Một lần trên phố, có người bạn hỏi tôi rằng “Trong đời, có điều gì là mãi mãi?”. Nghe câu hỏi đó, tôi nhớ về mẹ tôi, nhớ hơi ấm từ vòng tay bà, nhớ đến sự ân cần, chăm chút của mẹ…
Cuốn sách “Mãi yêu con” (Lời: Robert Munsch, tranh: Thùy Dương, Nhã Nam, NXB Hội nhà văn, 2015) đã chạm đến trái tim tôi ngay từ nhan đề tác phẩm.
Cuốn sách “Mãi yêu con”(Lời: Robert Munsch, tranh: Thùy Dương, Nhã Nam, NXB Hội nhà văn, 2015)
Tôi nhìn thấy mình trong bóng dáng của người con. Sự bé bỏng khi mới lọt lòng, sự phá phách tinh nghịch ở tuổi lên hai, sự ương bướng của ngày lên chín và chút ngông cuồng của thời thanh niên. Và đến khi con đã là một người đàn ông trưởng thành, chuyển đến một căn nhà khác, mẹ vẫn đạp từng vòng xe đến bên con. Ngày trôi qua, con lớn lên và dần xa rời vòng tay mẹ, nhưng…lặng lẽ, mẹ vẫn bước bên con.
Hơi ấm từ vòng tay mẹ cứ thế nối dài, khúc hát yêu thương vẫn ngân vang da diết:
“Con ơi yêu con mãi mãi
Thương con chẳng thể xa rời,
Chừng nào trái tim còn đập
Con là của riêng mẹ thôi.”
Nhưng đến một ngày, mẹ cũng không thể hát trọn vẹn bài ca năm nào vì bà đã quá già yếu, người con trai bế mẹ của mình, anh ôm mẹ, cảm nhận yêu thương từ tấm thân gầy guộc. Anh hát cho mẹ nghe khúc hát ngày xưa bà đã hát. Rồi vẫn bài hát ấy anh lại ru cô con gái bé bỏng. Và cứ thế nó ngân mãi, trở thành cây cầu kết nối yêu thương từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Bằng ngôn từ giản dị, thấm đẫm yêu thương, cuốn sách đã truyền đến độc giả thông điệp sâu sắc về tình mẫu tử cũng như lời nhắc nhở với những người con đã trưởng thành. Đến đây, tôi chợt nhớ đến những vần thơ của nhà thơ Chế Lan Viên:
“Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi suốt đời lòng mẹ mãi theo con
À ơi!
Một con cò thôi
Con cò mẹ hát
Cũng là cuộc đời
Vỗ cánh qua nôi”
Bùi Hương Liên (Viết cho CLB Đọc sách cùng con)