Tạo thói quen đọc sách và văn hóa đọc cho mọi người là mục đích của Ngày hội sách và văn hóa đọc được tổ chức hàng năm.
Thế nhưng, sự kiện này dường như mới chỉ làm được vai trò “bán sách”, chưa tạo lập không gian gợi mở cho việc đọc sách và khuyến khích tiếp cận sách một cách khoa học đối với bạn đọc.
Thay vì để một gian hàng cho việc bày bán sách, Nhà xuất bản Kim Đồng đã dành một không gian riêng cho các em nhỏ. Không gian đó rộng chừng 5 m2, đủ kê những chiếc ghế nhựa nhỏ và treo lơ lửng một số cuốn sách vừa tầm mắt cho các em có thể ngồi xuống và đọc bất cứ lúc nào. Điều nhỏ bé này lại hiếm hoi giữa không gian tập hợp các nhà xuất bản và công ty sách ở Ngày hội sách và văn hóa đọc năm 2013 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội.
Tạo thói quen đọc sách và văn hóa đọc cho mọi người đã là mục đích của Ngày hội sách và văn hóa đọc được tổ chức hàng năm…
Dạo qua các gian hàng sách, độc giả dễ dàng nhận thấy không có không gian riêng để đọc sách. Việc chọn mua sách khá chen chúc giữa biển người đông đúc và ồn ào. Lý do là, các nhà xuất bản, công ty sách chọn được địa điểm “đắc địa” cho việc trưng bày và bán sách đã khó khăn, nói gì đến việc dành thêm một không gian để đọc sách và gây hứng thú cho người đọc.
Theo chị Phùng Thị Hà, Nhà xuất bản Kim Đồng, việc tạo không gian đọc sách phụ thuộc vào việc sắp xếp, bố trí của Ban tổ chức. Việc tổ chức những không gian đọc sách miễn phí, có thể theo chủ đề: đọc sách cho thiếu nhi, cho các bạn trẻ…cũng phụ thuộc vào ban tổ chức. Tất cả đều tùy vào không gian của Ban tổ chức bố trí chung cho mỗi đơn vị…
Theo Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thụy Anh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Đọc sách cùng con”, để khuyến khích các em đọc sách thì việc định hướng của người lớn rất quan trọng.
Theo Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thụy Anh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Đọc sách cùng con”, để khuyến khích các em đọc sách thì việc định hướng của người lớn rất quan trọng. Với các em còn nhỏ tuổi thì bố mẹ phải là người giúp các em mua sách, quyết định cho tiền mua sách. Vì vậy các Ngày hội nên có không gian riêng để chia sẻ với các phụ huynh cuốn sách nào hay, cần cho trẻ, hướng dẫn cách đọc cho con, hướng con đọc như thế nào cho đúng, không gây áp lực cho trẻ…
Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thụy Anh cũng cho rằng, các em cần nhiều điều hơn ngoài nội dung từ một cuốn sách, trong đó có việc thâm nhập vào thế giới của sách với trí tưởng tượng của trẻ nhỏ. Điều này thực sự không phải quá khó với những ai quan tâm đến việc hướng dẫn cách đọc đúng cho trẻ em.
“Có những cuốn sách dày, tôi có thể chọn lựa một vài đoạn và cùng các em đọc diễn cảm, nối những đoạn đó. Khi đó các em thiếu nhi vừa là độc giả, vừa là người trình diễn sẽ giúp các em có cảm giác được tham gia vào quá trình đó. Cách thứ 2 là tôi có thể đưa lên một số hình ảnh đẹp kết hợp với âm nhạc. Cùng với đó là tìm cách biến những chất liệu đó thành trò chơi, thành những câu đố” – Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thụy Anh cho biết.
Bản thân mỗi cuốn sách là một sự khám phá cho các em nhỏ. Trước hết chúng ta phải tạo ra không gian, kích thích sự đọc cho các em. Ngày hội sách sẽ là dịp giới thiệu sách đến độc giả nhưng cũng không thể thiếu hụt vai trò “tạo lập thói quen đọc sách, nâng cao văn hóa đọc” nếu chúng ta chỉ biết bán sách mà thôi./.
Nguồn VOVnews