Tôi thường nghe các phụ huynh bày tỏ nỗi băn khoăn về rất nhiều điều cụ thể như: con bướng quá, phải làm sao?; làm sao để con… hòa nhập được với các bạn ở trường?; làm sao để con nghe lời mình mà không sợ mình?; có cách nào phạt khi nó có lỗi mà làm cho nó sợ cạch đến… già không chứ con tôi nói rồi lại phạm lỗi, bố mẹ dọa, đe nẹt, đánh mắng thường xuyên không ăn thua?…
Mỗi đứa trẻ là một thế giới. Mỗi gia đình lại có những vấn đề riêng. Thế nhưng, chắc hẳn phải có điều gì là gốc, là chung để chúng ta có thể từ đó mà “ứng vạn biến” chứ? Tôi nghĩ là có. Đầu tiên, hãy bắt đầu từ những định nghĩa đúng.
Đã bao giờ bạn cảm thấy sượng sùng trước mặt khách khứa hoặc người lạ ngoài đường khi con của bạn thường ngày vẫn khá dễ bảo, lúc ấy lại kiên quyết từ chối chào hỏi một ai đó? Và khi không kiểm soát được cảm xúc, thậm chí, bị rối trí vì những lời nhận xét ác ý, những cái gật đầu đầy thông cảm, bạn sẵn sàng túm lấy đứa bé mà phệt cho vài cái vào mông hoặc chỉ đơn giản là quát thật to. Kết quả là đứa trẻ càng lì ra và cơn nóng giận của phụ huynh càng bốc lên bừng bừng. Bấy giờ, bạn có cảm giác, càng quát to, trách nhiệm của cá nhân người mẹ (người cha) trước bướng bỉnh của con càng nhẹ đi: “Tôi đã rất nghiêm khắc uốn nắn nó đấy chứ! Có lý do gì mà trách tôi được?”.
Câu chuyện như thế xảy ra khá phổ biến.
Một chị bạn tôi kể rằng, chị luôn bị đám đông gây áp lực, chị mắng con vì ngại đám đông nhiều hơn là vì chính mình khó chịu với sự mè nheo của trẻ. Nhiều người bạn khác cũng chia sẻ điều ấy. Chính bản thân tôi cũng đã có trải nghiệm đó. Đám đông, dư luận, những tiếng ì xèo của hàng xóm, sự so sánh dù là khập khiễng của người đời giữa đứa trẻ nọ với đứa trẻ kia, sự đánh giá khắt khe từ phía xã hội… – tất cả đều tạo nên áp lực nặng nề đối với những bậc phụ huynh đang nuôi dạy con, khiến họ, trong những thời điểm nhất định, mất bình tĩnh, và đánh mất sự tỉnh táo của mình trong mối giao lưu với con cái.
Stop! Hãy cẩn thận: áp lực từ đám đông!
Điều này chỉ có thể cải thiện khi ta hiểu được sâu sắc và khẳng định được một cách chắc chắn, đứa con mà ta sinh ra là gì trong cuộc đời ta?
Con là ai?
Là đứa trẻ do ta sinh ra, ta có trách nhiệm hy sinh vì nó, còn nó, ngược lại, có trách nhiệm hiểu được sự hy sinh ấy mà mang ơn ta và làm những điều ta mong muốn?
“Là một tờ giấy trắng” để cha mẹ, thày cô tùy tiện vẽ vào?
Là một cái “cây bonsai” được uốn nắn, thật nghiêm khắc, kiên trì, dù cây sẽ phải trải qua đau đớn?
Là một tờ giấy thấm, thấm đến hết những lời dạy dỗ rèn giũa của cha mẹ ông bà, những kiến thức mà thày cô truyền thụ?
Và còn rất nhiều ví von khác nữa.
Thú thật là tôi không thích tất cả những cách ví von như thế. Xin đừng quên rằng, đứa trẻ, dù mới là một hài nhi non nớt thì vẫn là một con người hoàn chỉnh – một con người có những tố chất riêng, có hình hài cha mẹ sinh ra và “Trời sinh tính”, có năng lực của tiềm thức, những bí ẩn về định mệnh được sắp đặt bởi Trời Đất, những chòm sao… Giữa vũ trụ này, đứa trẻ là một cá thể độc lập, phụ thuộc vào những người nuôi dưỡng nó về mặt vật chất, thể chất, nhưng lại không phải là “ vật sở hữu” của họ. Mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái có thể là: tình yêu, lòng tin, niềm yêu thương, sự vui thích, sự mến mộ, niềm thán phục, niềm hạnh phúc… để rồi cùng nhau xây dựng một sự thỏa thuận tích cực thông qua lòng đồng cảm, sự chia sẻ và cả tinh thần trách nhiệm đối với cuộc sống vật chất, thể chất và tinh thần của nhau. Mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái chớ là: nỗi sợ hãi, sự phục tùng, sự áp đặt, gây áp lực, sự sở hữu… để rồi phải xét nét, quát nạt, ra hình phạt, ra điều kiện… mà vẫn cảm thấy bất lực trong việc giao lưu tiếp cận lẫn nhau.
Trong một chừng mực nào đó, con cái bạn có thể là một “partner” của bạn ngay cả trong việc nuôi dạy chính bản thân chúng. Với sự hợp tác, thấu hiểu của con, bạn có thể trở thành một “đồng minh” tốt của con, đồng hành cùng con trên con đường học để trở thành một con người, hơn thế, thành một con người hạnh phúc, được tôn trọng.
Nhiều người bạn tôi nhận xét rằng, khi sinh con ra, cuộc đời họ thay đổi – và đó là những thay đổi rất lớn lao. Nhờ đứa trẻ, ta trở thành cha mẹ, sống có trách nhiệm hơn với bản thân, với những người xung quanh. Hiểu hơn nhiều giá trị và ý nghĩa của cuộc đời. Hiểu hơn về sợi dây liên hệ thiêng liêng giữa cha mẹ và con cái. Những ngày tháng nuôi con có thể cho họ nhiều suy ngẫm và niềm vui, từng ngày, thậm chí từng giờ. Chính vì thế, không ngoa khi có người khẳng định, cha mẹ – con cái đều cần phải biết ơn nhau.
Con là con của mẹ. Nhưng con thích giơ chân thế này lúc đi xuống cầu thang cơ, mẹ ạ.
Thỏa thuận và những hình phạt
Bắt đầu từ sự định nghĩa lại các khái niệm, chúng ta có thể thay đổi phương pháp dạy con. Thay vì đặt ra luật lệ, bố mẹ có thể cùng con đưa ra những thỏa thuận. Những đứa trẻ luôn đề cao sự công bằng. Chúng có thể nhõng nhẽo, làm mình làm mẩy trong nhiều trường hợp nhưng lại luôn tôn trọng sự công bằng. Mà điều ấy bố mẹ có thể đạt được bằng sự thỏa thuận rõ ràng, rành mạch, vào lúc con vui vẻ nhất. Sự thỏa thuận này chính là LUẬT do con và bố mẹ cùng làm ra. Giống như luật chơi trong các trò chơi tuổi nhỏ chúng ta vẫn tự giác tuân thủ vậy.
Câu chuyện của bạn tôi là một ví dụ: cậu bé con của bạn tôi mới gần 3 tuổi, rất thích xem kênh Bibi. Mỗi lần bắt bé tắt đi để làm việc khác là một lần nhà cửa ầm ĩ, con khóc, mẹ mắng, bố đánh đòn, bà bênh… Cho đến khi mẹ của bé hiểu ra một điều: đứa trẻ cần hiểu mọi việc một cách logic hơn, trong sự thỏa thuận vui vẻ giữa mẹ và con chứ không phải mẹ áp đặt giờ xem phim, giờ tắt phim của con. Bạn tôi giải thích với bé là chúng ta còn rất nhiều việc để làm, giờ nào làm việc nào, vì thế, hai mẹ con cùng ngồi vẽ một thời gian biểu xinh xắn, trong đó có thỏa thuận về giờ giấc xem tivi. Nhưng trước khi hết giờ, lần nào bà mẹ cũng cảnh báo trước để con chuẩn bị tinh thần: “Chỉ còn 5 phút nữa thôi là hết giờ. Con xem nốt và khi kim dài chỉ đến số 6 là chúng mình tắt tivi nhé?”.
Thật hiệu nghiệm! Bất kỳ việc gì bạn tôi cũng có thể thỏa thuận như vậy với bé và “công cuộc dạy dỗ” có vẻ nhẹ nhõm đi rất nhiều.
Bây giờ nói đến những hình phạt.
Cũng hãy cùng nhau bắt đầu từ những khái niệm. Hình phạt dành cho một đứa trẻ có nghĩa gì? Một sự trả giá cho việc làm sai trái của trẻ? Một sự thể hiện uy quyền của người lớn khiến trẻ phải biết “rén”, biết sợ mà răm rắp tuân theo luật lệ đã đề ra? Hai định nghĩa ấy e rằng có nhiều bất cập. Tôi cho rằng, một đứa trẻ … có quyền được sai. Cũng như một học sinh, muốn được điểm 10 phải trải qua quá trình điểm thấp, cao dần rồi mới thành tài mà được điểm cao hơn nữa. Đó là quá trình thử làm – làm được – có sai, sửa sai rồi đến làm đúng- làm thành quen và cuối cùng mới là làm giỏi, trở thành kỹ năng. Không phải ngẫu nhiên mà người Nga có một câu nói rất hay: “Chúng ta học từ những lỗi sai”.
Như vậy, ngay cả những lỗi sai mà trẻ phạm phải cũng không xảy ra một cách vô ích. Chúng cho trẻ những bài học.
Đó là điều tất yếu sẽ xảy ra, phải xảy ra trong quá trình một đứa trẻ học để sống hài hòa với cộng đồng, tuân thủ những nguyên tắc xã hội. Người lớn không lờ đi những sai sót của trẻ, nhưng cũng không “mừng rỡ” vì “bắt” hay “soi” được lỗi. Người lớn phải là người chỉ ra cho trẻ, vì sao lại có những lỗi đó, thấu hiểu và đồng cảm với khó khăn mà trẻ gặp phải, chia sẻ cảm xúc lo lắng, sợ hãi, băn khoăn, hối hận chắc chắn sẽ có ở trẻ khi lỡ làm điều chưa đúng, chưa hay để rồi từ đó hướng dẫn trẻ luyện tập suy nghĩ logic hơn, quyết định chính xác hơn và biết tôn trọng những thỏa thuận đề ra. Mọi hình phạt đều phải được báo trước khi đưa ra những thỏa thuận, mà đã thống nhất thành nguyên tắc thì phải làm, tránh việc đề ra mà lúc làm lúc không. Thái độ đúng đắn, công minh của người lớn đối với lỗi sai của trẻ sẽ khiến những lỗi sai ấy trở thành bài học ghi nhớ suốt đời.
Ngược lại, những hình phạt có tính chất bạo lực mà người lớn đưa ra lúc nóng giận (tát, đánh, đấm đá, đuổi ra khỏi nhà, véo tai…) hoặc bằng lời dọa dẫm, chì chiết nhắm tới mục đích khiến trẻ xấu hổ, nhục nhã, sợ hãi mà không lặp lại lỗi lầm nữa – đều thể hiện sự bế tắc, bất lực của người lớn trong việc tiếp cận con mình. Nếu lặp lại nhiều lần – đó là tội ác.
Những gì người lớn nói ra, nhất là những người thân, hoặc đôi khi chỉ là một ánh mắt lạnh lùng, một cử chỉ thô bạo… đều ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc tự đánh giá bản thân của trẻ. Đừng vì muốn “phạt thật nặng cho sợ, cho nhớ” mà vô tình đẩy trẻ vào những trạng huống tâm lý tiêu cực. Những đứa trẻ bướng bỉnh, nổi loạn hay trầm uất, luôn tự kết tội mình… đều có thể bắt đầu từ những hình phạt thiếu cẩn trọng của người lớn.
Lại nói về “áp lực từ đám đông”
Trở lại câu chuyện về áp lực từ đám đông, cha mẹ chúng ta làm sao đây để giữ được sự tự tin vào chính mình trong việc nuôi dạy con cái, tránh được áp lực tiêu cực từ phía xã hội? Theo thiển ý của tôi, điều này không quá khó nếu ta luôn tự nhìn lại định nghĩa những khái niệm. Nuôi dạy con là gì? Cuộc sống gia đình là gì? Chúng ta – cha mẹ và con cái- đang tận hưởng những ngày quý giá bên nhau, cùng khám phá nhau, khám phá mối ràng buộc thiêng liêng về mặt huyết thống, đồng thời cùng nhau làm nên những kỷ niệm. Sau này, khi con lớn lên, cha mẹ già đi, rồi bất cứ điều gì xảy ra, thì những kỷ niệm ấu thơ chính là chỗ dựa tinh thần lớn lao cho một con người, giúp anh ta sống mà không cảm thấy bơ vơ trong cuộc đời này.
Với “định nghĩa” như vậy về cuộc sống gia đình, tôi tin rằng, mọi áp lực từ phía đám đông sẽ trở nên không đáng kể. Và nuôi dạy con không còn là gánh nặng, là nhiệm vụ “bất khả thi” mà là một việc hứa hẹn nhiều điều thú vị bất ngờ!
TSGD Nguyễn Thụy Anh