Đã gần chín mươi tuổi nhưng gần như ngày nào, Pierre Joliot vẫn đều đặn đến phòng thí nghiệm của mình. Ông là nhà sinh học và nhà nghiên cứu lớn của Pháp. Pierre Joliot là con của Frédéric và Irène Joliot- Curie, cháu ngoại của Marie và Pierre Curie. Gia đình ông đã năm lần nhận được giải thưởng cao quý nhất – Nobel. Sinh ra trong một gia đình danh tiếng, có nhiều thành tựu đóng góp lớn nên nhà khoa học chịu ảnh hưởng lớn trong tư duy, lối sống. Cuốn sách này là những câu trả lời của ông về các vấn đề liên quan đến nghiên cứu khoa học. Đó là “một đam mê, một hứng thú, một trò chơi”.
Một người chỉ thích chơi chưa chắc đã khó tham gia nghiên cứu khoa học vì Pierre Joliot rất nhớ câu nói của cha ông “một người nghiên cứu mà không chơi và không lấy làm thích thú trong cuộc chơi ấy thì sẽ chẳng bao giờ trở thành một nhà nghiên cứu giỏi được”. Giống như nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ thì nhà nghiên cứu phải tưởng tượng ra một thế giới, khám phá ra điều gì đó mà nhân loại chưa biết đến. Pierre Joliot tự nhận là một học trò tương đối xoàng xĩnh nhưng đã trở thành một sinh viên giỏi. Vì thế bắt đầu chưa bao giờ là muộn cả.
Nghiên cứu khoa học là gì? (Pierre Joliot, NXB Kim Đồng, 2019)
Sẽ luôn luôn có những điều mới để khám phá dù rằng điều này càng khó. Trong những năm đầu nghiên cứu, Pierre Joliot về hiện tượng quang hợp. Thời điểm ấy chẳng ai quan tâm về vấn đề này, may mắn thay một nhà nghiên cứu Mỹ đã tim hiểu và truyền bá. Vì thế, từ một cá nhân vô danh, Pierre Joliot trở thành người đi đầu trong lĩnh vực của mình.
Theo tác giả thì sáng tạo là hoạt động cá nhân nhưng làm việc nhóm rất cần thiết. Vì cũng như điện ảnh, để thực hiện một dự án cần có nhiều người cùng thực hiện để tạo nên tác phẩm tốt nhất. Pierre Joliot cảm thấy may mắn khi làm việc cùng với vợ mình, Anne Joliot. Họ bổ sung nhiều cho nhau, hỗ trợ nhau trong quá trình nghiên cứu.
Với mỗi câu hỏi, các từ khóa đều được nhấn mạnh và nhà khoa học Pierre Joliot đã trả lời một cách ngắn gọn nhưng đầy đủ thông tin và vô cùng dễ hiểu. Ông không né tránh bất cứ câu hỏi nào, ví dụ như “Trong nghiên cứu, số lượng nữ giới ngang bằng nam giới?”. Câu trả lời của Pierre Joliot là: “Không, chúng ta còn lâu mới đạt được tới sự ngang bằng ấy. Một số trở ngại văn hóa và xã hội hiện nay làm kéo dài tình trạng phân biệt đối xử ấy.”
Một cuốn sách mỏng, không dày nhưng có thể phần nào giúp các bạn nhỏ hiểu được công việc của một nhà nghiên cứu khoa học.
Cò Trắng (viết cho CLB Đọc sách cùng con)