Home / Bài Viết / Không gian tối đa… cho những câu chuyện cổ tích!

Không gian tối đa… cho những câu chuyện cổ tích!

 (Bạn Xíu)

Mình không nhớ khi nào mình bắt đầu biết đọc chữ, chỉ nhớ mang máng thôi rằng hồi lớp một lúc biết chữ thì có những câu chuyện bằng thơ, đọc thi với bạn trong lớp, ngày ấy leo lẻo như con chèo bẻo và bây giờ có khi vẫn còn nhớ như in. Có em bé nào thích ngồi trên xe bố mẹ đèo mà đọc những biển chữ ở trên đường không, mình nhớ ngày xưa mình đánh vần như thế và thích lắm. Mà hình như vớ được cái gì có chữ là đọc (hệt như bạn Dê con biết đếm đến 10 nhìn thấy ai bạn ý cũng đếm, làm người khác chả hiểu mô tê gì là phát hoảng lên). Khi một em bé bắt đầu biết đọc, điều ấy chắc cũng háo hức nhưng mà bố mẹ không phấn khởi như bé cất tiếng nói đầu tiên đâu nhỉ. Nhưng mà khi bé còn chưa biết đọc mà được kể chuyện cho nghe cũng thích lắm chứ. Bởi vậy nên những cuốn sách như Doremon nhiều bạn mê vì các bạn có thể “đọc tranh” vanh vách và cười một mình như đúng rồi ấy chứ. Nghĩ như thế, cũng hơi sợ nếu các bạn tí hon các bạn ý biết đọc và lên mạng đọc một mớ tạp nham đủ loại báo chí và tin giật gân trên đời. Nhưng giữa Hà Nội nóng bức, bụi bặm và cả đông đúc nữa mà vẫn có nhiều ông bố bà mẹ vun vén được một góc chữ, góc sách cho các em bé để nuôi dưỡng các bé có niềm say mê với sách. Mà mình cũng thèm được như các bé bây giờ có nhiều sách đẹp, nhiều tranh màu đọc, chứ ngày bé truyện tranh mình đọc toàn là truyện đen trắng thôi (may ra thì có bìa màu), đó là chưa kể là giấy thì toàn là màu nâu đen đen … Thế cũng là mừng cho các bé nhỉ.

Nội dung: “Người kể chuyện cổ tích”- Một câu chuyện sẽ được kể với sự tham gia tương tác của các bậc phụ huynh, những người điều hành và cả các bé. Kể chuyện bằng sách và… các ngón tay.- Trò chơi với những cái cốc, giúp bé tăng khả năng quan sát và có được niềm vui khi chơi cùng người lớn mà bố mẹ lại không quá… mệt mỏi- Cùng nhau làm một cuốn sách đầu tiên cho bé.

– Kết luận: Các cách khai thác một cuốn sách để phục vụ bé của bạn một cách tốt nhất.

Các bạn nhỏ rất dễ thương cùng bố, mẹ và anh chị tham gia chương trình trong một căn phòng nhỏ có bày nhiều sách. Câu chuyện các bé được nghe kể rất thú vị về chiếc bác mỳ tròn của Nga (do điều kiện tuổi tác, bà Rùa đã quên tên, dù chỉ nhớ có vần ốp, áp gì đó, hay tại vì bánh mì mềm, xốp và ngon đến mềm môi nên mình chỉ nhớ được vần ốp). Câu chuyện này ngày bé mình đã nghe kịch truyền thanh trên Đài phát thanh Hà Nội và cũng rất thích. Cô Thụy Anh kể chuyện một lúc cùng với các nhân vật trên ngón tay của các cô chú khác tổ chức chương trình là các bạn nhỏ đã cùng hát theo bài hát được rồi. Thế nên việc kể chuyện là rất quan trọng vì các bé ở lứa tuổi này (dù chưa biết chữ, chưa đọc được) nhưng có thể nghe và ghi nhớ rất tốt. Trong đó còn có một chú khiếm thị cùng tham gia kể chuyện và hát với cô Thụy Anh rất hay. . À, suýt quên, tiết mục khởi động với bài hát của bạn vịt mà các bạn vừa múa vừa hát với các mẹ cũng rất vui. Câu chuyện còn hấp dẫn hơn vì cô Thụy Anh có chiếc bánh mỳ tròn trong tay và sau đó các bạn đều được nếm thử bánh mỳ, nên mình chắc sau này nhiều bạn lớn lên cũng sẽ nhớ câu chuyện này lắm ^^

Mình cũng rất thích tiết mục xây lâu đài bằng những chiếc cốc giấy, mặc dù các bạn xây xong thì rất thích chạm vào cho đổ tung hết ra sàn 🙂 Các bạn nhỏ và các bố mẹ cũng được chia sẻ những bí quyết sáng tạo từ những ngón tay, và làm những cuốn sách kỉ niệm nhỏ cho bé. Mình cũng thích tiết mục các bé xung phong hát và được phần thưởng, mục này các bé rất là hăng hái tham gia.

Mặc dù căn phòng hơi bị đông vì thành viên hơi bị đông nhưng đó là một buổi giao lưu rất thú vị, cơ hội tốt để cho các bé có dịp giao lưu với nhau. Tiết mục kể chuyện chỉ là một trong nhiều tiết mục của buổi gặp gỡ. Công nhận là quản lý các bạn nhí này mệt đấy, nhưng mà mình thấy có một bé khi thấy mình lắc lắc đầu, bé hiểu ngay là không được làm việc đó.

Thật sự là hồi bé, mình ít tham gia các hoạt động của trẻ con lắm mà chắc ngày xưa cũng không có điều kiện, thấy cũng vui lây khi các bạn nhỏ có nhiều hoạt động vui vui.Vẫn biết là khi các bạn ấy lớn lên sẽ phải nạp vào bộ nhớ nhiều thông tin, đôi khi ngoài ý muốn, nhưng nếu các bạn nhỏ có nhiều dịp được đọc sách, vui chơi như vậy thì thích quá còn gì.

Một vài hình ảnh

Kể chuyện… khủng long bằng tay!

 

Lâu đài cốc bền hơn lâu đài cát!

About admin2

Scroll To Top