Ngày 16-2, tại thủ đô Moscow, Liên bang Nga, dịch giả Nguyễn Thụy Anh vinh dự là dịch giả Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng văn học toàn Nga hằng năm dành cho tác phẩm văn học dịch.
Phóng viên (PV): Xin chúc mừng chị với giải thưởng “Ngôn từ là sợi chỉ gắn kết”. Chị có thể nói đôi điều về giải thưởng này?
Dịch giả Nguyễn Thụy Anh (TA): Đây là giải thưởng toàn Nga do Hội nhà văn Nga và Quỹ văn học “Con đường sống” thực hiện từ năm 2015, nhằm thúc đẩy giao lưu văn hóa, củng cố các mối quan hệ văn hóa và ngôn ngữ, phát hiện các tài năng mới trong dịch thuật, quảng bá văn học Nga ở nước ngoài. Theo Chủ tịch hội đồng xét giải, nhà văn Smolkin Igor Alexandrovich, thư ký Ban chấp hành Hội Nhà văn Nga, những năm gần đây, các dịch giả đoạt giải hầu hết là các nhà văn, nhà thơ người Nga và các nước SNG. Năm nay, lần đầu tiên giải được trao cho một người nước ngoài.
PV: Tác phẩm đưa chị đến với giải thưởng này là cuốn “Olga Berggoltz của tôi” do NXB Trẻ phát hành năm 2010 nhân dịp 100 năm ngày sinh của nhà thơ nữ người Nga Olga Berggoltz. Cơ duyên nào tác phẩm lọt “mắt xanh” Hội đồng xét giải?
TA: Có thể nói, cơ duyên bắt đầu từ chuyến đi thăm Việt Nam của nhà văn Albert Likhanov, tác giả cuốn sách “Ông tướng của tôi” được NXB Kim Đồng mới tái bản. Tôi có cơ hội được tiếp chuyện ông trong thời gian này. Albert Likhanov là một người nhạy cảm và tinh tế. Ông cảm nhận rất sâu sắc tình cảm người đọc Việt Nam với văn chương Nga và Xô Viết. Khi biết tôi dịch một số tác giả Nga, ông đã đặc biệt quan tâm đến cuốn “Olga Berggoltz của tôi”. Ông bày tỏ sự ngạc nhiên về mối quan tâm của tôi cũng như các độc giả Việt Nam tới nữ sĩ Xô Viết này và đánh giá cao cuốn sách không chỉ ở khía cạnh dịch thuật mà ở cả việc lựa chọn tác giả và các bài thơ để chuyển ngữ, và cách dựng lại chân dung nhà thơ thông qua bài khảo cứu các ghi chép, thư từ của Olga. Từ đó, ông đã đề cử cuốn sách vào giải.
Dịch giả Thụy Anh nhận giải thưởng tại Nga
PV: Những năm qua, một số dịch giả Việt Nam đã nhận được những giải thưởng dịch thuật quốc tế hoặc những kỷ niệm chương về đóng góp của họ trong công tác dịch thuật. Chị đánh giá như thế nào về điều này?
TA: Tôi rất ngưỡng mộ cách ứng xử của Chính phủ các nước đối với những dịch giả yêu mến ngôn ngữ và văn hóa của họ, góp phần đưa văn học nghệ thuật của họ đến gần với độc giả thế giới. Điều này phía Việt Nam, trong đó có vai trò của Hội Nhà văn Việt Nam cũng rất nên nghĩ tới. Thay vì tổ chức Hội nghị giao lưu quảng bá văn học một cách quá rầm rộ, chúng ta có thể lập Hội đồng chuyên môn về công tác dịch thuật, thu thập các đầu sách dịch, đánh giá sự nghiêm túc và hiệu quả lao động của dịch giả, từ đó trao giải để công nhận thành quả cũng như tạo động lực cho họ tiếp tục gắn bó, làm việc.
Hội cũng nên tạo lập hoặc tái thiết lập mối liên hệ mật thiết hơn với các Hội nhà văn các nước, giới thiệu cho họ những tác phẩm dịch có chất lượng của dịch giả nước mình, ở mọi lứa tuổi, mọi thế hệ, để nước bạn có cơ sở mà quan tâm động viên dịch giả. Trường hợp của tôi, nếu nhà văn Likhanov không tình cờ biết đến và giới thiệu thì cũng không có giải thưởng này. Tôi rất xúc động khi được biết Hội đồng xét và trao giải đã rất vui mừng và thể hiện sự trân trọng dành cho dịch giả. Tôi cũng chia sẻ với họ rằng trên thực tế, đối với văn học Nga còn rất nhiều người đang say mê công việc dịch thuật, làm việc rất sung sức và xứng đáng được để mắt tới, như dịch giả Ngô Tự Lập, Quỳnh Hương, Tạ Phương, Nguyễn Thị Kim Hiền…
PV: Xin chị chia sẻ suy nghĩ của bản thân về công tác dịch thuật?
TA: Dịch thuật là một hình thức lao động văn chương không kém phần vất vả so với việc sáng tác – tôi cho là như vậy, và ở góc độ nào đó, còn đòi hỏi tình yêu và sự hy sinh. Quên mình đi để hòa vào văn của người, hiểu người để nâng niu từng câu chữ của nguyên gốc, đồng thời lại phải có đủ vốn ngôn ngữ mẹ đẻ để diễn đạt sao cho linh hoạt, khiến độc giả của mình rung động y như độc giả nước bạn được đọc nguyên tác vậy. Cũng vì thế mà niềm vui của người dịch cũng lớn lao không kém người sáng tác. Việc đọc di cảo, nghiên cứu nhật ký, ghi chép, thư từ… của Olga Berggoltz cho tôi được cơ hội có những niềm vui lớn lao là giải mã được từ ngữ của tác giả, chuyển ngữ sang tiếng Việt thấy ổn – thế là tưởng như mình đang hòa nhập hẳn vào cuộc đời của nữ sĩ nước Nga, đau cùng bà, day dứt cùng bà, yêu đương sầu khổ và cũng cứng rắn gắng gỏi như bà.
PV: Chúc chị tiếp tục có nhiều tác phẩm dịch thuật giá trị gửi tới bạn đọc!
Phong Điệp thực hiện (Theo http://www.nhandan.com.vn)