Hồi trước, nhà em ở khu tập thể Nam Đồng nên em học mẫu giáo ở trường Việt Triều. Hôm đầu em khóc rất nhiều vì sợ. Cả ông bà nội, bố mẹ và chú Lực phải đưa em đến trường. Thế mà về sau em lại thích. Trường Việt-Triều rất đẹp, có nhiều cây xanh và rất nhiều đồ chơi. Cô giáo Hương rất xinh và hiền. Cô Hương B cũng hiền. Các cô giáo khác cũng thế. Hồi lên bốn tuổi em sang Paris chơi cùng bố mẹ. Em được đến thăm trường mẫu giáo của cô Odile, vợ chú François. Trường ở Pháp cũng đẹp, cũng có nhiều đồ chơi nhưng không có cây xanh, không đẹp bằng trường Việt-Triều. Em rất tự hào về trường em.
Sân trường Việt-Triều. Ảnh: website của nhà trường
Một hôm, cô Hương giải thích cho chúng em rằng Việt-Triều có nghĩa là Việt Nam – Triều Tiên. Có nói rằng trường em do nhân dân Triều Tiên xây tặng trẻ em Việt Nam. Đó là lần đầu tiên em nghe nói về Triều Tiên, một nước ở rất xa Việt Nam, nhưng không xa bằng nước Pháp. Về sau, em lại phát hiện ra một điều thú vị nữa. Đó là ông ngọai em đã từng học ở Triều Tiên. Da dẻ ông rất hồng hào. Bố em bảo chắc ông được uống nhiều sâm Triều Tiên, vì sâm Triều Tiên rất tốt. Em nghĩ người Triều Tiên cũng rất là tốt bụng.
Ông ngoại em rất thích xem bóng đá. Ông nội em mất rồi, nhưng trước đây ông cũng thích xem bóng đá. Em cũng thích xem bóng đá, chắc là giống ông nội và ông ngoại. Năm nay có World Cup ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Em thích nhất cầu thủ An Chung Hoan và đội Hàn Quốc. Em thấy nhiều người lớn gọi Hàn Quốc là Nam Triều Tiên. Em hỏi bố, bố giải thích rằng vì chiến tranh nên Triều Tiên bị chia thành hai, đó là Bắc Triều Tiên và Nam Triều Tiên. Nam Triều Tiên còn gọi là Hàn Quốc.
– Vì sao có chiến tranh hả bố?
– Vì người ta không hiểu nhau.
– Vì sao không hiểu nhau? Họ nói hai thứ tiếng hả bố?
– Không, họ nói cùng một thứ tiếng. Có khi còn cùng một gia đình.
Em thấy chuyện này rất kỳ lạ.
– Thế người Bắc Triều Tiên hay người Hàn Quốc tốt hả bố?
– Cả hai đều tốt.
– Thế người Bắc Triều Tiên hay người Hàn Quốc xây trường con?
– Đó là người Bắc Triều Tiên.
– Thế người Nam Triều Tiên Làm gì?
– Họ làm nhiều thứ lắm. Nhà mình dùng tivi Daewoo, máy giặt LG, đó là những thứ do người Hàn Quốc làm. Khách sạn Đại Hà, chỗ nhà mình đến ăn cơm với bác Zenon Kowal, cũng là do người Hàn Quốc xây.
– Người Hàn Quốc đá bóng giỏi hơn hả bố?
– Cả người Bắc Triều Tiên cũng đá bóng rất giỏi. Năm 1966 họ thắng cả đội Ý.
Em đã được sang thăm nước Ý. Đội Ý đá bóng rất giỏi. Em thấy càng lạ lùng hơn.
– Thế trẻ con có được sang chơi với nhau không?
– Không sang được đâu. Không được phép.
– Nếu cứ chạy ù sang thì sao?
– Chạy sao được. Người ta đã làm một cái hàng rào rất chắc, có cả mìn nữa. Ai cố tình chạy qua, mìn sẽ nổ.
– Nhưng tại sao người ta lại rào?
– Chuyện này phức tạp lắm. Bao giờ lớn con sẽ hiểu.
– Việt Nam ngày trước cũng bị chia đôi, nhưng bây giờ là một. Tại sao Triều Tiên không như vậy?
– Bố đã bảo rồi, chuyện này phức tạp lắm. Lớn lên con sẽ hiểu.
Nhưng em không thấy có gì là khó hiểu. Nếu em gặp các bạn Hàn Quốc và các bạn Bắc Triều Tiên, em sẽ rủ các bạn chơi cùng. Nếu gặp chú An Chung Hoan, em sẽ nhờ chú bảo người lớn phá cái hàng rào mìn đi./.
Chiến tranh là khi người ta không hiểu nhau, dù có khi nói cùng một thứ tiếng!
Bài được giải thưởng cuộc thi viết về Hàn Quốc do ĐSQ Hàn Quốc tại Hà Nội tổ chức, 2002