Ngày nay, càng ngày chúng ta càng được tiếp xúc nhiều hơn với những thông tin về chứng tự kỷ ở trẻ em. Không còn xa lạ nữa những vấn đề xoay quanh chứng bệnh này: những buồn khổ, lo lắng của gia đình, bố mẹ, những rắc rối và những khó khăn mà các thày cô giáo phải đối mặt nếu trong số các học sinh có em bị mắc chứng tự kỷ..v..v.
Trong bài viết này, tôi chỉ muốn nói đến trẻ tự kỷ dưới góc độ của một người ngoài, một người mẹ có những đứa con bình thường nhìn nhận thế nào về chứng bệnh này, và có sự thấu hiểu, chia sẻ và tiếp sức ra sao để những đứa trẻ tạm thời bị coi là “không giống mọi người” ấy được hòa nhập với cộng đồng, có thể sống, học tập và phát triển trong môi trường chung giống mọi người…
Chị An, hàng xóm nhà tôi, dặn dò con trước khi con đi học thế này: “Này, cái thằng X. là bị tự kỷ nhé. Con cấm có được chơi với nó nghe chưa? Cứ tránh ra cho nó lành!”. “Sao vậy? Chị dạy cháu thế thì bạn cháu làm sao mà hòa nhập được với mọi người? Như thế thật không phải!” – Tôi phản đối. Thì chị đáp: “Khổ, nó nhẹ nhẹ, là lạ một tí thôi thì không sao. Thế nhỡ gặp phải cái đứa nó ở dạng nặng, nó đánh con mình, ném cho cục gạch vào đầu chẳng hạn, thì mình biết kêu ai? Rồi có hôm thằng con tôi về con bắt chước cách đi lại nói năng của bạn, làm tôi sợ ơi là sợ…”
Nghe thật buồn, nhưng ngẫm lại, không phải chị An không có lý! Đó là những lo ngại chính đáng của các bậc phụ huynh, nhất là những người còn hiểu biết rất mơ hồ về chứng tự kỷ, khiến những lo ngại cộng với sự tưởng tượng, suy diễn… sẽ trở nên lớn hơn, khó kiểm soát. Xin đừng vội nghĩ rằng họ không có tấm lòng, rằng họ ích kỷ, nhỏ nhen, không biết chia sẻ. Ai chẳng thương và lo lắng cho sự an toàn của con mình! Có điều, theo tôi, vấn đề này cũng không phải là không có lối thoát.
Trang bị kiến thức cho các thày cô và phụ huynh. Dường như hiện giờ, ở Việt Nam, chỉ có những người có con bị tự kỷ mới quan tâm tìm hiểu về chứng bệnh này. Thực ra, kiến thức về chứng tự kỷ, các dạng của nó, phân biệt chứng tự kỷ với các chứng tâm bệnh khác ở trẻ nhỏ, cách thức và phương pháp chữa trị, cách giao tiếp với trẻ tự kỷ, các khái niệm cơ bản nhất trong tâm lý học khi đối diện với trẻ tự kỷ… mỗi một người khi chuẩn bị làm cha làm mẹ đều cần phải biết, và điều này đặc biệt cần thiết với những thày cô giáo có học trò là trẻ tự kỷ.
Làm công tác tư tưởng cho các bé. Khi đã nắm được những kiến thức cơ bản đó, các bậc phụ huynh và cô giáo sẽ có cách nói chuyện với con mình, với học sinh (bình thường) học cùng trẻ tự kỷ, theo hướng sau:
* Tâm sự với các em ngay từ đầu, vì sao bạn X. lại hơi khác các bạn trong lớp. Gợi được sự thông cảm của các em, trao cho các em “trách nhiệm”, làm sao cùng nhau giúp bạn hòa nhập ở môi trường học tập này. Trẻ em rất nhạy cảm với sự tin tưởng của người lớn. Chúng sẽ đón nhận thông tin một cách nghiêm túc và sẽ không còn trêu chọc bạn, thậm chí, còn sẽ bảo vệ bạn trong nhiều trường hợp.
* Tuy nhiên, để đề phòng việc trẻ tự kỷ do những lý do nhất định bị kích thích thần kinh trở nên dễ kích động, nóng nảy, đánh bạn, ném đồ đạc vào bạn khác…, thày cô và bố mẹ nên cảnh báo cho các em về những hiện tượng này. Khi thấy có gì khác thường, lập tức báo ngay với cô giáo. Dặn con không làm những động tác mạnh khiến bạn tổn thương hoặc sợ hãi, như hét, mắng, quát bạn, giằng đồ chơi của bạn, kéo tay kéo chân hay đùa nhả với bạn… Tuy nhiên, nếu con có trót một vài lần đối xử với bạn không tốt, cũng đừng mắng hay phạt trẻ, hoặc lên án con gay gắt. Điều này dễ dẫn đến sự thù ghét của trẻ đối với bạn tự kỷ, cho rằng bạn chính là nguyên nhân mình bị mắng. Hãy kiên nhẫn giảng giải bằng nhiều cách. Ví dụ, bằng một câu chuyện cảm động mà bạn nghĩ ra chẳng hạn. Hoặc, hãy tỏ ra thông cảm với trẻ: “Ừ, ban đầu mẹ gặp bạn X., mẹ cũng thấy kỳ quặc lắm. Nếu mẹ còn bé, chắc là mẹ cũng trêu bạn ấy như con. Nhưng hôm nọ mẹ thấy mẹ bạn X. khóc, vì bạn X. không học được như con, không chơi với mọi người bình thường được như các con, mẹ thấy thương cô ấy quá….”
* Ở nhà, hàng ngày, bạn nên hỏi han con về người bạn tự kỷ ở lớp. “Dạo này bạn ấy có tiến bộ không? Con thấy hôm nay bạn ấy buồn hay vui, có làm điều gì khiến mọi người thấy buồn cười, kỳ lạ không? Con có cười nhạo bạn không?”. Trò chuyện với bố mẹ về bạn cũng khiến con bạn giải tỏa được những bức xúc (nếu có) hay có điều kiện kể lể những điều mà nó cho rằng kỳ quặc ở bạn, nhưng ở lớp vì lịch sự và trách nhiệm (như đã nói ở trên) mà nó không thể nói ra. Đứa trẻ vẫn chỉ là đứa trẻ, luôn có nhu cầu được nhận xét, kể chuyện… Qua đó, bố mẹ có thể khéo léo hướng con vào suy nghĩ đúng bằng sự thấu hiểu của mình. Ví dụ: “Ừ nhỉ, mẹ thấy bạn X. làm thế thì buồn cười quá. Nhưng con không trêu bạn là đúng rồi. Mẹ bạn X. mà thấy bạn X được các con thương như thế, chắc cũng đỡ buồn nhiều lắm đấy.”
* Thỉnh thoảng hãy khuyến khích con bạn mang một món quà nào đó đến cho người bạn tự kỷ của mình. Một cuốn sách, một món đồ chơi nào đó…
* Thường, trẻ tự kỷ rất có thể có năng khiếu ở một vài môn nào đó. Ví dụ, thuộc lòng rất giỏi. Bạn hãy hỏi con về điều này và khơi gợi sao cho con bạn có cảm xúc phục bạn, từ đó đối xử với bạn theo chiều hướng tích cực hơn.
Để bố mẹ yên lòng, nên tổ chức những buổi gặp gỡ trao đổi thường xuyên với phụ huynh trẻ tự kỷ. Việc tâm sự giữa các bố mẹ với nhau rất cần thiết, tăng sự tin tưởng vào những điều tốt đẹp. Hãy cùng hy vọng có được sự hòa nhập dần dần của trẻ tự kỷ trong môi trường học bình thường. Khi bạn cùng sát cánh với mọi người trong một việc làm có ích, hẳn sự nhiệt tình sẽ khiến bạn đỡ đi phần nào những suy nghĩ tiêu cực và ích kỷ. Đôi khi hãy đưa con đến thăm nhà của bạn bị tự kỷ, có thể hai trẻ chưa chơi được với nhau, nhưng cũng tạo cho hai bên có sự tương tác nhất định. Bạn thì sẽ yên tâm hơn vì theo dõi được chặt chẽ tiến triển sức khỏe tinh thần của bé tự kỷ, để không còn lo lắng.
Và cuối cùng, là hãy tin tưởng vào điều tốt đẹp. Đừng suy diễn trước những điều chưa chắc đã xảy ra vì ta cũng biết, không phải trẻ tự kỷ nào cũng dễ nổi nóng, hay la hét, đánh cắn bạn… Chính việc suy diễn, định kiến cũng dễ làm bạn rơi vào stress, có những cách nói như chị An tôi kể trên đây, khiến con bạn hoang mang và không biết mình phải xử sự với bạn tự kỷ như thế nào.
Mọi nỗi bất hạnh trên thế gian này đều có thể xảy ra với bất kỳ ai. Vì thế, khi mình may mắn hơn người, hãy nghĩ rằng, chỉ điều ấy thôi cũng đã xứng đáng để bạn kiên nhẫn và chìa tay ra với những người bất hạnh khác. Biết giúp người mà vẫn biết bảo vệ bé con của mình, tôi tin bạn sẽ là người cha người mẹ tuyệt vời trong mắt con.
TSGD Nguyễn Thụy Anh