“Bản nhạc của Mozart” (Michael Morpugro, NXB Kim Đồng, 2016) mở đầu bằng câu chuyện của nữ phóng viên trẻ Lesley. Cô nhận được nhiệm vụ đến Venice để phỏng vấn nghệ sĩ vĩ cầm lừng danh Paolo Levi. Đó là may mắn, nhưng cũng là thử thách đối với phóng viên như cô, bởi lẽ, vị khách mời hôm nay là một người đặc biệt, cô có thể hỏi bất kì điều gì về âm nhạc, ngoại trừ câu hỏi về Mozart.
Tại sao một nghệ sĩ vĩ cầm lừng danh lại từ chối các câu hỏi về Mozart? – Chính điều này đã tạo nên nút thắt, cuốn người đọc vào câu chuyện. Qua từng trang sách, dõi theo cuộc gặp gỡ giữa Lesley và Paolo Levi, ta sẽ bước vào câu chuyện mới kể về chặng đường đã qua của Paolo Levi. Như một thước phim quay chậm, Michael Morpurgo đưa người đọc ngược dòng thời gian về lại quá khứ của nhân vật để đánh thức những nỗi đau bấy lâu nay đã ngủ vùi, để mở cánh cửa bí ẩn và tìm đáp án cho câu hỏi về Mozart.
Câu chuyện quá khứ của Paolo Levi bắt đầu với hình ảnh bố của ông, một người thợ cắt tóc với bàn tay tài hoa. Cuộc sống của cả gia đình cậu bé Paolo Levi sẽ vẫn diễn ra bình thường như vậy nếu cậu bé không phát hiện ra chiếc vĩ cầm cũ phủ kín bụi, không gặp ông cụ Benjamin, một nhạc công đường phố để học chơi vĩ cầm bí mật.
Ngày mà Paolo đưa cụ Benjamin về nhà và nói với bố mẹ chuyện cậu học chơi đàn cũng là ngày nỗi đau ngày cũ trỗi dậy trong cả ba người:
“Và rồi bắt đầu câu chuyện buồn đau nhất và cũng hạnh phúc nhất mà tôi từng nghe. Khi câu chuyện tới hồi quá đau đớn, như nó vẫn thế, ba người đưa mắt nhìn nhau để cùng chia sẻ. Tôi lắng nghe trong khiếp sợ, nhưng cũng rất đỗi tự hào vì cả ba đã tin tưởng tôi tới mức có thể chia sẻ câu chuyện về cuộc đời mình…”
Những người nghệ sĩ ấy đã bị bắt và đưa vào trại tập trung, họ phải dùng tiếng đàn để tự cứu sống mình, bất chấp đau đớn cả về thể xác và tâm hồn, những bản nhạc của Mozart đã vang lên và sau đó trở thành nỗi ám ảnh mà không ai muốn nhắc nhớ.
Bằng kết cấu lồng ghép những câu chuyện kể mở ra những không gian, thời gian khác nhau, “Bản nhạc của Mozart” (Michael Morpugro, NXB Kim Đồng, 2016) đã mở ra một trang lịch sử đau buồn về nỗi kinh hoàng và thống khổ trong các trại tập trung thời kì Chiến tranh thế giới thứ Hai. Nhưng câu chuyện của quá khứ ấy đã khép lại với tiếng đàn trong trẻo của cậu bé Paulo, khép lại với một cuộc sống yên bình, ấm áp.
Những nét vẽ minh họa của Michael Foreman cũng góp thêm chút cảm xúc trong từng trang viết, chút xanh dương buồn, chút đỏ ấm áp, chút vàng nắng rực, tất cả đã làm nên một cuốn sách nhỏ tuyệt vời gửi tặng bạn đọc.
Bùi Hương Liên ( Viết cho Đọc sách cùng con)