Home / Giới thiệu sách / “Nữ hiệp sĩ Alanna Von Trebond” – câu chuyện đáng tin về một nữ anh hùng

“Nữ hiệp sĩ Alanna Von Trebond” – câu chuyện đáng tin về một nữ anh hùng

Những tác phẩm phiêu lưu giả tưởng, đối với các em nhỏ, bao giờ cũng hấp dẫn. Đọc bộ truyện “Nữ hiệp sĩ Alanna Von Trebond” của tác giả người Mỹ Tamora Pierce (NXB Trẻ – 2009), tôi bất đồ thầm so sánh với thiên truyện nổi tiếng về chú bé phù thủy Harry Potter của J.K.Rowling. Truyện về nữ hiệp sĩ ra đời sớm hơn rất nhiều (những năm 80 của thế kỷ trước), và bất ngờ thay, cho đến khi đến được tay bạn đọc trẻ Việt Nam qua bản dịch của dịch giả Khanh Khanh, chúng vẫn còn nguyên tính thời sự, hoàn toàn có khả năng “cạnh tranh” với Harry Potter với cách dựng nhân vật và không gian truyện rất hiện đại, không hề … lạc hậu chút nào.

Tamora Pierce (*) đã dùng bối cảnh thời Trung cổ để dẫn dắt người đọc đến với cô bé Alanna của mình, người đã giả trai trong nhiều năm để được trở thành hiệp sĩ. Bốn tập truyện (“Thành phố đen”, “Trong vòng tay Đức mẹ”, “Cây kiếm vỡ”, “Viên kim cương quyền lực”) đưa bạn đến với những cuộc tranh hùng giữa các bộ tộc, giữa các vị quốc vương của những miền đất mang những cái tên đầy bí ẩn.

Ở đó có các trường học đào tạo tiểu đồng và hiệp sĩ, có những chiến binh kiêu hãnh sẵn sàng chấp nhận cái chết tiền định để thanh danh của mình sáng mãi, có những phù thủy, pháp sư phép thuật cao cường, những con vật biết nói… Trong thế giới kỳ lạ ấy, có người sáng suốt, có người mê mụ, có người trung thành, có người phản trắc. Nghĩa là, câu chuyện của sự giả tưởng, nhưng lại không xa cách cuộc sống thực là bao.

Bạn đọc sẽ được đồng hành cùng Alanna với cái tên con trai là Alan và sau này là nữ hiệp sĩ có biệt danh “Sư tử cái của vương quốc Tortall”, dấn thân vào cuộc trường chinh đầy kỳ thú và bất ngờ. Alanna là một trong những nhân vật mang dáng dấp nữ anh hùng trong loạt tác phẩm giả tưởng của tác giả Tamora Pierce.

Gần đây có nhiều thông tin cho rằng, giới trẻ ngày nay không còn tin vào những nhân vật anh hùng và những hành động quả cảm trong cuộc sống. Tôi lại không nghĩ vậy. Tuổi mới lớn vẫn cần có được niềm tin vào những điều kỳ vĩ lớn lao như thế, nhưng với hiểu biết về thế giới và những kiến thức khoa học ngày càng được cập nhật nhanh chóng thời nay, bạn đọc trẻ tuổi đón nhận hình tượng anh hùng mà nhà văn xây dựng nên một cách khắt khe hơn.

Đó không chỉ là những người có sức khỏe siêu phàm và giỏi giang hơn người, mà còn phải rất thật, đáng tin với những tình cảm đẹp đẽ và cả những hoang mang, âu lo mà người trẻ từng hoặc sắp phải trải qua. Nhân vật Alanna của Tamora Pierce có được điều đó. Hơn thế, trong tác phẩm của mình, nhà văn không né tránh những vấn đề một đứa trẻ – một thiếu nữ đang lớn – quan tâm: sự thay đổi hàng ngày về tâm sinh lý, những băn khoăn về tình bạn, tình yêu, thậm chí đến cả chuyện quan hệ luyến ái, chuyện phân định lằn ranh tình cảm, thả mình cho cảm xúc yêu hay là hướng tới hôn nhân trong tương lai…

Nhân vật nam, nữ của Tamora Pierce vẫn có được sự ngây thơ đáng yêu, sự nông nổi bồng bột của tuổi dậy thì, đồng thời cũng trong sáng, trung thực, nhanh nhẹn, mạnh mẽ, dám nghĩ dám làm, ham học hỏi, say mê tự do, khao khát làm được những điều tốt đẹp phi thường và sẵn sàng hy sinh ham thích cá nhân vì nghĩa lớn. Chỉ riêng những điều đó thôi hẳn đã chiếm được cảm tình của người đọc mới lớn.

Nhưng tôi cho rằng, điều đáng nói hơn nữa là, loạt sách này góp phần làm bớt đi điều mà người lớn hiện nay lo lắng: đó là sự thực dụng thái quá ở những người trẻ. Giới trẻ ngày nay phải thực tế hơn thế hệ đi trước, nhưng quyết không nên sa vào chủ nghĩa thực dụng. Chúng vẫn cần được chắp cánh bởi những ước mơ và hoài bão lớn, những suy tư mơ mộng cần thiết mà không hề viển vông. Suy cho cùng, con người biết tưởng tượng và làm chủ sự tưởng tượng của mình mới có thể lớn lên trong cuộc đời được!

Bốn tập sách được dành riêng cho lứa tuổi 12 đến 19, nhưng tôi đồ rằng, người lớn đọc cuốn này cũng nhận được rất nhiều. Thật thú vị khi đọc những dòng phân tích về số phận con người. Những triết lý trong cuốn sách này được gài vào khéo léo và giản dị, chẳng có gì to tát, nhưng chúng sẽ cho bạn đọc trẻ những khái niệm đầu tiên mới mẻ về cái gọi là số phận, về sự sắp đặt không vô tình của vũ trụ, và dù có hay không sự can thiệp của các vị thần linh và thế giới siêu hình thì con người vẫn là những nhân vật “có khả năng ảnh hưởng đến dòng sự kiện”. Với những người lớn, điều này không phải là không có ý nghĩa!

Nữ văn sĩ Mỹ Tamora Pierce sinh năm 1954 tại Connellsville, Pennsylvania, tốt nghiệp khoa tâm lý tại Đại học tổng hợp Pennsylvania, bắt đầu sáng tác từ năm 11 tuổi.. Hầu hết các tiểu thuyết của bà đều là truyện giả tưởng dành cho lứa tuổi dậy thì. Cho tới nay, Tamora Pierce đã viết 20 tiểu thuyết và 3 truyện ngắn, trong đó Bộ sách bốn tập “Bài ca về sư tử cái” (hay câu chuyện về nữ hiệp sĩ Alanna Von Trebond) mang đến cho bà danh tiếng thế giới đầu tiên – có trong danh sách BESTSELLER DÀNH CHO TEEN ở Mỹ và châu Âu, và được nhận Giải thưởng “Những Con Mọt Sách” của đài truyền hình ZDF (CHLB Đức).

Thụy Anh

About admin2

Scroll To Top