Home / Giới thiệu sách / THẾ HỆ LO ÂU

THẾ HỆ LO ÂU

Cuốn sách của Jonathan Haidt vẽ nên một bức tranh đáng lo ngại về cuộc sống của “thế hệ lo âu”, thế hệ có tuổi thơ gắn liền với công nghệ mà giảm bớt vui chơi tự do, thế hệ được/bị bảo vệ quá mức trong đời thực và thiếu sự bảo vệ trong thế giới ảo.
Ngay sau khi được phát hành vào tháng 3/2024, Thế hệ lo âu (The Anxious Generation) của Jonathan Haidt đã đạt những thành tích ấn tượng: vào danh sách Best Seller của New York Times; là một trong bốn cuốn sách yêu thích nhất năm của Bill Gates; Giải thưởng Goodreads Choice cho sách thuộc thể loại phi hư cấu.

Với văn phong lôi cuốn và những ẩn dụ thú vị về thế giới thực-ảo của gen Z, tác giả Haidt – nhà tâm lý học người Mỹ – vẽ nên một bức tranh đáng lo ngại về cuộc sống của “thế hệ lo âu”, thế hệ có tuổi thơ gắn liền với công nghệ mà giảm bớt vui chơi tự do, thế hệ được/bị bảo vệ quá mức trong đời thực và thiếu sự bảo vệ trong thế giới ảo. Ông sử dụng các thuật ngữ “tuổi thơ gắn liền với vui chơi” và “tuổi thơ gắn liền với điện thoại” để phân biệt thế hệ chưa bị công nghệ chi phối và thế hệ trẻ em phụ thuộc vào công nghệ.

Phân tích sự khác biệt giữa tương tác xã hội trong thế giới thực và thế giới ảo, tác giả nhấn mạnh bốn đặc điểm khiến sự kết nối các mối quan hệ qua mạng thường lỏng lẻo và thanh thiếu niên tham gia nhiều mạng lưới xã hội, nhiều hội nhóm trên mạng ít có cơ hội học được cách kiểm soát cảm xúc, trân trọng và duy trì các mối quan hệ xã hội. Bốn đặc điểm đó là: Không hiện thân, không nhất thiết phải hiện hình, chỉ cần ngôn ngữ, thậm chí AI cũng là đối tác giao tiếp như một mối quan hệ xã hội; Tính bất đồng bộ, sự tương tác ngay lập tức rất thấp – trừ các cuộc gọi video, còn lại thể hiện qua các bài đăng; Giao tiếp một – nhiều, phát sóng từ một nguồn tới các khán giả tiềm năng; Tiêu chuẩn đầu vào của cộng đồng khá thấp, từ đó các thành viên dễ dàng không hài lòng và chặn, hủy kết bạn – cộng đồng phần lớn tồn tại trong thời gian ngắn, không bền.

Haidt đưa ra những bằng chứng để có thể gọi gen Z là thế hệ lo âu qua những con số thống kê, những kết quả nghiên cứu cụ thể. Cho dù lờ mờ cảm thấy điều này từ lâu, chúng ta, các bậc cha mẹ bất lực chưa tìm ra giải pháp đối mặt với sự “hoành hành” của công nghệ, thường chỉ còn cách nhắm mắt làm ngơ để chờ đợi tuổi teen của con qua đi, mong mọi điều ổn trở lại bằng cách kỳ diệu nào đó, hoặc lấy các lợi ích của công nghệ để bù đắp những mất mát. Có thể nói, các trang sách ngồn ngộn số liệu – các con số gây sốc cho dù là kết quả nghiên cứu về giới trẻ Mỹ nhưng cũng khiến chúng ta nhìn vấn đề rõ ràng hơn, hiểu nguồn cơn của những lo âu căng thẳng của cả gen X chứ không chỉ gen Z ở Việt Nam, nhìn rõ hệ lụy của sự mất kết nối trong đời thường mà say mê kết nối trong cuộc sống ảo. Cảm thấy hoảng sợ. Cảm thấy phải làm gì đó!

Tôi chỉ lấy ví dụ một vài thông số sau: Trung tâm khảo sát Quốc gia Hoa Kỳ về vấn đề sử dụng thuốc và tình trạng sức khỏe cho biết, tỷ lệ trầm cảm ở nữ thanh thiếu niên tăng 145% và 161% ở nam thanh thiếu niên kể từ năm 2010; tỷ lệ tự tử ở nữ thanh thiếu niên trong độ tuổi 10 – 14 tăng 167% và ở nam thanh thiếu niên là 91% kể từ năm 2010.

Trong chương 5 của cuốn sách, Jonathan mô tả kỹ các tác hại cơ bản điện thoại thông minh đối với tuổi thơ: thiếu giao tiếp xã hội, thiếu ngủ, phân tán sự chú ý và gây nghiện. Bên cạnh đó, ông còn phân tích những lý do khiến các bé gái đặc biệt dễ bị tổn thương trong thế giới ảo. Những kết luận này không mới. Điều đáng chú ý một lần nữa lại là các số liệu cụ thể, các ví dụ thực tế đầy sức thuyết phục. Tôi nghĩ, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng các con số này để “đấu tranh, thuyết phục” các bạn trẻ nhà mình, cho các em nhìn thấy rõ chính mình trong thế giới này – những điều các em đang phải đối mặt.
Trong rất nhiều ví dụ có thật được dẫn ra, tôi vô cùng rung động trước chia sẻ của mẹ cô bé Emily, 14 tuổi. Emily đã từng dọa tự sát khi bố mẹ sử dụng phần mềm giám sát. Bà mẹ tuyệt vọng: “Có vẻ như cách duy nhất để loại bỏ mạng xã hội ra khỏi cuộc sống của con bé là đưa nó đến một đảo hoang!” Mỗi khi tham gia trại hè, nơi không được sử dụng điện thoại thông minh, Emily vui vẻ, hoạt bát. Khi về nhà, chạm vào điện thoại, cô bé lại rơi vào trạng thái kích động và rầu rĩ.

Có vẻ như tâm sự này khá quen thuộc đối với các bậc làm cha mẹ. Vậy, phải chăng, giải pháp chỉ có thể là: đảo hoang?

Trong bốn ý tưởng được đề xuất và phân tích kỹ lưỡng (tôi sẽ không tóm tắt ở đây vì cho rằng độc giả rất cần đọc và suy ngẫm những dòng phân tích ấy), tác giả đặc biệt lưu ý về “sự suy tàn của tuổi thơ vui chơi”, tầm quan trọng của sự vui chơi tự do và cả vui chơi mạo hiểm – giúp kích hoạt não bộ, phát triển kỹ năng, rèn luyện sự khéo léo của cơ thể để đảm bảo an toàn cho mình.

Nhà tâm lý xã hội nhấn mạnh: “Chúng ta có hơn 100 năm kinh nghiệm để tạo ra thế giới thực an toàn cho trẻ. Sau đó, bất ngờ là, chúng ta tạo ra một thế giới ảo nơi người lớn có thể làm mọi thứ tùy thích nhưng trẻ em không có khả năng tự bảo vệ!” (tr.29)

Khi tuổi thơ trở nên gắn bó với công nghệ, các kỹ năng thoát hiểm, sự nhanh nhẹn, kỹ năng giải quyết vấn đề được hình thành trong thế giới ảo. Các bậc phụ huynh thường lo sợ thái quá, bảo bọc thái quá đối với trẻ trong đời thực lại thở phào an tâm khi chúng ngồi nhà, không tham gia các trò mạo hiểm, trèo cao, vượt rào… mà không ngờ rằng thế giới ảo cũng tiềm ẩn không ít nguy hiểm. Haidt bày tỏ quan điểm, trẻ em cần học nghệ thuật thể hiện tình bạn. Lúc còn nhỏ, chúng sẽ đụng chạm, ôm, vật lộn. Các sai lầm được sửa chữa bằng lời xin lỗi, nét mặt chân thành, một cái vỗ nhẹ vào lưng hay bắt tay. Những sai lầm trong thế giới ảo gây hậu quả nặng nề hơn rất nhiều, bị những người xa lạ chỉ trích và thông tin đáng xấu hổ tồn tại rất lâu, bị lan truyền và đào bới, do đó dù thời gian trôi qua, nỗi đau có thể vẫn ở lại.

Cá nhân tôi từng thực hiện được hai trong những ý tưởng mà tác giả đề xuất nhưng vì không đồng bộ nên cuối cùng cảm thấy mình đã cúi đầu bị khuất phục trước các thiết bị công nghệ, những thứ làm nên thế mạnh của bọn trẻ so với phụ huynh của chúng nhưng đồng thời cũng làm chúng trở nên vụng về trong giao tiếp đời thực!

Bốn đề xuất của tác giả đơn giản không ngờ, chỉ cần bố mẹ quyết tâm, không tặc lưỡi cho qua, không hùa theo đám đông – mà càng nhiều người thực hiện thì sẽ có một đám đông mới (!) – là chúng ta sẽ có được một tương lai ít lo âu hơn cho tuổi thơ.

Thuỵ Anh
Bài đăng KH&PT số 1326 (số 2/2025)

About Chang Che It

Scroll To Top