Home / Bài Viết / Nỗi lo âu của bà mẹ “phục kích” phát hiện con trai xem phim người lớn

Nỗi lo âu của bà mẹ “phục kích” phát hiện con trai xem phim người lớn

Thưa chuyên gia và các bạn, vợ chồng tôi hiện đang công tác ở thành phố Hồ Chí Minh. Gia đình hai bên đều ở ngoài Hà Nội. Chúng tôi có một cháu trai đang học lớp 5 và một cháu gái 3 tuổi. Cả hai cháu đều khỏe mạnh, ngoan ngoãn nên chúng tôi rất yên tâm công tác.

Vì gia đình hai bên đều ở xa nên vợ chồng tôi thuê người giúp việc, vừa làm việc nhà vừa trông nom các cháu những lúc vợ chồng tôi bận rộn. Chồng tôi làm nghề xây dựng nên anh hay đi công tác xa, cuối tuần mới về thăm ba mẹ con được hai ngày.

Dạo gần đây, chị giúp việc nhà tôi có kể là cháu trai hay chốt cửa bên trong phòng, chị gọi thì một lúc sau cháu mới mở cửa. Khi mở ra thì cháu thường đờ đẫn, không tỉnh táo. Tôi lúc đầu cũng chỉ nghĩ là cháu nó mải chơi, ngủ quên hay tập trung nghe nhạc, xem phim nên như thế là chuyện bình thường.

Tôi choáng váng khi phát hiện ra con xem “phim đen”

Nhưng mới ba hôm trước, khi tôi đi làm về, chị giúp việc kéo vội tôi vào phòng riêng và kể rằng, chính mắt chị đã trông thấy cháu đang ngồi xem “phim đen” ở trên máy vi tính. Trưa hôm đó, cháu đi học về, ăn cơm xong thì bảo lên phòng ngủ vì buổi chiều không có ca học thêm. Không biết vội vàng thế nào mà cháu quên cả chốt cửa, thế là cánh cửa phòng bật ra và chỉ khép hờ.

 Khi đi ngang qua phòng, chị giúp việc ghé mắt nhìn vào xem cháu ngủ chưa thì thấy trên màn hình máy tính của cháu hiện ra những hình ảnh mà theo chị thì “không thể khủng khiếp hơn”. Chị còn cam đoan người lớn xem cảnh đó còn thấy kinh hãi chứ đừng nói đến đứa trẻ lớp 5. Khi chị đẩy cửa bước vào thì cháu nhanh tay tắt phụt màn hình đi và quát: “Cô đi ngay ra ngoài cho cháu học bài”.

 Lúc này thì tôi đã sôi máu lắm rồi nhưng không thể mắng con được vì không bắt được tận tay. Chọn hôm con không phải đi học buổi chiều, tôi “phục kích” về nhà buổi trưa, đột ngột vào phòng thằng bé lúc nó khóa cửa vì tôi có chìa khóa phòng. Đúng như chị giúp việc nói, màn hình của cháu hiện lên những cảnh thật kinh hoàng. Đến người lớn như tôi xem còn phải đỏ mặt quay đi.

 Tôi vô cùng tức giận, ngay lập tức đã cho cháu hai cái bạt tai, tịch thu máy tính, cắt dây mạng. Tôi đã không thể bình tĩnh nổi lúc đó.

 Cho đến hôm nay tôi vẫn chưa nói chuyện với cháu. Tôi không biết cuối tuần này lúc bố cháu về, tôi có nên nói với bố cháu việc này hay không. Cháu thì tỏ ra rất hối hận, xin mẹ cho lắp lại máy tính và hứa hẹn không bao giờ xem “phim đen” nữa nhưng tôi không đồng ý.

Tôi đang vô cùng tức giận và bối rối. Xin chuyên gia và các anh chị có kinh nghiệm cho tôi một vài lời khuyên. Xin cám ơn mọi người rất nhiều.

Ý KIẾN CHUYÊN GIA

Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh

Chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con

Chị Đông Vũ kính mến, 

Tôi thật sự rất chia sẻ “cơn choáng” và nỗi lo lắng của chị. Bản thân tôi cũng có con trai 12 tuổi, và tôi luôn nghĩ, có thể đến một lúc nào đó tôi phát hiện con mình vào một link “đen”, xem những hình ảnh không hợp tuổi, mình sẽ phải làm gì?

Trên thực tế, chị và tôi đều biết, ngoài những điều tốt đẹp, thú vị mang lại cho con người, thế giới computer, mạng Internet luôn ẩn chứa những nguy hiểm trong các kênh thông tin cho cả người lớn lẫn con trẻ, đặc biệt là trẻ chớm bước vào tuổi teen.

Đây là độ tuổi các con bắt đầu lớn, sự tò mò muốn tìm hiểu thế giới mạnh hơn các lứa tuổi khác, đồng thời về mặt tâm sinh lý cũng có những phát triển đột biến, hooc-mon thay đổi, cơ thể cũng nhiều thay đổi.

Thời nay, bọn trẻ bắt đầu dậy thì tương đối sớm. Đây chính là lúc cha mẹ cần để ý đến chúng nhiều nhất để chia sẻ, hướng dẫn những vấn đề thắc mắc, băn khoăn về giới tính, về cơ thể mình mà đôi khi chúng ngại ngùng không dám nói ra.

Trẻ tuổi này thường rất dễ cảm thấy tự ti với cơ thể mình, đồng thời quan tâm đến cơ thể người khác, dễ bị ám ảnh với những hình ảnh hay sự va chạm với người khác giới.

Cha mẹ cần để ý đến con thật nhiều trong thời kỳ con dậy thì (ảnh ST)

Với thời đại truyền thông bùng nổ, các kênh truyền hình, trang mạng… và khắp nơi trong xã hội vẫn vô tình cung cấp thông tin cho đứa trẻ về những điều bố mẹ vốn cho là cấm kỵ. Bọn trẻ vẫn tìm cách thoả mãn trí tò mò của mình và chỉ khi nào bắt gặp “tận tay”, chúng ta mới tá hoả lên, cho rằng nó đã hư, đã rất có vấn đề.

 Trước tiên, theo tôi, cần khẳng định ngay là đây không phải là hiện tượng hiếm, là vấn đề “không của riêng ai”, rằng con chị không hư! Nếu nói là “bình thường” thì các bậc phụ huynh sẽ phản đối, nhưng quả thật, đây là tình huống bất kỳ đứa trẻ đang lớn nào cũng có thể rơi vào. Song, tôi cũng không cho đây là vấn đề của đứa trẻ mà thực ra lại là vấn đề của người lớn.

Tôi dùng từ “rơi vào” là nhấn mạnh khía cạnh “bị động”, “khách quan” của tình huống:

– Thứ nhất: sự thay đổi cơ thể, hooc-môn và tính tò mò cao của trẻ;

– Thứ hai: trẻ chưa được chuẩn bị cho việc dùng máy tính và các kỹ năng để “bơi” trong mạng Internet;

– Thứ ba: chính cha mẹ cũng vô tình chưa nghĩ trước những vấn đề có thể xảy ra khi cho con dùng máy tính, chưa trang bị cho mình kiến thức bảo vệ đứa trẻ và chưa trang bị cho con kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình trước những nguy hiểm vô hình thế giới ảo mang lại.

Việc xem phim sex chỉ là một trong những vấn đề có thể xảy ra (tôi nhấn mạnh từ “có thể” – nghĩa là ta hoàn toàn lường trước được để nghĩ giải pháp đề phòng hoặc xử lý ngay từ khi nó chưa xảy ra);

– Thứ tư: bố mẹ không đủ thời gian để quan tâm tới đời sống tinh thần của con trong giai đoạn này… Thái độ của người lớn chúng ta: Tôi cho rằng, việc cần làm trước tiên là phải giữ được bình tĩnh, không đẩy tình huống đến mức căng thẳng: đánh, mắng, tệ hơn là nhiếc móc, phê phán, khép tội đứa trẻ, dùng những từ “mạnh” để đánh giá chúng, gây tổn thương tinh thần.

Chị nên nói chuyện với bố cháu vào thời điểm bình tĩnh nhất, cùng trao đổi để tìm hướng giải quyết chứ không phải “mách tội” con để bố “xử lý nghiêm khắc”. Đằng nào cách này sẽ không đem đến hiệu quả tích cực, đặc biệt là trong trường hợp cha con cả tuần mới gặp nhau một lần, sự gần gũi còn chưa đủ – việc đánh mắng sẽ đẩy cháu xa bố mẹ hơn. Việc cấm máy tính hoàn toàn cũng không phải là giải pháp hay.

Nếu cháu vì sợ, vì bị đánh, vì bị cấm mà không dùng máy tính nữa thì ai đảm bảo rằng ở nơi khác cháu không lén lút tiếp tục vào những trang mạng không lành mạnh? Sự cấm đoán đôi khi còn gây tác dụng ngược, khiến đứa trẻ càng muốn tìm đến những thứ bị cấm nhiều hơn.

Nếu ở địa vị chị, tôi sẽ ngồi lại thảo luận cùng cháu. Trước đó, chị hãy cùng anh thống nhất sẵn “kịch bản” để tránh nổi nóng, mất kiểm soát. Thảo luận rất dân chủ bằng những câu hỏi:

– Theo con, những ảnh nhạy cảm, phim có nội dung người lớn thường được ghi +18, có nghĩa là gì?

– Theo con, nguyên nhân nào khiến mẹ lo lắng và đã nổi giận khi thấy con xem những hình ảnh đó? (vì mẹ lo cho con – những ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ dưới 18 tuổi; ảnh hưởng đến học tập; nếu cô giáo và các bạn biết cũng rất không hay; không còn thời gian làm các việc khác vì rất dễ bị ám ảnh…).

 – Theo con, mục đích bố mẹ cho phép con dùng máy tính là gì? (học, tìm hiểu thông tin hay, có thể nghe nhạc, thư giãn… chứ không phải làm những điều mà trẻ vị thành niên không nên làm theo khuyến cáo. Về mặt luật pháp, bố mẹ là người chăm sóc con ít nhất là đến 18 tuổi – bố mẹ không đảm bảo được an toàn về sức khoẻ và tinh thần của con, bố mẹ cũng có lỗi…).

 – Thậm chí có thể, nếu chị thấy thoải mái, xin lỗi con vì thời gian qua chúng ta ít thời gian cùng chơi, làm một việc gì đó với nhau. Đứa trẻ sẽ dễ mở lòng và nghĩ ngợi nghiêm túc hơn khi cảm thấy thiện chí, chân thành từ phía người lớn. Suy cho cùng, nói chuyện với con không phải để “bắt lỗi”, doạ nạt hay quát tháo, đay nghiến, mà để giúp con nhìn thấy vấn đề, hiểu được bố mẹ, hợp tác với bố mẹ.

 Hướng năng lượng của trẻ đến những hoạt động thể chất (ảnh ST)

Đôi khi cảm giác được tin, được chia sẻ cũng khiến con suy nghĩ và cố gắng không phụ lòng tin của người lớn. Hãy tin là đứa trẻ luôn muốn được tin và được bố mẹ yêu quý. Những gì trẻ làm sai, hành xử chưa hợp lý cũng là việc tự nhiên trong quá trình lớn dần lên và rút ra kinh nghiệm sống của chúng mà thôi.

Tuy vậy, cũng cần có những biện pháp cải thiện vấn đề. Tôi đề xuất: 

1. Thống nhất với trẻ giờ (thời gian biểu) và thời lượng trong ngày được sử dụng máy tính, Internet. Điều này cần được viết ra và treo lên đâu đó trong phòng, như một quy tắc được thoả thuận. Nói rõ nếu vi phạm thì bố mẹ sẽ tạm dừng thời gian dùng máy tính của con trong vòng bao nhiêu ngày. Cho phép trẻ đưa ra lựa chọn khoảng thời gian hàng ngày dùng máy và “hình phạt” (số ngày không được dùng máy tính).

2. Máy tính cần được để ở phòng sinh hoạt hoặc học tập chung để tránh việc con khoá cửa trong phòng. Đó là nguyên tắc lẽ ra ngay từ khi mua máy tính bố mẹ cần thống nhất với trẻ. Trước 15 tuổi, máy tính không đặt trong phòng riêng của con. Tuy vậy, bố mẹ vẫn hãy tỏ ra tôn trọng con, không ngồi kè kè bên cạnh khi con học hoặc thậm chí chơi cùng máy tính.

Đôi lúc cả gia đình có thể cùng nhau chơi một trò chơi chung trên máy và thi đua xác định xem ai được điểm cao hơn. Ở tuổi lên 10, 11 như cháu, trẻ vẫn rất có nhu cầu chơi và được bố mẹ chia sẻ.

Đây là cơ hội bố mẹ kéo con trở thành bạn, “đồng minh” của mình, qua đó khéo léo bày cho con cách ứng xử trên mạng xã hội và các vấn đề khác liên quan đế n máy tính, chỉ cho con những thú vị, hay ho con có thể khám phá nhờ Internet, các phần mềm làm ảnh, làm phim, vẽ hoạt hình, ảo thuật, ca nhạc… hay những gì con đang quan tâm. Đây cũng là một hoạt động chung của gia đình rất nên có trong thời đại công nghệ.

3. Nếu có thể, khi trẻ đi vắng, bố mẹ thử mời chuyên gia IT đặt bộ lọc các trang web đen với những từ khoá cần tránh.

4. Và cuối cùng, trẻ sẽ bớt quan tâm đến những hình ảnh không lành mạnh khi chúng ta hướng năng lượng của chúng vào các hoạt động bên ngoài, nâng cao thể lực. Mỗi lần bố có điều kiện ở nhà, hãy cùng con tìm hiểu xem có thể theo học một môn thể thao nào đó như đá bóng, võ thuật hay nhảy hip hop không. Những kỹ năng thể thao, nhảy múa luôn khiến đứa trẻ giải phóng được sự tự ti về cơ thể, hướng chúng đến các hành vi tích cực và lành mạnh, từ đó mà tư duy cũng mạch lạc, trong sáng hơn.

Tôi tin rằng, mọi lo lắng không hết được nhưng sẽ dịu lại, chị sẽ bình tĩnh giải quyết việc này cùng con. Chỉ cần giữ thái độ rất bình tĩnh, giữ lòng tin với con và không bao giờ nhắc lại chuyện này để dằn hắt, đay nghiến cậu bé.

Theo http://tamsugiadinh.vn/

About admin2

Scroll To Top