Home / Giới thiệu sách / Nhà văn Otfried Preussler viết sách từ vốn truyện dân gian

Nhà văn Otfried Preussler viết sách từ vốn truyện dân gian

Những câu chuyện dân gian huyền thoại là nguồn cảm hứng để Otfried Preussler tạo ra những tác phẩm dành cho thiếu nhi mê hoặc trẻ em khắp thế giới.

Otfried Preussler (1923 – 2013) là một trong những nhà văn viết cho thiếu nhi nổi tiếng nhất của Đức. Các tác phẩm của ông đã được dịch ra 55 ngôn ngữ và được trẻ em yêu thích. Ông đã được trao tặng nhiều giải thưởng văn học thiếu nhi Đức và thế giới. Các tác phẩm của ông được xuất bản tại Việt Nam: Krabat và cối xay phù thủy, Tên cướp Mũi To, Câu chuyện mới về tên cướp Mũi To, Chuyện về bà phù thủy ngồi trên cán chổi và sắp tới là cuốn Thủy thần nhỏ.

Otfried Preussler rất ngưỡng mộ tài kể chuyện của bà ngoại mình, chính những câu chuyện dân gian huyền thoại bà kể từ thuở nhỏ đã truyền cảm hứng cho ông. Ông gọi thời thơ ấu của mình là “chuỗi ngày thảnh thơi tuyệt vời”.

Nhà văn Otfried Preussler khi còn sống

Otfried Preussler bắt đầu viết sách từ năm 12 tuổi, với những bài thơ, mẩu truyện nho nhỏ và tự vẽ minh họa. Cuốn sách đầu tiên ông viết cho thiếu nhi cuốn Thủy thần nhỏ (The Little Water Sprite) được xuất bản năm 1956. Truyện kể về một thủy thần nhỏ thích phiêu lưu với những khám phá thú vị, mới mẻ và cả những khó khăn trong hành trình chu du ấy.

Cuốn sách tiếp theo của ông – Chuyện về bà phù thủy ngồi trên cán chổi (The Little Witch) – ngay khi mới xuất bản đã thu hút sự quan tâm của công chúng. Chuyện kể về một phù thủy nhỏ muốn chứng tỏ mình tốt để được gia nhập vào Hiệp hội phù thủy và những lễ hội đêm. Tuy nhiên, trong thế giới của các phù thủy thì những việc xấu lại là những việc tốt và ngược lại. Dù vậy, cô phù thủy nhỏ đã làm được những việc tốt thực sự và trừng phạt những kẻ chuyên phá rối người khác.

Trong những tác phẩm nổi tiếng của Otfried Preussler luôn chứa đựng mô-tuýp của truyện kể dân gian về cái thiện và cái ác. Cuốn Tên cướp Mũi To (The Robber Hotzenlotz) kể về cậu bé Kasperl dũng cảm chống lại những kẻ độc ác cùng với cuốn Thủy thần nhỏ (The Little Water Sprite) và Krabat và cối xay phù thủy (Krabat – The Satanic Mill) – chuyện về cậu bé Krabat vô tình lọt vào một trường học ma thuật – là những tác phẩm tiêu biểu nhất của ông. Otfried Preussler đã viết Krabat và cối xay phù thủy suốt 10 năm ròng, bắt nguồn từ những huyền thoại dân gian Đức thế kỷ 17. Cuốn sách được xuất bản lần đầu tiên năm 1972 và đoạt nhiều giải thưởng văn học thiếu nhi. Theo Tạp chí Phụ huynh ĐứcKrabat và cối xay phù thủy là cuốn sách mà những bậc cha mẹ ở Đức thường mua và đặt trên giá sách tặng con. Năm 1977, phim hoạt hình Krabat ra đời, sau đó là nhạc kịch, ballet. Năm 2008, hãng 20th Century Fox chuyển thể Krabat và cối xay phù thủy thành phim.

Về sở thích viết cho thiếu nhi, sinh thời, ông từng chia sẻ: “Bởi vì tôi yêu trẻ em, tôi thích nghe và kể lại những câu chuyện từ khi tôi còn nhỏ. Ngoài ra, tôi có một niềm tin mãnh liệt rằng, trẻ em là những độc giả quan trọng và tuyệt vời nhất mà bất cứ tác giả nào cũng muốn hướng tới”. Nhà văn cũng tiết lộ, về cơ bản, mỗi cuốn sách cho thiếu nhi đều dành cho ít nhất một người lớn chính là ông.

Otfried Preussler chia sẻ: “Đơn giản, tôi là một người kể chuyện – một người có những lý do tuyệt vời để lý giải tại sao anh ta thích kể những câu chuyện của mình cho trẻ em, cả những trẻ vị thành niên nữa. Và tại sao tôi lại kể cho chúng nghe những câu chuyện của mình theo cách mà tôi vẫn kể? Bởi vì tôi không chỉ cảm thấy thoải mái khi sử dụng trí tưởng tượng của mình mà bởi tôi còn quan tâm tới việc làm thế nào để kích thích trí tưởng tượng cho độc giả bằng ý nghĩa của những câu chuyện đó. Tôi luôn khuyến khích độc giả phát huy trí tưởng tượng và tôi cũng dạy cho họ cách phát huy trí tưởng tượng ấy”.

Các tác phẩm của Otfried Preussler xuất bản ở Việt Nam

Otfried Preussler thích viết vào buổi sáng sớm, khi một ngày mới bắt đầu. “Tôi bắt đầu bằng việc đi bộ với một chiếc máy ghi âm nhỏ, vừa đi tôi vừa sáng tác và ghi âm lại. Tôi trở về nhà vào buổi trưa và dành cả buổi chiều ngồi ở bàn viết, tôi làm việc tới 8 giờ tối”, nhà văn từng kể. Sau khi ghi âm, ông sẽ đánh máy lại vào máy tính, và khi đã có bản thảo trên giấy thì đọc lại và hoàn thiện lần cuối. “Tôi không thích làm việc với những người thô lỗ, những người tỏ vẻ như cái gì cũng biết. Tôi đặc biệt ghét sự hấp tấp, ở bất cứ nơi đâu, dù là đi lại trên đường hay bất cứ việc gì trong cuộc sống hàng ngày”.

Otfried Preussler nói, ông muốn sống trong thế giới của Chúa và phương châm sống của ông là “Hãy biết ơn mỗi ngày!”. Otfried Preussler từng có thời gian làm giáo viên, viết báo, từng đi lính và bị bắt làm tù binh. Năm 2006, sau cái chết của vợ mình, Preussler ít xuất hiện trên văn đàn, trở về sống trong ngôi nhà có khu vườn xinh đẹp của ông ở Haidholzen, Bavaria, Đức. Ông qua đời tháng 2 năm nay, ở tuổi 90.

Phùng Hà (Theo vnexpress.net)

About admin2

Scroll To Top