Nếu ai đã từng ít nhất một lần tham gia buổi ký tặng độc giả nhân dịp ra mắt tác phẩm mới của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thì mới thấy ông “được lòng” người đọc trẻ tuổi đến dường nào. Tôi không muốn khưu trú lại ở từ “trẻ em”, mà dùng từ “trẻ tuổi”, bởi đâu chỉ mỗi có các bạn thiếu niên nhi đồng mới “say như điếu đổ” các tác phẩm của ông.
Được coi là một trong những best-seller của văn học nước nhà, các cuốn truyện mới của Nguyễn Nhật Ánh thậm chí được mua hết ngay từ khi chưa xuất bản xong, còn các cuốn truyện cũ thì tái bản không ngừng nghỉ. Ngay đầu tháng 9, Nhà xuất bản Trẻ đã tái bản “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” và “Tôi là Bêtô”, và tôi không thể không bị “ám ảnh” bởi cụm từ “in lần thứ năm mươi ba” và “in lần thứ ba mươi”.
Cuốn sách “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” bản tiếng Việt và tiếng Anh
Có ai đó nói rằng: Nguyễn Nhật Ánh có số “chạy” sách. Tác phẩm nào của ông cũng được mọi người đón nhận nồng nhiệt. Tôi thì tôi nghĩ rằng, chính Nguyễn Nhật Ánh đã tạo nên “số phận” của mình như vậy, bởi viết chính là nghề nghiệp, là lẽ sống và là sứ mệnh của ông như ông từng chia sẻ: “Mỗi dân tộc đều có treo một quả chuông trước cửa sổ tâm hồn của mình. Nhà văn có sứ mạng phải rung những quả chuông đó lên, bằng văn chương”.
Các tác phẩm của ông thấm đẫm hơi thở cuộc sống, không một chút màu mè, không một chút giả tạo, không “lên gân”, không gượng ép, đầy chất thơ và giàu tính nhân văn. Bởi vậy mà cho dù là tuổi nào cầm sách của ông trên tay cũng có thể gật gù, cũng có thể đồng cảm, cũng có thể thấy hình ảnh mình trong đó. Hiếm có một nhà văn nào mà lại có riêng một hội thảo khoa học giải mã sự thành công của mình như Nguyễn Nhật Ánh nhưng với tôi thì cái-sự-chạy-sách của ông dường như là một tất yếu khách quan, như ông cha ta dạy “Hữu xạ tự nhiên hương”.
Hiếu Nguyễn
(Nhân Hội thảo khoa học “Nguyễn Nhật Ánh – Hành trình chinh phục tuổi thơ do Trung tâm Ngôn ngữ và Văn học – Nghệ thuật Trẻ em, Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức hôm 16/9/2015)