Ngày 12/5/2017, tại trường THCS Nguyễn Đăng Đạo, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, lễ tổng kết và trao giải cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 46 diễn ra …đáng yêu trong lúc trời chuyển từ nắng sang mưa, mà mưa to thật là to. Mưa rộn ràng thật hợp với một cuộc thi của trẻ em. Người lớn thì lo chứ với trẻ con, mưa là vui. Vui hơn khi trời nắng nhiều!
Vì thế mà, mưa thì mưa, cuộc trao giải vẫn cứ tưng bừng dù người trao ướt áo, người nhận bằng khen ướt tóc ướt đầu. Sức nóng của niềm háo hức đã khiến trời quang quẻ trở lại khá nhanh.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng phát biểu khai mạc tại Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 46. (Ảnh: info.net)
Các em học sinh trình diễn quan họ – đặc sản của xứ Kinh Bắc
Năm nay, cuộc thi UPU dường như được chú ý tới nhiều hơn cả năm trước, có lẽ do hiệu ứng cảm xúc từ giải Nhất quốc tế của em Nguyễn Thị Thu Trang năm ngoái. Phát biểu tại Lễ trao giải, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng cho rằng, chất lượng của cuộc thi ngày càng được nâng cao. Việt Nam tham gia cuộc thi này từ năm 1987. Sau 30 năm, Việt Nam đã 12 lần đoạt giải, trong đó có 2 giải Nhất quốc tế, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 5 giải Khuyến Khích. Số lượng giải thưởng dày hơn từ năm 2010 trở lại đây.
Trong số 1.171.328 bài dự thi, Ban Tổ Chức đã trao 1 giải Nhất, 3 giải Nhì, 5 giải Ba, 30 giải Khuyến khích, 61 giải Cây bút triển vọng cùng 3 giải phụ. Trung ương Đoàn trao tặng Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo cho các giải Nhất và Nhì. Giải Nhất Quốc gia cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU thêm một lần nữa thuộc về một thí sinh Đà Nẵng: em Nguyễn Đỗ Huyền Vi, học sinh lớp 8/9 trường THCS Tây Sơn, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng. (Trước đó là 6 gương mặt: Đào Thuỵ Thuỳ Dương năm 2013, Hồ Thị Hiếu Hiền năm 2010, Nguyễn Đắc Xuân Thảo năm 2009, Võ Thị Thu Thảo năm 2003, Trần Thị Phượng Quỳnh năm 1998 và Nguyễn Thu Thuỷ Tiên năm 1996).
Tại buổi lễ trao giải, các bạn nhỏ trường THCS Nguyễn Đăng Đạo được được nói chuyện với thần tượng bằng xương bằng thịt – Nhà thơ Trần Đăng Khoa
Bức thư của Nguyễn Đỗ Huyền Vi thuyết phục Ban giám khảo ở việc tích cực đi tìm giải pháp giải quyết vấn đề tị nạn chiến tranh xuất phát từ việc “tỷ phú Ai Cập muốn mua một hòn đảo tặng cho dân di cư”. Đây là một giải pháp không bền vững và ngây thơ theo cách nhìn của một em bé (đây có lẽ cũng là một ưu điểm – các em vẫn phải hồn nhiên trong lứa tuổi của mình!) – nhưng khả thi và thú vị ở chỗ, bạn đã đưa ra những địa chỉ cụ thể để vận động cho hành động từ thiện này. Bạn phân tích khá thuyết phục, có trích dẫn, theo sát diễn biến của vấn đề. Không chỉ phân tích rành mạch, khúc chiết ý tưởng của mình, Vi còn đề xuất sự “trao đổi thêm cho thấu đáo” khiến bức thư thể hiện được phong thái đĩnh đạc, đàng hoàng, tự tin, đồng thời cũng rất cởi mở, hợp tác của một cố vấn nhỏ tuổi cho ngài tổng thư ký LHQ.
Huyền Vi và chứng nhận giải nhất của cuộc thi
Huyền Vi và nhà văn Lê Phương Liên, TSGD Nguyễn Thụy Anh, thành viên của BGK cuộc thi
Ban giám khảo chụp ảnh cùng các thầy cô giáo, các em học sinh trường THCS Nguyễn Đăng Đạo
Riêng tỉnh Bắc Ninh, nơi diễn ra lễ Tổng kết cuộc thi, đã có một giải Ba là em Nguyễn Thị Quỳnh Mai, Trường THCS Cách Bi, Quế Võ, một giải Khuyến khích thuộc về em Nguyễn Hà Nhung, Trường THCS Nguyễn Đăng Đạo và 4 học sinh đạt Cây bút triển vọng.
Lá thư của Hà Nhung, học sinh lớp 9A3 trường Nguyễn Đăng Đạo (giải Khuyến khích) có nhiều ý rất dễ thương và diễn đạt xúc động, trong sáng. Nhung bảo, một lá thư nhỏ không thay đổi được thế giới, nhưng có thể lay động được lòng người.
Đúng như vậy, mỗi lá thư được viết bằng suy nghĩ, tình cảm thật của các em, bằng giọng văn hoặc non nớt hoặc già giặn nhưng thể hiện được điều em nghĩ, em muốn nói với thế giới. Những lá thư kêu gọi hoà bình, mong mỏi xoá bỏ hận thù, định kiến xã hội, khẩn khoản giục người lớn nhìn lại cách họ điều hành các quốc gia, cách họ ứng xử với nhau, với môi trường…
Chúng có sức lay động mạnh mẽ. Chính vì thế mà cuộc thi viết thư quốc tế này cũng mang một giá trị tinh thần sâu sắc không chỉ với Ban tổ chức là Liên minh bưu chính thế giới, không chỉ với những người đoạt giải mà còn đối với từng thí sinh tham gia.
Cuộc thi chỉ là cuộc thi. Cái được nhất không phải là giải thưởng, mà là làn sóng lay động ấy, nó biến thành năng lượng đẹp và ấm ôm ấp cuộc đời, xoa dịu những vết thương tâm hồn, góp phần làm thế giới tốt đẹp hơn…
Thuỵ Anh
Ảnh: Từ facebook các thành viên BTC và BGK cuộc thi