Home / Bài Viết / Khi con gái làm ca sĩ

Khi con gái làm ca sĩ

Hôm qua tình cờ tôi nhìn thấy anh bạn cũ giữa đường, thấy vợ chồng đèo con gái áo xống xông xênh xinh đẹp, chẳng tiện giữ lại hỏi han. Nhưng vợ đẹp con xinh thế mà sao mặt bố có vẻ khó đăm đăm. Lạ thật!

Lại rất tình cờ gặp nhau lần nữa, hôm nay. Lần này thì anh đi một mình. Tôi tranh thủ phỏng vấn ông bố hạnh phúc. Anh bảo: “Hôm qua đưa con gái đi biểu diễn ca nhạc ở trường”. “Bé con hát hay lắm hả?”. “Chẳng” – anh buông thõng. “Chẳng hay nhưng vẫn được hát”.

Tốt quá còn gì, như thế là cách giáo dục hay đấy, khuyến khích các cháu, khiến cháu nào cũng tự tin vào bản thân mình. Tôi trầm trồ. Được biết bạn gửi con ở một cơ sở giáo dục đắt tiền lắm, có yếu tố nước ngoài nữa. Có thế chứ! Tôi đoán cấm có sai, hẳn là triết lí giáo dục ở đó rất ổn.

Nhưng bạn tôi lắc đầu: “Tiền, cuối cùng vẫn cái chữ này nó chi phối thôi!”.

Hỏi ra mới biết, hôm qua con gái làm ca sĩ, bố mẹ phải mất tiền để được làm khán giả. Mà vé vào xem đâu có rẻ đâu. Cây nhà lá vườn, biểu diễn ở khuôn viên của trường mà mỗi người lớn mất những… 300 nghìn. Không hiểu anh Đan Trường được trả bao nhiêu cho những sô diễn đầu tiên của mình, có khi cát-xê còn kém các cô bé cậu bé xinh xinh này! Nhưng mà nhằm nhò gì ba cái chuyện lẻ tẻ! Đi ủng hộ con, ai tính toán so đo tiền với nong, nhất là các bé học ở đây đều ở gia đình khá giả cả. “ 300 chứ 500 tôi cũng chịu!” – anh bạn tôi bảo thế. Nhưng một lần thì vui vẻ, hỉ hả. Lần thứ hai sau đó không lâu, cũng thấy đường được. Lần thứ ba thì ái ngại lắm rồi đấy nhé. Nhưng khổ nỗi con bé nó thích quá, say sưa quá, bố mẹ nào nỡ làm nó mất hứng! Mà nó cứ muốn cả bố cả mẹ đi động viên cơ! Thế là vừa ngồi nghe vừa thấy bừng bực làm sao ấy trong người. Chả tiếc gì con đâu, nhưng tiền tiêu nó hợp lý thì dễ chịu hơn. Cứ thế này, thấy như người ta đang móc túi mình, mình biết mà vẫn tươi cười cho qua…

Cuối buổi vui, trường tuyên bố chương trình… bán đấu giá bức tranh các cháu vẽ để lấy tiền làm từ thiện cho trẻ em nghèo. Các cô bé cậu bé nhìn bố mẹ háo hức, khẩn khoản. Các bé được dạy rồi mà, rất nên giúp đỡ những bạn còn khó còn khổ, lá lành đùm lá rách! Bố mẹ nỡ nào làm các con buồn! Một việc tốt như thế! Thế là có người mua về nhà bức tranh non nớt với giá đến hàng triệu.

(Ảnh st)

Anh bạn tôi bảo, vẫn tin rằng tiền ấy được dùng vào việc thiện, nhưng mà làm việc thiện kiểu này nhiều lần quá, khiến anh cảm thấy hơi phản cảm. Nếu quyên góp của phụ huynh, ai chẳng sẵn lòng. Còn mua tranh, mua đồ theo kiểu bán đấu giá, giá tiền cứ tăng vòn vọt, lại bị “áp lực” không muốn các con thất vọng, người mua cũng chưa chắc đã cảm thấy thật sự hài lòng.

Nghe anh bạn kể, tôi bất giác nhớ đến những quảng cáo đầy nhan nhản trên tivi, những giọng ngọt ngào kiểu anh Gấu chị Thỏ, mời mọc các bé nhấc máy lên và gọi đến tổng đài… Những đứa trẻ ngây thơ sẽ bắt đầu tiêu tiền của bố mẹ như thế đấy, rất vô tư mà không biết rằng, đến cuối tháng nhà mình sẽ hụt một khoản tiền nho nhỏ. Ấy mà nếu hằng ngày các em nhỏ cứ nghe lời các anh chị “gọi đến tổng đài…, các phần quà đang chờ…” thì tôi không chắc khoản tiền đó nhỏ hay to đâu nhé!

Vẫn biết, giáo dục cũng có thể là một… dịch vụ, và trẻ em cũng có thể là… đối tượng để kinh doanh, nhưng cũng phải vừa vừa phai phải thôi chứ! Đừng để mục đích kiếm tiền nó lớn quá, lộ liễu quá, khiến lu mờ đi những điều tốt đẹp mà người cung cấp dịch vụ vẫn muốn dành cho tuổi thơ…

Song Anh (Bài đã đăng trên tuoitre.vn)

About admin2

Scroll To Top