Home / Bài Viết / Một góc nhìn về văn học thiếu nhi Việt Nam đương đại

Một góc nhìn về văn học thiếu nhi Việt Nam đương đại

Gần đây, có rất nhiều ý kiến cho rằng văn học thiếu nhi Việt Nam đang “mất mùa”, thiếu vắng đội ngũ sáng tác hoặc các tác phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu của người đọc nhỏ tuổi hiện đại, vì thế sách thiếu nhi của các tác giả Việt Nam được xuất bản chỉ chiếm 20% lượng sách xuất bản văn học thiếu nhi nói chung, lép vế so với sách dịch(1). Đương nhiên, với sự đánh giá cao vị trí quan trọng của văn học thiếu nhi, đặc biệt ở chức năng định hướng tính thiện, sự tử tế, phát triển cảm xúc tích cực cho các em trong thời đại thông tin mà người lớn vô cùng lo lắng về sự nhiễu loạn của nó, thì chất lượng tác phẩm và đội ngũ tác giả mới của chúng ta chưa đạt được sự kì vọng của nhiều người. Tuy nhiên, trong quá trình theo dõi và cùng các em nhỏ đến với từng tác phẩm của các tác giả, tôi  lại có góc nhìn lạc quan hơn đôi chút với bức tranh toàn cảnh văn học thiếu nhi hiện nay.

1. Sự kì vọng thiếu cơ sở

Kì vọng luôn là điều cần thiết, nhưng sẽ là thiếu cơ sở nếu nhớ rằng chúng ta chưa dành đủ sự quan tâm và chăm sóc hợp lí cho việc phát triển mảng văn học này trong một thời gian dài. Đã có bao nhiêu nghiên cứu khoa học về sự hình thành sở thích đọc, chơi, xem, thói quen hoạt động, đặc điểm ngôn ngữ, cơ chế tư duy của trẻ hiện đại để hỗ trợ các nhà văn? Đã có bao nhiêu cuộc giao lưu gặp gỡ giữa các nhà văn trẻ và độc giả của họ, với các phụ huynh, những người trực tiếp quyết định việc mua sách cho con? Có những giáo viên văn nào sẵn sàng đưa một đoạn văn trong tác phẩm mới viết cho thiếu nhi của một nhà văn trẻ vào giờ học? Bao nhiêu bài giảng được bắt đầu bằng niềm tin tưởng vào cảm nhận thật của con trẻ chứ không áp đặt chúng theo sự phân tích của người lớn? Có bao nhiêu hoạt động truyền thông, các bài báo hướng tới các tác phẩm mới dành cho thiếu nhi của tác giả trẻ? Có bao nhiêu giải thưởng của Nhà nước, hội đoàn hàng năm hướng tới các tác phẩm dành cho thiếu nhi của tác giả trong nước? Có bao nhiêu cuộc giao lưu giữa các tác giả trẻ và những người đi trước; giữa họ với các nhà văn thiếu nhi quốc tế với những vấn đề thuần tuý chuyên môn? Bao nhiêu người trong số họ được nhận các học bổng học những khóa học ngắn hạn ở trong nước, nước ngoài về lí luận hay kĩ năng viết cho thiếu nhi?… Những câu hỏi trên liên quan trực tiếp đến việc bồi dưỡng đội ngũ sáng tác chuyên nghiệp, các biện pháp hỗ trợ và kích thích sáng tác, các phương pháp chuẩn bị kĩ năng và phông cảm xúc để thế hệ người đọc mới sẵn sàng đến với văn chương và biết cảm thụ văn chương… Chừng nào những câu hỏi trên có được những câu trả lời thỏa đáng, tích cực, chừng ấy chúng ta mới có quyền kì vọng về sự phát triển mạnh mẽ của dòng văn học viết cho thiếu nhi.

Trẻ em cần nhiều tác phẩm hay để đọc – Ảnh: st

2. Những người viết vẫn đang viết

Với sự xuất hiện trở lại của Ban Văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam cùng các hoạt động như tổ chức sân thơ thiếu nhi trong ngày thơ Việt Nam, đề xuất giải thưởng thường niên… có thể thấy các cơ quan chức năng đã có những động thái nho nhỏ nhằm kích thích việc sáng tác cho thiếu nhi ở các cây bút trong nước. Tuy nhiên, đây cũng mới chỉ là những “nhúc nhắc” ban đầu. Vì thế, nói đến thành tựu e chừng còn hơi sớm.

Đội ngũ sáng tác mong muốn được viết cho thiếu nhi hiện nay nếu chưa phải nhiều nhưng cũng không quá ít, nhiều người đã có được dấu ấn riêng. Bên cạnh các cây bút đã thành danh trong lĩnh vực này như Nguyễn Nhật Ánh, Trần Đức Tiến, Trần Quốc Toàn… thì những cái tên Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyên Hương, Văn Thành Lê, Võ Diệu Thanh, Nguyễn Thị Kim Hòa, Vũ Thị Thanh Tâm… cũng đã được các bạn đọc nhỏ tuổi đây đó nhớ đến và yêu mến dù đọc họ chưa thành “vệt”. Nhiều cây bút được phát hiện trong một phong trào, một cuộc thi, nhưng không có nghĩa là tất cả các tác giả xuất hiện trên đời đều từ đó. Có những người dành cả đời sáng tác cho thiếu nhi, nhưng cũng có cây bút tạt ngang lại để lại dấu ấn ví như đạo diễn Lê Hoàng với Sao thầy không mãi teen teen, một tác phẩm nhận được nhiều quan tâm của không ít học sinh bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Trẻ con bây giờ khác trẻ con ngày xưa. Những chuẩn mực về giá trị cũng khác nhau khiến những gì là hay là đúng trong văn học thiếu nhi ngày trước chưa chắc đã là hay là đúng với trẻ bây giờ. Chính vì thế, các tác giả có vẻ như cũng đang tìm cách tiếp cận của riêng mình, băn khoăn giữa thế giới tưởng tượng và hiện thực, lãng mạn hay hài hước, tưng tửng chia sẻ hay chủ động định hướng hành vi của trẻ.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng văn học thiếu nhi đương đại nước nhà cần bổ sung mảng giả tưởng, kì ảo, phiêu lưu. Tôi không thích ý tưởng đề xuất thể loại cho các nhà văn khi chính họ chưa tìm ra con đường tiếp cận thể loại như một cơ hội của mình. Một nền văn học phong phú cần có nhiều phong cách sáng tác nhưng mỗi tác giả cần tập trung khai thác điểm mạnh của mình đến cùng. Nói như cách nói của học giả Nguyễn Duy Cần, hãy để cây hường nở ra hoa hường, cây lan nở ra hoa lan. Không nên vì thiếu lan và cần lan nên bắt hường cũng phải biến thành lan.

Ưu thế của các nhà văn thế giới là các cuộc phiêu lưu không biên giới, xuyên thời gian cùng với trí tưởng tượng bay bổng tuyệt vời, khả năng sáng tạo không giới hạn. Những Peter Pan, Alice, Gia đình Mumi, Karik và Valia, Harry Potter… từ đó mà ra đời. Nhưng nếu các nhà văn Việt Nam chưa làm nên đột phá ở mảng này, họ lại có cơ hội ở cuộc sống hiện tại rất thật kề bên. Những câu chuyện vừa chia sẻ cảm xúc với trẻ, vừa hướng dẫn ứng xử và giúp trẻ định nghĩa các khái niệm giá trị tinh thần quan trọng như tình chị em, tình bạn, sự trung thực, khảng khái, tương trợ, lòng tin, niềm vui… là thế mạnh của các tác giả Việt. Có thể dẫn ra đây hàng loạt tác giả với tác phẩm đã có thành công bước đầu khi đi theo hướng này như Vũ Thị Thanh Tâm với Cuộc chiến tóc ngắn tóc dài, Tuệ An với Đường ra biển lớn, Phong Điệp với Nhật kí Sẻ đồng, Đỗ Bích Thúy với loạt chuyện về Em Béo, Nguyễn Đình Tú với Ba nàng lính ngự lâm, Ngọc Linh với Tét đại ca – cậu thật rắc rối, Hương Thị với Tũn tồ…

Với những sáng tác tương đối bền bỉ và hứa hẹn dài hơi cho thiếu nhi, Nguyên Hương, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Thị Kim Hòa đã và đang tạo được thế giới riêng của mình để mời các em bước vào. Loạt truyện cổ tích mới hay bộ Cậu bé trần gian và những chuyến rong chơi của Nguyên Hương là những chuyến phiêu lưu lơ lửng giữa hư và thực nhưng không thoát hẳn khỏi cuộc sống thường ngày. Đây là một lựa chọn về bút pháp mang lại hiệu ứng cảm xúc mạnh đối với người đọc nhỏ tuổi. Nguyễn Thị Kim Hòa với Cút cà cút kít, Hoàng tử Rơm và những truyện ngắn dí dỏm, nhân hậu khác cũng có thể chinh phục bọn trẻ tiểu học bởi “vương quốc” hồn nhiên, sôi nổi và nhiều bất ngờ của mình. Những câu chuyện tâm hồn kì lạ của Nguyễn Ngọc Thuần thật sự cần thiết cho bạn đọc ở độ tuổi thanh thiếu niên. Sau những Giăng giăng tơ nhện, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, Một thiên nằm mộng… tôi thật lòng cho rằng anh sẽ không dừng lại mà tiếp tục chia sẻ với con trẻ  những giấc mơ làm tâm hồn chúng choán ngợp vẻ đẹp kì diệu. Những đoạn tự sự hay tả cảnh nho nhỏ trong tác phẩm của anh cũng tạo nên một sức lôi cuốn khó lí giải. Những diễn giải mơ màng thường khiến bọn trẻ mới lớn thấy xúc động mà không hiểu vì sao. Ngoài ra, tôi kì vọng ở các tác giả như anh hoặc những tác giả vẫn viết cho người lớn có các tác phẩm người lớn hay trẻ con đều thích thú – những chuyến du hành, những cuộc phiêu lưu với câu chuyện dài về con người và thế giới như trường hợp Jack London với Tiếng gọi nơi hoang dã, Hector Malot với Không gia đình hay Tô Hoài với Đảo hoang… Mới đây nhà văn Nguyễn Đình Tú góp thêm một tác phẩm mới – truyện dài Chú bé đeo ba lô màu đỏ mang hơi hướng phiêu lưu trong hiện thực xã hội, cũng chọn cách kể chuyện gần với văn học viết cho người lớn, nghĩa là không trốn vào mơ mộng, ngây thơ, không né tránh hiện thực xấu xí, những mối quan hệ chồng chéo, khắc nghiệt. Nguyễn Đình Tú dường như đang quyết tâm khai phá con đường riêng của mình để thật sự đến với văn học thiếu nhi.

3. Chuẩn bị một người đọc để tạo động lực viết cho người viết

Trong thời đại nghe nhìn này, việc đọc sách không còn là phương cách duy nhất tích lũy kiến thức hay giải trí như đối với người đọc các thế hệ trước. Vì thế, để tạo động lực viết cho các tác giả, ở chiều ngược lại, các bạn nhỏ cần có sự hỗ trợ để đến được gần hơn với các nhà văn và sẵn sàng đón nhận tác phẩm. Các em cần được hướng dẫn kĩ năng đọc, cảm và được “mời mọc những món ăn tinh thần khác nhau”, mở rộng tư duy, rèn luyện các giác quan để cảm nhận vẻ đẹp ngôn ngữ, không gò ép, khuôn mẫu, không phục vụ cho thi cử. Tôi cứ ao ước giá như người xây dựng chương trình Ngữ văn ở các bậc học dành thời lượng cho việc “đọc thêm” bên ngoài chương trình, nơi các thầy cô có thể trích đọc các tác phẩm của tác giả đương đại Việt Nam, giới thiệu với các em dù chỉ những cái tên, một vài câu văn, một vài ý tưởng… để có thể rút ngắn khoảng cách giữa nhà văn và độc giả, thì các nhà văn viết cho các em sẽ không đơn độc cạnh nhau như thế này trong công việc sáng tạo của mình.

Dù thế nào mặc lòng, nhà văn vẫn cứ viết như một nhu cầu được thể hiện mình với độc giả, hay xây dựng một giá trị riêng cho nền văn học thiếu nhi Việt Nam hiện đại. Và thời gian sẽ chứng minh tấm lòng của họ với trẻ. Còn để ở lại mãi mãi với thời gian, trở thành một hiện tượng, một thành tựu, thì cần cả tài năng và một cơ duyên.

TSGD Nguyễn Thụy Anh (Nguồn: http://vannghequandoi.com.vn/)

1. Phong Điệp, Lấp lỗ hổng văn học thiếu nhi, Nhân dân cuối tuần số ngày 26 tháng 4 năm 2016.

About admin2

Scroll To Top