PV: Xin chào Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh. Cảm ơn chị đã tham gia cuộc trò chuyện ngày hôm nay cùng Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ. Trước hết, xin chị chia sẻ những suy nghĩ của mình trong năm qua khi nhận được rất nhiều câu hỏi cần tư vấn từ các em học sinh.
TS Thụy Anh: Trước hết, tôi xin bày tỏ sự cảm kích của mình đến Ban biên tập tạp chí Văn học và Tuổi trẻ. Cảm ơn các anh chị đã cho tôi cơ hội được đến với các em trực tiếp như thế này. Mỗi lần nhận thư các em, có dòng chữ “Kính gửi cô Thụy Anh…”, và những tâm tình nhắn nhủ tin cậy, tôi rất xúc động. Tôi thường nhớ lại mình vào thời điểm cùng lứa tuổi với các em, mình cũng cần biết bao một người lớn để tâm tình, hoặc đơn giản chỉ để nghĩ tới, chia sẻ, đôi khi không lời. Tôi chưa thể là một người lớn tuyệt vời như thế được đối với các em, rất đáng tiếc, vì những bận rộn bình thường trong cuộc sống một người bình thường. Nhưng mỗi lần trả lời một bức thư, tôi luôn viết với sự chân thành cao nhất, và nghĩ về em, người đã tin cậy tôi, với tình cảm của một người thày đối với học trò, một người chị, người mẹ muốn hỗ trợ tinh thần và muốn hiểu các em thật sự.
Tạp chí Văn học và tuổi trẻ
PV: Sau hơn 2 năm đồng hành cùng học sinh qua chuyên mục “Góc tư vấn tuổi hồng”, chị có nhận xét gì về phạm vi quan tâm của các em trong năm qua so với những năm trước đó? Câu hỏi nào để lại nhiều ấn tượng cho chị nhất?
TS Thụy Anh: Gần 3 năm đồng hành cùng “Góc tư vấn tuổi hồng”, tôi thấy, những băn khoăn của các em khá đa dạng, nhưng những câu hỏi nhiều nhất tập trung vào những vấn đề: Cách học, làm sao để tạo động lực học, chia sẻ những lo lắng và áp lực trước các kỳ thi; Cách ứng xử với bạn bè đồng trang lứa, điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, sự mong manh của cảm xúc khi chớm nở những rung động đầu đời, những suy nghĩ nghiêm túc về tình bạn, tình yêu; Mâu thuẫn, chưa hiểu nhau giữa bố mẹ và con cái và cách hóa giải – thường các em dù buồn nhưng cũng rất có thiện chí, muốn cải thiện mối quan hệ còn chưa thấu hiểu nhau với bố mẹ; Vấn đề định hướng nghề nghiệp cho tương lai. Ngoài ra, các em còn bày tỏ chính kiến của mình về nhiều vấn đề khác nhau trong cuộc sống học đường. Chẳng hạn, chuyện dùng tiếng long, ngôn ngữ “tuổi teen” trong nhà trường – các em cũng có những băn khoăn và chia sẻ thú vị. Một trong những câu hỏi khiến tôi nâng lên đặt xuống nhiều nhất khi viết trả lời là câu hỏi về những bất cập trong ứng xử của thày cô giáo với học sinh. Đây, có thể nói, là một vấn đề nhạy cảm. Những gì các em phản ảnh là sự thật, chúng ta không thể phủ nhận. Nhưng làm sao trả lời mà không né tránh, cũng đem lại niềm tin cho các em, để các em vẫn nhìn thấy được những điều tốt đẹp trong cuộc đời, những điều tốt đẹp đang chờ em, bởi “phía trước là bầu trời”, là “những cây táo nở hoa”…
PV: Qua các vấn đề các em quan tâm, chúng ta cũng cần nhìn nhận lại vai trò của người lớn trong việc giáo dục trẻ em. Chị có ý kiến gì về vấn đề này?
TS Thụy Anh: Những băn khoăn của các em, dù ở nhiều hình thức khác nhau, thì tôi thấy, cũng không khác với tuổi mới lớn của chúng tôi ngày xưa là bao. Vẫn những hoang mang khi đứng trước cuộc đời, lo lắng cho tương lai, mong muốn điều tốt đẹp nhưng nhiều khi cảm thấy không đủ sức, không đủ năng lượng để sống tích cực hơn, chăm chỉ hơn, giỏi giang hơn… từ đó mà có nhiều thất vọng với chính mình, với bạn bè, với cả những người lớn xung quanh.
Tôi, một lần nữa cho rằng, người lớn phải hỗ trợ các em bằng cách hướng dẫn cách học, phương pháp học, giảm tải thi cử bài vở khiến cuộc sống các em nhiều khi quá nặng nề vì nhiều lo lắng, áp lực. Người lớn, thày cô hay bố mẹ hoặc những người thân quen, cần lắng nghe các em nhiều hơn là phán xét, đồng thời, lôi cuốn các em vào các hoạt động xã hội, giúp các em tham gia vào cuộc sống nhiều hơn. Càng lớn, càng phải quan sát cuộc sống, sống hồ hởi, thử sức mình ở nhiều hoạt động sống chứ không ép mình vào các cuộc thi… Chỉ có như thế, các em mới có thêm động lực học, tự tin hơn vào bản thân mình, nhìn được cuộc sống với mọi góc độ xấu tốt, vui buồn của nó. Đó là điều kiện để các em hiểu và khám phá bản thân tốt hơn, có hướng lựa chọn nghề nghiệp chính xác hơn, và nếu có gặp những vấn đề hóc búa nào, cũng không dễ dàng thất vọng hoặc tệ hơn, rơi vào trạng thái trầm cảm.
Một điều nữa cần nhắc đi nhắc lại, dù tôi đã nói trên kia: người lớn KHÔNG NÉ TRÁNH bất kỳ vấn đề nào có thể thảo luận được với các em – thảo luận một cách bình tĩnh, dân chủ – có nghĩa là lắng nghe và trao đổi chứ không sẵn sàng gạt đi mọi suy nghĩ, dù là “dấm dớ” nhất của tuổi mới lớn ít nhiều còn ngây ngô đáng yêu này.
Tôi nhớ, ngày bằng tuổi các em, tôi từng mơ ước có được một người lớn thú vị, hài hước, dễ chịu, lắng nghe tôi và hóa giải mọi điều giúp tôi bằng sự hóm hỉnh nhẹ nhõm của mình. Một em bé thường được cưng nựng. Nhưng khi em bé đó lớn lên đôi chút, người ta bắt đầu nhìn em nghiêm khắc hơn, bắt em phải thế này thế kia, sốt ruột khi em chưa làm được như người lớn yêu cầu. Từ đó mà không khí xung quanh một đứa trẻ tuổi teen và những người lớn đôi khi khá nặng nề, đầy những “Phải thế này, phải thế kia” mà ít đi tiếng cười thoải mái. Người lớn nên nghĩ lại về điều ấy. Có chút hài hước, vui cười, đôi khi “nhố nhăng” với nhau, cuộc sống của các em sẽ giảm được nhiều áp lực hơn – những thứ áp lực mà nhiều khi người lớn không ngờ rằng trẻ em đang phải chịu đựng.
Trẻ mới lớn cần có những phút hài hước vui đùa, đồng thời cũng cần những khoảnh khắc lắng lại của nội tâm. Người lớn gần các em cũng chính là những người sẽ khơi gợi những khoảnh khắc ấy bằng tâm tình chân thật, trò chuyện tin cậy cùng các em. Các em hoàn toàn đủ sức hiểu và chia sẻ nhiều vấn đề của người lớn trong cuộc sống – hãy tin vào các em.
TSGD Nguyễn Thụy Anh – Chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con
PV: Nhân dịp năm mới, chị có lời nhắn gửi gì tới các em học sinh?
TS Thụy Anh: Nhân dịp năm mới sắp đến, tôi chỉ muốn gửi những lời yêu thương đến các bạn trẻ của tôi. Nói thế này có thể nghe buồn cười, nhưng thật tình, các em là những người tôi chưa được gặp mặt nhưng nghĩ đến các em, tôi luôn thấy có chút lo lắng, có chút mong đợi, có chút tự hào và rất nhiều thương mến. Mong các em có một năm mới tích cực. Đôi lúc ngồi ngẫm nghĩ, ngắm trời ngắm đất để mơ mộng cũng tốt và cần thiết, nhưng đừng để thời gian trôi đi vô ích nhé! Mỗi ngày hãy nhìn lại để thấy, mình làm được một việc khiến mình vui vui. Hãy tìm cho mình một người lớn để tin cậy, tâm tình, nhưng thi thoảng, hãy cứ viết thư cho cô Thụy Anh. Có thể cô chưa đủ thời gian để trả lời hết mọi lá thư của các em, thì mong các em hiểu rằng, cô vẫn đọc thư và chia sẻ với các em từ xa, không lời. Những thư đặc biệt “khẩn cấp”, cô sẽ liên lạc trực tiếp ngay.
Chúc các em cùng gia đình, thày cô, bạn bè của mình những ngày sống đầy nhiệt huyết, tình cảm, vui tươi.
E-mail của cô: docsachcungcon@gmail.com
PV: Xin cảm ơn chị. Chúc chị cùng gia đình một năm mới an khang thịnh vượng, luôn tâm huyết với các bạn trẻ.
Theo tạp chí Văn học và tuổi trẻ