Home / Bài Viết / NHỮNG ĐỨA TRẺ ĐƯỢC NÓI

NHỮNG ĐỨA TRẺ ĐƯỢC NÓI

Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 45 khép lại với thành công vang dội: giải Nhất quốc tế của em Nguyễn Thị Thu Trang, cựu học sinh lớp 9 trường THCS Nguyễn Trãi, Nam Sách, Hải Dương. Ngày 7/10/2016, Thu Trang đã vinh dự bước lên bục danh dự của Đại hội lần thứ 26 Liên minh bưu chính thế giới tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, nhận huy chương Vàng trong sự ngưỡng mộ và xúc động của những người lớn có mặt tại đó: gần 2000 người đến từ 150 quốc gia thành viên. Họ xúc động vì lá thư của em – tiếng lòng của nhiều đứa trẻ đã bắt đầu biết nghĩ đến những điều lớn lao của thời đại, đồng thời vẫn biết trân trọng, nâng niu những điều nhỏ bé của riêng mình, biết chia sẻ ước mơ với cộng đồng để một ngày chính các em sẽ là người làm cho thế giới này tốt đẹp hơn. Bức thư của Thu Trang với lời lẽ sâu xoáy, cách đặt câu hỏi thẳng thắn, trực diện nhưng cũng rất khéo léo, tinh tế đã khiến nhiều người rung động và suy ngẫm. Thậm chí, có đôi chút sợ hãi cho tương lai đầy bất ổn của loài người mà nghĩ đến trách nhiệm của mỗi quốc gia, mỗi con người là công dân thế giới trước nền hoà bình luôn bị đe doạ.

Một em nhỏ đã nói! Và những người lớn đã nghe.

Ngày 14/10/2016 vừa qua, một lần nữa, Thu Trang lại được Bộ thông tin và truyền thông, Bộ giáo dục và đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vinh danh tại trường THCS An Thới, Bình Thuỷ, Cần Thơ trong buổi lễ phát động cuộc thi lần thứ 46 – năm 2017.

Vinh quang dồn dập rồi đến một ngày sẽ dịu lại, em nhỏ trở về với bài vở, cuộc sống sinh hoạt có thể buồn tẻ hoặc vất vả thường ngày. Có thể sẽ hẫng hụt một chút chăng?! Tôi rất hy vọng Trang sẽ đón nhận niềm vinh dự này như một kỷ niệm tuyệt đẹp của Tuổi học trò. Nó sẽ là cú hích để em tự tin dấn bước vào con đường hẳn đã thành hình rõ ràng hơn trước mắt em, để em nhìn xa hơn, nhẹ nhàng vượt qua mọi ổ gà khúc khuỷu và thậm chí cả lá hoa loè loẹt níu kéo dọc đường.

Tôi nghĩ đến những bạn nhỏ đang háo hức đợi UPU ra đề cho lần thi thứ 46. Sẽ là một đề tài thú vị, dí dỏm hay hóc búa, gai góc? Rồi các em sẽ đến với cuộc thi với tâm thế nào? Hăm hở viết ngay những gì mình ấp ủ, suy nghĩ, miễn để thể hiện cái tôi độc đáo trong mình, một cô bé, cậu bé đáng yêu nào đó? Hay sẽ dè dặt đưa ra ý tưởng để mọi người bàn luận, góp ý, để các cô giáo hướng dẫn, khơi gợi? Hoặc thậm chí sẽ có ai tham gia mà chẳng hiểu mình tham gia để làm gì, đơn giản thấy mọi người viết thì mình cũng viết thôi?! Có những ai trong các em thực sự muốn dùng nét chữ riêng mình để thuyết phục thế giới, chuyển tải một thông điệp của chính tâm hồn mình? Có những ai viết chỉ để theo đuổi một giải thưởng?

Khi giao lưu với các em, tôi không hiểu sao, sợ nhất câu hỏi: “Làm thế nào để đạt giải cao?“. Có thể tôi hơi cực đoan, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng, người đoạt giải phải là người có bức thư được viết trong sự thăng hoa của cảm xúc, run lên vì bắt được một nhịp nghĩ, sôi nổi phát triển một ý tâm đắc, và chấm câu cuối cùng là một dấu chấm hài lòng và mệt rũ vì đã viết hết, trút hết lòng mình cho đối tượng nhận thư trong tưởng tượng. Vừa là cuộc chơi, vừa là cơ hội được lên tiếng. Và cái giải ấy có thể là giải thưởng của Ban tổ chức, cũng có thể sẽ là một khoảnh khắc tự hào, choáng ngợp vì sự trưởng thành của bản thân.

Tôi luôn nhớ thày giáo dạy Văn của tôi thường nói, khi đi thi, đừng nghĩ đến điểm và giải thưởng, hãy “biểu diễn” mình.

Là thành viên Ban giám khảo, năm vừa rồi là năm đầu tiên của tôi, tôi đã phần nào được chứng kiến sự “biểu diễn” của các em trong các bài thi. Những non nớt, những già giặn, những bay bổng, những thật thà… của các em khiến tôi cảm động. Và tôi đọc các em mà rưng rưng, biết ơn bọn trẻ đã cho chúng tôi cơ hội ghé nhìn một góc tâm hồn còn trong veo của chúng. Với đề bài: “Hãy viết một bức thư cho chính mình năm 45 tuổi“, cậu bé Đức Anh lớp 5 còn ở tuổi chơi đồ chơi, nói về mục đích viết thư là để tâm sự với người bạn 45 tuổi – chính là mình trong tương lai- vì buồn và cô đơn trong ngôi nhà của mình chứ không phải để dự thi!

Một bạn nhỏ khác lại dặn dò “mình-người lớn” một cách khẩn khoản thế này: “Tôi không muốn cái máy tính tại bàn làm việc cũng chiếm luôn đôi mắt bạn, khiến bạn chẳng thể nào nhìn được vẻ đẹp của cuộc sống. Tôi càng không muốn cái không khí đến lạnh người kia nơi công ty chiếm lấy đôi tai bạn – những thanh âm tươi mới, rộn ràng, vui vẻ của cuộc sống bạn nào có nhận ra!” Đây cũng là điều mà em quan sát được từ bố mẹ và những người xung quanh và em cho rằng, cách sống ấy đang tiêu diệt dần cuộc sống.

Một cô bé ở Vĩnh Phúc lại kể câu chuyện bi kịch của mình một cách lạc quan đến cảm động: Em bị ung thư, và em hy vọng mình sẽ sống được ít nhất đến 45 tuổi để nhận lá thư này. Ung thư giờ không phải là vấn đề cấp tính mà đã trở thành … “mãn tính” của xã hội, một căn bệnh mang trong mình rất nhiều bất cập của các khía cạnh cuộc sống. Ô nhiễm môi trường, sự độc ác của con người khi đang tâm đầu độc nhau bằng những thực phẩm bẩn, sự yếu đuối dần của con người trong cuộc chiến với bệnh tật… Nhưng ở cô bé này, kỳ lạ thay, ung thư lại là… cơ hội! – Cơ hội để em nhận thấy, cuộc sống đáng quý đến thế nào! Em viết: “Ung thư ban tặng cho con người “ngày cuối cùng tươi đẹp nhất” nhưng nó lại khiến người ta bất ngờ bởi lẽ không ai biết ngày đó sẽ đến vào lúc nào.”

Bức thư cho ta những khám phá bất ngờ về cách một đứa trẻ nhìn nhận và đối mặt với bất hạnh. Nói ra được như vậy, cho dù không chính thức giành được huy chương thì em đã nhận được tấm huy chương khác mà chính em trao cho mình: một thái độ sống an nhiên tuyệt đẹp!

Trong bài phát biểu tại buổi lễ phát động cuộc thi tại Cần Thơ, thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Minh Hồng đã tổng kết quá trình tham gia cuộc thi các năm trước của Việt Nam, nhắc lại những đề tài ấn tượng, cho thấy đây thật sự là “cơ hội thường niên” mà UPU trao cho các em, để em được nói, và có thể nói thật hay, thật khác biệt, khiến thế giới lắng nghe. Ở một góc độ nào đó, đây là bức thư của đứa trẻ gửi cho cả thế giới! Và UPU, giống như bác đưa thư nhân hậu xưa, cần mẫn kết nối đứa bé từ một “góc sân” đến “khoảng trời” rộng lớn bên ngoài.

Tôi muốn tin rằng, cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 46 tới đây cũng sẽ tạo một cơ hội nữa cho rất nhiều bạn nhỏ được thể hiện mình, được viết theo cách của mình, được nói to dõng dạc bằng chất giọng của riêng mình với thế giới. Chúng là người phát ngôn của thời đại chúng đang sống, của thế hệ chúng đại diện, và của chính tâm hồn mỗi cá nhân – duy nhất, không lặp lại! Chúng sẽ là “những-đứa-trẻ-được-nói” chứ không phải “những-đứa-trẻ-thi“!

Thuỵ Anh

Một số hình ảnh tại Đại hội Liên minh bưu chính thế giới lần thứ 26 (Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ) và buổi lễ phát động cuộc thi UPU lần thứ 46 tại trường THCS An Thới, Bình Thuỷ (Cần Thơ, Việt Nam)

Khoảnh khắc Nguyễn Thị Thu Trang nhận huy chương Vàng tại Đại hội Liên minh bưu chính thế giới lần thứ 26- Istanbul 10/2016

Đọc lại lá thư trước gần 2000 người đến từ 150 nước thành viên UPU, được dịch ra 7 thứ tiếng.

Trang bên bờ biển Istanbul, một trong những bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ thế này đã đón nhận em bé Aylan Kudri trở về với đất liền.

Mở đầu lễ phát động cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 46 tại Trường THCS An Thới, Bình Thuỷ, Cần Thơ.

Các tiết mục văn nghệ sôi nổi, đáng yêu.

Đội trống kèn rất điệu nghệ

Bạn nhỏ điều khiển lễ chào cờ bằng chất giọng lanh lảnh, hồn nhiên, dễ thương và nội dung nói cũng rất hóm hỉnh:”Em xin phép được điều khiển chung!”… Và “Mời các đại biểu … tự nhiên, các thày cô và các bạn ngồi xuống!”

MC – nhà báo Võ Hoàng Anh

Yêu quá!

Ban giám khảo chụp ảnh cùng Trang

Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Minh Hồng phát biểu. Ông tổng kết quá trình tham gia cuộc thi các năm trước của Việt Nam, nhắc lại những đề tài ấn tượng, cho thấy đây thật sự là cơ hội mà UPU trao cho các em, để được nói, và có thể nói thật hay, thật khác biệt, khiến thế giới lắng nghe. Ở một góc độ nào đó, đây là bức thư của đứa trẻ gửi cho cả thế giới! Và UPU, giống như bác đưa thư nhân hậu xưa, cần mẫn kết nối đứa bé từ một “góc sân” đến “khoảng trời” rộng lớn bên ngoài.

Thứ trưởng trao bằng khen của Bộ TTTT cho em Trang.

Anh Nguyễn Đức Quang, Tổng biên tập báo Thiếu niên tiền phong công bố thể lệ và “vặn giây cót” cho cuộc thi lần thứ 46.

Nguyễn Thị Thu Trang

Bạn UPU

Các bạn học sinh và cả ban giám khảo đều háo hức không kém

Cô Trần Thị Kim Dung, đại diện Bộ giáo dục và đào tạo cùng cô giáo dạy Văn của em Trang – cô giáo Trần Quỳnh Diệp.

Tấm này, ngôi sao lại là nhà thơ Trần Đăng Khoa! Hình như, tác giả văn học đầu tiên của trẻ em Việt Nam luôn là Trần Đăng Khoa! Thông điệp “Hãy đọc nhiều, đọc là tự học” được ông chuyển tải đến các bạn nhỏ Cần Thơ bằng những câu chuyện bếp núc thi ca thật dí dủm, khó quên.

Những nhà văn tươi xinh

BTC và BGK UPU quốc gia

Các nhà văn hạnh phúc được “làm phiền”

 Nguồn ảnh: từ thành viên BTC và BGK UPU

About admin2

Scroll To Top