Kính tặng bà nội Bùi Bội Khâm
Xe đến Quảng Ngãi trời vẫn còn nắng. Quãng đường đi về hướng Ba Tơ bụi đỏ thắm rực lên dưới ánh xiên chéo của nắng quái. Xe nhảy xọc xọc qua mấy cái ổ gà. Bác tài xót xe, buột một câu chửi tục. Bỗng dì Hòa kêu:
– Nhìn kìa! Cầu vồng!
Cả xe ồ lên, ngó ra cửa sổ. Trên nền trời còn nặng nước, một dải cầu vồng lộng lẫy hiện ra, nối hai đường chân trời từ hai phía Đông Tây. Hoa chưa từng thấy dải cầu vồng nào trọn vẹn đến thế, đủ bảy sắc, lồ lộ không hề bị khuất lấp đoạn nào.
“Điềm tốt đấy” – ông Toàn lẩm bẩm. Mặt ông vốn không sinh động, luôn trầm tư đắm chìm trong những suy nghĩ khác thường nào đó, giờ càng đờ đẫn hơn. Không hiểu sao Hoa cứ có cảm giác rờn rợn khi nhìn vào nước da tai tái bung bủng của con người này. Cả mắt nữa, không chút sinh khí, không đáng tin. Vậy mà bà ngoại lại tin ông ta, tin lắm. Từ khi cả nhà nhận được thư của bác Đồng, bạn chiến đấu cùng đơn vị cậu Bình khi xưa, giới thiệu ông Toàn chuyên tìm mộ chiến sĩ, không ngày nào trong nhà không nhắc đến tên ông. “Bác Toàn bảo từ nay đến khi lên đường vào Quảng Ngãi, ngày nào cũng cúng cơm cậu Bình, y như cúng 49, 100 ngày ấy. Không được sai…” “Ông Toàn hẹn mấy hôm nữa sẽ xuống gọi hồn cho, chuẩn bị 7 quả trứng luộc, nhớ phải đón ông ấy đúng giờ, kẻo mà hỏng việc…”
Hoa đang học năm thứ hai trường Luật. Cô theo chủ nghĩa duy lý, không tin vào cúng bái, thánh thần, cái gì cũng bắt bẻ, vì sao, sao lại thế, cơ sở nào… Nhưng thấy bà ngoại sau bao nhiêu năm nằm liệt, chẳng đi đâu ra khỏi nhà, nay gần như hồi sinh cùng với cái tên “Bác Toàn” được nhắc nhở đến luôn luôn, cô không nỡ làm bà buồn. Nhưng kể cũng lạ, khi cô đọc được thông tin trên tờ An ninh thế giới về một nhóm các nhà ngoại cảm vẫn giúp người ta tìm mộ liệt sĩ, có tổ chức đàng hoàng, nói với bà thì bà lại thờ ơ. Ông Toàn là một nông dân chính gốc, quê ở Thái Bình. Mắt đục, chân tay gân guốc, móng tay vàng khé vì khói thuốc. Nghe kể thì một hôm ra đồng bị trúng sét, ông đâm ra nhìn thấu cõi âm, lên đồng gọi hồn áp vong, chỉ đường cho người dương tìm đến âm hồn của những hài cốt thất lạc. Thì ra, niềm tin không cần nhiều lý lẽ và cũng không có lý lẽ. Bà tin ông Toàn bằng trực giác, và vì bà muốn tin. Còn Hoa, ngay cả khi cô lý giải được một vấn đề gì đó rất cặn kẽ thì cô cũng không chắc mình đã tin vào điều ấy!
Cậu Bình của Hoa là con út trong nhà, sau một loạt các anh chị Mong, Đợi, Hòa… Mẹ Hoa là người thứ hai, tên Đợi. Bác Mong định cư bên Pháp, dì Hòa và mẹ Hoa đều ở Hà Nội với bà, Cậu Bình hy sinh năm 1971 ở chiến trường này. Năm ấy cậu chưa đầy 18 tuổi. Hồi nhỏ, Hoa thường hay sợ tấm ảnh cậu Bình treo cao hẳn bên trên bàn thờ. Cậu nhìn qua dãy bát hương, ánh mắt cứ cười cười nhìn theo Hoa, trốn đâu cũng không rời được. Mỗi lần bà bảo Hoa vái cậu Bình đi, thì Hoa chắp tay vái vội vái vàng vài cái, mắt cắm xuống sàn nhà. Về sau lớn lên, nghe mẹ kể về cậu, rằng cậu trắng xinh nhất nhà, chưa kịp có người yêu đã lên đường ra trận, rằng cậu học giỏi và nuôi gà cũng giỏi, đàn gà của cậu toàn được ăn châu chấu béo mẫm..v..v. thì Hoa đã dám nhìn thẳng vào mắt cậu mà không sợ. Hoa thấy mắt cậu rất hiền, và đôi khi qua làn hương khói, Hoa tưởng như cậu nháy mắt cười. Từ đó đâm ra Hoa thấy cậu cháu Hoa đã thân nhau tự lúc nào. Năm lớp 7, đi thi học sinh giỏi Văn cấp Quận, nhận đề về người lính, Hoa còn tả cậu Bình. Về đọc cho bà nghe, bà quệt nước mắt khô, đỏ bỏng cả má. Hoa hỏi cháu tả có giống không, thì bà gật đầu, cười mếu máo. Bà bảo cậu nhỏ người lắm, năm ấy xung phong đi bộ đội, người ta có nhận đâu, tuổi chưa đủ, cân nặng cũng thiếu. Cái ông phụ trách tuyển quân trên quận còn đùa: “Tết này bảo mẹ nấu nhiều bánh chưng vào, ăn cho lớn rồi đi đợt sau nhé!”… Thế mà cuối cùng thế nào vẫn xin được cái lệnh nhập ngũ. Hôm cậu báo với bà, bà có buồn không bà? Nhưng chắc là hồi ý ai cũng vui khi có con đi theo tiếng gọi của Tổ Quốc, nhỉ bà nhỉ? Bà thở dài bảo không, chẳng hiểu là buồn hay vui, chỉ thấy người không được bình thường. Cậu Bình tinh ý, hỏi: “Mợ sao vậy mợ? Hay mợ sợ con đi rồi con chết?”… Cái thằng, gở mồm gở miệng… Không người mẹ nào tiễn con đi lại dám nghĩ đến điều đó, họ không để những ý nghĩ như thế len vào đầu. Bà thở như hắt ra, nói, ngày đi, cậu mặc quân phục mới rộng thùng thình, mặt non choẹt, nhìn buồn cười lắm. Bây giờ mua đồ hàng mã hóa cho cậu, bà cứ nghĩ, không biết cậu có lớn lên không, mặc cỡ này có vừa không. Bà lẩm cẩm nhỉ, người chết làm sao lớn được. Cậu Bình cứ gầy nhỏ như thế mãi thôi… Và trẻ như thế mãi, bà ạ, Hoa thì thầm.
Một đêm Hoa mơ thấy cậu Bình về. Cậu mặc quân phục oách lắm, đeo hai súng hai bên, đi như lướt trên sàn đá hoa. Cậu kể là đang đi đánh trận ghé qua. Hoa hỏi, hòa bình rồi cơ mà, cậu? Cậu nói, mặt buồn rười rượi: “Lúc nào chẳng có giặc hả cháu, kể cả khi đã hòa bình”. Hoa tỉnh dậy cứ ngẩn ngơ, không hiểu cậu nói thế là sao. Có bận Hoa lại mơ thấy Hoa đứng thắp hương cho cậu, thì từ đôi mắt trong tấm ảnh bỗng chảy ra hai hàng nước mắt. Hoa hỏi, cậu bảo, thương anh em đói, ém ngoài ruộng đã mấy ngày, không ăn gì ngoài củ dong, xót hết cả ruột. Rồi cậu hỏi, sao cháu không hóa vàng cho cậu. Hoa giật mình dậy, mới nhớ ra mấy hôm rằm, mẹ đặt tiền vàng lên bàn thờ mà sau đó bận bịu quên không hóa. Sáng ra Hoa vẫn nhìn thấy tập tiền đô âm phủ trên đĩa, bèn đem đi hóa, rồi không đừng được lại kể với bà. Bà ôm tấm ảnh cậu Bình, lấy khăn sạch lau khắp mặt kính, như thể lau nước mắt cho cậu. Rồi thắp cả một thẻ hương, khói nghi ngút. Khói bay quanh quất, quấn vào mái tóc đã bạc gần hết của bà, khiến Hoa thấy bà như gần như xa. Hoa thót tim một cái. Bà cũng đã 80 rồi còn gì. Bao nhiêu năm hỏi han tìm tòi tin tức của đồng đội thân thiết của cậu Bình mà không có kết quả, bà gần như kiệt sức. Có những hôm, bà ngồi thừ cả ngày trên phản, tay cứ xoa xoa mặt phản đen bóng loáng. Hoa biết, trước đây hồi còn đi học, cậu Bình hay thích cởi trần nằm trên tấm phản này mùa Hè, mồ hôi của cậu thấm xuống phản, bà bảo đến giờ bà vẫn thấy mùi chua chua. Hoa thì chẳng thấy mùi gì cả, nhưng mỗi lần trèo lên phản, Hoa ngồi rất rón rén, cứ như thể đây là tấm phản riêng của cậu Bình, chiều tối cậu về cậu nằm.
Cũng chính vì thế mà dần dà, Hoa không còn cảm giác cậu Bình đã hy sinh, lại chưa tìm được hài cốt. Hoa thấy cậu vẫn hiện diện trong nhà. Đi lại, nói năng, chum miệng bắt chước tiếng chuột để gọi mèo, rồi có lúc hát ầm lên bài hát “Lì và sáo” nữa… Đương nhiên, tất cả những điều ấy Hoa đều nghe qua bà, mỗi chiều Hoa học bài xong, nhổ tóc sâu hay bắt bão đầu cho bà, bà lại kể lể bằng cái giọng đều đều, khẽ như không muốn ai phải giật mình, hay đúng hơn là không muốn chính mình bị giật mình mà dứt ra khỏi những hoài niệm. Hoa phải căng tai ra nghe, lâu rồi cũng thành quen, Hoa nghe được bằng hết. Đôi khi Hoa tưởng như Hoa nghe bằng bàn tay, chỉ chạm tay vào người bà là đã thấy bao ký ức dội lên rồi.
*
Xuống xe khách, đoàn nhà Hoa gồm 5 người bắt mấy cái xe ôm chạy về xã X. Mấy bác xe ôm đen đúa nhiệt tình mời mọc nhà Hoa đi kẹp ba. “Có nhiêu đâu, bả mươi ngà thôi mà!” Hoa định leo lên, thấy ba mươi ngàn thì cũng không đắt, vì ông Toàn đã thông báo từ đây đến xã X cũng đi mất nửa tiếng. Nhưng chú Hùng gọi giật Hoa xuống, bảo: “Bảy mươi ngàn, đi lại kẹp ba thì đi làm gì!”. Ra thế! Hoa bật cười.
Nghĩa trang liệt sĩ của xã X rất bé, nép bên rặng phi lao, bao quanh là một bức tường rào cũ kỹ, tróc lở. Trời chiều, gió nổi lên vi vút. Hoa bất giác hơi rùng mình. Bà, mẹ, dì Hòa và chú Hùng, chồng dì, cùng với ông Toàn đang hí húi sắp lễ và bó hoa huệ lên đài tưởng niệm giữa nghĩa trang. Gọi là đài tưởng niệm, chứ cũng chỉ là một cái cột bê tông to có nơi làm bàn thờ, có ngôi sao vàng quét bằng vôi ve và dòng chữ Tổ Quốc ghi công to cộ. Mọi người thắp hương lên thì trời bỗng tối sầm. Mây đen kéo về một góc trời. Gió đẩy hàng phi lao oằn oại, Hoa có cảm tưởng chỉ một lát nữa thôi là dãy phi lao ngả rạp xuống đất và bầu trời nặng sẽ ập xuống đầu mọi người trong đoàn. Tiếng gì vọng lên từ đất, từ rặng cây, nghe như những tiếng oan hồn đang rên khe khẽ. Một giọt nước lạnh rơi vào cổ Hoa. Cô hoảng hốt. Mưa bây giờ thì chết, chạy không kịp. Cả nhà lo lắng. Hoa cuống lên, cô bất giác khấn to: “Thưa các liệt sĩ, các chú ơi, cả nhà cháu đến tìm cậu cháu. Mưa thì làm sao mà tìm, làm sao mà gặp nhau được. Các chú phù hộ cho nhà cháu với…”
Ở nhà, chưa bao giờ cô từng khấn to mà chỉ nghĩ thầm trong đầu những gì cô muốn nói với cậu Bình. Ai nghe thấy thì xấu hổ!
Khi Hoa lùi xuống, thấy ông Toàn thoáng mỉm cười. Cô đỏ mặt quay đi, hơi nhăn mặt khó chịu.
Mười phút sau, mặt trời đang xuống bỗng ló ra khỏi mây, trời đã hửng. Mây đen dạt bớt đi. Và thật không thể tin được, gió lặng, không có thêm giọt mưa nào. Mọi người thảng thốt nhìn nhau, vừa vui mừng, vừa kinh sợ. Hoa thấy đôi chút hãnh diện. Được thể, cô vừa tiến đến ngôi mộ ở góc nghĩa trang, vừa đi vừa khấn: “Cậu Bình ơi, cậu về với cả nhà nhé. Cậu ở đây nhé, cháu biết là cậu ở đây rồi!”…
Ngôi mộ nhỏ được xây lại bằng bê tông, trên tấm bia có hình ngôi sao đỏ và dòng chữ “Mộ liệt sĩ chưa có tên”. Mẹ, dì Hòa đều òa lên khóc. Dì Hòa kể lể: “Em ơi, em chết trẻ chết thiêng mà sao không xui anh chị tìm đường đến với em sớm… Để bây giờ đã gần 20 năm rồi mới được gặp nhau…”. Hoa đến gần bà, ôm lấy đôi vai già nua như đang còng xuống, thấy bà run nhè nhẹ. Má bà ướt đẫm, nhưng Hoa không nhìn thấy nước mắt chảy. Cứ như thể nước mắt thấm từ trong da thấm ra, cả má, cả cổ, cả tay và đến chân những ngọn tóc bạc của bà cũng đẫm nước.
Chú Hùng lăng xăng nhặt cỏ, cắm hoa, đặt lễ. Chú đặt cả lễ lên các mộ gần đó. Có mộ có tên, có mộ vô danh. Chỉ giống nhau ở chỗ, tất cả đều được xây kích cỡ đều tăm tắp như một, và sơn trắng toát. Bộ đội khi là người âm cũng như bộ đội trên dương thế, cái gì cũng đồng đều, là một khối không tách rời, những người đồng đội đi bên nhau trong quân ngũ và nằm bên nhau trong nghĩa trang…
Ông Toàn có vẻ bần thần. Ông đứng lặng nhìn chòng chọc vào ngôi mộ, đôi mắt mờ đục càng như mờ đi, chỗ da ở thái dương ông giật giật rất kỳ quặc, rồi thốt nhiên ghé tai nói gì đó với chú Hùng. Chú Hùng trợn mắt, lắc đầu, rồi lại gật gật lia lịa… Chú bỏ hương hoa lại đó, bảo Hoa sắp tiếp rồi quày quả bước ra khỏi nghĩa trang. Từ cổng nghĩa trang có con đường đất chạy dài qua cánh đồng, đến một dãy nhà xây kiên cố, có biển đỏ treo to trên cổng.
– Ủy ban xã đấy. – Ông Toàn giảng giải.
Chú Hùng đi một hồi trở về cùng một người đàn ông trung niên. Anh ta mặc quân phục nhưng không đeo quân hàm. Chú Hùng giới thiệu:
– Đây là anh Doanh, phụ trách thương binh xã hội của xã.
Người đàn ông tên Doanh bắt tay mọi người, rồi bối rối nói với bà bằng chất giọng Quảng Ngãi nhưng không quá khó nghe:
– Bà và mấy eng chị về nhà tui nghỉ tạm đã. Ăn côm…
Nhưng cái tin mà anh Doanh đưa đến làm cả nhà không còn tâm trí nào mà về nhà anh ăn cơm được nữa. Anh cho biết, mộ này là mộ rỗng! Cách đây mới có vài ngày, có người từ Huế vào xin bốc đi rồi. Bà sụp xuống, chân run, đứng lên không nổi. Lúc này bà mới rên lên, Hoa nghe mà nước mắt cứ tuôn ào ào: “Giời ơi, con ơi, mợ biết chắc là con ở đây kia mà!”
Sao mộ rỗng không ghi mộ rỗng, lại để thế này? Mẹ Hoa thắc mắc. Anh Doanh càng bối rối tợn. Lúng túng mãi, anh mới nói, đôi khi hài cốt liệt sĩ đã có người bốc về quê rồi nhưng người ta không khai lên trên, để nhận thêm ít tiền chi phí trông coi mộ. Anh Doanh nói rồi cứ đứng như trời trồng, bẻ tay đôm đốp. Anh bảo: “Bòa và mấy cô thông cảm…”
Cả nhà im lặng. Hoa thấy buồn buồn. Nhưng lạ là cô không hể có cảm giác giận hay bức xúc như cô, một sinh viên học Luật, vẫn thường vậy mỗi khi nghe chuyện nọ chuyện kia nơi này nơi kia xử lý không đúng nguyên tắc. Cô hay kêu ca, phản biện, ý kiến ý cò đến nỗi bọn cùng lớp cứ trêu: “Hoa ơi, mày bức vừa vừa thôi, không có là đi đâu cũng bị xúc đi đấy!”.
Bây giờ, cô thấy hơi nghẹn ngào. Không rõ cô thương cậu Bình, thương các liệt sĩ, thương những ngôi mộ rỗng, hay thương những người cứ phải loay hoay tìm cách kiếm vài đồng bạc, kể cả bằng việc đùa giỡn với các âm hồn! Nhìn anh Doanh, Hoa thấy cũng chẳng thể giận được những người như thế này. Gầy, cao, nước da sạm, gương mặt khắc khổ nhưng mắt sáng , chân thật và dễ mến.
Ông Toàn bứt đầu bứt tai: “Mới cách đây một tuần, hồn còn về chỉ dẫn cho tôi mà. Thật không thể tin nổi!”.
Anh Doanh mời cả nhà vào Ủy ban xã để anh lục giấy tờ tìm địa chỉ gia đình đã đưa hài cốt trong ngôi mộ kia đi. Mọi người lếch thếch bước thấp bước cao đi theo anh Doanh, nhưng vẫn không quên khấn vái một hồi trước những ngôi mộ, kể cả ngôi mộ rỗng.
– Bác và mấy chị thu lễ đi! – Anh Doanh giục.
– Chưa hết hương mà! Lát quay lại lấy cũng được! – Mẹ chỉ đạo. Anh Doanh dợm miệng định nói gì rồi lại thôi. Anh lòng khòng bước đi, một bên vai lệch trĩu xuống như đang phải gánh một gánh nặng vô hình.
Ủy ban xã giờ muộn vẫn thấy có người đang làm việc. Chú Hùng ghé tai mẹ Hoa, khẽ nói: “Em đã mua thuốc lá biếu hết cả lượt rồi đấy. Chị có đề nghị gì thì cứ thoải mái, họ cũng dễ chịu lắm!”.
Hoa nhìn quanh. Căn phòng khá khang trang, được quét vôi vàng nhạt. Trên tường treo đầy bằng khen, gần như kín cả bức tường. Hoa hết cả mắt, Hoa vội chuyển cái nhìn vào mấy người trong phòng. Một người đứng tuổi đang giải quyết việc gì đó với hai bố con cô bé trẻ măng, mắt tròn tròn, ngơ ngác, đôi bàn tay cứ xoắn xuýt vào nhau dưới gầm bàn, những ngón tay đen, hơi cáu bẩn. Có lẽ cô làm ruộng.
Chừng như đã xong việc, ông bố đứng dậy lả giả: “Thôi, mấy anh lồm việc, cha con tui về.”
Bố con họ gật đầu chào nhà Hoa rồi đi như chạy, nhưng rõ ràng là được việc nên hai người cười tươi lắm. Cô bé líu ríu vấp một cái đau điếng dưới hè. Anh Doanh nhìn theo, lắc đầu cười: “Cha con nhà ấy đến xin đăng ký kết hôn cho con gái với thằng rể xóm dưới. Con gái mới 16, chưa đủ tuổi. Tụi tui phải bật đèn xanh thích cưới thì cứ cưới thôi, hai nôm nữa đến đăng ký rẹc rẹc là xong!”.
Đang rầu rĩ mà cả bầu đoàn thê tử nhà Hoa cũng phải cười xòa. Lại một lần nữa Hoa ngạc nhiên với chính mình, vì cảm giác vui vẻ khi thấy một chuyện vô nguyên tắc nữa!
Quay lại nghĩa trang xã thu lộc, cả nhà mới hiểu vì sao anh Doanh nhắc mọi người thu lễ sớm. Mấy cái đĩa bánh, kẹo hoa quả, xôi oản đã trống trơn. Anh Doanh bảo: “Trẻ chăn trâu rình ở đây suốt ngày!”
Tối hôm đó, cả nhà được đưa về nhà anh Doanh ăn cơm tối. Chú Hùng bắt xe ôm ra đường cái, mua vội mấy đòn giò lụa mang vào góp thức ăn. Mâm cơm có cá nục kho, thịt cũng kho, một bát canh mướp già nhiều xơ và đặc biệt là có một đĩa dưa hấu non thái mỏng, chấm nước mắm. Anh Doanh giải thích ở đây nắng nóng, rau không có nhiều, ăn dưa hấu non thay rau cho mát. Ruồi bay vo ve quay mâm cơm, không thể đuổi hết. Trẻ con nhà anh Doanh có hai đứa bé, một trai một gái sàn sàn trứng gà trứng vịt, và một thằng cu đang ẵm trên tay. Hai đứa trẻ hì hụi ăn độc mỗi món giò lụa khách mang đến, mặc dù bố chúng đã lừ mắt mấy lần. Chúng nó cười rất tươi, mặt thì đen nhẻm. Anh Doanh ít nói, cả bữa ai hỏi thì trả lời, chủ yếu là mẹ và vợ anh tranh nhau tiếp khách. Hoa ù hết cả tai vì cái giọng thổ ngữ địa phương, gần như cô không hiểu gì mấy. Cô cười trừ suốt từ đầu đến cuối. Vâng vâng dạ dạ mà cứ hoang mang, không biết vâng dạ có đúng chỗ không. Đôi khi chú Hùng phiên dịch lại cho Hoa. Chú Hùng cũng từng đi bộ đội nên giọng nói các vùng miền chú khá thạo. Hoa hỏi thằng bé con, con đầu của anh Doanh:
– Cháu tên gì?
– Dạ, con tên Di!
Thế là suốt buổi, hai cô cháu rỉ rả với nhau. Cô nói, cháu nói, gần như chẳng ai nghe ai, nhưng Hoa thấy vui thế. Mãi đến khi xong bữa, thằng bé khoe sách vở, cô mới ngã ngửa ra là cu cậu tên là Duy chứ không phải là Di như cô vẫn gọi nó từ đầu đến giờ. Hoa đỏ hết cả mặt, nhưng rất may không ai để ý. Qua lời kể lộn xộn và khó nghe của Duy, Hoa biết là “các cô chú” đi tìm mộ rất hay tá túc nhà Duy, mỗi năm có khi đến vài ba đoàn. Vùng này vẫn còn rất nhiều hài cốt chưa được quy tập sót lại trên cánh đồng, dưới chân núi, và đâu đó quanh những khu rừng phi lao thưa thớt. Hoa thấy người lúc lạnh, lúc nóng, lần đầu tiên cô thấy chiến tranh ở gần đến thế. Đêm, cô nhìn ra bầu trời có một vạt sao lệch, thầm nghĩ, nếu mỗi vì sao ứng với một liệt sĩ, thì có khi sao trên trời đêm nay cũng không đủ. Cậu Bình ơi, cậu đang ở nơi nào? Gió lại nổi lên, cô lại nghe tiếng âm hồn rỉ rả, như từ đất, từ núi, từ dòng sông vọng về…
Tranh: Hoạ sĩ Nguyễn Lê Tâm
*
Hôm sau đi xe ôm lên thị xã, bắt tàu về Huế, cả nhà đi ngót nghét gần một tiếng đồng hồ dưới cái nắng như nung của Quảng Ngãi. Lên tàu, Hoa thảng thốt nhận ra một cánh tay mình đen nhẻm từ lúc nào. Hì hụi rửa tay, kỳ cọ mãi ở phòng vệ sinh của ga vẫn không thấy trắng ra, cô thốt hiểu rằng, đó là nắng chứ không phải bụi bẩn. Nắng thiêu một bên tay trần của cô. Không hiểu sao chuyện này làm cô vui, thấy miền đất xa lạ này trở nên đã gần gũi hơn nhiều.
Cầm địa chỉ anh Doanh cho, nhà Hoa tìm đến thị trấn Phú Bài, huyện Hương Thủy. Tìm được nhà bà Mô. Đó là một căn nhà một tầng xinh xắn, nằm giữa một mảnh vườn nhỏ, hai hàng chè tàu khoanh lại lối đi. Vườn trồng hoa bông trang, hoa giấy và những hoa gì gì nữa không rõ. Chỉ thấy không gian rất thơm. Trời bấy giờ mưa nhỏ, đường vào nhà qua mảnh vườn trơn trượt dưới chân vì rêu phủ, có vẻ như lâu rồi chưa ai nạo rửa. Hoa và chú Hùng đỡ hai bên bà. Ở tuổi của bà, đi một quãng đường dài như thế là quá sức. Nhưng bà lại tỏ ra rắn rỏi, bước từng bước chậm, nhưng bình thản. Nhìn bà như thế, Hoa lại thấy muốn khóc.
Mệ Mô có nhà không Mệ Mô ơi! Có khách tới hỏi thăm Mệ nì! – chú bé dẫn đường ngân nga gọi. Chú ta quay lại, giảng giải: “Mệ Mô ở với cháu nội, mạ con Hinh lấy chồng ở xa…”. Hoa thấy bà ngoại khẽ run những ngón tay.
Lát sau, một người đàn bà tóc cũng đã bạc trắng, dáng còn nhanh nhẹn, có lẽ trẻ hơn bà ngoại Hoa một chút, bước ra. Bà Mô có vẻ ngạc nhiên, nhưng vẫn khẽ khàng mời cả đoàn khách vào nhà. Hoa chưa gặp người nào có giọng nói khẽ đến thế. Như hơi gió thoảng.
Bà Hoa sau một hồi giới thiệu, nói vòng nói vo, quyết định đi vào trọng tâm câu chuyện, giọng cứng rắn: “Thưa chị, thằng con út của tôi tên là Nguyễn Văn Bình, cháu ở Trung đoàn 21, sư đoàn 2 P1, hy sinh năm…”
Hoa ngạc nhiên. Cô cũng chưa bao giờ thấy bà mình nói to và đanh thép như thế. Dường như bà biến thành một người khác. Bà bày đủ thứ giấy tờ, bảng biểu, bản đồ, dẫn hết lời chú Minh lẫn chú Nam, là những đồng đội của cậu Bình mới liên lạc với gia đình, gắng chứng minh với bà Mô rằng bà mới có quyền được bốc bộ hài cốt mà bà Mô đã đem về mấy hôm trước. Bà già kiên nhẫn nghe bà Hoa nói, chốc chốc lại thở dài. Còn bà Hoa nói xong thì bỗng gục xuống, như không còn hơi sức nữa. Bà Mô nhanh nhẹn không ngờ, lao đến ôm ngang người bà ngoại Hoa. Vẫn không một lời, bà dìu bà ngoại Hoa vào giường ở nhà trong.
Bên ngoài, mọi người xôn xao. Chòm xóm đã kéo đến đông tự lúc nào. Ông Toàn và chú Hùng ngồi ngay đơ trên ghế, như biến thành những bức tượng. Dì Hòa và mẹ chạy vào chăm bà. Tất cả đều có gì ngại ngùng, gượng gạo.
Bỗng, từ ngoài cửa, một chiếc xe Vespa phóng vèo vào. Một người đàn bà to lớn, trạc ngoài 50 tuổi, mắt hơi xếch, nhìn vừa uy vừa dữ, gạt đám đông ra, dóng dả:
“Chuyện chi hè, chuyện chi kỳ rứa hè?”
Bọn trẻ con nãy giờ đứng hóng chuyện, tranh nhau thuật lại cho chị ta nghe. Chú Hùng vội chạy ra trình bày, cũng từa tựa như lời bà Hoa nói lúc nãy. Người phụ nữ bất ngờ nhảy dựng lên:
“Mấy người từ mô tới, bày chuyện chi dở doái ra đây rứa hè? Mộ chồng tui thì tui dời về, răng lại có chuyện bảo là của người ni, người khác? Mấy người ưa gây sự phải không? Có giấy tờ, chứng tích hẳn hòi chứ có phải là ưa chi làm nấy mà được? Có chuyện chi mời mấy người lên UB thị trấn mà phân xử, chứ kéo đây làm rộn mạ tui là răng?!”
Chú Hùng tái mặt, nhưng vẫn cố gắng phân bua, rằng chúng tôi có lý này, lý kia, có người làm chứng… Người đàn bà vứt toẹt cái nón xuống đất, nóng nảy:
” Cái mụ cô tam đợi, tứ đợi nhà thằng tê! Tau có làm chi động mã mi không mà mi chọc tau rứa hè? …”
Chú Hùng hoảng quá, há hốc miệng, lùi tận vào trong góc nhà. Đám đông đội mưa đứng trên sân im phăng phắc. Người đàn bà còn nói nhiều lắm mà Hoa không nghe được gì nữa. Cô mơ hồ thấy cả nhà đang rơi vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan, như một mớ bòng bong, biết gỡ sao đây!
May thay, bà Mô đã bước ra, quắc mắt:
– Chị Mô!
– Dạ?
– Chị về hôm ni có chuyện chi?
– Dạ, con mang ít tiền về để mạ chuẩn bị cúng cho nhà con. Con định xin mạ cho thỉnh thầy về tụng kinh cầu siêu nữa đó mạ!
– Chị cứ để tui lo. Tui đang tiếp khách, chị mới về chưa biết mô tê chi đã lớn tiếng làm đày, vô phép vô tắc, không ra răng hết.
Bà Mô mắt sáng tóc bạc, lưng ưỡn thẳng, giọng nói vẫn khẽ khàng, nhưng có độ vang như tiếng vang êm của một cơn mưa rào đầu hạ, cứ lan tỏa trong không gian và thấm cả xuống đất. Vậy mà một lúc đã dẹp được cả đám đông lẫn người đàn bà kỳ lạ kia. Quay lại với nhà Hoa, bà giải thích, đó là vợ cũ của liệt sĩ Trần Đăng Mô, con trai bà. Chị ta đã đi bước nữa cách đây hơn chục năm, để con bé con cho bà nuôi. Giờ con bé đã trưởng thành rồi, tốt nghiệp trường trung cấp mẫu giáo, vừa đi dạy trẻ lại vừa theo học “cái chi” nữa bà không rõ. “Hắn” đi học đến tối mới về. Trưa chỉ có một mình bà Mô… “Mạ hắn” bây giờ làm ăn lớn, nghe thày bói ở đâu nói, phải chăm nhang khói cho chồng cũ mới gặp may, nên dạo này mới năng về thăm bà Mô và đứa con gái…
Bà ngoại Hoa đã tỉnh. Bà có vẻ ân hận, cứ ngồi cầm tay bà Mô mãi. Hai bà thủ thỉ trò chuyện với nhau.
– Thằng con tui đi bộ đội năm nớ, mới chỉ kịp cưới vợ, con vợ hắn có mang được ba tháng là hắn đi. Hắn thương vợ lắm. Vợ hắn ăn cái chi vô cũng nhào ra, thấy cá thì mửa nhào lăn nhào đựng. Hắn đi cứ dặn tui, mạ kho thịt chớ đừng kho cá mạ hỉ…
Bà Mô cười hiền lành. Gương mặt bà sáng lên. Hoa thấy thắt lòng. Cô vẫn thường nhìn thấy thứ ánh sáng ấy trên gương mặt bà ngoại mỗi lần kể chuyện cậu Bình. Giờ thì đến lượt bà Mô độc thoại. Bà kể vì sao bà quyết đó là mộ chú Mô, có chú Đát là người tự tay chôn cất chú Mô đi cùng dẫn đường, rồi chuyện tìm mộ vất vả ra sao, xin phép xin tắc khó khăn thế nào mới đưa được hài cốt về, táng vào lốt mộ ở nghĩa trang Hương Thủy. Bà cứ rủ rỉ nói, giọng vẫn nhẹ như hơi gió thoảng. Cả nhà Hoa như mê mụ đi. Ngoài trời nắng đã lên, càng lúc càng oi nóng. Không khí thơm ngát hương hoa từ ngoài vườn bắt đầu bay vào nhà.
Chợt, bà Mô dừng lời, thảng thốt:
– Chết thôi, tui sơ ý quá. Chị và mấy anh mấy cô đi từ xa về chắc chừ cũng đói bụng rồi. Để tui dọn bữa cơm rau cơm dưa mời cả nhà hỉ?
Rất nhanh chóng, mấy người khách không mời đã cảm thấy quen thuộc gần gũi với người đàn bà có giọng nói nhẹ như gió này. Hoa cùng mẹ và dì Hòa nấu cơm, bà Mô tạt ra chợ mua thức ăn, một loáng họ đã cùng ngồi bên mâm cơm, thân tình, như những người bà con cùng nhau đi tìm mộ liệt sĩ suốt từng ấy thời gian… Bữa cơm ngon miệng không thể tả, có canh rau ngót nấu rạm, và đặc biệt là rau muống luộc chấm nước mắm nêm. Bà Mô bảo, nếu ai không quen ăn mắm này sẽ thấy mùi khó ngửi lắm, nhưng cả nhà nhất quyết thử bằng được. Nước mắm nêm được bà Mô thận trọng chắt ra từ chiếc hũ sành cũ. Một thứ nước sền sệt, màu đen nhờ nhờ, có mùi hơi nồng, thum thủm. Bà Mô băm nhỏ ít dứa, bà gọi là thơm, rồi giã mấy tép tỏi, trộn vào. Hoa thấy mùi mắm cũng thơm hơn thật. Hoa háo hức hỏi bà cách làm mắm. Bà cười:
– Bà kể con nghe thôi chớ bà tin là con không có mê được loại mắm này mô.
Hoa cười ỏn ẻn.
– Con mua cá nục con hỉ, phải thật tươi, còn giãy đành đạch, rửa bằng rượu cho se, cả ruột gan phèo phổi cũng dùng được hết con nờ. Để ráo nước, muối cá, cứ lớp muối hột, lớp cá. phủ kín miệng hủ bằng muối, rồi lấy mo cau cắt tròn đậy lại, vót mỏng mấy lẻ tre cật cài lại, ém cá cho cá không nổi lên hỉ?
Cơm xong, nghỉ trưa. Đến quá trưa xế chiều, bà Mô dẫn cả nhà Hoa ra nghĩa trang Hương Thủy. Huế lại vừa mưa nữa nên không gian mềm mại, dịu dàng. Có mùi hương trầm đâu đây. Nghĩa trang Hương Thủy nằm ngay gần quốc lộ 1A, to rộng như một công viên lớn. Những hàng dừa nước, hòn nòn bộ, các hình khối sinh động đặt từ cổng vào tận trong. Có hai nhà bát giác gọi là nhà Bia, bên trong có bức tường lục giác, ghi tên các liệt sĩ nằm trong nghĩa trang và các liệt sĩ của toàn huyện Hương Thủy. Hoa tần ngần đứng đọc những dòng tên, thấy thảng thốt khi nhìn những cái tên từ nhiều miền Tổ Quốc. Có cả những liệt sĩ từ Hà Nội cũng nằm lại đây. Cậu Bình ơi, cậu ở đâu? Nếu đây không phải là cậu mà là chú Mô, thì bà biết làm thế nào? Liệu sau chuyến đi này, bà còn gắng gượng được không? Trời ơi, sao cậu không phù hộ cho cả nhà, không dẫn đường chỉ lối cho bà, cho chúng cháu, hả cậu?
Cả nhà Hoa đứng trước mộ ghi tên liệt sĩ Trần Đăng Mô, lặng lẽ thắp hương, không ai nói với ai một lời. Ngay cả ông Toàn cũng không còn chăm chăm nhìn xuyên qua lòng đất nữa. Ông lặng lẽ cúi đầu. Khi ông ngẩng lên, Hoa thấy đôi mắt đục của ông như trong ra, không hiểu Hoa có nhận nhầm không!
Hoa lo lắng liếc nhìn bà ngoại. Bây giờ, cô mới thấy nước mắt bà chậm rãi lăn. Những giọt nước trong và mặn, đã lâu lắm rồi mới long lanh ở khóe mắt bà. Hoa chợt nhớ đến truyện ngắn của Turghenev mà cô từng đọc hồi hè lớp 10, kể về món xúp củ cải mặn người mẹ ăn trong ngày đưa đám con trai. Xúp mặn không vì muối mà vì nước mắt, còn người mẹ cứ ăn, ăn mãi, ăn cả những đau đớn từ trong lòng đã tuôn ra… Lúc ấy cô thấy cảm động, nhưng không tưởng tượng hết được độ mặn của món xúp. Như bây giờ.
Hoa xót xa ôm lấy bà ngoại. Rồi không hiểu sao, cô lại dịch sang một bên, vòng đôi tay thanh tân của mình qua ngực bà Mô. Nức nở… Cơn nức nở dội lên không kìm được, cứ hết đợt này đến đợt khác, khiến mắt cô mờ đi và tay chân bủn rủn.
Bà Mô ra hiệu cho tất cả cùng ngồi xuống nền đá lát gần mộ chú Mô. Bà chậm rãi nói, rất dài, và bằng vẫn cái giọng nhẹ như hơi thở. Không một ai ngắt lời bà:
– Tui nói chị nghe. Con chị thì cũng như con tui, hai đứa hắn đều theo Bác theo Đảng, đều đi đánh giặc mà hi sinh. Chừ chị nói là con chị, tui nói là con tui. Giấy tờ chị có tui cũng có, là có vậy chớ ai mà biết chắc cái đứa con nằm dưới mộ ni là con chị hay con tui rứt ruột đẻ ra. Chị thương, tui cũng thương đứt ruột… Mình là phận đàn bà mang nặng đẻ đau thì cũng như nhau cả… Chín tháng mười ngày mang nó trong bụng. Đẻ ra nặn bọt bao nhiêu năm, cực khổ trăm bề. Bên ướt mạ nằm bên ráo con lăn… Việc bốc lên chôn xuống, động mả động mồ chắc là khó rồi hỉ… Con dâu tui hắn phá ngay, mà tui cũng không muốn làm rộn thằng bé…
Bà Mô ngồi lặng, như đang nghĩ về đâu đâu.
Cả nhà Hoa cũng đờ đẫn trong một cơn mê mụ, không ai còn biết mình đang muốn gì nữa. Ông Toàn nhắm nghiền mắt, như thể ông sợ mở mắt ra thì sẽ nhìn được vong, hoặc ông cũng đã không còn dám tin vào khả năng tiếp cận với thế giới người âm của mình. Hoa thoáng nghĩ đến việc đi thử mẫu ADN. Chắc cũng chỉ có cách ấy mới đảm bảo để nhà Hoa hay nhà bà Mô nhận người. Chỉ có điều, sự thật sẽ rất tàn nhẫn. Một trong hai người mẹ, bà Mô và bà ngoại Hoa, có còn đủ sức để chịu đựng sự thật hay không?
Bà Mô đã lại tiếp:
– Chừ tui nói ri chị nghe thử được không? Chị với tui thương hắn thì cứ coi hắn là con chung. Phần mộ ni nhà nước quy tập về đây, nghĩa trang tươm tất, cứ để hắn nằm đây cho có anh có em. Ta ghi lại bia “Liệt sĩ chưa có tên”, hay làm cái bia nữa cho thằng Bình, chị hỉ? Quanh quất là đồng chí đồng đội cả, ấm cúng lắm chị nờ! Lại có tui lẩn quẩn đây rồi… Chị em mình xa xôi, chị Bắc tui Nam, nhưng mình giống nhau vì có con đi bộ đội rồi hy sinh. Chừ gặp nhau đây mình coi như như chị em chị hỉ? Khi mô vô Huế, chị cứ ghé lại, có muối ăn muối, có rau ăn rau. Chị em mình hủ hỉ cho con nó vui! Tui quê mùa.. không biết nói ngon nói ngọt, chỉ thật bụng răng nói rứa thôi chị nờ! Chị mà cũng ưng như rứa tui đội ơn chị trăm bề!
– Chị ơi! – Bà ngoại Hoa kêu lên, gần như cùng lúc với tiếng Hoa: “Bà ơi!”. Cô ôm chặt lấy cả hai người bà. Trước mắt cô, gương mặt bao người lính đang nhập nhòa trong nắng chiều, trôi chầm chậm qua. Những người còn lại trong đoàn nhà Hoa đều òa nức nở, kể cả hai người đàn ông.
Mùi hương trầm bay trong không gian thơm, thơm ngát…
22-4-2009, trại sáng tác Văn nghệ quân đội 2009, Hạ Long.
Thụy Anh