Những động thái khuyến khích, cổ vũ văn hóa đọc cho thiếu nhi đang được lan tỏa rộng rãi bởi tâm huyết của những người làm sách, yêu sách. Không chỉ có gia đình, nhà trường, các đơn vị phát hành sách mà nhiều tổ chức xã hội cũng đã và đang cùng chung sức để xây dựng môi trường đọc sách thân thiện cho thiếu nhi. Hoạt động CLB Đọc sách cùng con của tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh cũng là một “nhịp cầu” đưa bạn đọc nhỏ tuổi đến với sách như thế.
Bài đã đăng trên báo Người Hà Nội
Là người may mắn đồng hành với CLB Đọc sách cùng con từ khi mới thành lập nên tôi đã phần nào hiểu được những nỗ lực và thành công của CLB. Từ mục đích ban đầu rất khiêm tốn là giúp đỡ các bà mẹ chọn sách cho con đọc, giúp con trẻ tạo hứng thú đọc sách, tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh và các đồng sự của mình đã làm được nhiều việc có ý nghĩa rộng lớn hơn.
Trước hết về cách thức kết nối các thành viên tham gia, CLB Đọc sách cùng con đã mở trang web và kết nối mạng xã hội Facebook hướng đến việc chia sẻ thông tin liên kết một cộng đồng đọc sách có mục đích giáo dục nhân văn luôn cập nhật với tình hình xuất bản ở thị trường sách Việt Nam và cả thế giới.
Những buổi đọc sách do CLB Đọc sách cùng con tổ chức tại các địa điểm từ Thư viện Quốc gia, Thư viện Hà Nội đến các phòng trà, quán café, các phòng giao lưu của Trung tâm văn hóa Pháp, Viện Goethe… và ngay chính tại địa điểm trụ sở xinh xắn của CLB tại Phòng 104 Nhà K7 khu tập thể Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)… tất cả đều diễn ra rất sinh động. Ở đây, các em nhỏ cùng các bậc cha mẹ đều được tham gia vào những trò chơi thú vị, được tiếp xúc với các câu hỏi gợi mở dẫn dắt tới các chủ đề đọc sách, được làm việc theo nhóm và đặc biệt luôn nhận được sự động viên khích lệ rất hợp tâm lý của tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh.
Những buổi đọc sách định kỳ tổ chức tại trụ sở CLB và các chi nhánh
Ngoài ra tại CLB còn tổ chức các buổi đọc sách tiếng Anh, đọc sách Khoa học
Với các em nhỏ hiện nay, để tiếp nhận được những cảm xúc từ sách đôi khi vấp phải những khó khăn bởi “thiếu vốn sống thực tế”. Tôi đã được chứng kiến một lần để giúp các em hiểu được câu văn miêu tả “tiếng côn trùng kêu râm ran…”, chị Thụy Anh đã bật máy ghi âm để cho các em nghe lại đoạn băng ghi trực tiếp tiếng côn trùng kêu ở một vùng nông thôn. Có lẽ đây chỉ là một ví dụ nhỏ trong rất nhiều những biện pháp phong phú của CLB Đọc sách cùng con.
Với tấm lòng yêu quý văn học thiếu nhi Việt Nam, CLB Đọc sách cùng con đã trở thành nơi gặp gỡ, giao lưu của các nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi với các em nhỏ. Ngoài các nhà văn, nhà thơ ở Hà Nội thường xuyên cộng tác như Nguyễn Xuân Thủy, Phong Điệp,Phan Thị Thanh Nhàn, Trần Hữu Việt, Nguyễn Quang Hưng… và tôi (với biệt danh Bà Thủy Thần), các nhà văn ở TP Hồ Chí Minh như Vũ Hùng, Nguyễn Nhật Ánh, Trần Quốc Toàn, Trần Đức Tiến (Vũng Tàu), Nguyên Hương (Đắc Lắc), Nguyễn Thị Kim Hòa ( Ninh Thuận) khi có dịp đến Hà Nội đều được chị Thụy Anh mời đến với các em thiếu nhi. Ngay cả với những tác giả đã khuất như Võ Quảng, Phạm Hổ, Xuân Quỳnh, Trần Hoài Dương… CLB Đọc sách cùng con đã là một nơi truyền bá giá trị của những di sản văn học, một chốn đi về thân thiết của gia đình người thân của các nhà văn.
Bà Thủy Thần là cái tên trìu mến mà các thành viên dành tặng nhà văn Lê Phương Liên. Bà thường xuyên tham gia, quan tâm và ủng hộ đến các hoạt động của CLB Đọc sách cùng con
Từ việc tạo hứng thú cho trẻ em đọc sách, CLB Đọc sách cùng con đã tiến tới việc đưa các em học sinh thành phố tiếp xúc với nông thôn, học hỏi dân ca quan họ Bắc Ninh, chèo cổ, đồng dao…; tổ chức những trại hè đưa các em thiếu nhi tới các đơn vị hải quân, tham quan các tàu biển… Từ việc “tạo hứng thú đọc sách” trẻ em được những trải nghiệm mở rộng trí tưởng tượng tiến đến những trải nghiệm thực tế cụ thể sinh động nhằm bồi dưỡng sự phát triển nhân cách theo hướng lành mạnh.
Trong những năm tháng gian khổ của thời chiến, chúng ta đã có một câu nói hay “cái khó ló cái khôn”, trong những năm tháng thời bình việc duy trì và phát triển nền văn hóa cho trẻ em Việt Nam đã thăng trầm với bao nhiêu biến động và thử thách, việc xuất hiện CLB Đọc sách cùng con theo cảm nhận của tôi thật là một hồng phúc cho sự phát triển văn hóa đọc của trẻ em nước nhà. Mong sao ở các địa phương trong cả nước những hoạt động đẩy mạnh việc phát triển lành mạnh văn hóa đọc cho trẻ em với những mô hình tổ chức xã hội như CLB Đọc sách cùng con với nhiều hình thức phong phú hơn nữa sẽ càng ngày càng phát triển.
Nhà văn Lê Phương Liên (Theo báo Người Hà Nội)