Home / Bài Viết / Luật Trung Thu

Luật Trung Thu

Nói đến Trung Thu là người ta nói đến trẻ con. Mà nói đến trẻ con thì hầu như chúng ta ai cũng mặc nhiên nghĩ và hỏi nhau: “Nó học thế nào?” Gần như chẳng ai hỏi, cháu nó chơi thế nào, nó thích làm gì… Nếu người lớn có bận tâm xem Trung Thu cho trẻ con đi đâu chơi thì cũng là một sự quan tâm có điều kiện, trên quan điểm “bố trí, sắp xếp”. Đa phần chúng ta thở phào nếu có một địa điểm nào tích hợp được tất cả các trò chơi, mua một cái vé hoặc cho bọn trẻ mua một đống xèng hay chip mà chơi “thả phanh” với điều kiện, chúng phải hứa gãy lưỡi rằng sau đấy phải giành nhiều điểm 10. Thành ra những tiết mục văn nghệ, múa hát rước đèn cũng giống như một hoạt động ngoại khóa cho việc học. Thật sự thì chẳng mấy ai nghĩ xem qua kỳ Trung Thu này, con mình chơi những gì, nó phát hiện ra điều gì, hay là bổ béo hơn thì tính nết nó trưởng thành đến đâu. Dù theo lý thuyết nói qua trò chơi, trẻ em phát triển tính cách, ta tặc lưỡi, đằng nào chúng nó cũng vẫn cứ lớn, chơi lắm chỉ tổ lơ là “việc lớn nhất đời nó”.

Mối bận tâm về sự học không là số 1 thì cũng là số 2 của xã hội, khiến ánh trăng rằm chỉ còn ý nghĩa phần thưởng tinh thần, nhất là khi khai giảng mới qua có một tháng. Dĩ nhiên, với trẻ con thì tiếp xúc cái gì cũng là học cả, nhưng cái sự học mà xã hội đang phát sốt lên là học văn hóa, từ lúc chưa hết mẫu giáo đến giáo dục phổ thông, đại học, cao học, tiến sĩ…  Những đứa trẻ nào chẳng may học lực kém hay chỉ cần trung bình thôi là đừng hòng mơ được xếp loại “hạnh kiểm khá”, chứ đừng nói loại “tốt”. Bố mẹ thì gắng tránh cho con rơi vào hạng ấy, thầy cô và nhà trường thì gắng giữ thi đua, làm sao cho đại bộ phận học sinh đạt tiên tiến trở lên, thậm chí tuyền xếp loại giỏi, nên đương nhiên trò nào cũng đạt tiêu chuẩn đạo đức.

Có điều cứ đến từng nhà mà xem, việc học và làm bài ở nhà luôn là cảnh các bà mẹ vật lộn với các quý tử (các ông bố kèm con có lẽ ít hơn). Không khí đối diện với việc học hành như thể trên đầu hai mẹ con là một lưỡi gươm Damocles thay vì ngọn đèn chống cận sáng trưng. Đứa con học không giỏi, lập tức không thể là học sinh tốt, mà như vậy không thể là ngoan như mong muốn. Người ta đi lễ bái để giản hạn rầm rộ thế nào thì các bố mẹ đôn đáo tìm gia sư, xin học thêm cho con náo nhiệt thế ấy. Miễn là thỏa mãn cách đánh giá của nhà trường.

Thế là tiêu chuẩn trường ốc ấn định tư cách đạo đức của con người ngay từ lúc còn mải mê cầm đèn Trung Thu. Người ta ấn vào tâm lý của trẻ con lẫn của người lớn rằng, học không ra gì thì ắt không nên người, và muốn cải thiện điều đó thì phải chạy đua cho kịp xung quanh, mỗi người là một cua-rơ hối hả chạy trên đường phố lẫn đường đời, miễn sao cán đích, bất chấp phương tiện và làn, luồng thế nào. Như thế thì ngày rằm Trung Thu chỉ sau khai giảng có một tháng, ắt không thể dễ dãi cho bọn trẻ con, vốn lúc nào cũng thừa năng lượng để chơi đến quên học hành.

Học thì có thể cứ học chẳng cần luật, chứ chơi mà không có luật là vứt. Để trò chơi thành công, điều quan trọng đầu tiên là phải nắm được luật. Ai cũng biết, không tuân thủ luật chơi, mời ra khỏi cuộc. Để ý mà xem, khi tham gia những trò chơi, như dịp Trung Thu chẳng hạn, trẻ con rất tự nguyện “chấp hành” thứ luật của chúng, mà lại vui vì điều đó. Một trò chơi của trẻ con, ấy là mô phỏng cả một xã hội có các quy ước nghiêm chỉnh. Đời người lớn chúng ta, với những chuyện nghiêm túc, chúng ta có tuân luật hơn so với cuộc chơi của lũ nhóc không?

Cũng những đứa trẻ như thế của Trung Thu hai ba mươi năm trước, trật tự đi trong tiếng trống ếch, dưới ánh nến bập bùng và ánh trăng vằng vặc, mà bây giờ, phóng xe máy hay lao ôtô bạt mạng bất cần luật giao thông. Từ đứa trẻ xếp hàng theo bạn giữ cho cây đèn Trung Thu không tắt nến đến gã người lớn tranh thủ vượt đèn đỏ ngã tư, cái gì biến đổi con người ấy? Gần đây, người ta bức xúc về tình trạng xuống cấp văn hóa giao thông ở một thành phố được mệnh danh là trái tim của đất nước, người ta cười khẩy khi ai còn nói đến thanh lịch hào hoa. Văn hiến nghìn năm đã trở thành sáo ngữ khi tinh thần “hiện sinh” trong cách vượt lên mũi xe nhau trên đường phố Hà Nội. Giao thông là thứ còn nhìn tận mắt được đã vậy, huống hồ bao thứ khác đang ngày ngày trở thành những trò chơi có luật mà cũng như không.

Hai tuần trước, tôi có một chuyến đi chơi với một người Việt xa xứ trở về. Nhìn hàng bánh nướng bánh dẻo đỏ rực cả phố, người bạn đi cùng nhớ lại ba mươi năm trước. Ấn tượng đầu tiên của anh khi đi từ phi trường Tân Sơn Nhất về trung tâm sau mười hai năm xa nước là con đường rộng mà tối om vì bị cúp điện, đông đặc xe đạp nhưng không hề có va quệt. Tất cả lầm lũi đi dưới ánh trăng thu bàng bạc. Đột nhiên ở một ngã tư, một đoàn trẻ con đánh trống ếch, cầm đèn ông sao đi qua, trở thành vùng ánh sáng lẻ loi trên mặt đất, chiếu những bánh xe, hắt những bóng nan hoa loang loáng trên mặt đường. Tiếng trống cũng là âm thanh sôi động duy nhất bên cạnh tiếng xích và phanh xe đạp.

Chính xác đấy là hình ảnh của tôi khi là trẻ con, cũng đứng trong một đám “tùng dinh dinh”, sung sướng niềm vui tập họp, bày cỗ và khoe đèn ông sao tự làm. Chỉ cần có ánh nến dưới đất và ánh trăng trên trời cũng đã trở thành phần thưởng cho một đêm Trung Thu vui. Bây giờ tôi cũng phân vân, mình chả có quyền bắt trẻ con trải nghiệm một Trung Thu mất điện, cầm đèn ông sao chỉ lo nến tắt hay chia một cái bánh nướng duy nhất trong nhà thành tám miếng sao cho đều. Trẻ con nói chung vẫn dễ vui và ham vui, có chăng là người lớn cho chúng nó vui được cỡ nào thôi. Nhưng đi trên đường phố Hà Nội mạnh ai nấy vượt đến mức gặp tai nạn như cơm bữa, tôi bỗng ghen tỵ với chính tôi ngày xưa, với đám trẻ con mải chơi, với đêm rằm của tuổi nhỏ ai cũng sẵn sàng chơi theo luật.

Nhà văn Trương Quý

About admin2

Scroll To Top