Nhớ về tuổi thơ, trong đầu tôi loang loáng những hình ảnh chói chang của nắng hè, của phượng đỏ, của những chiếc khăn quàng đỏ thấp thoáng bên những chiếc lều cắm trại xinh xinh. Đó là những ngày hè được tham gia sinh hoạt đội ở khu phố, mỗi năm một mùa, và sau mùa đó là năng lượng tràn ngập để học tập suốt những mùa sau.
Giờ đây, những đứa trẻ của chúng ta vừa kết thúc năm học đã có nhiều bạn tính toán đến… năm học sau dường như đâu đó rất gần rồi. Đúng thế: từ 15/7 hầu như tất cả các trường đã tập trung học hè, và ngày hè ngắn ngủi trôi qua vèo một cái, chưa kịp cả chớp mắt. Lũ trẻ loanh quanh cả ngày trong bốn bức tường, chờ đợi một chuyến đi biển hoặc về quê. Nhưng dường như ngay cả những chuyến đi ấy đối với chúng thế vẫn còn chưa đủ. Chưa đủ thời gian. Chưa đủ thiên nhiên. Chưa đủ khí trời. Chưa đủ cả những trò nghịch ngợm. Chưa đủ hò hét. Chưa đủ chạy loăng quăng… Chúng cần tất cả những thứ đó để xả stress – để đối mặt với tất cả những áp lực chúng nhận được trong năm học. Và để lớn lên.
Người thày, người bạn, người nuôi dưỡng và là bác sĩ tâm lý tốt nhất của con
… đó là thiên nhiên! Những đứa trẻ sống hòa mình với thiên nhiên thường vui vẻ, hòa đồng và dễ lấy lại cân bằng hơn những đứa trẻ chỉ tiếp xúc với công nghệ và sống ở những nơi quá đông người. Khi các em đến độ tuổi khủng hoảng, nhiều phụ huynh cứ thắc mắc vì sao con mình hay cáu, dễ cáu, nôn nóng và khó giữ bình tĩnh, khó tìm cách thỏa thuận với những người khác trong nhiều tình huống va chạm không quá phức tạp. Những áp lực vô hình tích tụ lại từ nhiều phía lại không có thiên nhiên xoa dịu, giải tỏa sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của trẻ. Và không nói chắc ai cũng rõ, những gì đang diễn ra ở thiên nhiên, với thiên nhiên… luôn là những điều hợp với quy luật của cuộc sống, dạy cho trẻ được nhiều điều mà đôi khi là những gì không thể nói được ra. Nó tinh tế, phong phú và bất ngờ hơn là một bài toán bài văn cụ thể.
Vì thế, mùa hè, trẻ cần được đi, được sống thoát ra khỏi vỏ ốc của mình, kèm một cái vỏ ốc khổng lồ nữa là cuộc sống nhộn nhịp nơi thành phố, để trải nghiệm và cảm nhận cuộc sống tự nhiên.
Đọc sách dưới tàng cây râm mát
Gần đây rất nhiều tổchức, cá nhân, doanh nghiệp bắt đầu quan tâm đến mảng tổ chức sự kiện mùa hè hay trại hè cho trẻ nhỏ. Đây thật sự là một điều đáng quý. Tôi đặc biệt có thiện cảm với trại hè Hà Nội ở Ba Vì (do Trung tâm giáo dục và phát triển) tổ chức, vì trại cũng cho các con đến gần hơn với thiên nhiên, tìm hiểu thiên nhiên và học cách cảm nhận thiên nhiên.
Nhưng có một điều bất cập là giờ đây rất nhiều bố mẹ không dám “thả” con đi xa nên việc tham gia trại hè ở vùng núi, vùng biển… rất khó tổ chức. Chính vì thế tôi nghĩ đến việc tìm kiếm những không gian tương đối gần với thành phố, có cảnh quan xanh tươi và an toàn với trẻ để xây dựng chương trình trại hè. Một trong những trại hè như vậy của chúng tôi diễn ra ở Ecopark, được đặt tên là Eco Camp 2013 với những nội dung liên quan đến việc xây dựng lối sống thân thiện với môi trường, trân trọng thiên nhiên, giao hòa với thiên nhiên, cây lá, hoa cỏ và tiếng ve… Các bé được đạp xe đạp, chạy nhảy, thả diều, hoạt động nhóm trên cỏ, trong những nhà sàn, bơi ở bể bơi… Tạm thời tôi thấy đây đã là giải pháp tối ưu cho những ngày hè ngắn ngủi hiện tại của các con. Nhưng vẫn mong làm sao có được những trại hè nhỏ ở khắp nơi với sự đầu tư của nhà nước và các doanh nghiệp, sao cho những khu trại ấy chỉ dành riêng cho trẻ, hợp với trẻ về mọi mặt.
Và đi trại hè cũng đừng chỉ chăm chăm những hoạt động giải trí đơn thuần. Tranh thủ mùa hè trẻ không quá bận rộn bài vở, những người lớn có thể gửi gắm đến trẻ nhiều thông điệp thông qua những hoạt động ngoại khóa và các sự kiện ở trại, đồng thời từ đó nhận được những chia sẻ từ các con – những chia sẻ đến một cách tự nhiên, không bị thúc ép, bó buộc. Đó đôi khi chỉ là một tờ nhật ký con viết ở trại, một câu chuyện con kể về con cho các bạn nghe, một hình ảnh con vẽ, một clip con dàn dựng, những phản biện con đưa ra trong các buổi tọa đàm. Đó là lý do mà các trại hè thiếu nhi thường phải có những chuyên gia về giáo dục xây dựng nội dung chứ không thể “có gì dùng nấy” – sẽ rất phí công sức thời gian cho một mùa hè vốn đã ngắn ngủi
Hoạt động giữa thiên nhiên trong lành
Tôi lại nhớ cách đây gần 30 năm, tôi được tham dự trại hè quốc tế ở Nga, kéo dài gần một tháng. Khu trại nằm cách biệt bên bờ biển, chỉ dành riêng cho trẻ con. Ở đó, khắp nơi là trẻ con. Người lớn chỉ là những anh chị phụ trách và những người hỗ trợ các hoạt động. Những ngôi nhà trắng nằm trên triền đồi, cuối những con đường đá trắng uốn lượn mềm mại. Ở đó, chúng tôi có những ngày không thể chỉ nói là vui, là hạnh phúc, là mãn nguyện… mà còn hơn thế, những ngày hè cho tôi cảm giác tôi được nâng niu, trân trọng – những người lớn dành thế giới này cho riêng chúng tôi. Tôi được tham gia các hoạt động phong phú, được nói về những vấn đề lớn lao, được hỏi ý kiến, được thử giải quyết những vấn đề mà bấy giờ, ở nhà, bố mẹ vẫn cho rằng tôi chưa đến tuổi.
Trở về, tôi nhớ, mình học hành nghiêm túc và quyết tâm hơn, mình cảm thấy hạnh phúc vì giữa những vất vả bài vở, ồn ào phố phường, tôi kiêu hãnh nghĩ về những giá trị mà trại hè để lại cho chúng tôi: tình cảm bạn bè, những kỷ niệm vui buồn, những ngày tự lập đầu tiên trong đời, những lưu luyến một nơi xa… Và sau một mùa hè của riêng mình như thế, một đứa trẻ đã lớn lên. Mà không chỉ về vóc dáng cơ thể.
Cầm báo Văn Nghệ trẻ trên tay, háo hức…
TSGD Nguyễn Thụy Anh (nguồn: Văn Nghệ trẻ)