Trong buổi học thứ 5 của khóa sinh hoạt Sắp hết hè vẫn vui, các bạn nhỏ đã cùng nhau đưa ra các phương án để giúp một chàng bán kẹo tên Kim có thể tính toán đúng số tiền mình bán được mà không bị nhầm lẫn.
Câu chuyện bắt đầu với việc hàng ngày, chàng bán kẹo dùng sân nhà mình để vẽ các cột trên mặt đất và dùng sỏi để tính toán. Thế nhưng chàng ta không thể mang theo cả cái sân nhà mình và cả… những viên sỏi theo khi đi bán hàng ở chợ được vì chúng rất nặng. Chàng Kim thậm chí đã nghĩ đến việc dùng số ngón tay và thêm cả những ngón chân của mình… nhưng cũng không thể đủ dùng tính toán được… Vậy anh ta phải dùng cách nào?Các bạn nhỏ đã đưa ra các phương án để gợi ý cho anh Kim: Rủ thêm một người giỏi tính toán đi cùng, hay mang theo một chậu sỏi, hoặc cũng có thể dùng các vòng hạt… Tuy vậy cách mà các bạn nhỏ đưa ra đều có những điều khó thực hiện: nếu thêm người thì sẽ phải chia sẻ thêm tiền và như vậy tiền lãi thì chẳng còn là bao, nếu mang theo sỏi thì sẽ rất nặng và người khác có thể cười anh bán hàng, còn nếu dùng các vòng hạt thì rất dễ bị nhầm… Vậy các bạn nhỏ và anh Kim bán kẹo sẽ phải làm thế nào?
Đúng lúc đó anh chàng Kim nhìn thấy chiếc đàn hạc… và rồi anh chợt nảy ra một ý tưởng…
Thì ra cách mà anh chàng Kim nghĩ ra là sâu hạt vào các sợi dây trên cùng một khung cố định và dùng nó làm ra chiếc bàn tính. Các bạn nhỏ đã giúp chàng Kim làm một chiếc bàn tính cổ xưa bằng các vật liệu rất đơn giản: bìa giấy, nắp chai nhựa đã dùng, que xiên và băng dính cùng các dụng cụ khác.
Trong buổi học ngày hôm nay các bạn nhỏ còn được biết thêm những thông tin rất thú vị về các con số, nguồn gốc cũng như thời gian ra đời của chúng… Cảm ơn các cô chú ở công ty sách Long Minh đã xuất bản bộ sách Tập làm nhà phát mình rất hay để các cô và các bạn lớp Sắp hết hè vẫn vui cùng được tham gia trải nghiệm và cung cấp những kiến thức khoa học thật dễ hiểu và thú vị. Tạm biệt chàng Kim bán kẹo trong cuốn “Những phát kiến mới”, cùng với chiếc bàn tính này anh sẽ không bị tính nhầm tiền nữa.