự nhiên, chân thành hết mực, hiểu được tâm lý đứa con đang ở giai đoạn nào để thông cảm, đồng thời cho con biết mọi cảm xúc, suy nghĩ, lo lắng của mình để chia sẻ. Có được “vô chiêu” như thế thì tin chắc mọi khoảng cách sẽ dần được kéo lại, hoặc có thể xóa nhòa.
Bàn chuyện khoảng cách giữa các thế hệ, cũng mong sao những người làm cha mẹ có được sự bình tĩnh tự tin trong cách hành xử với con cái, không còn nỗi lo ở cạnh bên nhau mà cánh cửa đến với nhau hoàn toàn đóng chặt.
TSGD Nguyễn Thụy Anh (12/2014)