Một nhóm các cậu bé 10, 11 tuổi mà tôi quen đang loay hoay dùng điện thoại quay dựng hình ảnh gì đó, có cậu nói liến láu trước ống kính như một MC. Hỏi ra, các cậu mơ đến việc up lên YouTube cho nhiều người xem, nhiều người kính nể, nhiều người biết tới. “Như Lệ Rơi!” – các cậu bé hồn nhiên nói và cười ré lên vui vẻ.
Để cuộc sống bớt nhàm chán?
Trong những buổi sinh hoạt kỹ năng sống và đọc sách cùng các bạn nhỏ, tôi thường quan tâm đến ước mơ của các em. Nhiều em mơ ước trở thành nhà khoa học, phát minh được một điều gì cực kỳ thú vị để được biết tới. Có bạn mơ thành ca sĩ, tham gia ban nhạc, tham gia đội kịch cũng “để được biết tới”.
Một nhóm học sinh lớp 6 khi làm việc nhóm đã đặt tên cho nhóm của mình là… nhóm Lê Văn Luyện. Khi tôi hỏi lý do chọn tên đó thì các em bảo: “Vì… đó là người được biết tới” cho dù các em đều hiểu anh ta đã làm việc xấu.
Một cô bé tôi quen lại kỳ cạch làm thơ gửi lên diễn đàn, hồi hộp mong đợi và khoe được nhiều người comment. Các cô bé khác lại “câu like” trên Facebook, like càng nhiều càng phấn khởi.
Các cô bé, cậu bé bảo tôi rằng nhiều khi cứ thấy chán chán, chẳng có gì vui. Phải chăng mong muốn “được biết tới” cũng là mong muốn thoát khỏi sự bình thường mà chúng cho là tầm thường, nhàm chán?
Xem ra nhu cầu được biết tới là nhu cầu có thật, tự nhiên và không của riêng ai. Đặc biệt ở thời đại truyền thông, nghe nhìn như bây giờ, mọi hiện tượng được biết tới, được nói đến dù là tích cực hay tiêu cực, đối với các bạn nhỏ đều nằm trong khái niệm “nổi tiếng”.
Và bạn trẻ nhìn thấy khía cạnh hay của điều này, những cái “oai” mà nó mang lại. Nhìn hàng dài dằng dặc những bạn trẻ xếp hàng để thể hiện tài năng của mình trong các game show là ta hiểu mong muốn được thể hiện mình của họ mạnh mẽ đến thế nào.
Có bao nhiêu người thật sự hiểu khả năng của mình? Còn bao nhiêu người đi thi chỉ vì mong được xuất hiện trên truyền hình một lần là đủ?
Ảnh minh họa: Bích Khoa
Một ước mơ được xây dựng… bằng thông tin
Qua các kênh truyền hình và đặc biệt là Internet, giới trẻ biết – từ tình cờ được biết đến cất công tìm hiểu – về cuộc sống thú vị, đi đây đi đó, được mong đợi, tung hô, những nhà, những xe, quần áo… của các ngôi sao.
So sánh với cuộc sống của những người bình thường, đó là cả một sự khác biệt. Thêm vào đó, các game show và những giải thưởng giá trị cao, những hiện tượng lạ, quái, khác người, không nhất thiết phải giỏi hay chuyên nghiệp đều có vẻ như được dư luận chú ý và nhãn tiền là người ta có thể kiếm được tiền nhờ sự chú ý đó.
Nhiều bộ phim, câu chuyện được trình chiếu, đăng tải chỉ vinh danh những người thành đạt. Những người làm công việc bình thường, chăm chỉ, tận tụy cống hiến nhưng âm thầm đều dường như không được để ý tới, không được đánh giá cao.
Nhiều cơ sở giáo dục lấy tiêu chí thành đạt để hướng tới trong đào tạo như thể nếu không là một “ai đấy” trong xã hội, bạn sẽ là người thất bại, không có giá trị. Đây cũng là một định kiến xã hội khó thay đổi, khẳng định một giá trị không thể chối cãi và duy nhất của việc trở nên thành đạt và nổi tiếng.
Vậy thì việc nhiều bạn trẻ bây giờ muốn được nổi tiếng là chuyện hết sức tự nhiên. Qua truyền thông, các em nhận được thông điệp tích cực của việc trở thành người của công chúng mà không mấy quan tâm thật sự đến “mặt sau của tấm huy chương”. Mà nếu có biết thì đó dường như cũng là những câu chuyện xa lắc đâu đó, không liên quan.
Bên cạnh đó, mong muốn được biết tới của trẻ cũng cần được chia sẻ, thông cảm, không bị phê phán, nghi ngờ, chế giễu. Những người ít được đặt lòng tin, ít được cổ vũ ngoài đời thường vẫn giữ nguyên mong muốn được nổi tiếng nhưng cố gắng đạt đến điều đó bằng con đường tiêu cực.
Một thanh niên tôi biết đã đạt được sự công nhận của xã hội bằng cách tung hoành trên mạng mà không thể hiện mình ở đời thật. Khi gặp cậu ta bên ngoài, ai cũng bất ngờ vì sự ngượng ngập, thiếu tự tin của cậu. Có bạn trẻ khoe là đại ca trong game Thiên long bát bộ, hô một cái hàng đàn đệ tử dạ ran, nick được “vua biết mặt, chúa biết tên”… nhưng ở đời thường cậu vô cùng khiêm tốn, ít chứng tỏ được khả năng của mình.
Giờ đây, các sản phẩm mang tính tuyên truyền thô tháp của thời hô hào “người tốt việc tốt” hay bị lôi ra giễu cợt, dè bỉu, cho rằng chúng không thật, không “cá nhân”, không “người”. Nhưng trên thực tế, những gì đang diễn ra trên Internet và truyền thông còn có tính định hướng mạnh hơn nhiều và với sự hấp dẫn của mình, chúng hoàn toàn có thể khiến giới trẻ nhầm lẫn các giá trị.
TSGD Nguyễn Thụy Anh (Theo http://tuoitre.vn/)