Lấy ví dụ từ trại hè Eco Camp 2013 do CLB Đọc sách cùng con tổ chức hiện đang diễn ra khu đô thị Ecopark: Các bạn nhỏ được sống gần hơn với thiên nhiên, cùng tham gia nhiều hoạt động gắn với môi trường và rèn luyện kỹ năng sống. Một tuần trôi qua, tôi đã thấy các em đều có những phát hiện riêng về bản thân. Có bạn khám phá ra năng lực “viết báo” khi thử tham gia “Đội truyền thông” nhí. Có bạn vốn quen được chiều chuộng ở nhà, ngày đầu tiên đã “đành hanh” với các bạn khác, kết thúc cuộc “va chạm” là khóc lóc đòi về… ấy thế mà sau một tuần không hiểu bằng cách nào cũng đã trở thành thủ lĩnh của nhóm.
Một cô bé sau buổi giao lưu với các anh chị sinh viên trường đại học Michigan đến thăm trại hè ngày 8/6 phát hiện: “Hóa ra con nói tiếng Anh tốt, các anh chị có thể nhờ con phiên dịch. Thế mà trước đây con cứ tự ti và bố mẹ cứ chê con…”.
Đã có rất nhiều cái “hóa ra” như vậy. Và tôi tin là sẽ còn nhiều nữa…
Tại trại hè Eco Camp 2013, bên cạnh những buổi giao lưu, học hỏi về môi trường, kỹ năng sống, các bạn nhỏ còn được bày tỏ ý kiến của mình về nhiều vấn đề nghiêm túc hơn trong các cuộc tọa đàm. Buổi tọa đàm với chủ đề “Mỗi thế hệ một nhân vật” của các em có sự tham gia của nhà văn Phong Điệp, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy và một số phụ huynh.
Bên cạnh những thần tượng đang được truyền thông làm cho “phát sốt” như Nick Vujicic, các ngôi sao ca nhạc, những nhân vật phim hoạt hình và truyện tranh… các em đã bày tỏ sự yêu thích, ngưỡng mộ với Abraham Lincoln, nhân vật Remi trong “Không gia đình”, nhà thơ Trần Đăng Khoa… Có phụ huynh đã ngạc nhiên thốt lên: “Tôi không ngờ các em vẫn thích Trần Đăng Khoa, mà lại còn giải thích được cặn kẽ vì sao yêu thích. Những tưởng chỉ thế hệ chúng tôi ngày trước mới mê nhà thơ này thôi chứ!”
Tuy nhiên cũng có nhiều nhân vật các em yêu thích khiến các ông bố mẹ bà không hiểu nổi vì sao và thực sự thấy chưa hài lòng… Đó chính là sự khác biệt, là khoảng cách giữa các thế hệ mà đôi khi chúng ta phải mở lòng ra để đón nhận hoặc… chấp nhận. Trong trường hợp này, thái độ tốt nhất của bố mẹ là lắng nghe. Chỉ bằng cách lắng nghe, ta mới biết, nên dùng “chiêu” nào để hướng dẫn, định hướng cho trẻ. Chớ nên tìm mọi cách “hạ bệ” thần tượng của trẻ. Trước hết bố mẹ cần có sự thấu hiểu và cảm thông, sau đó đưa ra những câu hỏi khiến trẻ phải suy nghĩ, tư duy và từ đó có thể sẽ sáng ra nhiều điều. Đây cũng là việc mà các bố mẹ, các nhà văn đã làm trong buổi tọa đàm “Mỗi thế hệ một nhân vật”.
Và cuối cùng, điều tôi muốn nhấn mạnh là, kỳ nghỉ hè quả thực phải là cơ hội không chỉ cho các con của chúng ta thể hiện và tìm hiểu mình mà còn cho chính các bậc phụ huynh – cơ hội được bước vào cánh cửa tâm hồn của trẻ sẵn sàng hé mở. Việc của chúng ta là: đừng để cánh cửa ấy đóng lại với mình.