Home / Giới thiệu sách / “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên”- Dịu êm miền kí ức tuổi thơ

“Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên”- Dịu êm miền kí ức tuổi thơ

Ta nhìn thấy tuổi thơ nơi cánh diều no gió trong  bức tranh của một người họa sĩ. Ta nghe thấy tuổi thơ trong từng nốt nhạc trong veo, bay bổng của một nghệ sĩ. Và ta đọc thấy tuổi thơ nơi những trang sách viết về những kỉ niệm một thời. Bộ sách “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên” (NXB Kim Đồng, 2015) là một trong những tác phẩm gợi nhắc cho ta  điều đó.

Bộ sách “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên” do NXB Kim Đồng phát hành

 Tác giả Laura Ingall Wilder viết nên bộ tiểu thuyết “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên” có lẽ trước tiên là để dành cho chính mình. Dường như, từng trang sách là từng trang kỉ niệm ghi lại những ấn tượng của cô bé Laura về cuộc sống gia đình, về cuộc hành trình đến vùng đất mới. Một ngôi nhà gỗ nhỏ xinh, một thảo nguyên bao la, rộng lớn – nơi ấy là nơi đã ghi dấu biết bao kí ức đẹp. Đọc “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên”, lòng ta khẽ reo vui và ấm áp khi mường tượng ra một cuộc sống thật bình dị nhưng đầy ắp yêu thương. Đó là tình yêu ngọt ngào của ba dành cho má, là tiếng cười vui của chị và em, là sự trong sáng của tình bạn, là sự thân thiết của tình hàng xóm. Phải chăng đây cũng chính là điều diệu kì tiếp thêm lòng tin, sức mạnh để họ, những con người đầy nghị lực và lạc quan đã cùng nhau vượt qua bao thử thách khắc nghiệt của cuộc sống trên miền đất mới khai hoang.

 Với 9 phần: Giữa đại ngàn; Cậu bé nhà nông; Trên thảo nguyên, Bên dòng Rạch Mận, Ven bờ hồ Bạc, Mùa đông bất tận, Thị trấn nhỏ, Năm tháng vàng son và Thuở ban đầu, nhà văn không chỉ dẫn dắt người đọc đến với hơi ấm của tình yêu thương, niềm lạc quan và tin tưởng, mà còn vạch ra những mặt trái còn tồn tại trong xã hội đương thời như: nạn phân biệt chủng tộc, nội chiến, tự do tín ngưỡng hay vấn đề tự do báo chí… Điều này đã đem đến cho người đọc một cái nhìn đa diện hơn khi khám phá tác phẩm.

Nhà văn Laura Ingall Wilder

 Nhẹ nhàng và sâu lắng, “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên” đẹp tựa như những viên kẹo đầy sắc màu trong “hũ kẹo văn chương” đưa ta về kí ức, đưa ta về tuổi thơ của nữ văn sĩ Laura Ingall Wilder. Để rồi, khi gấp lại trang sách cuối, giữa bao dòng suy tư, ta tự hỏi chính mình: “Kỉ niệm tuổi thơ, còn lại gì trong ta?”.

Hương Liên (Giáo viên CLB Đọc sách cùng con)

About admin2

Scroll To Top