Những năm xưa, khi còn nhỏ, trời bắt đầu vào Hạ oi bức, hoa phượng nở rực một góc trời và tiếng ve râm ran đâu đó là lũ trẻ chúng tôi thấy háo hức. Kỳ nghỉ hè mở ra trong mỗi đứa một khoảng trời nho nhỏ với những khám phá kỳ thú qua những trang sách cũ kỹ giấy đen đã đầy vết gián nhấm, qua những trò chơi triền miên buổi sáng sau những bài tập thể dục sớm cùng các anh chị phụ trách chương trình sinh hoạt hè tại khu phố, qua những tuần được gửi về quê với lúa ngô khoai sắn, châu chấu cào cào… Sau mỗi một mùa hè, trẻ con cứ lớn bổng lên!
Ngày ấy tuổi nhỏ, đương nhiên là không mảy may lo nghĩ chuyện gì khác ngoài chuyện… lớn!
Bây giờ đã là cha là mẹ, thì mới giật mình, vì sao kỳ nghỉ hè đến mà mình không thấy vui. Mà lẽ ra phải vui vì con mình sắp bước vào một quãng thời gian lớn nhanh đầy phấn khởi! Không. Chỉ thấy lo.
Những nỗi lo mùa hè
Đầu tiên là lo không biết “nhốt” chúng ở đâu? Không phải nhà nào cũng có ông có bà hay người giúp việc ở nhà để quản lý trẻ. Cho chúng ở nhà khóa trái cửa lại thì không an tâm, biết bao nhiêu bất trắc có thể xảy ra khi trẻ ở một mình… Và thế là, nhiều bậc cha mẹ nháo nhác tìm nơi gửi con – đó có thể là một vài lớp học thêm văn hóa, lớp học năng khiếu nhạc họa ngoại ngữ gì gì đó, miễn là trẻ có chỗ sinh hoạt an toàn, có người giám sát, chưa kể lại có thêm kiến thức. Đây là phương án khả thi quá còn gì!
Nhưng kể cả khi đưa ra được những biện pháp tình thế để giải quyết những mối lo kia thì trong những người làm cha làm mẹ vẫn băn khoăn một điều, cho dù là mơ hồ, cho dù là họ gắng không đả động đến, sợ những lo lắng ấy làm đảo lộn cuộc sống gia đình đang chảy trôi như dòng người hàng ngày vẫn cuồn cuộn trên đường phố theo một quy luật bất biến nhất định. Đây mới là nỗi lo thực sự của những phụ huynh quan tâm đến con, có trách nhiệm với cuộc sống tinh thần của con mình: Mùa hè, con giải trí ở đâu? Mùa hè, làm sao để con lớn lên về mặt thể chất và tâm hồn mà không bị áp lực học hành đã đeo đẳng đứa trẻ cả một năm trời? Mùa hè, con có thực sự vui nếu chỉ quanh quẩn với cái tivi, những bộ phim trong đĩa, game trên máy tính…? Kỳ nghỉ hè là kỳ nghỉ hay là kỳ học thứ ba của con?…
Thử tìm giải pháp: “Nghỉ hè lại được về quê…”
Tôi nhớ câu hát đó trong một bài hát ca ngợi mùa hè mà chúng tôi ngày nhỏ thường hát. Bây giờ, nếu đứa trẻ thành phố nào may mắn được gửi về quê một tuần, hoặc cả tháng thì tôi cho rằng đứa trẻ đó là đứa trẻ hạnh phúc nhất! Rất nhiều vấn đề về tâm sinh lý của trẻ được giải quyết dễ dàng nhờ sự tiếp xúc với thiên nhiên! Chỉ cần đi ra một khoảng không gian thoáng đãng, có cây cối xanh tươi, có bóng dáng của con gà con vịt sinh động – trẻ đã có điều kiện được xả stress rất hiệu quả. Bố mẹ đừng tưởng cuộc sống công nghiệp này chỉ gây áp lực lên người lớn – thông qua người lớn, trẻ nhận một phần áp lực và đôi khi chúng không thể nào xoay xở được vì chúng vẫn còn rất non nớt để có thể chịu đựng mọi căng thẳng từ cuộc sống. Điểm kém, nghe giảng không hiểu bài, bị thày cô mắng, bị các bạn cười, bố mẹ không có thời gian chơi cùng trẻ, đôi khi bị mắng oan, ở lớp luôn phải ngoan, ở nhà luôn phải gương mẫu, nghe lời, năng lượng đầy trong người mà không được “xả” bớt, cứ ra ra vào vào căn hộ tập thể hay đứng lên ngồi xuống bên chiếc bàn học trong lớp – tất cả những điều này đều là áp lực đối với thần kinh của trẻ.Nếu bạn có quê hay có người quen ở nông thôn, miền núi, nơi thiên nhiên phóng khoáng và khói bụi công nghiệp bớt đi đôi chút, xin đừng ngần ngại lên kế hoạch cho bé về quê. Đương nhiên, để có thể gửi được bé về với ông bà hay cô chú bác ở quê, bố mẹ hãy chuẩn bị “hành trang” cho một mùa hè thú vị với những kỹ năng cần thiết để bé hòa nhập cuộc sống mới. Đây là điều kiện tiên quyết để đứa trẻ có được một kỳ nghỉ thú vị, an toàn như bố mẹ kỳ vọng.
Nếu quê mình ở biển thì thật là vui thích!
Thường đứa trẻ học hết lớp Một là có thể lên đường về quê. Vậy bé cần được chuẩn bị những gì?
- Bước làm quen: Đương nhiên, bố mẹ chỉ nên gửi bé về quê cho một người rất thân với gia đình và đã có một khoảng thời gian vừa đủ gần gũi bé để bé không cảm thấy hoang mang và xa lạ khi rời gia đình, đến một môi trường lạ. Người đó có thể là ông bà, cô chú bác… Bố mẹ phải đảm bảo chắc chắn rằng, người đó yêu thương và quan tâm đến trẻ, đồng thời bố mẹ phải thống nhất với người ấy những điểm quan trọng trong việc chăm sóc trẻ hàng ngày: cho họ biết các thói quen của trẻ, những điểm cần lưu ý về ăn uống, vệ sinh cá nhân..v..v..
- Cùng tưởng tượng: Hãy kể cho trẻ nghe những gì có thể diễn ra ở quê, cùng con tưởng tượng những tình huống bất ngờ – vui hay là không vui – để trẻ chuẩn bị tâm lý đối mặt với cuộc sống tự lập ngắn ngủi. Ví dụ: Buổi sáng khi con tỉnh dậy, không thấy mẹ, con hãy nhớ là lúc đó, mẹ ở Hà Nội đang nghĩ đến con, và mẹ biết là con sẽ tự đánh răng rất giỏi, rất sạch. Thường thì nhà bà hay ăn sáng vào lúc 6 giờ, hơi sớm nhưng con dậy sớm sẽ thấy nhiều điều thú vị lắm đấy. Bữa sáng nhà bà có những món…, thể nào con cũng rất thích. Sau đó con và bà sẽ ra vườn, con sẽ giúp bà tưới cây..v..v.. Cứ như vậy, bạn có thể vẽ nên trong trẻ những háo hức khám phá ban đầu. Điều này cũng sẽ khiến trẻ có thêm nhiệt tình và năng lượng cho một kỳ nghỉ hè thú vị.
- Củng cố lại những kỹ năng tự lập hàng ngày đã rèn luyện với trẻ: Với mục đích “chuẩn bị cho cuộc sống tự lập”, trẻ có thể sẽ hào hứng củng cố lại những năng lực tự lập đã có – tự phục vụ mình, tự vệ sinh cá nhân… Hãy cùng trẻ lập một thời gian biểu sơ bộ, tô màu đẹp đẽ, có ghi chú để trẻ tự bổ sung. Bố mẹ làm việc này cũng thật hào hứng và nghiêm túc, bày tỏ sự tin tưởng vào đứa trẻ.
- Đưa ra những tình huống bất ngờ để cùng trẻ giải quyết: Trước kỳ nghỉ một tháng, hàng ngày, bố mẹ hãy đưa ra những tình huống cần kỹ năng ứng xử nhanh nhạy và cùng con giải quyết: bị đau bụng; bị lạc; bị bỏng lửa, nghịch bếp lửa bị cháy lan ra đồ vật bên cạnh; bị dẫm vào mảnh thủy tinh; bị rơi xuống nước; có người lạ rủ đi chơi; đứt tay khi dùng dao; cách hành xử khi đứng cạnh một đàn trâu, đàn bò…v..v..
- Thống nhất cách liên lạc: Phải thống nhất trước với trẻ thời gian và cách liên lạc với bố mẹ ở thành phố vì chắc chắn bạn sẽ rất lo lắng cho con. Phải chia sẻ với trẻ sự hồi hộp khi phải xa con và việc con liên lạc với bố mẹ để bố mẹ yên tâm là điều cần thiết. Ngoài ra, bạn cũng chớ để bẵng đi mà không hỏi han trực tiếp con khiến cho trẻ có thể cảm thấy mình bị bỏ rơi ở môi trường lạ. Nếu có thời gian hơn, bố mẹ có thể viết những bức thư ngắn gửi qua bưu điện cho con. Đây là cách liên lạc và trao đổi cảm xúc tuyệt vời!
- Về việc học văn hóa: Nhiều bậc cha mẹ lo ngại trẻ quen chơi mà quên đi thói quen học văn hóa. Nếu bạn có lo ngại ấy, hãy đề nghị trẻ mang theo sách vở và cùng trẻ đánh dấu vào thời gian biểu trong ngày – con có thể dành nửa tiếng để ngồi làm một bài tập nào đó. Có một cách khác nữa để trẻ không quên việc học là bạn tặng trẻ một cuốn sổ đẹp và đề nghị mỗi ngày con viết vào đó vài dòng vắn tắt là con đã làm gì trong ngày. Có thể vẽ cũng được. Để thêm phần thích thú cho trẻ, bạn có thể cho con mượn một chiếc máy ảnh cũ để bé “tác nghiệp” trong ngày hè.
- Hành trang mang theo: Ngoài những chuẩn bị về mặt tinh thần như đã nói trên kia, thiết tưởng các bố mẹ cũng không nên để vào ba lô của con những đồ vật thân thuộc mà chúng yêu thích như cái gối con thường ôm, con gấu bông của con, cái cốc con hay dùng, những cuốn truyện mang về quê để đọc cùng ông bà, những lọ mầu, vở vẽ có thể cần dùng đến… Những đồ vật quen thuộc tạo cho trẻ cảm giác an tâm khi ở xa nhà. Trong đống đồ dùng ấy, bố mẹ có thể kín đáo để một tấm thiệp hay một lá thư nhỏ, hoặc một món quà bất ngờ xinh xinh có dòng chữ của bố mẹ dặn dò thương yêu. Hiệu quả về mặt cảm xúc của món quà như thế thật là lớn. Ngoài ra, bạn có thể cho con cầm một khoản tiền nhỏ nhưng sau đó công khai trao khoản tiền ấy cho ông bà ở quê, với lời nhắn nhủ: nếu cháu có nhu cầu gì chính đáng, xin ông bà cho phép dùng tiền. Đừng sợ trẻ nhõng nhẽo dùng tiền không đúng mục đích. Đây là một bài học kỹ năng quan trọng mà kỳ nghỉ này có thể đem lại cho trẻ. Cuối cùng, hãy cùng con đi chọn quà cho những thành viên trong gia đình ở quê mà con sẽ đến. Hãy chú ý hỏi ý kiến trẻ khi làm việc này để con cảm thấy đây là món quà con chủ động mang tới cho mọi người, đem lại niềm vui. Cảm xúc tích cực ban đầu cũng góp phần vào sự thành công của kỳ nghỉ hè đặc biệt.
Hoạt động bắt cá tại EcoCamp 2014 do CLB Đọc sách cùng con tổ chức
Trại hè kỹ năng
Trên thực tế, nhiều bố mẹ không dám quyết định để con về quê vì chưa bao giờ trải nghiệm cảm giác xa con cũng như không tin tưởng đứa trẻ có thể “xoay xở” được khi không có bố mẹ ở bên. Vậy chúng ta có thể tập dần ngay trong năm học– tập cả cho con và cho bố mẹ – thi thoảng gửi con ở nhà người thân một buổi qua đêm vào dịp cuối tuần. Khi hè đến, bạn và con bạn đã sẵn sàng cho sự xa cách lâu hơn. Thậm chí, thời gian ở quê cũng có thể chia ra thành từng đợt trong một kỳ nghỉ hè, mỗi đợt tăng dần từ 2,3 ngày cho đến 1, 2 tuần hoặc hơn.
Các bạn nhỏ đang giặt quần áo, công việc hàng ngày của các bạn tại EcoCamp 2014 do CLB Đọc sách cùng con tổ chức
Giờ đây nhiều trại hè kỹ năng đang được tổ chức ở khắp nơi, đón những đứa trẻ thành phố bị bố mẹ cho là “ngờ nghệch, gà công nghiệp” về sinh hoạt. Nhưng, trộm nghĩ, chỉ một kỳ nghỉ hè ở quê thôi, bạn sẽ thấy con mình học được những kỹ năng gì. Đây mới là một “trại hè” vô giá!
TSGD Nguyễn Thuỵ Anh, 6/2011