Những ngày trời rét, tôi cứ hay nhớ về ấu thơ. Mùa đông xám. Những con đường xám. Những đứa trẻ mặc áo len đi dép lê, chân không tất, thi thoảng lắm mới có đứa có được áo gió từ bên nước nảo nước nào gửi về.
Chúng tôi học có nửa ngày thôi. Nửa ngày còn lại, tôi nhớ, những khi trời rét, lại cuộn tròn trong chăn nằm đọc truyện. Ngày đó sách giấy đen và đầy vết gián nhấm, nhưng thế giới trong ấy thì vẫn lộng lẫy và kỳ ảo, chẳng kém gì bây giờ, khi cuộc sống tinh thần của trẻ con đã đầy màu sắc chứ không còn chỉ một màu xam xám như chúng tôi có xưa kia. Thời ấy, tôi từng ao ước được làm thủ thư – người thủ thư mà trong suy nghĩ ngơ ngác của tôi bấy giờ, được sở hữu tất cả những cuốn sách cũ kỹ tuyệt vời trên đời.
Cho đến bây giờ, tôi đã có được một thư viện nho nhỏ, một ngôi nhà hiền hậu có thật nhiều góc xinh đẹp để các bạn nhỏ đến ngồi đọc sách thì tôi lại nhớ da diết thư viện đầu tiên của đời mình, thư viện ấu thơ. Và nhớ, thương nhớ lắm người thủ thư đầu tiên mà tôi biết, người mà, chỉ đến khi ngồi viết những dòng này, tôi mới hiểu, đã có ý nghĩa thế nào đối với những thay đổi trong cuộc đời của một đứa trẻ là tôi năm xưa.
Năm ấy, khi tôi 6,7 tuổi thì bác đã về hưu rồi. Tôi không biết tuổi tác, công việc của bác. Chỉ biết bác tên là bác Hải, đẹp thật là đẹp với chòm râu quai nón đã bạc. Bác còn đẹp hơn nữa khi bác ngồi ở bên cửa lớp học trường tiểu học Lê Văn Tám (bấy giờ là trường phổ thông cơ sở), trong một buổi chiều rét buốt, mơ màng dạo một khúc nhạc réo rắt bằng chiếc đàn măng-đô-lin nho nhỏ của mình. Âm nhạc và sách – những nốt nhạc đơn giản, những cuốn sách bình dị – đã bước vào cuộc đời tôi như thế!
Những năm ấy, ở trường chưa có thư viện chuyên nghiệp như bây giờ. Chính bác Hải đã đứng ra thu gom sách và lập một tủ sách bé nhỏ, đặt ở một phòng học của ngôi nhà cấp 4 trong trường. Ngày mùa đông khô hanh, chúng tôi say mê đọc từ trưa cho đến xế chiều. Những ngày mùa lũ mùa mưa thì mới chán, nước ngập đến tận khoeo chân, thư viện nhỏ đóng cửa. Thì chúng tôi lại cứ ngong ngóng đợi ngày bác Hải đến trường trên chiếc xe đạp lọc cọc, chòm râu bạc rung rung theo bước đạp xe.
Tôi còn nhớ như in ngày đầu được đăng ký thẻ đọc. Hồi ấy, thư viện chỉ nhận các “anh chị” từ lớp 3 trở lên. Tôi học lớp 2, mới 7 tuổi, chưa đủ “điều kiện” sở hữu một cái thẻ đọc bằng bìa màu xanh xám, có ghi tên học sinh, tên lớp trịnh trọng. Tôi không chịu được “bất công” ấy, vẫn đến nhưng không dám nói gì, chỉ mon men đứng nhìn. Sau bác Hải bảo về nhà thì không chịu, vẫn cứ chăm chắm đứng nhìn đám anh chị lớn hơn tí chút ngồi đọc sách. Ý chừng bác sốt ruột quá, bèn hỏi han học lớp nào, con nhà ai. Biết được mong muốn của tôi, bác đùa: “Thế thì bác phải kiểm tra xem cháu đọc có nhớ gì không!”. Sẵn trên giá có cuốn “Búp sen xanh”, bác đưa cho tôi bảo mang về.
Chiều hôm đó tôi ngồi đọc “Búp sen xanh”. Đến hai, ba ngày sau vẫn say mê đọc. Hết tuần tôi mang trả cuốn sách. Bác hỏi: – Trong sách có bài thơ nào không?
Thế là tôi vui sướng đọc ngay bài thơ nhỏ mà nhà văn viết rằng Bác Hồ ngày nhỏ đã dùng để vịnh hòn non bộ nhà Hoàng Cao Khải:
“Kìa ba ông lão bé con con
Biết có tình gì với nước non.
Giương mắt làm chi ngồi mãi đó?
Hỏi xem non nước mất hay còn!”
Thế là ngay lập tức, tôi được trao một tấm bìa có tên mình, thậm chí, được mượn sách mang về nhà thường xuyên. Sau này gặp mẹ tôi, bác Hải cứ tấm tắc khen mãi trí nhớ của tôi. Bác không nghĩ rằng, với đứa trẻ, trong đầu còn chưa chật chội lắm những gì đã nhớ thì việc nhớ một bài thơ nhỏ chẳng đáng kể gì! Nhưng những tấm tắc của bác cũng khiến tôi thầm tự hào và bỗng trở nên tự tin lên rất nhiều. Đã nhúc nhắc dám viết, dám nói, dám chia sẻ những gì mình nghĩ.
Trí nhớ về thời trẻ con như một cuốn phim, có lúc tua nhanh, có lúc chạy chầm chậm qua, có lúc lại đứt đoạn. Tôi không còn nhớ thư viện nhỏ ngày ấy tồn tại đến bao giờ. Chỉ nhớ, sau này, khi tôi lên lớp 3, chúng tôi rất hay đến nhà bác Hải ở khu nhà dãy khu tập thể Bách Khoa để nghe bác đàn, tập hát, và … tập kể chuyện. Cùng tập kể chuyện với tôi có một anh tên là Hà, và một hai bạn nữa mà bây giờ chẳng nhớ được tên, cũng không còn hình dung ra gương mặt. Chỉ biết là những gương mặt ngây thơ mỗi ngày một say mê, háo hức, tự tin. Mà tôi còn nhớ được một bài hát bác từng đàn cho chúng tôi hát theo là bài “Reo vang bình minh”… Tiếng đàn măng-đô-lin trong trong, róc rách như nước chảy buổi sớm từ trên núi cao qua những con suối nhỏ, đưa trí tưởng tượng con trẻ đi rất xa… Những bài học đầu tiên về thế giới. Những bài học làm người đầu tiên… Vậy mà chưa bao giờ tôi có ý nghĩ tìm gặp lại bác!
Thật khó lý giải cho sự vô tâm của mình khi đứa trẻ từ lâu đã trở thành người lớn!
Bây giờ, trong khu Bách Khoa, chúng tôi mở một câu lạc bộ đọc sách. Nhiều người vui mừng bảo, bây giờ, ở đây mới có một thư viện cộng đồng nhỏ đón các em vào đọc miễn phí, thật là một hoạt động có tâm, tử tế! Ấy thế mà không phải đâu! Cái thư viện nhỏ bé từng có xưa kia, người thủ thư hồn hậu và ngón đàn kỳ diệu xưa kia – mới thực là khởi nguồn trong trẻo cho những khao khát kiếm tìm tri thức, khao khát chia sẻ và hướng thiện.
Tôi viết xong những dòng ký ức mùa rét này thì trời vừa sáng. Cũng là lúc tôi đã có thể bước ra đường, đến quãng đường còn mơ hồ dấu vết của khu nhà cũ, để hỏi tin tức về bác Hải, người thủ thư của thời thơ ấu tôi…
Thụy Anh