Khi muốn nói thì giơ tay. Khi cô giáo nói thì lắng nghe. Đó cũng là những nghi thức ứng xử lịch sự!
Nghi thức ứng xử
Bé Nhím 4 tuổi, được khen ngoan nhất xóm. Đi gửi, về thưa, gặp ai cũng chào. Ai cho gì cũng cảm ơn. Thấy khách đến nhà là lăng xăng bê ghế, mang quạt cho khách rồi tự động lảng ra chỗ khác chứ không đứng đó hóng chuyện người lớn.
Cu Nam, 7 tuổi, từng ở “Tây” từ nhỏ, mới về Việt Nam với ông bà. Bé “ga-lăng” lắm. Đi ra là mở cửa, giữ cửa cho mẹ và mọi người ra. Vào đến nhà là giúp em gái bỏ mũ, cởi áo khoác. Ngồi ăn thì giữ im lặng chứ không nói chuyện ầm ầm. Miệng nhai gọn gàng, không phát ra tiếng chóp chép. Ăn xong, Nam còn cảm ơn khiến ông bà cứ tròn mắt kinh ngạc.
Có phải cách ứng xử như bé Nhím và bé Nam đều được các bậc phụ huynh nhìn vào thán phục, và mong muốn bé nhà mình cũng làm được như thế hay không?
Khái niệm về nghi thức ứng xử trong xã hội là một đề tài khá rộng, không chỉ phức tạp đối với các bé mà ngay cả đối với những người lớn, đây vẫn luôn luôn là một vấn đề được đưa ra bàn cãi. Một loạt những nguyên tắc được đề ra, mà nếu ghi ra đây thì chắc không thể nào đủ giấy! Nguyên tắc xử sự với người trên, với khách đến nhà, khi ở nơi công cộng, khi ăn tiệc, khi đến thăm nhà người khác, khi tặng quà, nhận quà, khi đi xe buýt, khi lên máy bay, khi ở trong thư viện, khi đến nhà hàng, khi vào các hội nghị, đến nhà hát…v.v… Bao nhiêu tình huống là bấy nhiêu nguyên tắc được đặt ra để có thể trở thành người lịch sự!
Vậy, làm sao dạy con trẻ tất cả những nghi thức ấy?
Điều đầu tiên, theo tôi, các bậc phụ huynh cần xác định được thế nào là lịch sự? Bé gái tại sao phải là một ‘lady”, còn bé trai phải thành một “gentleman”?
Nếu bạn cho rằng, việc xử sự lịch thiệp của bé chỉ để bố mẹ được mát mặt với mọi người, rằng bé sẽ được khen là ngoan, có giáo dục với những tác phong khuôn mẫu, với ‘dạ”, với “ạ” thật dễ thương…thì có lẽ quan niệm ấy có lẽ hơi lệch lạc. Những nghi thức trong ứng xử được nghĩ ra chẳng qua là để một cá nhân có thể hòa nhập với xã hội một cách thoải mái nhất, không phá vỡ những nguyên tắc chung của số đông, đồng thời vẫn khiến cho cá nhân ấy thể hiện được bản thân mình rất tự nhiên. Có nghĩa là, bản chất của sự “lịch sự” phải được ăn sâu vào cách hành xử của con người như là gốc rễ văn hóa. Ở đây, chúng tôi cho rằng, với trẻ em, có thể xác định khái niệm “lịch sự” như sau:
– Đó là sự quan tâm đến người khác, nghĩ đến cảm nhận của người khác, muốn làm người khác dễ chịu, vui vẻ
– Đó là cách thể hiện mình thật tốt đẹp, sao cho người khác cảm thấy muốn “chơi” với mình.
Trên cơ sở đó, bạn cùng bé con của bạn có thể dần dần, hàng ngày xây dựng cho mình một hệ thống những nguyên tắc ứng xử cần thiết.
Xin chia sẻ với các bạn vài kinh nghiệm của tôi:
1. Bố mẹ là tấm gương của con: Trẻ em luôn thích bắt chước người lớn. Dạy con thành người lịch thiệp không gì hay hơn bằng tấm gương của ông bà, bố mẹ. Bố mẹ hàng ngày xử sự tế nhị, chu đáo với người ngoài, với nhau, thì con cái nhất định sẽ thấm dần điều tốt đẹp ấy. Ví dụ, như cu Nam trên kia, hẳn là hàng ngày Nam vẫn được chứng kiến cảnh “ga-lăng” ấy – từ tấm gương của bố và những người xung quanh.
2. Tiếc thay trong xã hội, không phải ai cũng tuân theo những nghi thức ứng xử lịch sự. Khi đi cùng bé ngoài đường, gặp những cảnh chướng mắt, không hợp với những gì bạn dạy bé, bạn hãy lấy những ví dụ đó để cùng bé phê phán bằng cách khơi gợi: “Hôm nay đi đường, bố và cu Tin thấy các chị ăn kẹo rồi vứt đầy giấy kẹo ra đường. Thế là đúng hay sai con nhỉ?” “Thang máy vừa mở ra mà chú kia không đợi mọi người ra hết, đã lao vào rồi, buồn cười nhỉ con nhỉ? Thế nếu là con thì con sẽ làm sao?” “Con này, có bà già vừa mới lên xe mà chưa có chỗ ngồi, mẹ con mình có nên nhường chỗ cho bà không nhỉ?”
3. Không bắt ép: “Con phải….” Trẻ em, lứa tuổi non nớt, luôn có xu hướng thể hiện những tình cảm của mình một cách chân thành. Bố mẹ cần rất khéo để không áp đặt bé, phải tôn trọng chính kiến và cảm nhận của con, nếu không, sẽ rất phản tác dụng – bạn có thể tạo ra một con người lịch sự giả tạo! Chẳng hạn, như bé Nhím trên kia, bé chào tất cả mọi người, nhưng với một “nhân vật” là bà Bình hàng xóm, thì bé luôn luôn lảng tránh, thậm chí còn giương mắt nhìn bà, không chào hỏi gì, khiến bà mắng bé là “hư!” Nhưng thực ra, bé ghét và sợ bà, vì bà rất hay mắng chửi người khác, có hôm còn đứng đầu ngõ để chửi với những lời lẽ rất đáng sợ. Bé Nhím nhận xét: “Bà Bình thật ác!”.
Đối với những bé từ 3,4 tuổi, cái tuổi mà người ta hay nói là “bướng”, luôn muốn khẳng định tính cách của mình, thì bố mẹ lại càng cần phải kiên nhẫn. Đôi khi có trường hợp, bé biết là phải chào, phải cảm ơn.. nhưng cố tình lờ đi hoặc phụng phịu không chịu làm để gây sự chú ý của mọi người. Những lúc đó, tốt nhất là bạn không quá để ý đến bé, hoặc nhắc nhở bé bằng cách thay mặt bé “làm hộ” những gì phải làm, nói vui vẻ. Ví dụ: “À, cháu Dế muốn chào bác đấy ạ, nhưng tại cháu đang hơi xấu hổ nên chưa nói ra được. Mẹ cháu nói thay cháu ạ!” Hoặc: “Cảm ơn bác đã cho cháu quà. Cháu đang phấn khởi nên chưa cảm ơn được ạ. Lát nữa cháu sẽ nói với bác!”
4. Bạn có thể dùng hình thức kể chuyện về một nhân vật khác (không phải bé!) để “bàn luận” với trẻ về những nghi thức ứng xử. Ví dụ, câu chuyện về bạn Thỏ hay nói to trong thư viện, khiến chẳng ai tập trung đọc sách được, thậm chí bác Gấu còn đọc trang nọ lẫn với trang kia. Hoặc câu chuyện về bạn Mèo con biết nhường chỗ xếp hàng cho một em bé nhỏ hơn, được mọi người khen tấm tắc… Bất kỳ điều gì bạn muốn nói, cũng có thể nói với bé thông qua những câu chuyện. Đương nhiên, nên thay đổi lần lượt tính “tích cực” và “tiêu cực”, không chỉ toàn chuyện “chê” hoặc toàn chuyện “khen”!
5. Đóng kịch phân vai: Với những trẻ lớn hơn đôi chút, độ từ 4,5 tuổi trở lên, bạn có thể đặt ra tình huống, cùng con nhập vai. Có thể dùng các con gấu, thỏ bông làm nhân vật. Ví dụ, chơi trò bán hàng – trong lúc chơi, chú ý dùng các cấu trúc câu “lịch sự” như: “Bác ơi, bác làm ơncho tôi xem …” “Bao nhiêu tiền hả bác?” “Cảm ơn bác, tiền đây ạ”…
6. Tất cả những bài học trên, bạn có thể, và rất nên bắt đầu dạy bé từ lúc bé mới hơn một tuổi, còn chưa biết nói. Nhưng bạn hãy tin là bé tiếp thu sẽ rất nhanh. Ở đây, chúng ta lại có thể nhờ đến vai trò của thơ ca, văn vần, bài hát. Ví dụ, cùng với những hình ảnh cậu bé, cô bé ngoan, bạn có thể đọc những mẩu thơ như:
“Mặt trời thức dậy
Trời đã sáng rồi
“Bé ơi!” Bé: “Dạ!”
Mình cùng đi chơi”
Hoặc:
“Mẹ cho cái bánh
Ngon ơi là ngon
“Cảm ơn mẹ ạ”
Mẹ cười nhìn con…”
Hoặc những bài hát, như “Con chim vành khuyên” với những lời chào ngoan ngoãn của mình, hay bài hát về con cò “đi không hỏi mẹ biết đi đằng nào”…v.v..
7. Hãy luôn phát hiện những “động thái tích cực” của bé để khen ngợi kịp thời, hoặc bằng cách kể lại với một người thứ ba, khiến bé “tình cờ” nghe được. Ví dụ, mẹ kể với bố: “Hôm nay bé Mai nhà mình đã nhớ lời bố dặn, khi người lớn nói chuyện, không nói leo vào, đợi mẹ nói xong chuyện với cô Hòa, bé mới nói. Đúng là ngoan ghê!”
8. Và cuối cùng, vẫn luôn luôn tuân thủ nguyên tắc: dạy bé khi bé có tâm trạng tiếp thu. Khi bé mệt mỏi, khó chịu trong người, hơi nhõng nhẽo, quấy, hoặc bực bội, bạn hãy… để bé yên, kể cả khi thấy lúc ấy, bé thể hiện chẳng như một “lady” hay một “gentleman” gì cả!!!
Việc học để trở thành người lịch sự, bé còn phải học cả đời, vì thế thiết tưởng cũng không nên gấp gáp, vội vàng.
Mẹ thấy có giống lady và gentleman không? Ảnh: Mẹ Quỳnh Trang
TSGD Nguyễn Thụy Anh (Mẹ và Bé, 7-2008)